woensdag 20 oktober 2021

Động lực nào để kinh tế Việt Nam bật dậy sau Covid-19 ?

 

Động lực nào để kinh tế Việt Nam bật dậy sau Covid-19 ?

Phần âm thanh 09:07
Khách hàng đi mua sắm đồ tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/10/2021.
Khách hàng đi mua sắm đồ tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/10/2021. REUTERS - STRINGER

Biến thể Delta cướp đi hơn 2 điểm GDP của Việt Nam trong năm 2021. Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới tháng 10/2021 giảm dự phóng tăng trưởng của Việt Nam đang từ 4,8 % xuống còn từ 2 đến 2,5 % do « những bất cập và sự chậm trễ trong biện pháp chống dịch ».


Việt Nam vấp phải hai trở ngại để có thể nhanh chóng bình phục như mùa xuân 2020, song Covid-19 cũng là một cơ hội để quốc gia Đông Nam Á này trở thành một nền kinh tế « phát triển hơn ».  Trên đây là phân tích của kinh tế trưởng Ngân Hàng Thế Giới tại Hà Nội, Jacques Morisset trong bài trả lời phỏng vấn qua điện thoại dành cho RFI tiếng Việt.

RFI : Công tác tại Hà Nội từ hai năm nay, thưa ông Jacques Morisset, câu hỏi đầu tiên Ngân Hàng Thế Giới đánh giá thế nào về mức độ sụt giảm đột ngột của kinh tế Việt Nam năm nay, đến nỗi mà lần đầu tiên, định chế tài chính đa quốc gia này giảm dự phóng tăng trưởng đến hơn hai điểm trong chưa đầy hai tháng ?

Jacques Morisset : Để hiểu được tình hình hiện tại ở thời điểm cuối 2021, chúng ta cần nhìn lại 2020 : Tăng trưởng của Việt Nam năm ngoái là 2,9 %. Đó là một trong những thành tích cao nhất so với tất cả các quốc gia khác. Phải nói là năm ngoái, Việt Nam đã rất thành công trong việc ngăn chận dịch lây lan với những quyết định y tế vừa sớm, vừa thích hợp. Nhờ vậy đã nhanh chóng phục hồi. Bước sang đầu năm nay, tại sao kinh tế lại lao đao ? Thống kê của quý ba 2021 cho thấy GDP giảm 6,17 %. Từ 40 năm qua, chưa khi nào tăng trưởng của Việt Nam lại tệ như vậy. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này ở số âm và cũng chưa bao giờ các hoạt động kinh tế lại giảm mạnh đến mức độ này. Tất cả mọi người, kể cả Ngân Hàng Thế Giới đều đã ngỡ ngàng. 

RFI : Vì sao kinh tế Việt Nam đổ dốc mạnh trong 9 tháng đầu 2021 ?

Jacques Morisset : Thứ nhất là do y tế và thứ hai là kinh tế. Về y tế, cuối tháng Tư năm nay, biến thể Delta lan mạnh, dịch Covid-19 bùng phát vào lúc mà Việt Nam không sẵn sàng để đối phó. Có nghĩa là khi đó, tỷ lệ tiêm ngừa của Việt Nam rất thấp, nếu không muốn nói là con số không. Thêm vào đó là thái độ thả lỏng trước tình hình dịch tễ. Đầu 2020 Việt Nam cho xét nghiệm đại trà nhưng do có rất ít trường hợp dương tính nên đã lơ là vì cho rằng Covid-19 đã thuộc về quá khứ. Chẳng ngờ lại phải đối mặt với biến thể Delta. Nguyên nhân thứ hai là kinh tế : năm nay chính quyền đã không sẵn sàng đưa ra những quyết định để ngăn chận hậu quả khủng hoảng y tế gây nên. Thí dụ về ngân sách : Việt Nam vẫn dư thừa ngân sách vào thời điểm mà nhẽ ra phải nới lỏng chi tiêu để giới hạn những hệ quả về kinh tế, về xã hội Covid-19 gây nên. Trong chín tháng đầu năm nay, Việt Nam bội thu ngân sách : Việt Nam vẫn cứ tiết kiệm chi tiêu và để dành.  

RFI : Giới phân tích đã nhấn mạnh nhiều đến những biện pháp chống dịch không phù hợp và thậm chí là đã được chính phủ Việt Nam ban hành quá trễ ?

Jacques Morisset : Cuối tháng Tư vừa qua, phản ứng của chính phủ không dứt khoát như ở vào hồi đầu năm 2020. Thí dụ như trong miền nam, các biện pháp cách ly, giới hạn đi lại không được ban hành ngay lập tức. Phải đợi nhiều tuần lễ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận mới bị phong tỏa. Trong khi đó thì virus lây lan : cuối tháng 5 –đầu tháng 6 số ca dương tính với virus corona đã rộ lên. Kế tới về mặt kinh tế, cũng đã có những bất cập : nhẽ ra là phải nhanh chóng hỗ trợ những thành phần bị tác động qua các chương trình xã hội. Nhưng mãi đến đầu tháng 7, những biện pháp giúp đỡ đó mới đến tay người dân, tức la có một sự chậm trễ từ hai đến ba tháng kể từ đầu khủng hoảng.  

RFI : Sau ba tháng phong tỏa chặt chẽ, Việt Nam đang bắt đầu mở cửa lại, chính vì nhờ có vac-xin. Nhìn lại giai đoạn từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2021  mọi sinh hoạt gần như ngừng lại hoàn toàn nhất lai tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh. Các cửa hàng, hàng quán, công sở đóng cửa tòa bộ.. Giờ đây Việt Nam có hy vọng nhanh chóng bật dậy như năm 2020 ?

Jacques Morisset : Đà phục hồi vấp phải hai trở ngại : Rất nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian khủng hoảng với các sinh hoạt kinh tế hoàn toàn bị tê liệt như vừa nói trong gần ba tháng. Những hộ gia đình nghèo, không có tiền tiết kiệm thì họ không có phương tiện để chi tiêu trong những tháng tới. hệ quả kềm theo, là tiêu thụ nội địa không chóng phục hồi, đơn giản là vì một phần dân dư không có tiền. Thêm vào đó là tâm lý lo âu, không biết dịch sẽ kéo dài tới khi nào, kinh tế có chóng phục hồi hay không … thành thử người dân không dám mạnh dạn chi tiêu. Khuynh hướng chung là người ta để dành tiền tiết kiệm. Trong khi đó, từ nhiều thập niên qua, tiêu thụ nội địa là một trong những cột trụ của tăng trưởng Việt Nam. Do vậy Ngân Hàng Thế Giới chờ đợi trong ngắn hạn đà phục hồi sẽ ở mức trung bình.

Trở ngại thứ nhì, như đã biết, xuất khẩu là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, vậy mà từ đầu năm đến nay, hoạt động trong ngành bị khựng lại, thậm chí là sụt giảm đôi chút vì những lý do như sau : dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà máy công nghiệp phải đóng cửa ; tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng chịu tác động do các phí tổn chuyên chở hàng hóa tiên tục tăng lên từ nhiều tháng qua. Với hai trở ngại này, theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới đà phục hồi kinh tế của Việt Nam lần này không được tốt như hồi năm 2020.  

RFI : Vậy Việt Nam phải làm gì để vượt qua được hai trở ngại đó ?  

Jacques Morisset : Như vừa nói, động lực tăng trưởng của Việt Nam từ nhiều năm qua, không phải là Nhà nước, mà là do lĩnh vực kinh tế tư nhân, do tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc tăng trưởng của Việt Nam có thể trông cậy nhiều hơn vào chính phủ. It ra là trong ngắn hạn. Có điều Việt Nam chưa sẵn sàng. Lĩnh vực công vẫn còn bị kẹt vì một số yếu tố, thí dụ như là về hành chính, thiếu một sự phối hợp giữa cấp trung ương và các địa phương. Trong trường hợp cụ thể của chính sách trợ cấp xã hội chẳng hạn, chính phủ thiếu những thống kê đầy đủ để xác định ai là những thành phần cần được giúp đỡ, để viện trợ nhanh chóng đến tay những người này. 

RFI : Sau kinh nghiệm những tháng qua, Ngân Hàng Thế Giới đánh giá như thế nào về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới ?

Jacques Morisset : Đây là một cuộc khủng hoảng nhất thời, như với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Câu hỏi còn lại là dịch bệnh này sẽ kéo dài bao lâu. Không riêng gì Việt Nam, mọi người đều mong mỏi đẩy lùi được Covid-19, tình hình sáng sủa hơn. Các dự báo cho năm 2022 có khuynh hướng khả quan hơn trước viễn cảnh phần nào kiểm soát được virus corona. Ngân Hàng Thế Giới chờ đợi tăng trưởng của Việt Nam bật dậy, ở mức tối thiểu là 6 % cho năm 2022.

Chúng tôi lạc quan bởi vì những yếu tố nền tảng vẫn tồn tại. Những yếu tố đó là ổn định về đối nội, Việt Nam kiểm soát được những bất cân đối cả về mặt ngân sách lẫn ngoại thương, lạm phát, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng đang ở mức khá cao từ nhiều năm qua… Nói cách khác, nhiều chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc. Tuy nhiên bênh cạnh đó tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để chính phủ tiến hành những biện pháp cải tổ cần thiết về mặt cơ cấu để Việt Nam thực hiện tham vọng trở thành một nền kinh tế phát triển hơn trong những năm sắp tới. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đẩy mạnh những phát minh về công nghệ, nâng cao đầu tư vào công việc đào tạo nhân sự ». 

RFI Xin một câu hỏi chót, trước đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã bắt đầu chuyển hướng, di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc- một phần do tác động từ xung khắc thương mại Mỹ- Trung. Nhật Bản chẳng hạn đã khuyến khích các tập đoàn đi tìm những bãi đáp mới, mà Việt Nam là một điểm đến được quan tâm. Covid-19 có nguy cơ làm mất đi sức thu hút đó của Việt Nam hay không ?

Jacques Morisset : Chúng ta cần phân biệt xu hướng chung với những khó khăn nhất thời. Từ trước đại dịch, một phần do căng thẳng Mỹ-Trung, nhiều công ty đã di dời cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng đó sẽ tiếp tục bởi vì Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh tương đối chẳng hạn như là nhân công rẻ … và những yếu tố đó vẫn tồn tại. Điều này giải thích vì sao đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam. Bên cạnh đó thì có yếu tố ngắn hạn cũng khá tiêu biểu. Năm ngoái, Việt Nam hưởng lợi nhưng năm nay tình huống  đang bất lợi cho Việt Nam : Năm 2020 khi nhiều nước trên thế giới phải đóng cửa, Việt Nam với những biện pháp ít nghiêm ngặt hơn đã thúc hối nhiều doanh nghiệp đưa một số hoạt động sang Việt Nam. Ngành dệt may chẳng hạn đã chuyển một phần khâu sản xuất từ Bangladesh hay Mêhicô qua Việt Nam. Ngược lại năm, do Việt Nam bị nặng về mặt y tế, nhiều khu vực công nghiệp phải tạm đóng cửa, thậm chí là một số hải cảng cũng đã ngừng hoạt động hồi tháng Tư vừa qua … Địa bàn sản xuất có phần dời Việt Nam sang những khu vực khác. Nhưng đó chỉ là những thay đổi trong ngắn hạn.     

RFI Việt ngữ thành thật cảm ơn ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng Ngân Hàng Thế Giới tại Hà Nội.

Động lực nào để kinh tế Việt Nam bật dậy sau Covid-19 ? - Tạp chí kinh tế (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten