woensdag 29 september 2021

Vac-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam: Hiệu quả và tính khả thi

 

Vac-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam: Hiệu quả và tính khả thi

Phần âm thanh 12:47
Chích ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 08/08/2021, ngày mở đầu chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam.
Chích ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 08/08/2021, ngày mở đầu chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam. AP - Hau Dinh

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam, với dân số trên 96 triệu, cần ít nhất 150 triệu liều vac-xin. Hiện nay nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu và thế giới trong tương lai có lẽ phải sống chung với SARS-CoV-2 và các biến chủng của virus này, có nghĩa là có thể mỗi 6 tháng hay hằng năm phải chích ngừa bổ trợ.


Để đảm bảo nguồn cung và an ninh y tế, sẵn sàng ứng phó khi có những đại dịch có thể xảy ra trong tương lai, Việt Nam đang tiến hành kế hoạch sản xuất vac-xin nội địa, dự kiến được sử dụng trong năm 2022. Hiệu quả và tính khả thi của dự án sản xuất vac-xin nội địa là như thế nào, hôm nay chúng tôi xin mời quý vị nghe bài phỏng vấn dược sĩ Huỳnh Long Vân, tiến sĩ Vi khuẩn-Miễn dịch học, chuyên khảo về công nghệ vac-xin, nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu.

RFI: Xin kính chào ông Huỳnh Long Vân, trước hết xin ông nhắc lại là Việt Nam hiện nay nghiên cứu phát triển những vac-xin nội địa nào ?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Kính chào quý thính giả của Đài Phát thanh quốc tế Pháp RFI, kính chào Thanh Phương. Hôm nay tôi rất hân hạnh được trình bày với tất cả quý vị một số ý kiến và nhận xét của riêng tôi về một đề tài sống động liên quan đến sinh mạng của mọi người trên toàn cầu và đặc biệt đối với đồng bào của chúng ta ở Việt Nam dựa vào những kinh nghiệm thu thập được trong khoảng thời gian gần 15 năm nghiên cứu khoa học ở  Đại học New England, Armidale NSW và Tổ chức nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghiệp CSIRO của Úc châu. 

Hiện ở Việt Nam đang có 3 vac-xin đang trong giai đoạn triển khai là Nano Covax, 100% thuộc quyền sở hữu của những công ty quốc nội, Covivac do hợp đồng với các tổ chức nghiên cứu khoa học ngoại quốc và Self Amplifying mRNA ARCT-154, vac-xin dưới hình thức chuyển giao công nghệ. 

RFI: Trong khi chờ phát triển xong các vac-xin nội địa đó, thì Việt Nam đã cấp phép sử dụng cho một số vac-xin của nước ngoài. Theo ông thì mức độ an toàn và hiệu quả của các vac-xin này là như thế nào?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Sáu loại vac-xin đã được phê duyệt cho phép sử dụng ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm:

Nhóm thứ nhất là vac-xin mRNA gồm: Pfizer-BioNTec và Moderna. 

Nhóm thứ hai là vac-xin vector  gồm: AstraZeneca, Janssen và Sputnik-V.

Nhóm thứ ba là Viro Cell của Sinovac, Trung Quốc, sản xuất theo công nghệ cổ điển. 

Nếu dựa vào phê duyệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) làm chuẩn thì 5 trong 6 vac-xin COVID-19 được phép sử dụng tiêm phòng ở Việt Nam, kể cả Viro Cell của Trung Quốc, đạt tiêu chuẩn an toàn, ngoại trừ Sputnik -V, vac-xin của Liên bang Nga. 

Nhưng nếu dựa vào những những kiến thức về công nghệ vac-xin, cùng với những dữ liệu đã được công bố rộng rãi trên các tạp chí khoa học thế giới về mức độ an toàn và hiệu quả của 6 vac-xin trên trong điều kiện thực tế, như đối với những triệu chứng của COVID-19, số ca phải nhập viện, số tử vong và đối với các biến chủng, 6 vac-xin đang sử dụng ở Việt Nam có thể được xếp hạng theo thứ tự phân nhóm 1,2,3 vừa trình bày và Viro Cell của Trung Quốc kém hiệu quả nhất.

Tuy kém, nhưng không thể kết luận Viro Cell vac-xin không có hiệu quả, bởi vì tiêm chủng là quá trình huấn luyện hệ thống miễn dịch giúp cơ thể phát triển khả năng chống lại mầm bệnh và vac-xin hoạt động bằng cách khai thác trí nhớ của hệ thống miễn dịch

RFI: Thế còn mức độ an toàn và hiệu quả của 3 loại vac-xin dự kiến sản xuất nội địa?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Đối với 3 loại vac-xin dự kiến sản xuất nội địa vì hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng nên chưa thể đánh giá về mức độ an toàn và những hiệu quả phòng chống COVID-19 trong thực tế, ngoài một số thông tin sơ khởi thu thập được sau đây:

Trước hết về vac-xin Nano Covax, là vac-xin 2 liều tiêm cách nhau 4 tuần, do Công ty cổ phần công nghệ Sinh học Dược Nanogen ở Thành Phố Hồ Chí Minh (TP HCM) kết hợp với Học viện Quân Y (Bộ Quốc Phòng) nghiên cứu sản xuất. Nano Covax thuộc loại “Protein based subunit vac-xin ”, nên chỉ có tác dụng kích hoạt thể miễn dịch thể loãng (Humoral response) của hệ miễn dịch thích nghi để tạo ra kháng thể. Vac-xin này đã được phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và kết quả của 1 phần thử nghiệm này đã được đệ trình lên Hội đồng Đạo đức, bộ Y Tế, cứu xét.

Nanogen rất lạc quan và tin rằng Nano Covax sẽ sớm được phê duyệt để sử dụng cho “mục đích khẩn cấp” ,vì với năng xuất 120 triệu liều/năm và Nano Covax được bảo quản trong môi trường từ 2-8C. Đó là hai những yếu tố nhà chức trách Việt Nam mong muốn.

Theo Hội đồng Đạo đức, vì vac-xin là sản phẩm đặc biệt, có tác động trên cộng đồng nên phải cẩn trọng từng bước đánh giá về tính an toàn (ngắn hạn và dài hạn), sự bền vững của tính sinh miễn dịch, đặc biệt là hiệu quả bảo vệ.

Ngoài ra, cho đến nay, hồ sơ của Nano Covax vẫn chưa được trình cho WHO để phê duyệt khẩn cấp, nên triển vọng vac-xin này được WHO phê duyệt vẫn còn xa.

Vì thế, việc công ty Nanogen ngày 08/8/2021 ký kết Hợp đồng bảo mật với công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ để chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối Nano Covax có phải là quá sớm? Có phải Nanogen làm chuyện “ĐẶT CÁI CÀY TRƯỚC CON TRÂU”, hay có ý định rập khuôn theo Sputnik-V vac-xin của Liên bang Nga, sẽ tung Nano Covax ra thị trường mà không cần phê duyệt của Tổ chức Y tế Thế giới WHO?

RFI: Đó là nói về Nano Covax, loại vac-xin thuần túy nội địa, còn về Covivax, vac-xin được phát triển với sự hợp tác quốc tế?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Covivax là vac-xin 2 liều chích cách nhau 4 tuần, do Viện Vac-xin và Sinh phẩm Nha Trang và Vabiotech phát triển.  Đây là dự án hợp tác với các trường Đại học của Hoa Kỳ (Mount Sinai, New York; Texas, Austin) và tổ chức PATH, là một nhánh nằm trong liên minh sáng tạo và phát triển vac-xin COVID-19 (CEPI). Ba đơn vị sản xuất (IVAC- Việt Nam, GPO- Thái Lan, Butantan-Brazil) cùng nghiên cứu phát triển dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức PATH.

Covivax được IVAC-Việt Nam bắt đầu nghiên cứu và phát triển từ tháng 5/2020 sử dụng công nghệ vector. Là một vac-xin vector nên Covivac có tác động giống như AstraZeneca, Janssen-J&J và Sputnik-V, kích hoạt toàn bộ hệ miễn dịch của chủ thể. Vac-xin này hiện đang được thử nghiệm trong giai đoạn 1 và sắp bước sang giai đoạn 2. 

RFI: Còn về vac-xin Self Amplifying mRNA ARCT-154, sẽ được sản xuất nhờ chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc. Hoa Kỳ?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Đây là loại vac-xin 2 liều tiêm cách nhau 28 ngày, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil). 

ARCT-154 sử dụng công nghệ sa-mRNA với đặc tính tự nhân phiên bản mRNA, tạo điều kiện để vac-xin được dùng tiêm chủng với liều lượng thấp hơn so với vac-xin Pfizer và Moderna, nên rất thích hợp cho tiêm chủng đại trà, và sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Thêm một yếu tố hấp dẫn khác của mRNA ARCT-154 là khi thành phẩm sẽ được “đông lạnh-sấy khô” (freeze-dried) vận chuyển phân phối dễ dàng và thích hợp đối với các quốc gia có mức thu thấp. 

Được sự hỗ trợ của bộ Y Tế và chính phủ Việt Nam, VinBioCare thuộc Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Arcturus Therapeutics, Inc, của Hoa Kỳ nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vac-xin sa-mRNA ARCT-154 và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vac-xin tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngày 02/8/2021, bộ Y Tế đã phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vac-xin ARCT-154 COVID-19, để đánh giá hiệu quả trong điều kiện thực tế: mức độ an toàn và hiệu quả đối với những triệu chứng của COVID-19, số ca phải nhập viện, số tử vong và đối với các biến chủng.

Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến VinBioCare sẽ xuất xưởng những lô vac-xin phòng COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2022 để cung ứng duy nhất cho thị trường Việt Nam.

Đứng trên phương diện miễn dịch học và công nghệ vac-xin để đánh giá, thì 3 vac-xin dự kiến sản xuất nội địa có thể được xếp hạng theo thứ tự như sau:

1. Self Amplifying mRNA ARCT-154

2. Covivac, Nano CoVax

RFI: Như vậy phải chăng là nếu sản xuất dựa trên chuyển giao công nghệ như Self Amplifying mRNA ARCT-154 thì chúng ta sẽ có những vac-xin tốt hơn?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Chuyển giao công nghệ là một quá trình thương lượng, không phải là vấn đề nài nỉ được hiến tặng. Vì thế thiết tưởng trong chiến lược “Ngoại giao Vac-xin ”, Việt Nam ở mọi cấp, mọi nơi, trong mọi tình huống và đối với bất cứ loại vac-xin COVID-19  nào, cũng không nên nhất cử nhứt động yêu cầu được chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra cần phải so sánh và lựa chọn trong yêu cầu chuyển giao công nghệ:

Covivac của Vabiotech-Việt Nam là vector vac-xin sử dụng cùng công nghệ với AstraZeneca, Janssen-J&J và Sputnik-V, nhưng tại sao lại phải thương lượng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga để đóng ống Sputnik-V với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, và sẽ tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/tháng.

Nano Covax của Nanogen-Việt Nam và COVID-19 vac-xin  của Shionogi Nhật Bản là loại “protein based subunit vac-xin ” và S protein của SARS-CoV-2 được sản xuất từ cùng công nghệ tái tổ hợp protein và nếu có khác biệt gì đi nữa giữa Nano Covax và Shionogi COVID-19 vac-xin thì chỉ là ở chỗ S protein được sản xuất trong loại tế bào nào? Insect cells hay vi trùng E. Coli v.v. ? Nhưng vì sao Vabiotech lại ký hợp đồng với Shionogi Nhật Bản để hợp tác sản xuất COVID-19 vac-xin ?

Phải chăng vì các Công ty Sinh học của Việt Nam tự hiểu là một thành phần còn non trẻ trong sân chơi toàn cầu về vac-xin, nên e ngại Nano Covax và Covivax là những vac-xin  “Made BY Vietnam” khó có thể chia phần trong thị trường tiêu thụ so với các vac-xin có nhãn hiệu của các quốc gia Âu-Mỹ nhưng “Made IN Vietnam”, nên vì thế phải chọn những quyết định trên?

 RFI: Theo ông thì liệu Việt Nam có đủ nguồn lực để sản xuất các vac-xin nội địa?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Nano CoVax dự kiến được sản xuất tại sân nhà để góp phần chủ động nguồn vac-xin  ứng phó với đại dịch. Theo một chuyên gia từ Viện nghiên cứu Woolcock ở Hà Nội và Đại học Sydney, thì “viễn ảnh của Nano Covax không mấy lạc quan, vì được nghiên cứu và sản xuất bởi những công ty nhỏ trong nước, chưa có nhiều kinh nghiệm và theo tiêu chuẩn Việt Nam; và ngay cả khi Nano CoVax được sản xuất tại Việt Nam và vac-xin có an toàn, thì việc có đủ nguồn lực để sản xuất số lượng lớn là trở ngại lớn nhất”.

Tuy nhiên, rất có thể Nanogen biết được điểm yếu của mình, nên đã đàm phán với các đối tác ở Hàn Quốc và Ấn Độ để sản xuất vac-xin Nano Covax tại hai quốc gia này.

Covivax là dự án hợp tác với các trường Đại học của Hoa kỳ (Mount Sinai, New York; Texas, Austin) và tổ chức PATH, nên theo dự đoán sẽ không vấp phải những khó khăn về nguồn lực trong sản xuất một khi được phê duyệt sử dụng.

Để kết luận, tôi có thể nói là tất cả những vac-xin được Việt Nam phê duyệt đều có hiệu quả chống lại SARS-CoV-2 tuy không đồng nhất. Vì thế, nếu chúng ta có quyền lựa chọn, thì hẳn phải tìm đến những sản phẩm ưu việt và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, cung không đáp ứng được cầu và các lãnh đạo của Việt Nam phải cầu viện với hơn 22 quốc gia để chia bớt vac-xin và với các tập đoàn Pfizer, Moderna, AstraZeneca v.v yêu cầu nhanh chóng gia tăng số lượng phân phối nhằm đáp ứng cho nhu cầu cấp thiết của Việt Nam, cho nên tuy biết rằng Viro Cell  Sinovac của Trung Quốc có hiệu quả kém hơn các vac-xin của Âu-Mỹ, nhưng thiết nghĩ chúng ta không thể có cái xa hoa để từ chối, hoặc thuận ý theo triết lý an phận “ CÓ CÒN HƠN KHÔNG”.

Riêng đối với 3 loại vac-xin dự kiến sản xuất nội địa, rất mong những giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đạt được những kết quả mong muốn và sớm được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và góp phần vào kế hoạch tiêm chủng lịch sử phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.

Vac-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam: Hiệu quả và tính khả thi - Tạp chí Việt Nam (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten