Tổ chức Phóng viên Không biên giới bày tỏ sự bất bình về bản án tổng cộng gần 15 năm tù đối với năm thành viên nhóm Báo Sạch, đồng thời lên án chính quyền Việt Nam về việc gia tăng đàn áp truyền thông độc lập.
“Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) bất bình về các bản án trong đó có người bị tuyên đến 4,5 năm tù mà một tòa án ở thành phố Cần Thơ, miền Nam Việt Nam, vừa tuyên đối với năm nhà báo vì điều hành một trang báo mạng chuyên đưa tin về tham nhũng và các vấn đề liên quan,” RSF cho biết trong thông cáo gửi cho VOA hôm chiều ngày 28/10.
Ông Daniel Bastard, trưởng bộ phận Châu Á - Thái Bình Dương của RSF, cho biết: “Việc tuyên án tù dài như vậy đối với năm nhà báo của nhóm Báo Sách cho thấy chính quyền Việt Nam đã đưa ra bằng chứng mới về quyết tâm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào trong việc làm báo và đưa tin một cách tự do”.
“Tệ hơn nữa, bằng cách cấm hoàn toàn những thành viên này hành nghề báo chí, các thẩm phán ở tòa án huyện Thới Lai chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã xem nhẹ hoạt động báo chí đến mức nào. Năm nhà báo này lẽ ra không phải bị ở tù,” ông Bastard nói thêm.
Sau ba ngày xét xử, hôm 28/10, tòa án huyện Thới Lai tuyên 5 thành viên nhóm Báo Sạch tổng cộng 14,5 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”, căn cứ theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, ông Trương Châu Hữu Danh, 39 tuổi, nhận mức án nặng nhất là 4 năm 6 tháng tù, bốn người còn lại là Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Lê Thế Thắng, trong độ tuổi từ 36-41, bị phạt tù từ 2-3 năm. Tòa cũng phán rằng cả 5 ông bị cấm hành nghề báo chí trong 3 năm sau khi chấp hành án tù.
Ông Danh bị bắt vào ngày 17/12/2020, các ông Nhã, Giang và Bảo bị bắt vào ngày 20/4/2021, còn ông Thắng bị quản thúc tại gia.
Truyền thông nhà nước dẫn cáo trạng cho biết vào khoảng tháng 8/2019, ông Danh cùng với các thành viên trong nhóm tạo Fanpage “Báo Sạch”, nhóm “Làm Báo Sạch” và kênh YouTube “BS Channel”.
Ông Danh nói tại tòa: “Mục đích ban đầu của bị cáo khi thành lập nhóm Facebook Báo sạch thì cũng giống như những người chơi Facebook khác, đầu tiên là để giải trí. Nhưng bản thân bị cáo là nhà báo, bản thân bị cáo cũng muốn phản biện xã hội và mong muốn được đóng góp, mong muốn làm những điều tốt đẹp trên Facebook,” theo báo Thanh Niên.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cho rằng hành vi của các bị cáo “gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò, uy tín của lãnh đạo đảng, nhà nước, chính quyền địa phương; gây hoang mang nghi ngờ, mất niềm tin trong nhân dân, gây bất ổn xã hội”.
Hôm 28/10, hãng Reuters trích lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tại châu Á của tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền) nói rằng Việt Nam không được đối xử với báo giới như thể họ là “kẻ thù của nhà nước”.
“Tống giam thêm các nhà báo công dân vẫn sẽ không ngăn được mọi người lên tiếng khiếu nại hoặc đòi cải cách ở Việt Nam”, ông Robertson nói, và đề nghị chính phủ cần phải “công nhận rằng các nhà báo công dân và báo chí độc lập là đồng minh của nền quản trị tốt”.
“Quyết định đưa ra những án tù nặng như thế đối với năm phóng viên thuộc nhóm Báo Sạch là sự tiếp nối biện pháp hà khắc hơn của Chính phủ Việt Nam đối với giới truyền thông độc lập. Biện pháp như thế tiếp diễn sau khi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thành công trong việc đưa ra đường lối bảo thủ cứng rắn tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021”, tổ chức RSF nhận định.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 4/2021 lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với vụ bắt giữ các thành viên của nhóm Báo Sạch và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả những ai đang bị giam giữ bất công cũng như tuân thủ các điều luật quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam cam kết.
“Việc bắt giữ 4 nhà báo này là những vụ bắt giữ mới nhất trong một xu hướng đáng lo ngại về việc giam giữ và kết án các công dân Việt Nam thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận đã được ghi trong hiến pháp Việt Nam,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong một thông cáo đưa ra hôm 26/4.
Việt Nam bị xếp hạng thứ 175 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 của RSF.
Phóng viên Không biên giới lên tiếng về bản án đối với nhóm Báo Sạch (voatiengviet.com)
Tòa án huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, hôm 28/10 tuyên án tù từ 2 đến 4 năm rưỡi đối với 5 thành viên nhóm Báo Sạch vì phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”, căn cứ theo Bộ luật Hình sự.
Các bản tin của Reuters và báo chí Việt Nam cho biết ông Trương Châu Hữu Danh, 39 tuổi, nhận mức án nặng nhất là 4 năm 6 tháng tù.
Bốn người còn lại là Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Lê Thế Thắng, trong độ tuổi từ 36-41, bị phạt tù từ 2-3 năm. Tòa cũng phán rằng cả 5 ông bị cấm hành nghề báo chí trong 3 năm.
Báo chí trong nước dẫn lại quan điểm của tòa xác định rằng 5 thành viên nhóm Báo Sạch đã “đăng nhiều bài viết sai sự thật lên mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tổ chức, cá nhân”.
Như VOA đã đưa tin, 5 người kể trên lập ra nhóm Báo Sạch trên Facebok hồi năm 2019 và nhanh chóng gây nhiều tiếng vang, đạt được lượng theo dõi khổng lồ do họ đăng nhiều tin, bài về các sai phạm của các quan chức tham nhũng cũng như của một số doanh nghiệp ở Việt Nam.
Không ít độc giả của Báo Sạch nhận xét rằng nhóm có những bài viết rất thẳng thắn và có những bằng chứng rất xác thực.
Hồi tháng 12/2020, ông Trương Châu Hữu Danh bị bắt. Hơn 4 tháng sau, tiếp tục đến 3 thành viên nữa của Báo Sạch bị bắt, riêng ông Lê Thế Thắng được tại ngoại.
Trả lời phỏng vấn của VOA chỉ một ngày trước khi bị bắt, ông Danh nói rằng ông thường viết về các sai phạm cụ thể của các quan chức địa phương và “không liên quan đến chế độ” hay “thể chế”, vì vậy, ở thời điểm đó, ông không tiên liệu rằng mình sẽ bị bắt.
Ông Danh thậm chí còn cho rằng việc làm của cá nhân ông và của nhóm “nên được khuyến khích”.
Tuy nhiên, theo tường thuật của báo chí bị nhà nước Việt Nam quản lý, bản án của phiên tòa diễn ra từ ngày 27-28/10 viết rằng các bài viết của ông Danh và đồng phạm tuy “không sử dụng hình ảnh, câu chữ rõ ràng mang tính chống phá, nhưng qua cách thức, nội dung trình bày đã khiến dư luận tin vào bài viết là đúng”.
Hệ quả là có nhiều người vào bình luận, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ, công kích, sử dụng ngôn từ khó nghe đối với các tổ chức, cá nhân, vẫn theo bản án.
Điều đó cho thấy “bị cáo có ý đồ, mục đích lôi kéo các đối tượng xấu tham gia bình luận chống phá đường lối, chủ trương của đảng, nhà nước", bản án khẳng định.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cho rằng hành vi của các bị cáo “gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò, uy tín của lãnh đạo đảng, nhà nước, chính quyền địa phương; gây hoang mang nghi ngờ, mất niềm tin trong nhân dân, gây bất ổn xã hội”.
Cũng đưa tin về phiên tòa song bản tin của Reuters trích lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tại châu Á của tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền) nói rằng Việt Nam không được đối xử với báo giới như thể họ là “kẻ thù của nhà nước”.
“Tống giam thêm các nhà báo công dân vẫn sẽ không ngăn được mọi người lên tiếng khiếu nại hoặc đòi cải cách ở Việt Nam”, ông Robertson nói, và đề nghị chính phủ cần phải “công nhận rằng các nhà báo công dân và báo chí độc lập là đồng minh của nền quản trị tốt”.
Vụ bắt bớ và bỏ tù nhóm Báo Sạch nằm trong chuỗi các vụ có tính chất tương tự mà chính quyền Việt Nam thực hiện để trấn áp những người đăng bài “chống nhà nước” trên mạng xã hội.
Việt Nam lâu nay bị chỉ trích về việc chính quyền kiểm soát chặt chẽ thông tin, báo chí, và không khoan nhượng với các hành vi chỉ trích.
Các phiên xét xử giới bất đồng và các nhà hoạt động ở Việt Nam cũng thường bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền xem là bất công vì họ cho rằng ở Việt Nam không có nền tư pháp độc lập.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten