Vài dự đoán về Việt Nam trong năm Kỷ Hợi
Giới quan sát ở Việt Nam và hải ngoại đưa ra dự báo với BBC rằng trong năm Kỷ Hợi, chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "sẽ tiếp tục được mở rộng", "có nhiều tin vui về đầu tư nước ngoài" nhưng nhìn chung, các biến chuyển "vẫn sẽ có và giữ tốc độ chậm chạp".
Bánh chưng, bánh tét ở ta, ở Mỹ?
Phong bì 'chục nghìn đô' chưa phải là hối lộ?
'Tin vui về đầu tư nước ngoài'
Trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói: "Về kinh tế, năm 2019 sẽ thấy cụ thể hơn về tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Nếu căng thẳng không được giải quyết, mà còn gia tăng hơn nữa, thì khả năng Trung Quốc phá giá thêm nhân dân tệ (NDT) sẽ cao hơn, gây thêm sức ép lên VND.""Bên cạnh đó, việc CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực, các loại rào cản thuế quan được cắt giảm, sẽ gây áp lực lên cán cân thương mại của Việt Nam (có thể làm tăng nhập khẩu), lại càng tăng áp lực lên VND. Như vậy lại có khả năng làm giảm giá trị VND so với USD. Áp lực này có thể giảm bớt nếu như chính phủ Việt Nam thu hút được thêm đầu tư nước ngoài."
"Theo như tôi thấy, trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung chưa có chiều hướng suy giảm, năm 2019 này có thể Việt Nam sẽ có nhiều tin vui về đầu tư nước ngoài, sẽ thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển dịch sang Việt Nam, nhằm giảm rủi ro kinh doanh."
"Trong tình hình này, khi các điều kiện vĩ mô ít có biến động, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vẫn ổn định như 2018."
"Về tỷ giá giữa USD, NDT và VND cho 2019, có lẽ NDT sẽ mất giá hơn so với VND, và VND sẽ mất giá hơn so với USD giống như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tôi đoán là biên độ phá giá sẽ không cao. Điều này cũng cho thấy là việc dùng đồng thời NDT và VND ở các tỉnh phía Bắc là một giải pháp chấp nhận được."
"Và ngược lại phán đoán của nhiều người trước đây khi nói rằng kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vòng 3 đến 6 tháng kể từ ngày áp dụng chính thức chính sách này ngày 12/10/2018, đến nay chúng ta không thấy có xáo trộn gì đối với nền kinh tế Việt Nam."
"Về công nghiệp 4.0, chúng ta nghe Việt Nam nói rất nhiều nhưng ta thấy phải cố gắng trên thực tế nhiều hơn nữa."
"Theo số liệu của World Bank (Ngân hàng Thế giới), năm 2015, chi tiêu công về nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam chỉ đạt 0,37% của GDP. Rất thấp so với Hàn Quốc (4,23%), Trung Quốc (2,07%), và chỉ hơn một nửa của Thái Lan (0,63%)."
"Vì vậy, tôi hy vọng là năm 2019 và các năm tiếp theo, Việt Nam bứt phá, tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu không thì tương lai công nghiệp 4.0 sẽ còn rất xa vời."
"Năm Kỷ Hợi, tôi hy vọng là Việt Nam sẽ có nhiều hành động thực tế hơn là diễn văn. Về nghiên cứu ở các trường đại học, cần phải thông thoáng hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, vì theo như tôi biết, "công nghiệp 4.0" không chỉ liên quan đến khoa học tự nhiên và công nghệ."
"Về các dự án đặc khu kinh tế, hy vọng là chính phủ Việt Nam trân trọng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhất là các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, trước khi trình Quốc hội thông qua. Vì đến nay, các thông số được đưa ra (mà chúng ta tiếp cận được, nhất là về khu Vân Đồn) bị nhìn nhận là không logic về mặt kinh tế, có thể sai lệch, và thậm chí rất phiêu lưu."
"Dù rằng theo ý tôi, nên chăng Việt Nam tạo cơ chế đặc thù cho khu vực phía Nam, TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận, cần đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng ở vùng này vì đây là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Khi ở đây phát triển thông thoáng thì sức lan tỏa sẽ mạnh hơn nữa."
"Chúng ta đã thấy tác hại vừa qua của việc kém linh hoạt trong đầu tư hạ tầng cơ sở ở vùng này như sân bay Tân Sơn Nhất, metro..."
Tư pháp 'biến chuyển chậm chạp'
Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói với BBC: "Với tư cách luật sư, tôi quan tâm nhiều đến các biến chuyển trong hoạt động tư pháp nước nhà.""Theo đó, qua quá trình thương thảo về các hiệp định đa phương CPTPP hoặc EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam) đã tác động đến nghị trình lập pháp ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Chúng ta chứng kiến hàng loạt sự tu chính luật pháp theo hướng tích cực, tiệm cận hơn với những chuẩn mực pháp lý quốc tế, nhất là trong lãnh vực tài phán tư pháp, cụ thể qua các đạo luật về tố tụng dân sự, hình sự."
"Tuy rằng bên cạnh đó, có phát sinh thêm các quy định hạn chế sự hành nghề luật sư. Nhưng tựu trung, sự tu chính luật pháp vẫn là điều tích cực đáng được ghi nhận."
Mùa xuân của mẹ 'tù nhân lương tâm'
50 năm từ Tết Mậu Thân đến Mậu Tuất
"Duy có điều, sự chuyển biến từ văn bản luật pháp cho đến thực tế quá chậm chạp và ít phát huy tác dụng trong cuộc sống. Bởi lẽ, hoạt động tư pháp vẫn được điều hành bởi những viên chức tư pháp thủ cựu làm việc theo quán tính và tư duy cũ. Đồng thời, thực tế rằng hoạt động tư pháp cũng chưa bảo đảm được tính chất tài phán độc lập."
"Theo đó, trong năm mới Kỷ Hợi, tôi tin rằng sự biến chuyển vẫn sẽ có và cũng vẫn giữ tốc độ chậm chạp như thế. Mỗi năm gồm có 12 tháng, thời gian đó chưa đủ dài để tạo nên chuyển biến tích cực cần thiết cho đất nước."
"Tôi vẫn bảo lưu quan điểm là giải pháp căn cơ và duy nhất cho sự biến chuyển mạnh mẽ chỉ có một: Bảo đảm thiết chế nhà nước pháp quyền. Mà điều đó dường như nằm ngoài tầm tay với của chính quyền hiện nay."
'Đối phó tình thế'
Nhà văn Nguyễn Viện nói với BBC từ TP.Hồ Chí Minh: "Nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã qua được một nửa chặng đường, những ý tưởng về khởi nghiệp và kiến tạo là một chủ trương đúng trong bối cảnh một Việt Nam đang vươn dậy.""Ông Phúc cho thấy đã có những nỗ lực làm mới tinh thần làm việc của bộ máy hành chánh bằng những tuyên bố đầy nhiệt huyết, dù đôi lúc khôi hài. Tuy nhiên, giữa ý chí có vẻ tốt đẹp ấy lại tương phản với một thực tế tồi tệ."
"Thối nát và bất hợp lý là một nan đề không dễ giải quyết, khi quốc gia được điều hành bởi một cơ chế chồng chéo, lẫn lộn giữa lãnh đạo chính trị và hành chánh công quyền."
"Nó tạo ra một bộ máy điều hành thiếu ý thức phục vụ và trách nhiệm. Sự tham lam không được kiểm soát dẫn đến nhũng nhiễu tràn lan và đục khoét vô tội vạ tài sản quốc gia. Mặc dù đã có những cố gắng diệt trừ tham nhũng của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhưng cái căn bản của tệ nạn vẫn không thể giải quyết, đó là vấn đề cơ chế tạo ra tham nhũng."
"Bên cạnh đó, những nguy cơ tiềm ẩn bất ổn xã hội vẫn không có cách giải quyết tận gốc như quyền tư hữu đất đai, những đòi hỏi về nhân quyền…"
"Nhìn một cách khái quát hơn, chúng ta thấy đó là những vấn đề thuộc về sự chính danh, mà sau mấy chục năm đổi mới, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn loay hoay, thiếu dứt khoát và nhất quán trong vấn đề lý luận, ý thức hệ."
"Hệ lụy của tình trạng "hồn Trương Ba, da hàng thịt" trong cái gọi là "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" ấy sẽ chỉ làm phung phí thời gian, tài nguyên quốc gia vào cái "tự ái" của Đảng và những lợi ích bất chính của một nhóm người."
"Mặc dù Việt Nam đã tham gia ký kết rất nhiều các hiệp định, công ước quốc tế, từ kinh tế đến nhân quyền…, nhưng xem ra đó chỉ là những cam kết không thực chất, người dân không thụ hưởng được gì từ những ưu đãi thương mại. Đặc biệt với những cam kết liên quan đến những quyền cơ bản của công dân như tự do ngôn luận, lập hội và biểu tình…"
"Nó chỉ chứng tỏ là những biện pháp đối phó với tình thế hơn là một thiện tâm hòa nhập với văn minh nhân loại."
"Trên một tổng thể đầy trái khoáy của tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược với những tư duy còn nặng tính ban phát của thời kỳ bao cấp, sinh lực quốc gia vẫn bị kìm hãm bởi những quy định vừa lỗi thời vừa phản động, dự báo của tôi cho năm Kỷ Hợi cũng sẽ không có gì để hồ hởi, phấn khởi."
Nguyễn Phú Trọng: 'Người đốt lò vĩ đại'
GS Nguyễn Phú Trọng là ‘tấm gương sáng của Đảng’
"Tôi nhận thấy một khi lợi ích được đặt trên danh dự thì mọi "chỉ số hạnh phúc" chỉ là sự dối trá. Khi chính quyền gặp khó khăn, thì nhân dân sẽ bị khó khăn gấp bội."
"Chúng ta đang nhìn thấy thuế má được tận thu một cách triệt để như thế nào. Mọi sai lầm trong chính sách đều đổ lên đầu nhân dân hứng chịu."
"Với xu thế dân chủ và những đòi hỏi chính đáng của người dân càng ngày càng được bộc lộ một cách công khai và mạnh mẽ, Kỷ Hợi sẽ là một năm "giông bão" cho những ước mơ thiện lành. Phong trào đấu tranh cho dân chủ hay tổ chức xã hội dân sự sẽ bị càn quét, bởi chính quyền không xem đó là những tiếng nói lành mạnh, góp phần vào sự cân bằng trong cuộc sống xã hội, mà e ngại những thực thể tiến bộ ấy như những "thế lực thù địch" đe dọa sự tồn tại độc đoán của mình."
"Nhưng dẫu sao, tôi vẫn tin, cái bất hợp lý sẽ bị đào thải. Một lo lắng khác không thể tránh được, đó là những biến động trên Biển Đông. Sự thật là chúng ta đang mất dần biển đảo. Làm thế nào tránh được một xung đột quốc tế mà Việt Nam rất dễ trở thành quân cờ thí như cuộc chiến tranh vừa qua?"
"Theo cảm nhận của tôi, bi kịch của một dân tộc không phải ở chỗ nó yếu hay mạnh, to hay nhỏ mà là sự mất tự tin."
'Dân chúng còn bức xúc'
Một nghiên cứu sinh ở Mỹ đề nghị ẩn danh, nói với BBC: "Nhìn từ diễn biến năm 2018, theo tôi dự đoán, chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục được mở rộng, một phần để lấy lại uy tín của Đảng, phần khác để củng cố quyền lực của ông Trọng và những người cùng phe nhóm. ""Nhiều quan chức cao cấp sẽ được luân chuyển từ trung ương về địa phương hoặc ngược lại để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII vào đầu năm 2021. Người kế nhiệm ông Trọng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn."
"Trong bối cảnh đó, Luật An ninh mạng cùng với các công nghệ hiện đại sẽ được sử dụng để kiểm duyệt thông tin, ngôn luận và đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến. Báo chí cũng sẽ bị siết chặt hơn."
"Tinh thần dân tộc sẽ được chính quyền kích động và sử dụng như một công cụ để cải thiện tính chính danh."
"Chuyện chính quyền tận dụng tinh thần dân tộc không có gì mới ở Việt Nam. Khi chính quyền không thành công trong việc mang lại cuộc sống thịnh vượng cho dân chúng bằng thể chế và chính sách tốt, họ sẽ tìm cách thổi phồng thành tích hoặc thổi phồng lòng tự hào để dân chúng cảm thấy yêu nước hơn."
"Đồng thời, các công cụ tuyên truyền sẽ đánh đồng đất nước với chế độ và khiến dân chúng tin rằng chính Đảng là người mang lại niềm tự hào đó, khiến dân chúng phải biết ơn và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Sự thiếu vắng tư duy phản biện và cách tiếp cận tri thức theo kiểu nhồi nhét một chiều từ khi còn đi học là mảnh đất màu mỡ cho tinh thần và chủ nghĩa dân tộc, kể cả ở trạng thái cực đoan."
"Dân chúng chỉ bức xúc và phản kháng với những gì liên quan đến cuộc sống thiết thân, quyền lợi hàng ngày của họ chứ không phải ý thức hệ hay khái niệm dân chủ, tự do vừa trừu tượng, chung chung, lại dễ bị quy kết, chụp mũ là phản động, chống phá. Đồng thời, chưa xuất hiện một tổ chức đối lập thực sự nào cùng với cương lĩnh và chính sách đủ thuyết phục để thu hút sự ủng hộ của dân chúng."
Tin liên quan
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47025003
Geen opmerkingen:
Een reactie posten