Thế sự xoay vần sau ngày 11 Tháng Chín
Hiếu Chân/Người Việt
Ngày 11 Tháng Chín, 2001, al Qaeda thực hiện vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất từng xảy ra trong nội địa nước Mỹ, và lịch sử thế giới chuyển sang một lối rẽ bất ngờ. Hai mươi năm sau biến cố này, thế giới đã bước sang một cuộc đối đầu mới, quyết liệt hơn.
Nhà nghiên cứu Nelly Lahoud, sau nhiều năm nghiền ngẫm các tài liệu của Osama bin Laden và al Qaeda mà đặc nhiệm Mỹ thu thập được sau vụ đột kích tiêu diệt tên trùm khủng bố tại hang ổ của bin Laden ở Abbottabad, Pakistan, Tháng Năm, 2011, ghi nhận ý đồ của bin Laden và al Qaeda khi tấn công nước Mỹ không chỉ là thực hiện một vụ khủng bố mà là “khởi đầu một chiến dịch bạo lực cách mạng nhằm khai sinh một kỷ nguyên lịch sử mới.” “Sứ mệnh của al Qaeda là phá hủy cái trật tự thế giới hiện tồn, dựng lại một “ummah” (*) từng có trong lịch sử – một cộng đồng giáo dân Hồi Giáo toàn cầu dưới một quyền lực chính trị chung,” bà Lahoud nhận định trên tạp chí Foreign Affairs.
Bà Lahoud cho rằng, mặc dù bin Laden lấy cảm hứng từ tôn giáo nhưng mục tiêu của bin Laden mang tính địa chính trị, cụ thể là lập lại trật tự thế giới trong đó vương quốc Hồi Giáo (caliphate) là trung tâm. Để thực hiện mục tiêu đó, bin Laden tin rằng al Qaeda phải thực hiện “một cú đấm quyết định” vào lãnh thổ nước Mỹ, từ đó buộc Mỹ phải rút hết quân đội từ các quốc gia Hồi giáo, tạo điều kiện cho các chiến binh Hồi Giáo (jihadis) chiến đấu và lật đổ các chế độ chuyên chế ngự trị ở đó, xóa sổ nhà nước Do Thái và giành lại xứ sở cho người Palestine.
Bin Laden đã ấp ủ âm mưu tấn công nước Mỹ từ năm 1986 và ngày càng quyết tâm thực hiện, nhất là sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989 và Taliban chiếm được quyền lực ở nước này năm 1996. Nhưng diễn biến tình hình thế giới sau vụ 11 Tháng Chín cho thấy, bin Laden đã không bao giờ đạt được mục tiêu đề ra; cả tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Iraq và Syria (ISIS) sau này cũng vậy.
Điều mà bin Laden và các thủ lĩnh của al Qaeda cũng như Taliban không tính tới được là vụ khủng bố 11 Tháng Chín chẳng những không làm cho Mỹ rút quân khỏi Trung Đông mà ngược lại, đã kích thích Tổng Thống George W. Bush phát động cuộc chiến tranh tấn công Taliban cuối năm 2001, và sau đó tấn công Iraq năm 2003. “Vụ khủng bố xảy ra trên đất Mỹ nhưng đó là vụ tấn công vào trái tim và linh hồn của thế giới văn minh. Và thế giới đã cùng nhau chiến đấu trong một cuộc chiến tranh mới và khác, chúng ta hy vọng là cuộc chiến duy nhất của thế kỷ 21. Một cuộc chiến chống lại những kẻ tìm cách xuất cảng nỗi khiếp sợ, cuộc chiến chống những chính phủ nào ủng hộ hoặc che chở chúng,” Tổng Thống George Bush tuyên bố ngày 11 Tháng Mười, 2001, bốn ngày sau khi tiếng súng bùng nổ trên mặt trận Afghanistan, quét sạch chế độ Taliban và tổ chức al Qaeda.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông từ đó đã không giảm đi mà tiếp tục tăng lên trong những cuộc chiến Afghanistan, Iraq, Yemen, Syria và nhiều nơi khác. Cuộc chiến “chống khủng bố” trở thành tâm điểm, thành ưu tiên chiến lược hàng đầu trong chính sách quốc phòng và ngoại giao của Hoa Kỳ suốt mấy đời tổng thống.
Giấc mộng tái tạo “ummah” của Bin Laden đã không thành hiện thực mà trái lại, cuộc chiến chống khủng bố giữa Mỹ và Châu Âu chống lại các tổ chức Hồi Giáo cực đoan như Al Qaeda, ISIS kéo dài suốt 20 năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy và bành trướng của các chính thể chuyên chế mới ở Nga và Trung Quốc, lợi dụng thời gian Hoa Kỳ và Châu Âu vướng vào các bãi lầy ở Afghanistan và Iraq. Ở các quốc gia này, Hồi Giáo chẳng những không thể phát triển được mà thậm chí còn bị đàn áp man rợ hơn mà điển hình là vụ “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) theo đạo Hồi ở Tân Cương miền Tây Trung Quốc.
***
Cuối năm 2001, để phục vụ cho cuộc chiến chống Al Qaeda và Taliban mới khởi phát ở Afghanistan, chính phủ Bush đã yêu cầu sự hợp tác của Bắc Kinh, sau một thời gian dài quan hệ lạnh nhạt do hậu quả của cuộc đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Trung Quốc đồng ý cho Mỹ đặt một số trạm trinh sát và tiếp tế ở miền Tây nước này, giáp với Afghanistan, đổi lại Washington phải để cho Trung Quốc trở thành thành viên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization – WTO) – một yêu cầu mà Mỹ đã chấp nhận và Trung Quốc bước vào WTO ngày 11 Tháng Mười Hai, 2001, với những đặc quyền được ưu đãi tối đa trong tư cách một nền kinh tế đang phát triển.
Mở được cánh cửa WTO, Trung Quốc vào được các thị trường tiêu thụ khổng lồ của Châu Âu và Châu Mỹ, tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý của các nền kinh tế tiên tiến. Điều kiện tuyệt vời đó, cộng với nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ và các chính sách công nghiệp nặng tính lợi dụng chính là yếu tố đưa tới sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc suốt 20 năm qua. Kinh tế phát triển mang lại nguồn lực để Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội, và bành trướng ảnh hưởng, nhắm tới thay thế vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên vũ đài thế giới. Có thể nói, nếu không có vụ khủng bố 11 Tháng Chín, không có phản ứng của Hoa Kỳ bằng cuộc chiến chống khủng bố, sẽ không hoặc chưa có một Trung Quốc mạnh mẽ và đầy tham vọng như hiện nay.
Nếu như trước ngày 11 Tháng Chín, 2001, thế giới “tương đối hòa bình” trong một trật tự toàn cầu đơn cực (unipolar) sau thời Chiến Tranh Lạnh mà Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất cả về quân sự, kinh tế và ngoại giao thì biến cố 11/9 và những cuộc chiến tranh sau đó đã đẩy thế giới tới một trật tự đa cực; một bên là Hoa Kỳ và các chính thể dân chủ tự do phương Tây, một bên là chế độ độc tài chuyên chế mới trỗi dậy đang đòi giành lại lãnh thổ và ảnh hưởng và một bên nữa là các tổ chức tôn giáo cực đoan, phi nhà nước, sẵn sàng tấn công khủng bố vào thường dân để gây rối loạn cho cuộc sống xã hội.
Cuộc đối đầu giữa các thế lực trên tất cả các lĩnh vực làm cho thế giới ngày nay trở nên bất ổn hơn, nguy cơ chiến tranh hủy diệt nhân loại đang treo lơ lửng và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bên cạnh chảo lửa ở Trung Đông và Bắc Phi, đã xuất hiện thêm nhiều điểm nóng mới như Đài Loan, Ukraine, Biển Đông.
***
Một hệ quả khác của cuộc chiến chống khủng bố là nó củng cố quyền lực của các chính phủ chuyên chế trong việc đàn áp các quyền tự do dân sự của người dân. Nhân danh chống khủng bố, nhiều nước đã giải tán các tổ chức chính trị đối lập, dập tắt các cuộc biểu tình đòi dân chủ, bắt giam và tuyên án nặng nề những nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền… Các thành tựu kỹ thuật mới như mạng Internet, trí tuệ nhân tạo, lẽ ra đã giúp con người sống tự do hơn, dân chủ hơn, biến thế giới thành một “ngôi làng toàn cầu” nơi mọi người có thể giao tiếp với nhau vượt qua giới hạn thời gian và không gian, nhưng lại được các chính quyền sử dụng để theo dõi người dân và biến xã hội thành một thứ nhà tù kỹ thuật số, nhất cử nhất động của công dân đều bị ghi lại trong cơ sở dữ liệu lưu trữ ở đâu đó trong hệ thống giám sát của nhà cầm quyền.
Một lần nữa, Trung Quốc lại là quốc gia điển hình cho việc theo dõi công dân nhân danh chống khủng bố, bảo vệ trật tự xã hội; thậm chí giam cầm hàng triệu người Hồi giáo vào các trại tập trung chỉ vì nghi ngờ họ có âm mưu khủng bố chống lại sự cai trị của đảng Cộng Sản.
Hoa Kỳ – nền dân chủ hàng đầu thế giới – cũng không phải là ngoại lệ. Vụ khủng bố 11 Tháng Chín chia rẽ xã hội Mỹ giữa người theo đạo Hồi và những tôn giáo khác. Sắc lệnh của cựu Tổng Thống Donald Trump cấm nhập cảnh những người từ các quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo là đỉnh điểm của sự kỳ thị này. Nhưng không chỉ người Hồi Giáo. Đạo luật a1i quốc, tên đầy đủ là Uniting and Strengthening America by Providing Appropriate Tools Required to Intercept and Obstruct Terrorism, gọi tắt là PATRIOT Act, được Quốc Hội khóa 107 thông qua và được Tổng Thống Bush ký ban hành ngày 26 Tháng Mười, 2001, cho phép chính quyền liên bang (i) tăng cường an ninh nội địa chống khủng bố, (ii) tăng cường các thủ tục giám sát, bên cạnh các điều khoản về chống rửa tiền và bảo vệ biên giới. Đạo luật có những quy định xâm phạm sâu vào quyền tự do công dân như cho phép chính quyền ngăn chặn, can thiệp vào việc giao tiếp của công dân bằng lời nói, trên điện thoại, trên các phương tiện điện tử liên quan tới khủng bố (Điều 201).
Không ai phủ nhận luật Patriot Act đã có tác dụng giúp ngăn chặn khủng bố trên lãnh thổ nước Mỹ trong thời gian Châu Âu vẫn liên tục bị các nhóm Hồi Giáo cực đoan tấn công, nhưng hiệu ứng phụ của nó là làm cho người dân Mỹ – nhất là người nhập cư – cảm thấy bất an, lúc nào cũng lo ngại bị chính quyền theo dõi và giám sát – điều không nên có trong một xã hội dân chủ tự do.
Trên bình diện thế giới, nỗi ám ảnh bởi bóng ma khủng bố đã làm cho nhiều nước dân chủ chuyển sang áp dụng các biện pháp chuyên chế, tạo ra xu hướng thoái trào của trào lưu dân chủ hóa. Freedom House – một tổ chức uy tín nghiên cứu về dân chủ – ghi nhận thể chế dân chủ bắt đầu bị thoái hóa nặng nề từ năm 2006, lúc cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan lên tới cao trào.
Trong 15 năm qua, số quốc gia chuyển từ chế độ dân chủ, hoàn toàn hoặc một phần, sang chế độ chuyên chế tăng liên tục và áp đảo số quốc gia dân chủ tự do. Trong báo cáo nghiên cứu Freedom in the World 2021 công bố gần đây, Freedom House đã khảo sát 195 quốc gia, ghi nhận tình hình thực thi quyền dân sự và quyền chính trị của công dân bị giảm mạnh ở 73 nước, gia tăng ở 28 nước; có 38% dân số thế giới hiện đang sống ở 54 nước bị coi là hoàn toàn không có tự do và chưa đầy 20% dân số sinh sống ở những nước tự do – thành tích thấp nhất kể từ đầu thế kỷ 21.
Sự thoái hóa của trào lưu dân chủ trên toàn cầu đã góp phần củng cố niềm tin của giới lãnh đạo Cộng Sản ở Bắc Kinh rằng “phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây đang suy tàn” và khởi động một chiến dịch tấn công dài hơi vào các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền của phương Tây.
***
Hai mươi năm sau biến cố 11 Tháng Chín, các tổ chức khủng bố al Qaeda và ISIS không còn mạnh như xưa, khả năng tổ chức tấn công trên lãnh thổ Mỹ là khó có thể xảy ra. Thế cuộc đã xoay vần: cuộc đối đầu hiện nay là giữa một siêu cường đang cố tìm lại uy tín và sức mạnh sau hai thập niên sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố với một cường quốc đang lên đầy tham vọng thay đổi trật tự thế giới. Không phải là tái lập một “ummah” Hồi Giáo như mơ ước của bin Laden mà là một hệ thống chuyên chế do một đảng độc tài toàn trị thống lĩnh các quốc gia chư hầu – như hệ thống của Trung Quốc trước khi tiếp xúc với văn minh phương Tây vài thế kỷ trước.
So với cuộc chiến chống khủng bố nhắm vào al Qaeda và ISIS, cuộc cạnh tranh ý thức hệ hiện nay phức tạp hơn nhiều, rộng lớn hơn nhiều và đòi hỏi Hoa Kỳ phải tập trung tối đa mọi nguồn lực kinh tế, quân sự, công nghệ, ngoại giao nếu không muốn bị vượt qua một cách cay đắng như sự kiện bất ngờ ngày 11 Tháng Chín. [qd]
—–
Chú thích: (*) ummah hoặc ummat al-Islām: cộng đồng các dân tộc Hồi Giáo chia sẻ cùng một niềm tin tôn giáo và một cơ cấu quyền lực chính trị.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten