Paris và cà phê vỉa hè
Thành phố Paris có hơn 15.000 quán cà phê và nhà hàng vỉa hè được bài trí theo phong cách riêng từ dân dã đến sang trọng. Một tách cà phê đi kèm chiếc bánh ngọt là bữa sáng nên thử ít nhất một lần khi đến Paris. Ngoài nổi tiếng về các loại cà phê được pha chế đặc trưng Pháp và Ý, các quán cà phê ở Paris còn gây ấn tượng nhờ khoảng hiên lấn ra vỉa hè và những chiếc ghế độc đáo đầu mầu sắc.
“Mình thích cà phê vỉa hè vì sau giờ làm việc, thích uống một cái gì đó, thích la cà, lang thang và thường ở khu Beaubourg hoặc khu “quartier Latin” tại vì ở đó nhộn nhịp và không khí rất Việt Nam. Ngồi ngoài đường thì thứ nhất được thưởng thức không khí. Vì khi uống lúc trời lạnh có thú vui của trời lạnh, còn khi có nắng lên thì thích kiểu nắng đẹp, phơi nắng, khác hẳn với Việt Nam mình vì ở Việt Nam mình trốn nắng, còn ở đây thì lại thích nắng bởi sau những tháng mùa đông, thì cần không khí, nắng ấm hoặc vitamin”.
“Vì chúng tôi được hưởng không khí mát mẻ, hít thở không khí trong lành vì mùa xuân tới rồi nên tôi thấy vui khi ngắm cây cỏ một chút và những người qua đường, trông rất nhộn nhịp”.
“Đơn giản là rất dễ chịu khi được uống cà phê ngoài đường vì trời nắng đẹp. Hơn nữa, tôi cảm thấy rất thân mật vì mọi người có thể nói chuyện với nhau ở bên ngoài. Và vì môi trường này giúp mọi người dễ bắt chuyện làm quen với nhau hơn. Đơn giản vậy thôi !”
Quán cà phê, ở Paris cũng như những nơi khác trên thế giới, là điểm hẹn hò hay nơi làm việc, là lúc nói chuyện trên trời dưới biển hay chỉ là những phút nhàn rỗi ngắm người qua lại và cảm nhận nhịp sống hiện đại nhưng sâu lắng của Paris.
“Dù sao, vì thường xuyên trong tầu điện ngầm nên người ta cũng muốn thình thoảng được lên mặt đất. Và ở Paris không có quá nhiều không gian xanh, dĩ nhiên có nhiều vườn cây, vì thế cà phê vỉa hè hay các hiên ngoài trời của các nhà hàng luôn là địa điểm thú vị vì nếu không, ở Paris, người ta suốt ngày ở bên trong”.
“Ở đây, các căn hộ không phải lúc nào cũng có khoảng không riêng, vì thế, uống cà phê vỉa hè cho chúng tôi chút không khí thoáng đãng và có chút không gian xanh”.
Một quán cà phê trong khu Le Marais, Paris.RFI / Tiếng Việt
Cà phê vỉa hè, cách hiệu quả để thu hút khách
Những chiếc ghế kê ngoài vỉa hè, cùng với khung cảnh đẹp, là cách hiệu quả nhất của chủ quán để thu hút khách hàng, chủ yếu là khách vãng lai vì Paris là một trong những điểm du lịch nổi tiếng lãng mạn nhất thế giới. Vì vậy, họ không ngần ngại đầu tư để có được giấy phép khai thác khu vực vỉa hè trước quán. Đơn xin phép phải được gửi đến đô chính Paris, theo giải thích của anh Fabien Chébaut, cán bộ quy hoạch lãnh thổ của vùng Ile-de-France :
“Tại Paris cũng như những thành phố khác của Pháp, khu vực công cộng không thuộc về ai cả mà thuộc về tập thể. Và không một ai có thể kê bàn ghế ở ngoài đường như họ muốn. Vì vậy, có những điều khoản cho phép người kinh doanh sử dụng không gian chung của các thành phố.
Còn tại Paris, thành phố có cả một bộ quy tắc và đơn xin phép phải được gửi đến thị chính. Theo nguyên tắc chung, mỗi nhà kinh doanh, mỗi tiệm cà phê hay nhà hàng chỉ được chiếm 1/3 vỉa hè vì phải dành chỗ cho người đi lại.
Mỗi nhà kinh doanh đến đăng ký tại thị chính, điền hồ sơ chi tiết về kỹ thuật. Sau đó, thị chính Paris sẽ cấp giấy phép sử dụng. Đổi lại, chủ tiệm phải trả một khoản tiền thuê định kỳ, tương ứng với diện tích được phép sử dụng.Tuy nhiên, giấy phép này không phải là vĩnh viễn và có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào”.
Bộ quy tắc của thành phố Paris giải thích rất chi tiết về cách sắp xếp giá bày bán hàng, dựng vách ngăn bằng kính và kê bàn ghế trên vỉa hè. Đối với các quán cà phê giải khát, thường có hai kiểu hiên chính : hiên khép kín và khu vực vỉa hè được phép kê bàn ghế. Tuy nhiên, chủ cơ sở kinh doanh chỉ được lấn tối đa 1/3 vỉa hè và phải chừa lối đi rộng tối thiểu 1,60 m cho người đi bộ tính từ mép vỉa hè. Còn chiều dài không được vượt quá bề mặt của cơ sở kinh doanh, có nghĩa là không được lấn sang nhà bên cạnh.
Đối với khu vực cà phê vỉa hè khép kín, chiều rộng cho phép từ 0,70 m đến 1,20 m. Vách ngăn phải được làm bằng kính trong suốt, cao tối đa 2,25 m, không được dán áp-phích hay che mành rèm để tránh khuất tầm nhìn. Các vách ngăn phải xê dịch được, được lắp song song và vuông góc với cửa hàng chính. Khu vực cà phê ngoài trời, nơi khách hàng được phép hút thuốc, phải có chiều rộng tối thiểu 0,60 m. Như vậy, ở những khu vực có vỉa hè rộng 2,2 m, hàng quán không được phép xếp bàn ghế ra ngoài. Trong trường hợp vỉa hè rộng, chủ quán có thể được phép kê bàn ghế sát quán và sát mép vỉa hè, với điều kiện chừa lối đi ở giữa rộng 1,80 m cho người đi bộ. Đặc trưng của các quán cà phê vỉa hè Paris là mái hiên đỏ với viền rủ, nơi ghi tên quán, không được rộng quá 0,25 m.
Ngoài ra, chủ quán còn phải tuân thủ nhiều quy định khác như bảng ghi thực đơn không được cao quá 1,60 m hoặc giá đỡ thực đơn không được cao quá 1 m ; không được để chướng ngại vật trên lối dành cho người đi bộ, kể cả bảng thực đơn hay ô dù ; trên mỗi bàn ngoài trời phải có một gạt tàn thuốc lá và thường xuyên được đổ sạch… Trong trường hợp ngừng kinh doanh hoặc bị thu hồi giấy phép, chủ quán phải trả lại nguyên trạng cho vỉa hè.
Quy định quản lý quán cà phê của thành phố Paris. Hình minh họa.RFI / Tiếng Việt
Ghế mây : Biểu tượng của cà phê vỉa hè Paris
Cà phê vỉa hè Paris còn nổi tiếng với những chiếc ghế mây cong cong độc đáo của hai nhà sản xuất Drucker (ra đời năm 1885) và Gatti (năm 1920). Mỗi quán có kiểu ghế đặc trưng, nổi bật nhờ các họa tiết ở lưng ghế cùng với tên của nhà sản xuất được khắc trên một tấm kim loại gắn đằng sau hoặc bên cạnh ghế.
Sản phẩm của nhà Drucker và Gatti đều được làm thủ công, theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi chiếc ghế có giá ít nhất là 100 euro/chiếc, cần khoảng 4 giờ làm việc và trải qua 6 công đoạn khác nhau : xử lý mây, đan khung, lắp ráp, đan lưng ghế, lắp viền, hoàn thiện và đánh véc-ni.
Chất liệu được sử dụng chính là sợi mây rất nhẹ và bền, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới như Indonesia, Malaysia, Philippines… và được nhập vào Pháp ngay từ cuối thế kỷ XIX. Cho đến những năm trước Thế Chiến Thứ Nhất, cả nước Pháp sôi sục với trào lưu đồ mây tre đan. Cơn sốt chỉ tạm ngớt trong hai cuộc chiến rồi lại bùng lên khi Thế Chiến II kết thúc.
Theo nhận xét với l’Express của ông Bruno Dubois, giám đốc Nhà Drucker, “không một thành phố nào khác có những chiếc ghế đầy mầu sắc như vậy ở ngoài phố. New York không có cà phê vỉa hè. Ở Madrid hay Barcelona cũng có một ít, nhưng ở phần còn lại của Tây Ban Nha hay Ý, thường thì trời quá nóng để ngồi ngoài đường. Trong khi đó, ở Bắc Âu thì lại thường xuyên mưa”.
Vậy đó, những chiếc ghế mây trở thành biểu tượng của Paris. Vừa lịch sự, thuận tiện, lại nhẹ bền và đẹp mắt, chúng trở thành vật không thể thiếu trong các quán cà phê, nhà hàng. Kích thước mỗi chiếc ghế đều được tính toán chi tiết để không cồng kềnh, vừa đủ ngồi, như vậy chủ quán mới có thể khai thác triệt để diện tích được sử dụng ngoài vỉa hè và không tốn chỗ xếp trong nhà.
Một số du khách Việt khi đến Paris cho rằng nếu đến kinh đô ánh sáng mà không vào quán uống cà phê, bạn sẽ “không thấy và không có Paris. Hãy chọn một góc khuất ở bất cứ ngã tư nào của thành phố, gọi một cốc cà phê sữa, ngắm nụ cười mỉm đặc biệt của người Pháp và tận hưởng cuộc sống êm đềm trôi nơi đây”.
Một quán cà phê ở Sorbonne, khu phố Latin, Paris.Wikipedia
http://vi.rfi.fr/phap/20170414-paris-va-ca-phe-he
Paris hoa lệ - “kinh đô” của chuột cống
Paris đang ở chặng nước rút trong cuộc đua đăng cai Thế Vận Hội Olympique 2024. Chỉ còn khoảng một tháng nữa là Paris đón tiếp phái đoàn của Ủy Ban Olympique Quốc Tế tới thị sát. Ấy vậy mà thành phố Paris lại đang đau đầu đối phó với vấn nạn « chuột cống ». Khẩu hiệu Made for Sharing / Venez partager! (Hãy đến và chia sẻ!) chắc chắn không dành cho chuột cống. Nước Pháp không muốn chia sẻ « kinh đô ánh sáng » với loài gặm nhấm này, chính vì thế, từ vài tháng nay, chính quyền Paris - đứng đầu là thị trưởng Anne Hidalgo - đã tích cực triển khai cuộc chiến chống lại « các vị khách 4 chân không mời mà đến ».
Tờ New York Times cho đăng một bài báo dài với tiêu đề « Chuột tự do hoành hành ở Paris. Lỗi của Liên Hiệp Châu Âu » và nhận định là « Paris đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng về chuột tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ nay ». Báo The Guardian của Anh Quốc thì mỉa mai: « Tại Marais - khu phố sang trọng, thanh lịch của Paris, chuột đông hơn người ». Một tờ báo Anh khác - The Telegraph - thì nhận xét: « Paris, kinh đô ánh sáng nay đã trở thành kinh thành của chuột cống ».
Điều mỉa mai, theo báo The Telegraph, là cách đây gần một năm, Paris đã tổ chức hội thảo quốc tế « Chiến lược quản lý chuột ở đô thị ». Ấy vậy mà, giờ đây, ở Paris phồn hoa, nổi tiếng với các công trình kiến trúc, lịch sử tráng lệ, chuột cống xuất hiện khắp mọi nơi, không chỉ tại các khu phố bình dân mà cả ở các khu phố sang trọng hay ở các công trình lớn của thành phố : từ quảng trường tháp Saint-Jacques ở trung tâm Paris tới các sân chơi thiếu nhi, từ thảm cỏ ở khu vườn Tuilerie nổi tiếng tới chân tháp Eiffel, từ Champs-Elysées vốn được vinh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới tới bờ sông Seine thơ mộng … Thậm chí, nhiều người đã chụp ảnh, quay phim được cảnh chuột đang tranh giành thức ăn với chim bồ câu trong các công viên, vườn hoa. Thật không ngoa khi nói Paris đang được đặt trong tình trạng « báo động về chuột ».
Ông Pierre Falgayrac, chuyên gia về vệ sinh và an toàn, một trong số ít những chuyên gia độc lập, chuyên đào tạo về quản lý chuột ở đô thị, tác giả cuốn sách « Chuột và người » cho tuần báo L’Express biết là cứ có 1 người dân, thì Paris có tới gần 2 con chuột. Hiện ở Paris có khoảng 4-6 triệu con chuột. Vậy, do đâu mà Paris lại trở thành một « ổ chuột » khổng lồ đến vậy?
Theo anh Julien Landel, trợ lý quận trưởng quận 4 - Paris, thì đó là vì ba lý do: « Paris mới trải qua giai đoạn ngập lụt cách đây vài tháng. Tại quận 4 đang có các hoạt động nạo vét hệ thống cống ngầm. Những tác động này khiến lũ chuột phải chạy lên mặt đất. Nhưng cũng phải nói tới ý thức của người dân và vấn đề vệ sinh không đảm bảo tại một số địa điểm trong thành phố Paris ».
Ông Reynald Baudet, một chuyên gia về diệt chuột, giải thích là từ trước tới nay, vẫn có rất nhiều chuột trong hệ thống cống thoát nước của Paris, nhưng chính việc thi công xây mới hay sửa sang các công trình, nhà cửa khiến chuột phải rời hang và bò lên mặt đất tìm nơi trú ẩn mới khiến số lượng chuột mà người dân nhìn thấy trên mặt đất nhiều hơn hẳn trước đây.
Tuy nhiên, bác sĩ Georges Salines, giám đốc cơ quan Sức Khỏe Môi Trường Paris cho biết thức ăn thừa rơi vãi tại các nơi công cộng và trong các thùng rác không đóng kín trên đường phố mới là nguyên nhân chủ yếu khiến chuột sinh sôi, nảy nở nhanh chóng. Thêm vào đó, nhiều người dân lại rắc thức ăn cho chuột, giống như cho chim bồ câu ăn vậy. Bác sĩ Georges Salines thậm chí đã gọi đây là « một thú vui mới của nhiều người dân Paris ». Ngoài ra, cũng phải kể tới việc nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm và nhà hàng vứt lẫn lộn các loại rác thải với thức ăn, thực phẩm thừa vào cùng một thùng rác nên thu hút nhiều chuột tới, đặc biệt là ở các khu vực có nhiều cống thoát nước.
Cũng theo giám đốc cơ quan Sức Khỏe Môi Trường Paris, chiến dịch diệt chuột của Paris phần nào giảm hiệu quả là do ảnh hưởng của một quy định mới của Liên Hiệp Châu Âu liên quan đến thuốc diệt chuột, chẳng hạn lệnh đặt thuốc diệt chuột ở cửa hang chuột tại các công viên.
Chuyên gia Pierre Falgayrac cho biết để duy trì sự sống, chuột cần ba yếu tố cơ bản là thức ăn, nước uống và hang ổ. Chỉ cần triệt tiêu được một trong ba yếu tố này là có thể hạn chế sự sinh sôi, nảy nở của loài gặm nhấm này. Vì mỗi con chuột mỗi năm ăn hết khoảng 9kg thức ăn, nên theo chuyên gia Pierre Falgayrac, cũng như giám đốc cơ quan Sức Khỏe Môi trường Paris và phát ngôn viên Christophe Marie của quỹ bảo vệ động vật mang tên diễn viên danh tiếng Brigitte Bardot, để giải quyết tận gốc vấn nạn chuột thì điều thiết yếu phải là xử lý rác thải, đặc biệt là các loại thức ăn thừa để chặn nguồn thức ăn của chuột, khiến chúng không thể sinh sôi nhanh chóng. Và đặc biệt, việc dọn vệ sinh, thu gom rác thải phải được tiến hành vào buổi chiều tối, trước giờ chuột rời hang lên mặt đất tìm thức ăn.
Hiện tại, ở Paris, thùng rác được các hộ gia đình, cửa hàng, siêu thị đẩy ra vỉa hè vào buổi tối, nhưng nhân viên môi trường đô thị chỉ đi thu gom rác vào buổi sáng sớm hôm sau. Điều này có nghĩa là chuột vẫn có cả đêm để lùng sục thức ăn trong các thùng rác để trên vỉa hè, nhất là các thùng rác không được đậy kín nắp.
Ngoài ra, ông Pierre Falgayrac đưa ra 4 đề xuất:
- Dùng các chất diệt chuột sinh học chỉ để diệt chuột cống gần khu vực buôn bán thực thẩm, nhà hàng, siêu thị.
- Đặt bẫy chuột cơ học không độc hại cho con người và các loài vật khác luân phiên tại các công viên, vườn hoa.
- Phun nước dọn rửa vỉa hè hai lần một ngày, nhất là tại các khu vực có nhà hàng, siêu thị.
- Diệt chuột một tháng trước khi cải tạo hay xây mới các công trình để tránh chuột chạy lan sang các nơi khác.
Chuyên gia Pierre Falgayrac quả quyết nếu áp dụng bốn biện pháp mà ông đề xuất, chỉ sau ba tháng, số chuột sẽ giảm xuống tỉ lệ dưới 1 con chuột/ 1 người dân. Ở ngưỡng này, người ta sẽ không còn thấy chuột trên mặt đất vào cuối ngày nữa.
Nhưng chuyên gia Pierre Falgayrac lại lưu ý rằng điều quan trọng là « điều chỉnh dân số » chuột cống ở Paris chứ không phải tìm cách tiêu diệt hoàn toàn loài vật này bởi vì chuột cống không quá nguy hiểm như người ta vẫn lo sợ.
Chúng ta vẫn đồn đại rằng chuột cống có thể truyền nhiều bệnh cho con người, nhất là dịch hạch, nhưng sự thật không phải vậy. Chuyên gia Pierre Falgayrac nói: « Nếu đúng chuột cống là vật chủ truyền bệnh dịch hạch, thì con người đã chết hàng loạt kể từ khi có hệ thống cống … Chuột không truyền cho con người nhiều mầm bệnh hơn chó hay mèo, những loài vật nuôi yêu thích của người dân Paris … Bệnh duy nhất mà chuột có thể truyền cho con người là bệnh trùng xoắn móc câu. Đó là căn bệnh truyền nhiễm qua nước tiểu của chuột. Nhưng căn bệnh này rất hiếm gặp.»
Viện Pasteur Paris cũng khẳng định bệnh trùng xoắn móc câu không dễ lây sang người nên tỉ lệ người mắc bệnh hàng năm chỉ là 0,4 - 0,5 người/100.000 dân. Thế nhưng, với nạn hoành hành của chuột cống, số người bị mắc bệnh đã tăng. Năm 2014-2015, trên toàn nước Pháp, có hơn 600 ca bệnh trùng xoắn móc câu, tăng gấp đôi so với năm 2011. Những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh này nhất là công nhân làm việc trong hệ thống cống ngầm, thường xuyên tiếp xúc với chuột cống.
Tuy nhiên, xét về phía cạnh nào đó, chuột cũng là loài vật có ích. Chúng giúp người dân Paris xử lý tới 800 tấn rác thải/ngày và giúp cống rãnh không bị rác làm tắc nghẽn.
Còn chính quyền Paris có quan điểm là chuột không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe mà còn « gây mất mỹ quan đô thị và gây thiệt hại về kinh tế ». Vì thế, thị trưởng Anne Hidalgo khi trả lời phỏng vấn của tuần báo Journal du dimanche (Báo ngày Chủ Nhật) hồi đầu tháng 03/2017 cho biết là thành phố đã thông qua một kế hoạch hành động trên quy mô rộng với 10 biện pháp mới nhằm làm sạch thành phố và diệt chuột, đặc biệt bổ sung 1,5 triệu euro cho công tác diệt chuột. Số tiền sẽ được dùng để mua thêm bẫy chuột, cải tiến các thùng rác để chuột không chui vào lấy thức ăn được nữa và tăng cường hoạt động diệt chuột ở những nơi có nhiều chuột cống.
Thực ra, đây không phải là chiến dịch diệt chuột đầu tiên của thành phố Paris. Hàng năm, cứ vào mùa xuân, sở cảnh sát Paris lại phát động chiến dịch diệt chuột và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân. Năm 2000, sở cảnh sát Paris đã thành lập một đơn vị gồm 6 cảnh sát, chuyên điều tra các nhà kho, tầng hầm, sân và khu vực để thùng rác bên trong các khu chung cư và hệ thống cống thoát nước để tìm và diệt loài gặm nhấm này. Nhưng, đúng như cô Laëtitia - một người sống lâu năm ở Paris chia sẻ: « Có những đợt, người ta không nhìn thấy chuột, chúng đã bị tiêu diệt hết nhưng rồi sau đó một thời gian, chúng trở lại vì luôn có thức ăn cho chuột trên đường phố Paris. Nhiều người ngồi ăn trong các công viên, vườn hoa, ăn không hết họ vứt lại. Thức ăn thừa này đã thu hút chuột tới.»
Thêm vào đó, chuột cũng là loài vật tinh khôn, không dễ dính bẫy. Anh Mathieu Cohen, chuyên viên kỹ thuật diệt chuột cho biết: « Đây là loài sống sót tài tình nhất, một trong những loài vật thông minh nhất trên trái đất. Rất khó để bắt được chúng. Nhưng với kỹ thuật ngày càng phát triển, chúng tôi sẽ làm được, dần dần từng chút, từng chút một ».
Hy vọng là với các biện pháp mới của Paris, với việc nâng cao ý thức cho người dân, « Kinh đô ánh sáng » sẽ không còn là « kinh thành của chuột cống » nữa.
http://vi.rfi.fr/phap/20170412-paris-hoa-le-%E2%80%9Ckinh-do%E2%80%9D-cua-chuot-cong
Cùng chủ đề
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
-
Pháp: Những họa sĩ ghi dấu thời gian tại Quảng trường Tertre đồi Montmartre
Một chút lãng mạn trong vòng tay người tình ngắm hoàng hôn trên bậc thềm dẫn lên Nhà thờ Thánh Tâm … -
Rodin, người thổi hồn cho nghệ thuật điêu khắc
Từ Nụ hôn (Le Baiser) đến Người suy tư (Le Penseur) hay Cổng địa ngục (La Porte de l’enfert)... chỉ nhắc đến những tác phẩm này, người ta nghĩ … -
Phong cách "kiến trúc Đông Dương" tại Việt Nam đầu thế kỷ XX
Với những công trình như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm hay Dinh xã Tây - Hôtel de Ville (nay là trụ sở … -
Hình bóng phố phường Hà thành qua Nhà cổ 87 Mã Mây
Trở thành điểm tham quan khó có thể bỏ qua khi đến đất Thăng Long kinh kỳ, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây là thành … -
Champs-Elysées : Từ « bãi sình lầy » tới « đại lộ đẹp nhất thế giới »
Người Pháp không chỉ tự hào về các công trình văn hóa - lịch sử như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà Paris, … -
Nhà văn Virginia Woolf và "Căn phòng riêng"
“Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng riêng”. Nhà văn người Anh Virginia Woolf (1882-1941) đưa ra …
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
Geen opmerkingen:
Een reactie posten