Nguy cơ xuất khẩu ô nhiễm của Trung Quốc vào Việt Nam dưới dạng đầu tư
Từ khoảng năm 2010 đến nay Trung Quốc bắt đầu ý thức được rằng thành quả kinh tế của họ phải trả một chi phí môi trường quá cao với bầu không khí đầy khói bụi ở các thành phố lớn, các dòng sông bị ô nhiễm, đất trồng trọt bị hủy hoại. Bắc Kinh bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn môi trường cao hơn, cũng như nghiêm chỉnh hơn trong việc thực hiện các qui định về môi trường.
Theo các trang kinh tế và môi trường quốc tế, trong hai năm 2017 và 2018 hàng chục ngàn xí nghiệp trên khắp Trung Quốc bị thanh tra hoặc đóng cửa vì không thỏa mãn những tiêu chuẩn về môi trường khắt khe hơn.
Một trang mạng chuyên về chuỗi cung cấp hàng hóa toàn cầu trích lời Gary Hoang, đồng Chủ tịch Ủy ban Chuỗi Cung ứng thuộc Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết đã hình thành một ý thức tại Trung Quốc là cho phép các ngành gây ô nhiễm, tạo giá trị thấp rời Trung Quốc và sản xuất ở những nước còn kém phát triển hơn như Việt Nam, Campuchia.
Trang Nikkei chuyên về kinh tế của Nhật Bản cũng có nói tới một số công ty Nhật có thể vướng phải tiêu chuẩn môi trường cao hơn cũng sẽ rời Trung Quốc.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Cần Thơ, bày tỏ sự lo ngại về khuynh hướng này:
“Chúng tôi đang theo dõi việc này, nó chưa rõ ràng, nhưng mà chúng tôi lo thế này: nếu mà Trung Quốc đưa ra những tiêu chuẩn môi trường cao hơn thì các nhà máy Trung Quốc sẽ sang Việt Nam chứ chưa cần những nước khác (đang sản xuất tại Trung Quốc.)”
Câu chuyện kỹ thuật cũ gây ô nhiễm của Trung Quốc được đưa vào Việt Nam không mới, từ những lò nung xi măng lạc hậu ba mươi năm trước cho đến những dự án nhà máy điện chạy than hiện nay.
Trong Dự án Điện số 7 của Việt Nam có kế hoạch xây 9 nhà máy tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có một số nhà máy có vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Nếu mà Trung Quốc đưa ra những tiêu chuẩn môi trường cao hơn thì các nhà máy Trung Quốc sẽ sang Việt Nam.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.
Tương tự như vậy khu nhiệt điện Vĩnh Tân, với một số nhà máy trang bị kỹ thuật Trung Quốc đã gây ra ô nhiễm kéo dài, gây ra nhiều bất ổn xã hội tại đây.
Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế sống tại Hà Nội lo ngại về những bất ổn xã hội nếu như những kỹ thuật gây ô nhiễm được nhập vào Việt Nam trong thời gian tới đây:
“Tôi nghĩ phản ứng về môi trường sẽ rất mạnh mẽ. Mới đây thôi người dân đã biểu tình ở các nơi về môi trường rồi, kể từ vụ Formosa trở đi, rồi nhiệt điện Vĩnh Tân, hay một một số dự án khác như Lee&Man ở Hậu Giang chẳng hạn. Người dân sẽ tiếp tục có những phản ứng như vậy.”
Formosa là một tập đoàn luyện thép quốc tịch Đài Loan, đầu tư một khu công nghiệp luyện kim tại Hà Tĩnh. Khu công nghiệp này đã xả thải vào biển làm cá chết hàng loạt vào tháng tư 2016. Việc này làm dấy lên những cuộc biểu tình hàng chục ngàn người, lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Nhà máy giấy Lee&Man của Trung Quốc là nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam, được đầu tư tại tỉnh Hậu Giang, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Vào tháng 6, 2016, khi nhà máy đi vào hoạt động đã bị dân chúng than phiền về mùi hôi thối trong không khí và nước thải ra sông Cửu Long. Việc than phiền của người dân lẫn phản đối của một số nhà khoa học đã làm cho nhà máy này đã bị thanh tra nhiều lần về những vi phạm tiêu chuẩn môi trường, cũng như những sai phạm trong việc thực hiện qui trình đánh giá tác động môi trường trước đó.
Theo thông tin từ Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, gần đây Lee&Man đã xin nhà nước Việt Nam cho tăng công suất lên 3 lần nhưng bị từ chối vì e ngại ô nhiễm môi trường.
Chính phủ và nhà nước Việt Nam đang thay đổi cách tiếp cận về đầu tư nước ngoài.
-Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng Chính phủ Việt Nam hiện nay đã bắt đầu ý thức được sự thiệt hại nặng nề do ô nhiễm môi trường trong phát triển kinh tế:
“Chính phủ và nhà nước Việt Nam đang thay đổi cách tiếp cận về đầu tư nước ngoài. Thay vì thu hút đầu tư bằng mọi giá, hay mọi dự án, thì bây giờ Việt Nam thực sự là có thể và cần phải kén chọn hơn đối với các dự án đầu tư, chứ không phải bất cứ đầu tư nào cũng chấp nhận. Trong những tiêu chí chọn dự án đầu tư thì tiêu chí về môi trường rất là quan trọng. Hiện nay trong các dự án nhiệt điện than, hầu như tất cả các tỉnh đều phản đối không muốn làm nhiệt điện than tại tỉnh mình.”
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài cụm nhà máy nhiệt điện than Duyên hải tại tỉnh Trà Vinh đã vận hành và gây nhiều phản đối từ dân chúng, hiện tất cả các dự án điện than của vùng đồng bằng này đều nằm trên giấy vì không có tỉnh nào muốn làm. Ông cũng cho biết thêm là hiện ngành điện Việt Nam đang phải thay đổi kế hoạch phát triển của mình bằng kế hoạch Điện 8 với việc tăng phần năng lượng tái tạo trong tổng lượng điện sản xuất.
Điểm lại những phản ứng của người dân trong những năm qua sau những vụ khủng hoảng môi trường như Formosa, hoặc biểu tình kéo dài như tại Vĩnh Tân, bà Phạm Chi Lan nhận định rằng tâm lý phản ứng đó đã trở nên rất phổ biến tại Việt Nam, và chính phủ trung ương chắc chắn sẽ phải cân nhắc chuyện này khi đối diện với những dự án đầu tư từ nước ngoài nói chung, từ Trung Quốc nói riêng có thể gây ra ô nhiễm môi trường.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten