vrijdag 15 februari 2019

Venezuela : Nga-Trung-Cuba cứu Nicolas Maduro + Cuba tố cáo Mỹ chuẩn bị xâm lược Venezuela + Maduro sợ Viện trợ quốc tế + Quân đội Chia rẽ

Venezuela : Nga-Trung-Cuba có thể cứu được Nicolas Maduro ?

Venezuela : Nga-Trung-Cuba có thể cứu được Nicolas Maduro ?
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp đồng nhiệm Venezuela Nicolas Maduro, tại khu Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 05/12/2018REUTERS/Maxim Shemetov/File Photo

    Tại Venezuela, danh sách các nước ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido ngày càng dài thêm. Sau Hoa Kỳ, đến lượt hơn một chục quốc gia châu Mỹ và tiếp đến là 19 thành viên Liên Hiệp Châu Âu công nhận tổng thống tự xưng. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc cũng như Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Bolivia tiếp tục ủng hộ tổng thống Nicolas Maduro.

    Vì sao các đối tác này không bỏ rơi Caracas ? Và liệu có thể giúp được chế độ Nicolas Maduro không bị sụp đổ hay không ?
    Nga-Venezuela : quyền lợi tương đồng
    Từ ngày 23/01/2019 , tổng thống đương nhiệm của Venezuela ngày càng bị cô lập. Cô lập nhưng không có nghĩa là hoàn toàn cô đơn. Nicolas Maduro vẫn được một số nước, ngoài Cuba và Bolivia ở châu Mỹ, còn có hai đại cường quốc tế là Nga và Trung Quốc, ủng hộ trong ván cờ chính trị với đối thủ Juan Guaido.
    Matxcơva và Bắc Kinh được xem là lá bùa hộ mạng của vị tổng thống đang xuống dốc chống lại đe dọa can thiệp quân sự của Washington. Vladimir Putin cảnh báo là sẽ « phản ứng nếu Mỹ vi phạm chuẩn mực cơ bản của công pháp quốc tế ». Bắc Kinh « quan ngại » về những mưu toan can thiệp vào nội bộ Venezuela.
    Thế nhưng, hầu hết giới phân tích cho rằng các đồng minh của tổng thống Nicolas Maduro, tuy bề ngoài vững chắc, kiên quyết, nhưng hậu thuẫn chính trị và tài chính có giới hạn. Vì nhiều lý do, tổng thống Vladimir Putin sẽ cân nhắc lợi hại tránh xung đột với nước Mỹ của Donald Trump tại địa bàn Nam Mỹ nơi mà Nga không có nhiều hậu thuẫn. Còn Trung Quốc, tuy có ảnh hưởng tài chính trong khu vực nhưng đang kẹt trong cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, sẽ thận trọng không chọc giận Donald Trump.
    Hai câu hỏi then chốt là vì sao Nga,Trung và Cuba gắn bó với Venezuela và liệu có thể cứu chế độ Maduro hay không?
    Trước hết là mối giao hảo với Matxcơva : Vì sao Putin chống lưng cho chế độ Maduro ?
    Sử gia Olivier Compagnon, giám đốc Viện Cao đẳng châu Mỹ Latinh Paris, trong chương trình « Giải mã » của RFI tiếng Pháp với chủ đề Khủng Hoảng Venezuela, phân tích :Venezuela là quốc gia mà Nga có ảnh hưởng mạnh nhất trong khu vực Nam Mỹ. Có hai yếu tố giải thích vì sao Putin hết lòng ủng hộ Nicolas Maduro. Trước tiên là lý do kinh tế. Hiện giờ, Nga là chủ nợ thứ hai của Venezuela sau Trung Quốc. Nga có quyền lợi rất lớn tại Venezuela vì với trữ lượng dầu hỏa đứng đầu thế giới, Venezuela tiếp tục có vị thế chiến lược trong hai hoặc ba thập niên tới đây. Lý do thứ hai là địa chiến lược. Như bàn bi da ba băng, ủng hộ chế độ Venezuela là thọc gậy vào chính sách đơn cực của Donald Trump, phá thế trận của Washington tại châu Mỹ Latinh. Iran đã áp dụng chiến thuật này từ đầu thập niên 2000 khi liên kết với Hugo Chavez phá George Bush. Teheran và Caracas bị Mỹ xem là kẻ thù chung.
    Cùng câu hỏi này, chuyên gia Eduardo Rios, đại học chính trị Paris chia sẽ nhận định của ông về nước Nga như sau : « Trên thực tế, Nga không có thừa tiền như Trung Quốc. Viện trợ kinh tế của Nga không bằng một phần của Bắc Kinh nhưng bù lại viện trợ quân sự rất đáng kể : huấn luyện quân đội và bán vũ khí. Mất Venezuela, Nga sẽ bị thiệt hại rất lớn về mặt đối ngoại. Có tin cho biết tổng thống Maduro đang được 400 lính đánh thuê của Nga bảo vệ ».
    Trở lại với sử gia Olivier Compagnon, ông nghĩ rằng Matxcơva không thể bỏ rơi Venezuela một cách dễ dàng sau khi đã « ứng trước » cho chế độ Chavez hơn 17 tỷ đôla từ năm 2006 . Bảo vệ Maduro bằng lính tư nhân là một giải pháp tình thế : Điện Kremlin bác bỏ tin này. Tôi không hoạt động tại hiện trường nhưng rất nhiều nhà quan sát xác nhận tin này có thật. Viện trợ quân sự của Nga rất quan trọng. Đối với Kremlin, Venezuela vừa là một thị trường vũ khí vừa là một đầu cầu chiến lược cho phép Matxcơva thiết lập hiện diện quân sự tại châu Mỹ latinh, nơi mà Nga không có ảnh hưởng bao nhiêu.
    Trung Quốc : con đường tơ lụa
    Trung Quốc, tuy khả năng quân sự yếu hơn Nga, nhưng thừa tiền và nhiều tham vọng hơn. Từ 2007, Bắc Kinh đã yểm trợ chế độ Caracas hơn 50 tỷ đô la dưới dạng cho vay, triển hạn nợ. Cũng như Matxcơva, lòng tốt của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu hỏa nhiều nhất địa cầu, gắn liền với trữ lượng dầu hỏa của Venezuela. Từ khi Maduro cầm quyền, do khủng hoảng làm tê liệt đất nước, tác động làm giảm sản xuất dầu, Venezuela không đủ tiền trả nợ cho Trung Quốc.
    Viễn ảnh chế độ Maduro sụp đổ là mối lo của Bắc Kinh, đứng về mặt quyền lợi kinh tế và tài chính.
    Sử gia Olivier Compagnon :Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất lớn nếu chế độ ở Caracas thay đổi cho dù sự sụp đổ của một chế độ chính trị không hẳn sẽ làm chủ nợ mất cả chì lẫn chài. Tuy nhiên, nợ của Caracas là thế cờ hóc búa trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
    Từ 20 năm nay, Venezuela là con nợ của Trung Quốc. Không riêng gì Venezuela mà nhiều nước Trung Mỹ đã trở thành đối tác thương mại « chặt chẽ » của Bắc Kinh. Cố tổng thống Hugo Chavez được Trung Quốc đánh giá là một đối tác tốt, rất có giá vào thời điểm mà Venezuela còn là một bạn hàng truyền thống của Washington và Hoa Kỳ là thị trường số một của Venezuela.
    Từ năm 2000, Trung Quốc giành ưu thế của Mỹ, độc chiếm vị thế đối tác thương mại lẫn tài chính trong quan hệ với Venezuela. Hệ quả là giờ đây, Caracas thiếu Bắc Kinh một món nợ khổng lồ 54 tỷ đôla.
    Bắc Kinh không khước từ đề nghị đối thoại của Juan Guaido cũng như thái độ thận trọng của các công ty dầu hỏa Nhà nước đầu tư tại Venezuela cho phép suy đoán Trung Quốc tính chuyện lâu dài.
    Chuyên gia Eduardo Rios :Caracas trở thành mục tiêu số một trong chiến lược « Con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh. Với hơn 400 tỷ đôla đầu tư vào Venezuela, Bắc Kinh muốn thụ hưởng thành quả . Ẩn số ở đây là liệu Trung Quốc chấp nhận trắng tay nếu Maduro sụp đổ ? Trong bối cảnh tình hình bất ổn hiện nay, các công ty năng lượng Trung Quốc cho biết tạm ngưng khai thác dầu hỏa cho đến khi nào khủng hoảng lắng dịu. Nói cách khác, bất kỳ chế độ nào, nếu chấp thuận hợp tác với Trung Quốc thì Trung Quốc cũng nhìn nhận.
    Juan Guaido tìm cách hóa giải lá bùa hộ mệnh của Maduro
    Trả lời câu hỏi của tuần báo Pháp l’Express ngày 09/02/2019 « có tiếp xúc với hai đồng minh của Maduro hay chưa ? » tổng thống tự xưng cho biết « đã tiếp xúc với đa số các nước và sẵn sàng thảo luận với mọi nước ». Bắc Kinh và Matxcơva, theo Juan Guaido, thấy rõ tình hình Venezuela : Maduro không được dân chúng ủng hộ, không có khả năng kinh bang tế thế. Ông ta là nhà vô địch sản xuất lạm phát trong khi đất nước này là cường quốc dầu hỏa thế giới.
    Theo Wall Street Journal, Maduro từ trước đến nay sử dụng dầu hỏa và nợ để nắm hầu bao của Trung Quốc và Nga. Nhưng Trung Quốc bắt đầu suy tính hơn thiệt. Tiếp tục ủng hộ chế độ đang suy sụp để làm gì nếu để mất ảnh hưởng và uy tín với các nước trong vùng làm hại cho chiến lược « Con đường tơ lụa » ?
    Nước Nga của Putin còn mệt hơn Trung Quốc. Kinh tế mong manh của Nga không cho phép Matxcơva hoang phí 17 tỷ đô la tín dụng, chưa kể tập đoàn dầu khí Nhà nước Rosneft lo sợ bị mất cả chì lẫn chài nếu ôm chân Maduro, theo phân tích của Bloomberg.
    Moscow Times khẳng định là Matxcơva đang âm thầm thương lượng với đối lập Venezuela.
    Cuba : đồng thuyền
    Ngoài Nga và Trung Quốc, chính quyền Maduro còn được Cuba, đồng minh đáng tin cậy số một trong khu vực.
    Lo âu cho vận mệnh tương giao, Cuba, còn nước còn tát, cố tìm một giải pháp kéo dài chế độ cánh tả ở Caracas nhưng không có hy vọng đảo ngược thời thế.
    Sử gia Olivier Compagnon : Không một cường quốc nào trên thế giới này mà dại dột không chuẩn bị giao thiệp với nước Venezuela tương lai. Trong bối cảnh chiến lược chuyển đổi công nghệ sạch chống ô nhiễm vẫn còn ì ạch thì dầu hỏa vẫn còn tương lai. Trong tình huống này, Venezuela với trữ lượng dầu hỏa hàng đầu thế giới, cho dù thuộc loại xấu phải tinh lọc rất tốn kém, vẫn là trung tâm quyền lợi của nhiều nước lớn kể cả Pháp, chứ không riêng gì Mỹ, Trung Quốc và Nga.
    Về phần Cuba, đồng minh keo sơn của Venezuela từ 27 năm nay, chúng ta không nên quên là cách mạng Cuba tồn tại được đến ngày nay là nhờ Hugo Chavez. Trong thập niên 1990, khi Cuba sắp khánh tận thì tại Venezuela, trung tá Hugo Chavez, sau âm mưu đảo chính bất thành, đắc cử tổng thống. Nhà lãnh đạo mới khẩn cấp viện trợ dầu hỏa, thực phẩm cho Cuba.
    Cuba không bao giờ quên ơn Venezuela và Venezuela không quên Cuba hỗ trợ chính trị. Do vậy, nếu Maduro phải lưu vong, thì Cuba sẽ là nơi tị nạn.
    Nhưng điều quan trọng là Cuba, với uy tín ngoại giao rất lớn trong vùng châu Mỹ Latinh, đang nỗ lực vận động để tạo một sự ủng hộ tối thiểu cho Maduro.
    Là sử gia, tôi khó có thể phát biểu dự báo tương lai của tổng thống Venezuela nhưng rõ ràng là ông Maduro hiện nay chỉ được một bộ phận nhỏ trong dân chúng ủng hộ. Người dân thiếu ăn, thực phẩm khan hiếm, bất mãn chế độ độc tài, đời sống bất an, nạn lạm phát, không thể chịu đựng mãi. Ủng hộ của một số đồng minh có thể giúp Maduro trụ thêm một thời gian nào đó nhưng diễn tiến hiện nay sẽ đưa đến một chế độ chuyển tiếp. Những nỗ lực của Uruguay, của Mêhicô giải quyết xung khắc trong hoà bình cũng như lời kêu gọi hai bên đối thoại của đức giáo hoàng Phanxicô , theo tôi, là giải pháp hợp tình, hợp lý nhất.
    Theo thông tin ngày 13/02/2019, Matxcơva tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm trung gian hoà giải giữa Maduro và Guaido và một lần nữa kêu gọi Washington đừng can thiệp vào nội tình Venezuela. Trong khi đó, Bắc Kinh cải chính nguồn tin của Wall Street Journal, theo đó các nhà ngoại giao Trung Quốc đang đàm phán với đối lập Venezuela để bảo vệ đầu tư Trung Quốc một khi thời thế thay đổi.
    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190214-venezuela-nga-trung-cuba-co-the-cuu-duoc-nicolas-maduro

    Cuba tố cáo Mỹ chuẩn bị xâm lược Venezuela

    mediaHàng rào chặn xe hơi trên cầu Tienditas trong khu vực biên giới chung Colombia-Venezuela, ở Cucuta, Colombia. Ảnh chụp ngày 06/02/2019REUTERS/Luisa Gonzalez
    Trên mạng Twitter, ngày hôm qua, 13/02/2019, ngoại trưởng Cuba tố cáo, từ ngày 06 đến 10/02 vừa qua, Hoa Kỳ đã điều động lực lượng đặc nhiệm tới các sân bay ở Porto Rico (thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ), Cộng Hòa Dominicana và nhiều đảo khác ở vùng biển Caribé mà không thông báo cho các chính quyền liên quan biết.
    Theo La Habana, việc điều động quân lính Mỹ nhằm chuẩn bị một cuộc « xâm lược », tiến hành một cuộc « phiêu lưu quân sự » chống lại Venezuela, được « cải trang dưới dạng can thiệp nhân đạo ».
    Cũng trong ngày hôm qua, khi tiếp tổng thống Colombia tại Nhà Trắng, nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump tái khẳng định là trong hồ sơ Venezuela, ông đang nghiên cứu mọi khả năng, đồng thời tố cáo tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã phạm phải một « sai lầm khủng khiếp » khi ngăn chặn viện trợ nhân đạo của quốc tế.
    Cho đến nay, chính quyền Caracas vẫn tuyên bố không có khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela. Hàng cứu trợ đã tới các vùng biên giới của Venezuela từ nhiều ngày qua, nhưng bị quân đội chặn lại. Tổng thống tự phong Juan Guaido tuyên bố là viện trợ nhân đạo sẽ vào Venezuela ngày 23/02.
    Sau đây là phóng sự của thông tín viên RFI Benjamin Delille tại vùng biên giới Venezuela và Colombia :
    « Như mọi sáng, hàng ngàn người Venezuela đổ dồn về khu vực biên giới để vượt cầu Simon Bolivar sang Colombia. Họ đến đó để mua thức ăn và thuốc men mà bên Venezuela không có. Tất cả mọi người đều khẳng định là họ đang chờ đợi viện trợ nhân đạo. Họ lên án việc ngăn chặn viện trợ. Cô Carolina, 22 tuổi, nói : Tôi không thích chính trị nhưng cần phải nhìn thẳng vào sự việc. Tôi cho rằng có nhiều người mù quáng, đó là chính phủ, bộ máy Nhà nước. Có thể nói là họ không chấp nhận một thực tế là tình hình tại Venezuela đang nguy kịch, mọi việc đều tồi tệ.
    Tại thành phố San Cristobal, cách vùng biên giới khoảng một tiếng đồng hồ đi xe, Alecxi Sanchez đại diện cho hiệp hội Các bác sĩ vì Venezuela. Ông sẽ tổ chức một cuộc tuần hành đi về phía vùng biên giới vào ngày 23/02 tới. Ông cho biết : Ý tưởng của chúng tôi là cần sớm hành động và chúng tôi sẽ đến đúng lúc. Bởi vì chúng tôi không muốn gây nguy hiểm cho các bệnh nhân hoặc các thành viên của hiệp hội.
    Có nghĩa là hiệp hội sẽ tránh để xẩy ra đụng độ bạo lực, nhưng muốn thu hút sự chú ý của truyền thông để làm cho thế giới thấy được kết quả của nhiều tháng trời điều tra về tình hình y tế tại Venezuela. Ông cho biết : Viện trợ nhân đạo quốc tế liên quan đến các nhóm cư dân dễ bị tổn thương, đó là những người mà chúng tôi biết là họ phải được ưu tiên giúp đỡ vì tính mạng của họ bị đe dọa.
    Theo vị đại diện này, ngày 23/02 sẽ là một bước ngoặt, kể cả khi viện trợ có thể không vào được Venezuela, bởi vì mọi người sẽ ý thức được quy mô của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela ».
    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190214-cuba-to-cao-my-tap-trung-quan-o-vung-caribe-de-chuan-bi-xam-luoc-venezuela

    Venezuela : Viện trợ nhân đạo quốc tế, nỗi lo sợ của Maduro

    media Hàng cứu trợ nhân đạo cho Venezuela tại một nhà kho ở gần cầu biên giới Tienditas, Cucuta, gần biên giới Colombia, ngày 08/02/2019 REUTERS/Luisa Gonzalez
    Juan Guaido, tổng thống tạm quyền tự phong, nhiều lần yêu cầu chính quyền tổng thống Maduro và quân đội mở cửa biên giới để tiếp nhận hàng viện trợ nhân đạo quốc tế. Một lời đề nghị luôn bị chính quyền Caracas từ chối. Câu hỏi đặt ra : Vì sao tổng thống Nicolas Maduro kiên quyết không nhận hàng viện trợ nhân đạo quốc tế ?
    Viện trợ nhân đạo đang trở thành một « con tin chính trị », một cuộc đấu trí cân não giữa hai vị tổng thống của Venezuela. Juan Guaido, lãnh đạo đối lập, chủ tịch Quốc Hội và tổng thống lâm thời tự phong liên tục gia tăng sức ép đối với chính quyền tổng thống Maduro, kêu gọi quân đội mở cửa biên giới để hàng viện trợ nhân đạo được đến tay người dân. Ông cảnh báo rằng việc ngăn cản cứu trợ nhân đạo là một « tội ác chống nhân loại ».
    Ngược lại, chính quyền Caracas thông qua lời đại sứ Venezuela bên cạnh Liên Hiệp Quốc khẳng định « không có khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela. Chẳng qua là vì nền kinh tế bị ngăn chặn và vây hãm ». Tổng thống Maduro đổ mọi trách nhiệm khan hiếm lương thực và thuốc men lên Hoa Kỳ, quốc gia đã ban hành các lệnh trừng phạt và đã cùng với các đồng minh tiến hành một cuộc chiến kinh tế nhắm vào Venezuela.
    Trong cuộc đọ sức này, giới chuyên gia Pháp đưa ra hai lý giải vì sao Maduro kiên quyết ngăn chận hàng viện trợ quốc tế. Thứ nhất là nỗi lo một cuộc can thiệp quân sự và chính trị của nước ngoài.
    Bà Paula Vasquez, nhà nhân chủng học người Venezuela thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp, trên Le Figaro có đưa ra một lý giải : « Một đợt viện trợ nhân đạo hiếm khi thật sự mang tính nhân đạo vì chương trình này là do các quốc gia hay Liên Hiệp Quốc phân phối. Điều đó có thể biến thành một cuộc chiếm đóng quân sự, bởi vì quân đội là những tổ chức duy nhất có khả năng cung cấp hậu cần để mang đến sự trợ giúp này ». Mà bài học kinh nghiệm Haiti là một minh chứng rõ ràng nhất.
    Đây cũng phải là lần đầu tiên Venezuela từ chối nhận viện trợ nhân đạo. Năm 1999, khi xảy ra thảm kịch sạt lở đất lớn nhất ở Vargas làm hàng ngàn người chết và mất tích, tổng thống Venezuela lúc bấy giờ, ông Hugo Chavez đã từ chối sự trợ giúp của quốc tế khi cho rằng sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Venezuela sẽ xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ đất nước.
    Có một câu hỏi mà chính quyền Maduro luôn canh cánh lo âu : Nguồn gốc hàng viện trợ này đến từ đâu ? Nếu là từ các tổ chức phi chính phủ thì đó có thể xem đó là một chương trình nhân đạo. Nhưng nếu là nguồn viện trợ từ các nước hay Liên Hiệp Quốc, Nhà nước Venezuela có nguy cơ đối mặt với rủi ro bị tước mất vai trò thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, bởi vì các định chế quốc tế, vốn tự cho rằng đất nước mà họ can thiệp là một nước đang suy yếu, như giải thích của bà Paula Vasquez.
    Thứ hai, về mặt chính trị, để hàng viện trợ quốc tế vào trong nước sẽ là một sự sỉ nhục, một thất bại chính trị thật sự đối với ông Maduro trước đối thủ Guaido. « Nếu như quân đội quyết định áp tải việc tiếp nhận hàng cứu trợ, chính quyền Maduro sẽ bị mất uy tín. Juan Guaido sẽ hiển nhiên được công nhận như là tổng tư lệnh Các Lực lượng quân đội Quốc gia Bolivar », như nhận xét của ông Victor Alvarez, cựu bộ trưởng Công Nghiệp Venezuela giai đoạn 2004-2006 với Le Figaro.
    Trong thế tiến thoái lưỡng nan này, bất kể quyết định là gì đi chăng nữa « mở hay chặn cửa », tổng thống Maduro đều cảm thấy « bị mất mặt ». Ông chỉ còn biết giận dữ chỉ trích Hoa Kỳ và những nước hùa theo khi cho rằng Venezuela giờ đang nằm trong « tâm bão địa chính trị », tố cáo Hoa Kỳ muốn lật đổ ông để chiếm đoạt nguồn dự trữ dầu khí dồi dào nhất hành tinh.
    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190214-venezuela-vien-tro-nhan-dao-quoc-te-noi-lo-so-cua-maduro

    Quân đội Venezuela : Chia rẽ ?

    media Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong cuộc mít-tinh tại một căn cứ quân sự ở Caracas ngày 30/01/2019. Miraflores Palace/Handout via REUTERS
    Thông tín viên Le Monde ở Caracas hôm nay phân tích về « Sự ủng hộ mong manh của quân đội Venezuela đối với ông Nicolas Maduro ». Các sĩ quan cao cấp vẫn trung thành với tổng thống, nhưng quân đội thì chia rẽ.
    Ba nhóm khác nhau trong quân đội Venezuela
    Một ngày sau khi lãnh tụ đối lập Juan Guaido tuyên bố tổng thống tự phong hôm 23/1, hình ảnh bộ trưởng Quốc Phòng Vladimir Padrino, xung quanh là hơn một chục tướng lãnh, xuất hiện trên truyền hình để khẳng định ủng hộ tổng thống Nicolas Maduro, tỏ ra là một quân đội đoàn kết.
    Tuy nhiên sự dàn cảnh này không che giấu được sự bất bình trong quân đội : bốn âm mưu nổi dậy đã được phát hiện trong năm 2018, 23 quân nhân bị bắt giam. Ba ngày trước khi tướng Padrino lên ti vi, 27 vệ binh quốc gia nổi loạn tại một trại lính ở khu phố Cotiza, phía bắc Caracas. Họ công khai bày tỏ sự phẫn nộ, khẳng định gia đình mình không còn gì để ăn, kêu gọi truất phế ông Maduro.
    Chưa đầy một tuần sau, tướng không quân Francisco Yanez loan báo trên mạng là ông rời quân ngũ và đi lưu vong. Ngày 9/2, đến lượt đại tá lục quân Ruben Alberto Paz trong một video kêu gọi công nhận thủ lãnh đối lập Juan Guaido. Tuy đến nay chưa được hưởng ứng, nhưng ít nhất những sự kiện này cho thấy những vết rạn nứt trong quân đội.
    Theo nhà báo Sebastiana Barraez chuyên nghiên cứu về quân đội Venezuela, có ba nhóm khác nhau trong lực lượng 365.000 quân này. Nhóm ủng hộ chế độ chiếm đa số trong các tướng lãnh và sĩ quan, còn những người bất mãn và đối lập rất nhiều trong số những người lính trẻ và hạ sĩ quan. Nhóm thứ ba là đại đa số quân nhân thất vọng với chủ nghĩa Chavez. Bà Barraez cho biết đây là « một đa số không đứng về phía nào, sẽ không cầm súng để bảo vệ Maduro, nhưng cũng không lật đổ chế độ ».
    Lạm phát tướng lãnh, tham nhũng lan tràn
    Trong « Kế hoạch Bolivar 2000 », tức chương trình phát triển được đề ra vào tháng 2/1999, Hugo Chavez đã trao cho 23 tướng lãnh những quyền hành lẽ ra dành cho thống đốc. Họ phụ trách những dự án tái thiết và cơ sở hạ tầng, và một số sĩ quan cao cấp khác được giao những khoản ngân sách. Theo báo cáo của tổng kiểm tra, có đến 21/73 tướng lãnh được giao quyền trong kế hoạch này dính líu đến các vụ biển thủ công quỹ.
    Hugo Chavez để mặc, vì lý do chiến thuật, hoặc vì sợ. Sau vụ đảo chính bất thành ngày 11/04/2012, ông Chavez quy tụ quanh mình nhiều tướng lãnh với tiêu chí duy nhất là trung thành, bất chấp có năng lực hay không. Sau khi ông Chavez qua đời năm 2013, người kế nhiệm Nicolas Maduro càng tăng thêm sức mạnh cho quân đội : hàng trăm sĩ quan được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng.
    Số tướng lãnh lên đến 1.200 người, gấp đôi so với quân đội Mỹ, được giao nắm các lãnh vực béo bở như dầu lửa, quặng mỏ, nhập khẩu thực phẩm. Năm 2017, gần phân nửa các bộ trưởng quan trọng trong chính phủ là tướng quân đội nhưng nay chỉ còn một phần tư. Chuyên gia Rocio San Miguel giải thích : « Các bộ không còn tiền, nên họ chẳng muốn làm nữa ».
    Tình hình vẫn căng tại các doanh trại quân đội
    Theo hai chuyên gia San Miguel và Barraez, quân đội vẫn chờ đợi một giải pháp khác, và lần đầu tiên từ nhiều năm qua, khuôn mặt mới nổi là Juan Guaido có thể đáp ứng. Đề nghị khoan hồng của thủ lãnh đối lập tỏ ra thu hút, nhưng quân đội quá chia rẽ để có thể cùng ngả về phía này hay phía khác. Đe dọa trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cũng gây hoang mang cho những quân nhân từng tham gia đàn áp, các sĩ quan liên can đến buôn lậu và ma túy.
    Trong những tuần lễ gần đây, trường hợp những người lính chỉ trích chế độ bị tra tấn cho thấy Sebin, cơ quan an ninh vẫn giám sát nghiêm ngặt ; đồng thời chứng tỏ tình hình căng thẳng tại các trại lính. Thế nên không phải là tình cờ khi ông Nicolas Maduro liên tục đi thăm binh lính. Ông đến Fort Paramacay ở Carabobo, nơi xảy ra khởi nghĩa vũ trang tháng 8/2017. Cuối tháng Giêng, tổng thống xuất hiện tại một căn cứ ở bang Aragua, và trước đó hôm 10/1 đã ra lệnh tập trận quy mô lớn năm ngày mà theo ông là để chuẩn bị chống xâm lược.
    Còn hiện giờ, viện trợ nhân đạo là vấn đề trung tâm : đại đa số quân nhân không muốn từ chối nhận vì chính họ cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
    Biểu tình ồ ạt ở thủ đô theo lời kêu gọi của đối lập
    Đặc phái viên của Le Figaro tại Caracas cho biết « Dân Venezuela vào cuộc với ông Guaido ». Họ đã xuống đường đông đảo hôm qua để đòi hỏi viện trợ nhân đạo phải được phân phối.
    Ngay từ 10 giờ sáng, đại lộ Francisco de Miranda bắt đầu đầy người. Đám đông cố dàn xếp với nhau : phân nửa mặt đường được dành cho hàng ngàn chiếc xe gắn máy, phân nửa còn lại chen chúc hàng trăm ngàn người biểu tình đi bộ. Cứ mỗi mười phút, métro lại nhả ra một đoàn bất tận những người phản đối ông Maduro. Ngay trên bến xe điện ngầm, những khẩu hiệu chống chế độ đã được hô vang. Thậm chí có lần một người xướng lên « Maduro ! » thì đám đông đáp lời « Cone de du madre ! » - một câu mà tờ báo nói rằng không thể dịch nghĩa !
    Không có một kênh truyền hình nào đưa tin về lời kêu gọi của thủ lãnh đối lập Juan Guaido, lại càng không có bất kỳ hình ảnh nào về cuộc biểu tình phản kháng quy mô đang diễn ra trên đại lộ. Tất cả các đài đều do nhà nước hoặc những người thân cận chế độ nắm giữ. Ở trạm Chacao, một người biểu tình cho biết họ xuống đường để đòi cho đưa vào viện trợ nhân đạo. « Rất nhiều người bệnh hiện không có thuốc chữa. Chúng tôi mong muốn thay đổi một cách hòa bình, không bạo lực lẫn chiến dịch quân sự ».
    Trong khi biểu tình phản đối tập trung tại Chacao, ở khu phố Enero thân chế độ có lăng Hugo Chavez, thân nhân binh sĩ kín đáo đến nhận các « Clap ». Đó là những thùng carton thực phẩm do Nhà nước phân phối, gồm bột mì, gạo, nui, dầu ăn, đường, cá hộp, sữa bột. Josefin và Carlos cho biết thùng « Clap » này giúp cả nhà trụ được một tuần. Gia đình có bốn người đi làm nhưng vẫn không đủ sống, may mắn là có một người chị ở Mỹ gởi tiền về nuôi. Dù thuộc tầng lớp được tương đổi ưu ái, họ hết sức cần hàng viện trợ, và vẫn lặng lẽ tham dự các cuộc biểu tình chống Maduro, với mũ kéo xuống che mặt để tránh bị hàng xóm và dân phòng nhận diện.
    Chuyến hàng đầu tiên cho phụ nữ, trẻ em đã vượt được biên giới
    Trong bài « Venezuela đang chờ đợi viện trợ nhân đạo », La Croix đưa tin thủ lãnh đối lập Guaido hôm qua gây ngạc nhiên khi loan báo đoàn xe chở hàng viện trợ đầu tiên đã vào được Venezuela.
    Ông Guaido không nói về xuất xứ của chuyến hàng, cũng như làm cách nào hàng đã vượt qua biên giới, chỉ cho biết số hàng này gồm 1,7 triệu thùng sản phẩm dành riêng cho trẻ em và 4.500 hộp thực phẩm bổ sung cho phụ nữ mang thai. Chủ tịch hiệp hội bác sĩ nhi khoa Huniades Urbina trước đó đã báo động 78% trẻ em Venezuela đang có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, nhiều em bé chỉ còn da bọc xương. Một phóng sự của AFP cho biết có trường hợp một bé bị bệnh viện Maracay từ chối tiếp nhận vì ngỡ rằng đã tử vong. Một hộp sữa cho trẻ sơ sinh ở Venezuela có giá ngang với ba tháng lương tối thiểu !
    Nhiều nước châu Âu cũng như Hoa Kỳ, Canada cho biết sẵn sàng viện trợ dược phẩm và thực phẩm. Một kho hàng đã được thành lập tại Cucuta ở Colombia, nhưng đoàn xe chở hàng bị ông Maduro cho chận lại trên cầu Tienditas. Brazil loan báo mở một kho hàng thứ hai tại bang Roraima gần biên giới, nơi đã tiếp đón hàng mấy chục ngàn người tị nạn Venezuela. Hôm thứ Hai 11/2, đối lập mở trang web voluntariosxvenezuela.com dành cho những người tình nguyện phân phối hàng viện trợ, và không đầy 24 giờ đã có trên 90.000 người đăng ký.
    « Chúng tôi không phải là lạc đà ! »
    Nhật báo công giáo cũng nói về một khía cạnh khác trong cuộc sống thường nhật của người dân thủ đô Venezuela : « Cascaras sống theo nhịp độ lịch cúp nước ». Do hệ thống cấp nước không được bảo trì, nước máy tại Venezuela chỉ có trung bình hai ngày trong tuần. Ảnh minh họa cho bài báo là người biểu tình giơ cao biểu ngữ « 70 ngày không có nước, chúng tôi không phải là lạc đà ! »
    Nước máy ở Venezuela rẻ nhất châu Mỹ la-tinh vì bao cấp, thấp hơn từ 4.000 đến 27.000 lần so với các nước khác ! Tuy nhiên chi phí để đưa nước đến thủ đô Caracas ở độ cao 1.000 mét là rất lớn, và Nhà nước không có tiền để duy tu hệ thống phân phối nước. Người dân phải tổ chức lại cuộc sống theo lịch cúp nước một cách khốn khổ, người giàu thì thuê đào giếng khiến mực nước ngầm tụt xuống đe dọa lún sụt. Nhưng người ta phẫn nộ vì trong khi nước sinh hoạt thiếu thốn đến như thế, ông Maduro vẫn viện trợ nhiều hàng hóa trong đó có 300.000 lít nước quý giá cho Cuba khi nước anh em bị ảnh hưởng bởi một trận lốc xoáy.
    Nạn bài Do Thái, Venezuela, Iran : Tựa chính báo Pháp
    Nạn bài Do Thái, tình hình Venezuela, 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran, đó là các chủ đề được báo Pháp hôm nay 13/02/2019 quan tâm nhiều nhất. Le Figaro chạy tựa trang nhất « Nước Pháp phẫn nộ vì những hành động bài Do Thái gia tăng ». « Các hành vi bài Do Thái tăng đến 74% », tít của Le Monde. Trên nền đen, Libération chạy chữ đỏ « Bài Do Thái » với con số « 74% » màu trắng thật to. Tờ báo kể ra một số ví dụ: chữ thập ngoặc trên chân dung triết gia Simone Veil, những cây trồng để tưởng nhớ Ilan Halimi - một thanh niên Do Thái bị sát hại dã man – bị cưa ngang. La Croix trong bài xã luận nhấn mạnh « Tất cả chúng ta đều có liên quan », cho rằng chống lại tình trạng này cũng là chiến đấu chống mọi dạng thù hận.
    Les Echos chú ý đến việc « Cải cách y tế trải qua thử nghiệm đầu tiên » khi bộ trưởng Agnès Buzyn hôm nay trình bày dự luật trước nội các. La Croix nhìn sang châu Mỹ la-tinh, chạy tựa « Venezuela được truyền nước biển ».
    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190213-quan-doi-venezuela-chia-re

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten