Chủ tịch Tập giao nhiệm vụ 56789 cho tư doanh 'để Đảng cầm quyền lâu'
Trong khi thế giới còn đang lo về vấn đề của tập đoàn Evergrande (Hằng Đại tập đoàn), cuối tuần qua, cảnh sát Hải Nam tạm giữ Chủ tịch Chen Feng và CEO của tập đoàn xây dựng HNA, Adam Tan (Tan Xiandong).
Theo Reuters (25/09/2021), HNA là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực hàng không, bất động sản, dịch vụ tài chính, du lịch, hậu cần... và từng đầu tư, mua tài sản ở nước ngoài trị giá 50 tỷ USD.
Trang Geopolitical Fufures cho rằng sau vụ một sáng lập viên HNA đột tử năm 2018, tập đoàn này đã cố tái cơ cấu nhưng không thành, và nay họ "rơi vào tầm ngắm của ông Tập Cận Bình".
Một loại chính sách xoay chuyển cách nhìn của lãnh tụ Tập với các nhà tư bản nội địa Trung Quốc, với nhiệm vụ gọi là 56789 nay được áp đặt cho họ.
Đây chỉ là một phần của bức tranh chung tại Trung Quốc: chuyển hướng chính sách theo các khẩu hiệu thiên tả mới của ông Tập.
Tư doanh 'chỉ yêu Đảng thôi chưa đủ'
Sau khi giảm dần sự hiện diện của các đại công ty quốc tế, Trung Quốc nay tìm cách bắt các nhà tư bản nội địa.
Trong giai đoạn 2013-19, số các tập đoàn nước ngoài đầu tư Trung Quốc giảm hơn 15%, còn số công ty Trung Quốc tăng thêm 10%, theo số liệu của Đại học Toronto.
Chính phủ Trung Quốc, qua lời Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nói các doanh nghiệp tư cần thực hiện nhiệm vụ "56789."
Đây là cách ghép lại của các con số 50-60-70-80-90, một cách dễ nhớ trong Trung văn mà không có bất cứ logic gì về kinh tế.
Tư doanh, theo đó, cần đóng 50% cho nguồn thu ngân sách từ thuế; 60% cho GDP; 70% sáng tạo (innovation), 80% việc làm ở khu vực đô thị và 90% của số doanh nghiệp đăng ký.
Nhưng quan trọng hơn cả, doanh nhân và doanh nghiệp phải "yêu Đảng", theo một bài Dexter Tiffs Roberts viết hôm 07/05/2021 trên trang Atlantic Council về chuyện chính trị nay muốn kiểm soát kinh tế Trung Quốc.
Trên Sunday Times (26/09/2021), Richard McGregor viết về chính sách "56789" của Chủ tịch Tập Cận Bình, và nói thêm rằng kinh tế Trung Quốc "sẽ khựng lại nếu không có các doanh nghiệp tư nhân", nhưng từ nay, không ai dám "đùa cợt về chủ nghĩa xã hội nữa".
"Cơn bão chính sách được tung ra, nhắm vào các đại gia công nghệ, rồi ngành giáo dục, và các ngành khác, bắt đầu từ khi tỷ phú Alibaba là Jack Ma công kích các quy định của ngành tài chính cuối năm 2020," ông McGregor viết.
Nhưng vấn đề không chỉ liên quan đến một cá nhân.
"Đảng Cộng sản TQ muốn kiểm soát kinh tế và loại trừ mọi trung tâm quyền lực khác, và còn nhằm phân tách nền kinh tế (decoupling) của TQ khỏi kinh tế Mỹ."
Mặt khác, theo Richard McGregor, chủ nghĩa xã hội hoặc tư tưởng cánh tả ở Trung Quốc hoàn toàn khác 'phe tả Âu Mỹ".
Nếu như ở châu Âu, phe tả gắn liền với chính sách xã hội cấp tiến, muốn thay đổi văn hóa, thì tại TQ, chủ nghĩa xã hội rất bảo thủ.
Trung Quốc gần đây cấm các nam diễn viên "ẻo lả" và loại một loạt ngôi sao điện ảnh, truyền hình "vi phạm" tiêu chuẩn văn hóa khỏi mạng xã hội và Internet.
Buộc các giới doanh nhân phải chia sẻ tiền của, ông Tập muốn dùng khẩu hiệu "sự thịnh vượng chung" (common prosperity) ₫ể giải quyết bất công xã hội, giảm độ nóng của "tăng trưởng hoang dã".
'Không để cho ai dám chống lại'
Tuy thế, theo Richard McGregor, các thách thức cho ông Tập rất lớn mà vụ Evergrande chỉ là một phần của bức tranh.
Ông Tập cần tái khởi động kinh tế, giải quyết núi nợ, hãm đà dân số già nhanh, và bảo vệ thành quả của những năm cải cách, cụ thể là vị trí và tiền của của giới trung lưu, tác giả bài "Time's up for the super rich in Xi's China" viết.
Dùng chính trị kiểm soát kinh tế không phải là dễ.
Vẫn theo Dexter Tiffs Roberts thì rủi ro là "can thiệp chính trị sẽ chỉ làm khó khăn thêm cho năng suất lao động Trung Quốc vốn đã thấp".
"Các công ty tư doanh hiện đã khó tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng vốn chi khoản lớn cho các công ty quốc doanh. Mà các công ty này chỉ đóng góp 25-30% sản xuất cả nước. Tới 70% GDP của TQ trước 2007đến từ sức tăng của sản xuất, và chủ yếu nhờ 'động cơ' là tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, và nhờ cả vào dòng nhân lực chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Ngày nay, sức đẩy của sản xuất đó đã gần mất hết."
Dù có rủi ro như vậy, ông Tập vẫn làm mạnh tay với giới tư bản Trung Quốc.
Còn phóng biên BBC Stephen McDonnell từ Bắc Kinh thì viết:
"Sẽ có những người cho rằng toàn bộ quá trình này như một lẽ tự nhiên của một đất nước đang 'trưởng thành'. Những lĩnh vực chưa được kiểm soát thì cần phải có các quy định...
Nhưng hoàn toàn không rõ chiến lược này sẽ kéo dài bao lâu và sẽ được thực hiện tới mức độ nào.
Có một điều chắc chắn là bất kỳ sự thay đổi nào cũng nên được nhìn qua lăng kính "thịnh vượng chung" của ông Tập, vào thời điểm mà Đảng Cộng sản sẽ không từ bỏ một tấc quyền lực nào để thực hiện mục tiêu này.
Và ở Trung Quốc, bạn chỉ có thể hoặc 'lên theo chiếc xe' nếu không sẽ bị cán nát."
Nghị trình thiên tả mới của ông Tập, xét cho cùng là cách tạo hình ảnh ông là "bạn dân", là người đồng hành cùng các khó khăn của họ, sẽ nhằm giúp ông có thể tái đắc cử năm 2024, và cầm quyền tiếp tục không chỉ nhờ vào sự sùng bái cá nhân, theo Richard McGregor.
Xem thêm:
Geen opmerkingen:
Een reactie posten