Việt Nam: Hơn 1/3 tỉnh xác định ‘‘cấp độ dịch’’ theo chính sách mới
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Trong những ngày qua, truyền thông trong nước phản ánh nhiều lo ngại về việc nhiều tỉnh và thành phố chậm trễ trong việc áp dụng chính sách phòng chống dịch mới của chính phủ, ban bố hồi đầu tuần, đặc biệt liên quan đến việc duy trì các rào cản phòng dịch gây trở ngại nghiêm trọng cho giao thông đi lại giữa các tỉnh, các vùng. Tuy nhiên, tính đến hôm qua, 16/10/2021, có đến hơn 1/3 tỉnh, thành phố bắt đầu áp dụng chính sách mới của chính phủ.
Các tỉnh, thành phố Việt Nam đang đứng trước áp lực phải sớm có được chính sách đối phó với dịch Covid-19 theo chủ trương mới « sống chung an toàn với Covid-19 » của chính phủ, thay vì hướng đến « Zero Covid » như trước đây. Ngày 11/10, chính phủ ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời về việc « Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 », được coi là nền tảng cho chính sách mới. Ngày 12/10, bộ Y tế đã có « Hướng dẫn tạm thời » đưa ra một số tiêu chí y tế thống nhất trên toàn quốc, để bước đầu thực hiện chính sách trên.
Hệ thống phân loại mới về nguy cơ dịch, theo Nghị quyết 128 của chính phủ gồm 4 cấp. Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới), tương ứng với màu xanh, cấp 2 - nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng, cấp 3 - nguy cơ cao, tương ứng với màu cam và cấp 4 - nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ. Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, tính cho đến hôm qua, trên cả nước đã có 13 tỉnh, thành phố tự xác định dịch ở địa phương « cấp độ 1 » (hay « nguy cơ thấp », tức tình trạng « bình thường mới ») và 10 tỉnh, thành phố tự xác định dịch« cấp độ 2 » (tức « nguy cơ trung bình »).
Về một số ý nghĩa chính của chính sách mới và các thách thức đặt ra, Bác sĩ - Tiến sĩ Trần Tuấn (Hà Nội), thành viên Liên minh vận động xây dựng chính sách y tế dựa trên bằng chứng khoa học (EBHPD), nhận định :
« Tiêu chí để đánh giá mức độ lưu hành của dịch, gọi là đánh giá ‘‘cấp độ dịch’’ lần này đã phối hợp giữa ba loại thông tin để xác định. Thứ nhất là dựa vào kết quả của giám sát dịch tễ tại các ‘‘khu vực’’, và thể hiện bằng tỉ lệ ca mắc mới, và xét theo quy mô dân số và theo tiến độ thời gian. Đấy là tiêu chí đáp ứng được hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. Thứ hai là tính đến tỉ lệ tiêm chủng đạt được, tạo được miễn dịch cộng đồng để đối phó với dịch. Thứ ba là xét đến khả năng của hệ thống y tế, đáp ứng với gánh nặng bệnh tật khi dịch xảy ra, tức hệ thống thu dung, điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh.
Như vậy, chúng ta thấy, nếu xét về mức độ lưu hành của dịch, ‘‘cấp độ dịch’’, dựa trên ba tiêu chí này, như vậy đã có sự phối hợp giữa vấn đề hệ thống giám sát dịch tễ, vac-xin, và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Bộ phức hợp ba tiêu chí này tôi cho là khoa học và cơ bản để đánh giá tình hình dịch ở từng địa phương cụ thể. Việc hiểu và triển khai trong thực tế ở địa phương thuộc về bài toán vận dụng. Một khi bộ Y Tế đã xác định được như thế rồi, thì tại một địa phương cơ sở, việc áp dụng phụ thuộc vào năng lực của chính quyền địa phương, có thể triển khai, xác định được đúng đến đâu các tiêu chí này.
Trong ba tiêu chí này, thì tiêu chí 2 và 3, tức độ bao phủ vac-xin và năng lực của hệ thống điều trị, thì dễ áp dụng. Nhưng riêng tiêu chí về tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng, thì tôi cho rằng sẽ cần phải có những hướng dẫn chi tiết hơn, cụ thể hơn, thì hệ thống giám sát dịch của địa phương mới thực hiện được. Chúng tôi được biết rằng hệ thống giám sát dịch tễ của các tỉnh thường là khâu yếu. Cần phải có các hướng dẫn cụ thể để củng cố hệ thống giám sát dịch tễ ở cấp tỉnh. Ví dụ : định nghĩa về ca mắc mới phải được làm cho rõ. Nếu như xác định ca mắc chỉ dựa vào việc xét nghiệm dương tính, như vậy địa phương sẽ xoay sang hướng như trước đây, là xét nghiệm hàng loạt, xét nghiệm rộng rãi, để đi tìm trường hợp dương tính (F0), trên cơ sở đó tính tỉ lệ (Cách xét nghiệm rộng rãi, toàn bộ chỉ phù hợp trong trường hợp một ổ dịch. Khi đi điều tra một vụ dịch, có thể xét nghiệm một số nhóm đối tượng nguy cơ, thì cho xét nghiệm toàn bộ, rồi truy vết, thì được. Còn tiến hành xét nghiệm mà lại không có các ‘‘yếu tố định hướng’’ thì lại rơi vào bài toán không hiệu quả. Trong khi đó Nghị quyết 128 là kiểm soát một cách ‘‘hiệu quả’’. Hiệu quả có nghĩa là ‘‘có tính kinh tế’’).
Cách đề cập đúng phải là làm sao tạo được hệ thống giám sát dịch thường xuyên, phát hiện bằng các ‘‘chỉ điểm dịch tễ’’ (hay các triệu chứng bệnh), từ đó mới định hướng để tiến hành xét nghiệm lâm sàng, với xét nghiệm kháng nguyên. Tôi cho rằng bộ Y Tế tới đây cần phải có hướng dẫn thiết lập hệ thống giám sát dịch, hệ thống người dân khai báo (có trong quy định 5K), khi có các dấu hiệu chỉ báo lâm sàng nghi ngờ, như sốt…. Những trường hợp có các chỉ báo dịch tễ đó cần được phát hiện sớm ngay từ cơ sở, như vậy sẽ kịp thời. Hệ thống này cần được tổ chức theo hướng thu thập thông tin thường xuyên, theo thời gian liên tục, lúc đó mới thấy được các diễn biến của những trường hợp dương tính với xét nghiệm virus và dấu hiệu lâm sàng đầy đủ, đúng được với định nghĩa về các ca bệnh. Khi đó, ta sẽ theo sát được tiêu chí 1.
Tóm lại, bộ Y Tế đưa ra bộ tiêu chí này về mặt khoa học là ổn, còn về mặt thực thi, sẽ phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương, năng lực của hệ thống giám sát dịch tễ. Cho nên, song song với Hướng dẫn này, tôi cho rằng phải có các can thiệp để giúp cho các địa phương tăng cường năng lực giám sát dịch, thì lúc đó chúng ta sẽ thỏa mãn được tiêu chí 1. Việc xác định cấp độ dịch lưu hành tại một địa phương cụ thể mới đạt được yêu cầu, như mong đợi theo như Hướng dẫn đã nêu ra. Để làm được việc này, phải có các đào tạo, hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ, đặc biệt nhắm vào các tỉnh, các nơi, mà hệ thống y tế dự phòng, hệ thống giám sát dịch chưa đạt yêu cầu ».
Riêng về việc nhiều địa phương chú ý đến cấp độ dịch trên toàn tỉnh, hoặc toàn thành phố, hơn là xác định cấp độ dịch ở từng địa bàn cụ thể, Bác sĩ Trần Tuấn lưu ý :
« Chúng ta cần chú ý là trong Nghị quyết mới, ‘‘vùng’’ cần được xác định trên một khu vực cụ thể, nhỏ và hẹp, chứ không phải theo địa dư hành chính theo tỉnh hay thành phố. Phạm vi dịch phải được khu trú cụ thể, càng cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Như vậy, có thể vùng dịch là tương ứng với đơn vị xã, hay dưới xã, ví dụ là thôn, hoặc một cụm dân cư. Cho nên, ở đây cần có sự hướng dẫn rất chi tiết. Cụ thể là không phải một người đến từ một vùng ‘‘đỏ’’ hay ‘‘da cam’’ có nghĩa là từ một tỉnh có cấp độ dịch ‘‘đỏ’’ hay ‘‘da cam’’. Mà ‘‘đỏ’’ hay ‘‘da cam’’ chỉ là để xác định một điểm dịch, khu vực có dịch cụ thể. Muốn đánh giá được cả thành phố, thì phải có hệ thống giám sát dịch cho cả thành phố thì mới đạt yêu cầu. Nếu các tỉnh, thành phố chú ý theo dõi cách đánh giá mới này, thì sẽ không đi vào kết luận xếp cấp độ dịch cho cả tỉnh, hay thành phố đâu, mà sẽ đi vào kết luận trên từng khu vực cụ thể, giải quyết vấn đề trên từng khu vực cụ thể. Tránh như trước đây là luôn dùng đến địa giới của cả một tỉnh, thành phố, ví dụ như có một vài trường hợp ca mắc xảy ra, như ở một phường cụ thể của Sài Gòn, thì kết luận luôn là Sài Gòn hôm nay có mấy chục ca mắc, như thế tạo ra sự hoang mang cho toàn thành phố. Làm như thế không cần thiết ».
Việt Nam: Hơn 1/3 tỉnh xác định ‘‘cấp độ dịch’’ theo chính sách mới (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten