Lính đánh thuê Nga ở Mali: Châu Phi, chủ đề "đầu độc" quan hệ Pháp-Nga
Đăng ngày:
Mùa hè năm nay, Pháp thông báo giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Mali. Trong bối cảnh này, chính quyền Bamako dường như sắp ký kết một thỏa thuận với tập đoàn bán quân sự tư nhân Wagner của Nga, cho phép triển khai 1.000 lính đánh thuê. Mali xác nhận đang trong quá trình thương thảo. Tuy nhiên, thông tin này khiến Paris lo lắng.
Wagner: Cánh tay nối dài của điện Kremlin
Thứ Ba 14/09/2021, bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly đã lên tiếng phản đối, cho rằng một thỏa thuận như vậy là « rất đáng quan ngại và đi ngược » với những chiến dịch quân sự do quân đội Pháp tiến hành tại Sahel. Tương tự, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá sự xuất hiện của nhóm bán quân sự Nga là « tuyệt đối không thể dung hòa » với sự hiện diện của binh sĩ Pháp.
Theo nhiều nguồn tin, Wagner - « quân đội bí mật của Vladimir Putin » theo như cách gọi của Amnesty International và có quân số từ 2.500 đến 5.000 người – hiện đang thương thảo một hợp đồng với tập đoàn quân sự Mali cho phép triển khai 1.000 lính đánh thuê Nga để huấn luyện cho lực lượng quân đội (FAMa) và bảo đảm việc bảo vệ các lãnh đạo.
Kênh truyền hình quốc tế France 24 cho biết phương Tây nghi ngờ tập đoàn Wagner thuộc quyền sở hữu của một doanh nhân Nga, rất gần gũi với điện Kremlin, ông Evgueni Prigojine. Nhà tỷ phú thành Saint-Petersbourg, từng ở tù vì những tội cướp bóc, đã tạo dựng một cơ ngơi nhờ vào nghành kinh doanh chuỗi nhà hàng cao cấp mà ông Putin thường lui tới trong năm 2000 và trở thành nhà cung cấp thực phẩm chính thức cho điện Kremlin.
Một báo cáo của Amnesty International tường thuật nhân vật này, nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ với chủ nhân điện Kremlin, đã « xây dựng một đế chế viễn thông và truyền thông, mà FBI từng cáo buộc năm 2016 đã gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho Donald Trump ».
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn France 24 năm 2018, một nhà tuyển dụng cho Wagner từng thừa nhận một cách mơ hồ rằng tổ chức bí mật này làm việc cho chính phủ Nga. Vậy vai trò chính của tập đoàn Wagner này là gì ? Trên đài RFI, Igor Delanoe, phó giám đốc Đài Quan sát Pháp – Nga giải thích :
« Đây là một tập đoàn quân sự tư nhân của Nga, chuyên cung cấp các dịch vụ an ninh, bảo vệ một địa điểm nhậy cảm, hay cung cấp cận vệ cho các nhân vật cao cấp. Tuy nhiên, lính đánh thuê của hãng này nổi tiếng vì sự can dự của họ tại những mặt trận như Libya, Syria, Sudan nhưng tại Mozambic thì ít thành công hơn. Gần Bangui, Wagner cung cấp các dịch vụ đào tạo cho quân đội. Và gần đây, người ta còn thấy binh sĩ của nhóm này xuất hiện tại nhiều nước châu Phi khác và hiển nhiên là họ tiếp cận cả Mali. »
Châu Phi : Chủ đề « đầu độc » quan hệ Pháp - Nga
Vì sao chính quyền Bamako lại cầu viện đến Wagner lúc này, trong khi vẫn còn 5.000 binh sĩ Pháp hiện diện tại vùng Sahel, và quân đội Pháp cũng có những chương trình đào tạo và huấn luyện binh sĩ quân đội Mali ? Chuyên gia về Nga, Igor Delanoe có lý giải như sau :
« Đó là những chương trình đào tạo dài hạn, trong khuôn khổ chương trình đối tác phức tạp và rất lớn. Ở đây, sự việc diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt ở Mali, mà Wagner nhanh chóng chớp lấy cơ hội, đó chính là việc Pháp đang dần rút quân khỏi khu vực theo quyết định của tổng thống Macron. Quyết định này đã để lại một khoảng trống an ninh, dẫn đến việc phải cầu cứu. Và chính sự cầu viện này đương nhiên đã tạo cơ hội cho Wagner can dự vào, mang lại một điểm tựa an ninh cho Bamako, những bảo đảm về an ninh mà nước Pháp, vốn dĩ là một đối tác không còn đáp ứng được nữa. »
Trước những thông tin này, Paris đã có những phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đe dọa sẽ rút hết toàn bộ binh sĩ nếu thỏa thuận trên được thông qua. Về điểm này, ông Igor Delanoe có nhận định như sau :
« Đề tài châu Phi trong quan hệ Pháp – Nga luôn là một chủ đề độc hại không phải chỉ mới đây mà là đã từ lâu. Đó cũng chính là những gì đã xảy ra ở Bangui. Ngoài ra còn có một bối cảnh gai góc khác, đó cũng là một chủ đề tế nhị trong quan hệ giữa hai nước từ nhiều năm qua.
Pháp thường xuyên kêu ca là không tán đồng với những hoạt động do Wagner tiến hành như trường hợp tại Mali hiện nay, hay vùng châu Phi nói tiếng Pháp. Nhưng sự can dự này là kết quả của chính sách trở lại châu Phi của Nga, vốn dĩ cũng được thừa hưởng từ chính sách Trung Đông năm 2010.
Sự trở lại này có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức, mà tập đoàn Wagner chưa phải là trường hợp duy nhất vì còn nhiều hình thức khác nhau. Điều mới mẻ ở đây chính là người ta nhìn thấy các hoạt động của Wagner diễn ra tại vùng châu Phi nói tiếng Pháp, vốn dĩ chưa bao giờ là vùng ảnh hưởng, vùng hoạt động của Liên Xô hay nước Nga từ sau năm 1991.
Đương nhiên, trong bối cảnh rộng hơn, trong cuộc đối đầu giữa Nga và NATO do cuộc khủng hoảng Ukraina, thì đây là một chủ đề tranh cãi mới, được thêm vào trong chương trình nghị sự. »
Châu Phi : Địa bàn tranh giành ảnh hưởng mới giữa Nga và Phương Tây
AFP cho biết, nếu thỏa thuận được thông qua, Bamako phải chi trả cho Wagner mỗi tháng hơn 9 triệu euro, cộng thêm việc tạo thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư Nga tiếp cận các mỏ khoáng sản. Theo quan điểm của ông Igor Delanoe, châu Phi đang dần trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga với các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp, trong nhiều lĩnh vực: địa chính trị, kinh tế, năng lượng, khai thác mỏ tài nguyên…
« Tôi nghĩ là có nhiều yếu tố. Trên bình diện địa chính trị, Nga có nhiều lợi ích khi can thiệp vào cơ cấu chính trị - quân sự của những nước châu Phi đó. Ở đây hiển nhiên có cuộc chiến giành ảnh hưởng, cuộc chiến hệ tư tưởng, qua việc đáp ứng một lời đề nghị cung cấp dịch vụ an ninh mà nhiều nước phương Tây, ở đây là Pháp không thể đáp ứng được vì nhiều lý do khác nhau.
Rồi còn có chuyện « được đối đãi thế nào thì cư xử thế ấy » với phương Tây, bởi vì Matxcơva cho rằng phương Tây đã can dự vào vùng ảnh hưởng của Nga chẳng hạn như Ukraina, Moldavia, Belarus, những vùng thuộc không gian Xô Viết cũ. Do vậy, Nga muốn có được những chiếc đòn bẩy để gây áp lực nhắm vào một số lợi ích của phương Tây tại châu Phi.
Cuối cùng, ở cấp độ địa phương, còn có những lợi ích kinh tế. Nhiều hãng lớn, tập đoàn của Nga hoạt động tích cực trong các lĩnh vực năng lực, khai thác mỏ. Họ có nhiều lợi ích cần được bảo vệ trong khi khu vực này luôn chao đảo bởi những bất ổn vì thiếu an ninh. Lẽ đương nhiên là những tập đoàn đó phải cầu viện đến những tập đoàn như Wagner để bảo vệ an toàn cho các địa điểm khai thác mỏ hay dầu lửa chẳng hạn ! »
Đối với Paris, nếu như thỏa thuận này được đúc kết, đây sẽ là một cơn động đất thật sự trên dải Sahel – Sahara bao la. Chiến dịch Barkhane của Pháp còn vượt xa cả những vùng biên giới Mali, ban tham mưu của lực lượng này nằm ở N’Djamena, thủ đô cộng hòa Tchad. Căn cứ không quân chính thì đóng ở Niamey, thủ đô Niger. Về phần các lực lượng đặc nhiệm, những đội quân này thì trụ ở Ouagadougou (thủ đô Burkina Faso).
Barkhane, trên phương diện tác chiến, vẫn có thể tiếp tục nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, điểm cốt lõi đều diễn ra ở Mali, tại vùng giáp ba biên giới giữa Liptako và Gourma. Nếu sự đoạn tuyệt với Bamako diễn ra, chí ít có hai vấn đề được đặt ra : Đồng minh Mỹ sẽ có quyết định gì ? Những nước đồng minh châu Âu, vốn tham gia vào lực lượng đặc nhiệm Takouba sẽ làm gì ?
Cuối cùng, nếu như Barkhane buộc phải rời Gao, khu căn cứ quan trọng nhất tại Mali, trên bình diện hậu cần, đây có lẽ sẽ là một chuyện lớn, không dễ giải quyết !
Lính đánh thuê Nga ở Mali: Châu Phi, chủ đề "đầu độc" quan hệ Pháp-Nga (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten