vrijdag 21 augustus 2015

Trung Quốc “bẫy” Nga vào mối quan hệ “đồng minh ảo” để đối đầu Mỹ-Nhật?


TQ “bẫy” Nga vào mối quan hệ “đồng minh ảo” để đối đầu Mỹ-Nhật?

Cuộc tập trận chung ở biển Nhật Bản của Trung Quốc và Nga đang làm dấy lên quan ngại về cục diện đối đầu giữa Nga-Trung-Mỹ-Nhật ở khu vực Đông Bắc Á.

TQ “bẫy” Nga vào mối quan hệ “đồng minh ảo” để đối đầu Mỹ-Nhật?
Trung Quốc muốn gây áp lực lên Mỹ-Nhật bằng cuộc tập trận với Nga, nhưng vẫn tuyên bố “không nhằm vào bên thứ ba”?
Nga-Trung Quốc tập trận và tác động lên tình hình khu vực
Cuộc tập trận quân sự chung “Liên hợp trên biển-2015 (II)” giữa Trung Quốc và Nga tại vùng biển Nhật Bản đã mở màn vào hôm qua (20/8) với sự tham gia của 25 tàu chiến, 15 máy bay có cánh cố định, 8 máy bay trực thăng và 400 lính lục quân.
Đây là lần đầu tiên Nga-Trung tổ chức tập trận chung tại biển Nhật Bản, cũng là lần đầu biên đội Hải quân Trung Quốc tập trận tại vùng biển này.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, các cuộc tập trận chung đang dần trở thành xu thế trên thế giới và ngày càng diễn ra với mật độ dày đặc ở các “điểm nóng” địa chính trị. Điều này phản ánh tính linh hoạt trong hoạt động ngoại giao quân sự thời hiện đại.
Theo Hoàn Cầu, tại châu Á-Thái bình Dương, các hoạt động quân sự như vậy thường phản ánh khá chân thực cục diện địa chính trị ở khu vực, do đó rất thu hút sự quan tâm của truyền thông phương Tây.
Trong số các quốc gia có sức mạnh quân sự ở châu Á, Trung Quốc “tự nhận” mình là nước “trung thành” nhất với một tuyên bố thường thấy, đó là “tập trận chung không nhằm vào bên thứ ba”.
Tuy nhiên, các tuyên bố dạng này của Bắc Kinh thường chỉ được xem như “nói suông”, không có giá trị thực tế.
Hoàn Cầu cho rằng, do tính chất đồng minh của Mỹ-Nhật là hết sức công khai nên sự “phô trương sức mạnh” trong các cuộc tập trận của liên minh quân sự này không còn lạ lẫm.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc liên tục khẳng định “không trở thành đồng minh” với Nga, thì cuộc tập trận trên biển Nhật Bản của Nga-Trung nhanh chóng được truyền thông quốc tế phân tích là động thái rõ rệt nhằm đối đầu với Mỹ-Nhật.
Hoàn Cầu giải thích, do quân đội Nga-Trung không có quan hệ phụ thuộc, khác với các quan hệ đồng minh thường do Mỹ đứng đầu, nên “dù Nga-Trung có tập trận như thế nào cũng không thể hiện được mức độ liên kết về chiến thuật, chiến lược so với các liên minh có Mỹ”.
Hoàn Cầu phân tích, Trung-Mỹ vẫn duy trì quan hệ hợp tác nước lớn ở mức độ “miễn cưỡng”, còn sự rạn nứt trong quan hệ Nga-Mỹ dù nghiêm trọng nhưng “còn xa mới mức trở về thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Ngoài ra, Mỹ-Nhật là liên minh thân cận rõ ràng nhất, trong khi một đồng minh khác của Mỹ là Hàn Quốc lại hy vọng giữ được thái độ “trung lập” ở một mức độ nhất định.
Vì vậy, việc “chia” Đông Bắc Á thành 2 “chiến tuyến” Mỹ-Nhật-Hàn đối đầu với Nga-Trung-Triều Tiên chủ yếu mới chỉ dựa trên các đánh giá trong quá khứ.
Hoàn Cầu nhận định, Cục diện quân sự, chính trị Đông Á vẫn ẩn chứa nhiều diễn biến khó lường trong tương lai, nhưng có thể dự đoán các nhóm thế lực đang dần định hình ở khu vực này và khiến Bắc Kinh phải quan ngại về khả năng kiểm soát tình hình.
Việc Mỹ thúc đẩy chiến lược “xoay trục châu Á”, bao gồm gia tăng hiện diện quân sự và tăng cường mối liên kết đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương, hiển nhiên đã tạo ra sức ép lớn đối với cả Nga và Trung Quốc.
Dù Bắc Kinh khẳng định “Nga-Trung hỗ trợ nhau để tăng tiếng nói trong đối thoại với Mỹ”, nhưng báo chí Trung Quốc đang tận dụng hết cỡ mối quan hệ hợp tác với Nga để rêu rao và “nâng tầm” sức mạnh quân sự của nước này, trong khi báo Nga hiếm khi làm điều ngược lại.
Không thể phủ nhận, cuộc tập trận chung của Nga-Trung đang đáp ứng được những nhu cầu thiết thực từ cả Moscow và Bắc Kinh.
Và dù không thừa nhận, nhưng động lực lớn nhất để Trung Quốc thúc đẩy hợp tác quân sự với Nga, là để tạo thành “đối trọng” với Mỹ-Nhật.
“Đối đầu sức mạnh trong thế kỷ 21 sẽ thảm khốc”
Hoàn Cầu khẳng định Nga và Trung Quốc là “những quốc gia có sức mạnh lớn” và mối quan hệ giữa 2 nước này “chỉ thấp hơn quan hệ đồng minh một bậc, tức quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện”.
Trung Quốc tin rằng, việc duy trì mối quan hệ “đồng minh ảo” này là đủ để giúp Bắc Kinh có được vị thế của “người bảo vệ hòa bình châu Á-Thái Bình Dương”.
Đây là một nước đi đầy toan tính, bởi nếu Trung Quốc tiến lên quan hệ đồng minh với Nga, giữa 2 nước sẽ buộc phải xác lập một quốc gia đóng vai trò chủ đạo, và vị thế này – như Bắc Kinh hiểu rõ – sẽ không nằm trong tay họ.
Bên cạnh đó, dù Trung Quốc chấp nhận trở thành “chiếu dưới” của Moscow trong quan hệ đồng minh, thì động thái của 2 quốc gia này cũng sẽ tạo thành mối đe dọa khủng khiếp đối với Washington và Tokyo, ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược ngoại giao của cả Nga và Trung Quốc.
Hoàn Cầu lo ngại, Nhật Bản – với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ – đang đóng vai trò “quá tích cực” trong vấn đề an ninh khu vực.
Tờ này cảnh cáo, bên cạnh việc gia tăng sức mạnh và củng cố quan hệ đồng minh, Tokyo nên “quan tâm đến cảm nhận về an ninh của các quốc gia không phải đồng minh của họ”.
Bắc Kinh tuyên bố, Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh bậc nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng phải thừa nhận “đối đầu sức mạnh trong thế kỷ 21 sẽ rất thảm khốc” bởi xung đột chỉ xảy ra khi cục diện địa chính trị ổn định đã bị phá vỡ.

 http://www.datviet.com/tq-bay-nga-vao-moi-quan-he-dong-minh-ao-de-doi-dau-my-nhat/

Châu ÁQuốc tếTrung QuốcNgaTập trậnHoa KỳNhật Bản

Tập trận Nga-Trung : Bắc Kinh không giấu ý đồ chống Mỹ-Nhật ?

mediaCác đơn vị Trung Quốc thực tập chiến đấu tại Murom, Nga ngày 08/08/2015.
Hải quân hai nước Trung Quốc và Nga đã khởi động vào hôm nay 20/08/2015, một cuộc tập trận chung được đánh giá là có quy mô rất rầm rộ tại miền bắc Biển Nhật Bản, một vùng nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trong lúc Tân Hoa Xã xác định rằng đợt diễn tập hải quân này không nhắm vào ai, Hoàn cầu Thời báo không ngần ngại gắn liền động thái chung của Bắc Kinh với xu thế ngày càng chặt chẽ thêm trong liên minh Mỹ-Nhật.
Một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của một cuộc tập trận là phô trương uy lực quân sự. Điều này được thể hiện rõ qua lực lượng được cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva tung vào cuộc tập trận mang tên Joint Sea-2015 (II) : Hơn 20 chiến hạm, hai tầu ngầm, hàng chục phi cơ chiến đấu và trực thăng, nhiều phương tiện đổ bộ và 400 lính thủy quân lục chiến. Trong 9 ngày ròng rã, hải quân hai nước sẽ thực hiện các bài tập khác nhau, trong đó có nội dung chống tàu ngầm và phòng không. Ngoài ra, một bài tập đổ bộ lên bờ biển cũng được dự trù.
Theo các nhà phân tích, rõ ràng là khi cùng với Nga đẩy mạnh các cuộc tập trận chung, đối tượng mà hai bên nhắm tới là liên minh Mỹ Nhật. Hãng tin Hàn Quốc Yonhap vào hôm nay đã đặc biệt nhấn mạnh trên tín hiệu thị uy mà Trung Quốc và Nga muốn gởi đến Mỹ và Nhật Bản.
Trong một bài xã luận nói về cuộc tập trận, Hoàn cầu Thời báo, một nhật báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho rằng nhân tố thúc đẩy Bắc Kinh và Mátxcơva tăng cường hợp tác quân sự chính là sự kiện liên minh Mỹ-Nhật ngày càng được cũng cố thêm, đặc biệt trong lãnh vực an ninh quân sự :
« Một số người đang lo ngại rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương đã tạo ra sức ép trên cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva… Không thể phủ nhận rằng sự chuyển biến trong liên minh Mỹ-Nhật là động lực lớn nhất khiến cho Trung Quốc và Nga tiếp tục xích lại gần nhau về mặt quân sự ».
Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc đã nói thẳng như trên về mục tiêu chống liên minh Mỹ-Nhật được Bắc Kinh và Mátxcơva thể hiện qua các cuộc tập trận hỗn hợp gần đây.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã, cũng trong một bài xã luận về cuộc tập trận, đã bác bỏ lập luận cho rằng Trung Quốc và Nga muốn thị uy trước Mỹ và Nhật khi cùng nhau tập trận. Đối với với Tân Hoa Xã, các cuộc tập trận thường niên của hải quân Nga Trung từ năm 2012 không hề nhằm mục tiêu thị uy với bất kỳ ai, mà chỉ nhằm phát huy an ninh hàng hải và ổn định khu vực.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150820-tap-tran-nga-trung-bac-kinh-khong-giau-y-do-chong-my-nhat-0

NgaTrung QuốcQuốc tếChâu ÁQuân sựTập trận

Hải quân Nga-Trung lại tập trận rầm rộ trên Thái Bình Dương

mediaChiến hạm Trung Quốc và Nga trong đợt tậo trận chung trên Thái Bình Dương - Reuters / China Daily
Hải quân Trung Quốc và Nga đã sẵn sàng cho một cuộc tập trận chung lớn chưa từng thấy giữa hai bên. Cuộc tập trận dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 20/08/2015 trên vùng Thái Bình Dương, với hơn 20 tàu chiến, thực hiện một loạt bài tập đổ bộ và chống tàu ngầm.
Mang tên Joint Sea 2015 II, cuộc tập trận sẽ kéo dài cho đến ngày 28/08/2015 tại Biển Nhật Bản và ngoài khơi thành phố Vladivostok, miền Viễn đông Nga.
Trong những năm gần đây, các cuộc tập trận ngày càng phát triển, cả về quy mô, lẫn tính chất phức tạp. Hải quân Trung Quốc và Nga đã tổ chức năm cuộc tập trận chung trong vòng 10 năm nay, nhưng cuộc diễn tập mở ra ngày 20/08 là đợt tập trận thứ hai trong không đầy một năm.
Đây cũng là lần đầu tiên mà Hải quân Trung Quốc tập trận chung trên vùng biển Nhật Bản, có bốn nước bao quanh là Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga và Nhật Bản.
Theo Tân Hoa Xã, bẩy tàu chiến Trung Quốc đã rời cảng Thanh Đảo để đến Biển Nhật Bản tham gia tập trận cùng với Nga. Phía Trung Quốc còn có 6 máy bay trực thăng, 5 phi cơ, 21 đơn vị có thiết bị đổ bộ và 200 thủy quân lục chiến. Hải quân Nga thì đã loan báo việc tung vào cuộc tập trận 16 chiến hạm, 2 tàu ngầm, 12 máy bay hải quân, chín xe lội nước và 200 lính thủy quân lục chiến.
Như để cho thấy quan hệ gắn bó trở lại giữa hai bên, có tin cho biết là nhân cuộc tập trận lần này, chiến hạm Trung Quốc sẽ lần đầu tiên ghé thăm căn cứ hải quân Nga Novorossiysk ở Biển Đen.
Về nguyên nhân thúc đẩy hai bên gia tăng tập trận chung, vào năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng cho biết đó là vì Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một số tuyên bố gần đây của các lãnh đạo Nga cao cấp khác thì lại cho thấy rằng, ít ra về mặt lời lẽ, quan điểm của Nga không khác Mỹ bao nhiêu khi cũng kêu gọi một giải pháp đa phương cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang làm các láng giềng bất bình vì cách hung hăng đòi hỏi chủ quyền của mình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150819-hai-quan-nga-trung-lai-tap-tran-ram-ro-tren-thai-binh-duong

NgaTrung QuốcQuốc tếChâu ÁQuân sựTập trậnAn ninhĐịa Trung HảiPhân tích

Tập trận Nga-Trung ở Địa Trung Hải thể hiện tham vọng trên biển của Bắc Kinh

mediaTổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Matxcơva ngày 08/05/2015.Reuters
Các chiến hạm của Trung Quốc và Nga đã mở các cuộc tập trận chung ở vùng biển Địa Trung Hải, kéo dài từ ngày 11/05/2015 cho đến ngày 21/05/2015. Cuộc tập trận chung này cho thấy quan hệ giữa hai nước đang được thắt chặt hơn và tham vọng trên biển của Bắc Kinh tiếp tục gia tăng.
Theo lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc mục tiêu chủ yếu của cuộc tập trận Nga-Trung là bảo vệ an ninh hàng hải, nhằm tăng cường khả năng của hải quân hai nước cùng nhau đối phó với các mối đe dọa đến an ninh hàng hải.
Nhưng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, cuộc tập trận chung này còn mang một ý nghĩa khác đối với Trung Quốc và Nga. Matxcơva hiện đang bị phương Tây cô lập do khủng hoảng Ukraina. Còn Trung Quốc ngày càng quan ngại khi thấy Mỹ tăng cường liên minh quân sự với Nhật. Chính chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin cũng đã nhấn mạnh rằng quan hệ song phương Nga –Trung nay rất phù hợp với lợi ích của hai nước.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia tập trận ở vùng biển Địa Trung Hải. Cho dù quy mô của cuộc tập trận chung với Nga không lớn lắm, nhưng đây là nơi xa bờ biển Trung Quốc nhất mà hải quân nước này tham gia tập trận. Cuộc tập trận này cũng nhằm chứng tỏ rằng lực lượng hải quân Trung Quốc không chỉ quanh quẩn trong vùng lãnh hải nước họ, mà còn có thể mở rộng hoạt động ra các vùng biển xa như thế, chứng tỏ là Bắc Kinh nay rất tin tưởng vào khả năng quân sự của mình. Đồng thời nó cũng thể hiện tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng biển Địa Trung Hải. Cuộc tập trận chung với Nga ở Địa Trung Hải còn có thể được xem như là nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ và Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự, cũng như tỏ cho thấy là Bắc Kinh có quan hệ tốt với Matxcơva.
Về phần Matxcơva, cuộc tập trận chung với Trung Quốc ở Địa Trung Hải ( cũng là cuộc tập trận đầu tiên của Nga ở vùng biển này ) nhằm chứng tỏ với Hoa Kỳ rằng Nga không bị cô lập và hoàn toàn có khả năng mở cuộc tập trận ở vùng sát bên Đông Âu, nơi mà Washington trong những năm gần đây đã gia tăng trợ giúp quân sự. Trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt do cuộc khủng hoảng Ukraina, cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải cho thấy Matxcơva đã quay hẳn sang đồng minh củ Bắc Kinh.
Tờ Los Angeles Times gần đây trích dẫn một giáo sư Đại học Princeton, Gilbert Rozman, giảng dạy về các vấn đề Đông Bắc Á, nhận định rằng hợp tác Nga-Trung thể hiện nỗ lực của hai nước thiết lập một trật tự thế giới mới, mà nói như ngôn ngữ của Tân Hoa Xã là “một thế giới tốt đẹp hơn”. Nói cách khác, Matxcơva và Bắc Kinh đang gởi một thông điệp chính trị đến Hoa Kỳ và Châu Âu : Nga và Trung Quốc sẽ hợp lực với nhau và sẽ hỗ trợ việc bành trướng lợi ích của mỗi nước.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo chính thức vốn có lập trường dân tộc chủ nghĩa rất mạnh, trong số báo ra ngày 12/05/2015, tức là một ngày sau khi khai mở cuộc tập trận chung Nga-Trung, đã không quên chửi xéo Mỹ và Nhật : “ Mặc dầu có khác biệt về văn hóa, hai nước có quan hệ bình đẳng với nhau, khác hẳn với mối quan hệ chủ-tớ giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150515-nga-trung-dth-tt

Nga và Trung Quốc tập trận chung tại Địa Trung Hải

mediaRussian President Vladimir Putin (C), Kazakhstan's President Nursultan Nazarbayev (L) and China's President Xi Jinping take part in a wreath laying ceremony at the Tomb of the Unknown Soldier on the Victory Day by the Kremlin walls in central Moscow, RussiReuters/Ria Novosti
Báo chí nhà nước Trung Quốc ngày 12/05/2015 ca ngợi mối quan hệ ngày càng thắm thiết giữa Bắc Kinh và Matxcơva, khi lần đầu tiên hai cường quốc cùng tham gia cuộc tập trận hải quân tại Địa Trung Hải.
Theo Global Times, cuộc tập trận này huy động 9 chiến hạm của Nga và Trung Quốc, dự kiến kéo dài 11 ngày. Từ cảng Novorossiisk tại Hắc Hải, các tàu chiến hôm nay phải ra đến Địa Trung Hải, nơi mà cả hai quốc gia chưa bao giờ tập trận chung.
Tân Hoa Xã bình luận : « Sự kiện này cho thấy rõ hai nước sẽ cùng hành động để giữ gìn hòa bình và trật tự quốc tế thời hậu chiến ». Hãng tin nhà nước Trung Quốc cho rằng việc Nga-Trung xích lại gần nhau đảm bảo cho việc « đóng góp vào một thế giới tốt đẹp hơn ».
Đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây đã tỏ ra thân mật với nhau hơn ; trong bối cảnh hố ngăn cách giữa Matxcơva và phương Tây ngày càng đào sâu, còn Bắc Kinh thì gây lo ngại cho các nước láng giềng khi lộ rõ tham vọng và phô trương sức mạnh quân sự.
Tờ Global Times khoe rằng: « Mặc dù có những khác biệt về văn hóa, hai nước đều bình đẳng với nhau, trái ngược với mối quan hệ chủ tớ giữa Mỹ và Nhật ».
Cuộc tập trận hải quân trên đây còn khẳng định ý muốn của Bắc Kinh đưa sức mạnh quân sự ngày càng vươn ra xa khỏi lãnh thổ. Tổng thống Djibouti, Ismael Omar Guelleh tuần rồi loan báo, Bắc Kinh đang thương thảo với Djibouti để thiết lập một căn cứ quân sự tại đất nước nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược ở vùng Sừng châu Phi.
Tuần trước tại Matxcơva, Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc đã sát cánh bên nhau, phô ra tình hữu nghị trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít Đức. Và trong những dịp gặp gỡ khác gần đây, Tập Cận Bình và Vladimir Putin cũng đã cam kết tăng cường hợp tác, trước sự quan ngại của thế giới về cách cai trị độc đoán của hai nhà lãnh đạo này.

http://vi.rfi.fr/20150512-nga-tq-quan-su/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten