donderdag 27 augustus 2015

Sự thờ ơ khó hiểu của Trung Quốc trong căng thẳng liên Triều

Thứ tư, 26/8/2015 | 21:41 GMT+7

Sự thờ ơ khó hiểu của Trung Quốc trong căng thẳng liên Triều

Căng thẳng hai miền Triều Tiên vừa qua có thể xuất phát từ việc Bình Nhưỡng muốn lôi kéo sự chú ý của Trung Quốc khi đồng minh duy nhất này đang ngày càng lạnh nhạt, đồng thời chia rẽ tình bạn chớm nở Trung - Hàn.
north-korea-kim-jong-un-1994-1440573054.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một buổi tập trận. Ảnh: KCNA
Sáng sớm 25/8, Hàn Quốc và Triều Tiên đã kết thúc căng thẳng bắt đầu từ tuần trước, khi hai nước đấu pháo lần đầu tiên trong 5 năm. Tuy nhiên, còn có những chuyện hậu trường khác quan trọng hơn diễn ra đằng sau, giữa Triều Tiên với đối tác thương mại chính và đồng minh duy nhất của nước này - Trung Quốc.
"Với tư cách là đồng minh duy nhất của Triều Tiên và ngày càng thân thiết với Hàn Quốc, Trung Quốc đương nhiên có vai trò trong vấn đề này", tạp chí Time dẫn lời John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul, nói. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng Bắc Kinh "đã vắng mặt trong căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong tuần qua. Ngoài việc kêu gọi các bên kiềm chế, Bắc Kinh không có lời lẽ và hành động khác để cải thiện tình hình".
Gây chú ý
Trong lịch sử, khi Triều Tiên có hành vi khiêu khích Hàn Quốc, nước này làm như vậy để có thể thổi bùng niềm tự hào quốc gia hoặc giành được sự chú ý của Bắc Kinh. Theo William Johnson, một quan chức từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ và có thời gian sống tại biên giới Trung - Triều, hai nước này có thể đã tổ chức đàm phán, chủ yếu ở khu vực biên giới tỉnh Liêu Ninh vào giữa những năm 2000, liên quan đến việc Trung Quốc kêu gọi kiềm chế giữa hai miền Triều Tiên. Nếu cuộc chiến nổ ra giữa hai miền, hàng triệu người Triều Tiên có thể sẽ chạy sang Trung Quốc, vì vậy, Bắc Kinh có lợi ích trong việc giúp đảm bảo hòa bình trên bán đảo.
Nội dung chính trong cuộc thảo luận có thể chủ yếu xoay quanh những thứ Triều Tiên muốn từ Trung Quốc, chứ không nhất thiết đến từ Hàn Quốc. Bình Nhưỡng phụ thuộc vào Bắc Kinh về thực phẩm, vũ khí và năng lượng, Bắc Kinh cũng nghiêng về hướng "chìa cà rốt" thay vì "gậy" để đạt được sự hợp tác từ phía Triều Tiên.
Theo Johnson, điều đó có vẻ như cũng đúng trong trường hợp này, các hành động gần đây có nhiều khả năng xuất phát từ việc Triều Tiên thiếu tiền mặt, lương thực, và phải đối mặt với sự lạnh nhạt từ Bắc Kinh. 
Đợt hạn hán hồi tháng 6 ở Triều Tiên gây thiệt hại lớn sản lượng thu hoạch của nước này. Triều Tiên mô tả đợt hạn hán năm 2015 là tồi tệ nhất trong 100 năm qua. Hơn nữa, việc Triều Tiên đóng cửa biên giới trong vài tháng vì lo ngại dịch bệnh Ebola cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp du lịch, trong khi đây là nguồn thu ngoại tệ mạnh quan trọng của Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un vẫn chưa nhận được lời mời đến thăm Trung Quốc dù đã lãnh đạo đất nước trong hơn ba năm. Bắc Kinh còn ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên về việc thử vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa.
"Thiếu tiền mặt, thực phẩm, và 'tình cảm' từ Bắc Kinh, hành vi khiêu khích của Triều Tiên không phải là điều đáng ngạc nhiên", Johnson viết. Trong khi quốc tế đa phần tập trung vào các sự kiện diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom, kinh nghiệm quá khứ cho thấy rằng chúng ta nên chờ đợi những hoạt động diễn ra tại thị trấn biên giới Đan Đông của Trung Quốc, lối đường bộ và đường sắt để vào Triều Tiên. 
Sau vụ chạm trán hải quân liên Triều tháng 11/2009, viện trợ lương thực (chủ yếu là ngô) đã được chuyển qua cây cầu đường sắt ở đây để vào Triều Tiên. Các nhà quan sát thấy những chiếc xe tải Trung Quốc mới, sáng bóng và thiết bị hạng nặng đột nhiên xuất hiện ở bên kia biên giới Triều Tiên.
Johnson cho rằng có vẻ như một điều tương tự sẽ xảy ra lần này: bằng vụ đấu pháo với Hàn Quốc, Triều Tiên có thể yêu cầu Trung Quốc viện trợ thêm, vì nước này từng làm thành công trong quá khứ.
Các phóng viên và các nhà phân tích thường đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc, nhà sản xuất ngô lớn thứ hai thế giới, lại nhập khẩu và dự trữ ngô nhiều đến mức phải xây cơ sở mới để chứa. Không phải ngẫu nhiên mà những kho dự trữ này lại nằm gần biên giới với Triều Tiên. Trong khi truyền thông còn mải quân tâm đến việc Mỹ và Hàn Quốc xử lý vấn đề với Triều Tiên như thế nào, thì họ ít chú trọng đến thực tế rằng Trung Quốc là bên bảo đảm chính cho sự ổn định, cung cấp hầu hết thực phẩm và hơn 90% năng lượng của Triều Tiên.
Cách phản ứng
Cách Trung Quốc phản ứng trước căng thẳng này khá khác so với quá khứ. Trong những ngày gần đây, Trung Quốc được cho là đã chuyển số lượng lớn quân vào thành phố Diên Cát, cách biên giới Triều Tiên khoảng 30 km.
Ông Johnson cho rằng việc này nhằm thể hiện trong trường hợp Bình Nhưỡng cần hỗ trợ quân sự nước ngoài, Trung Quốc sẽ đến đó đầu tiên. "Tôi dự đoán rằng, sau khi liên Triều rút khỏi căng thẳng, Trung Quốc sẽ cung cấp cho miền Bắc bất cứ điều gì họ muốn".
Tuy nhiên, trong bài viết trên Eurasiareview, nhà báo tại Seoul, Shim Jae Hoon, lại cho rằng động thái này của Bắc Kinh không nhằm thể hiện sự cảm thông với Triều Tiên, mà nhằm chấn chỉnh "người anh em tốt". Kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và Bắc Kinh không muốn có bất cứ cuộc khủng hoảng nào đe dọa đến ổn định khu vực.
Zhu Feng, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học Nam Kinh nhận định hành động của Triều Tiên còn liên quan đến cuộc duyệt binh ngày 3/9 sắp tới của Trung Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ có mặt ở Bắc Kinh vào ngày này. Ông Kim Jong-un không có tên trong danh sách, mà chỉ có quan chức phụ tá Choe Ryong-Hae đến dự.
"Hành động gần đây của ông Kim rõ ràng nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh", ông Zhu nhận định. "Có nhiều sự thất vọng và bất mãn ở cả hai bên Trung Quốc và Triều Tiên".
Tờ Global Times đánh giá căng thẳng mới nhất có thể nhằm buộc bà Park phải hủy bỏ chuyến thăm Bắc Kinh. Nhưng tại thời điểm đang muốn phô diễn các thiết bị quân sự mới và thể hiện sức mạnh địa chính trị, thì "Bắc Kinh sẽ không để bị dắt mũi", tờ này viết.
Phương Vũ

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/su-tho-o-kho-hieu-cua-trung-quoc-trong-cang-thang-lien-trieu-3269647.html

Thứ tư, 26/8/2015 | 12:04 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 26/8/2015 | 12:04 GMT+7

Trung Quốc có thể đã điều xe tăng khi liên Triều căng thẳng

Khi căng thẳng liên Triều gia tăng, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện ảnh chụp đoàn xe tăng và xe quân sự di chuyển trên các tuyến phố được cho là ở Diên Cát, tỉnh Cát Lâm giáp biên giới với Triều Tiên.
1-6744-1440558399.jpg
Xe diệt tăng PTZ-89 xuất hiện trên đường phố Diên Cát. Ảnh: Weibo.com/chaoxinanzuren 
Theo NK News, trang chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, đây có thể là một "đơn vị xe cơ giới quân sự có quy mô ít nhất tương đương với một lữ đoàn", bao gồm những chiếc xe diệt tăng PTZ-89 (Type 89), pháo phòng không tự hành PGZ-95 (Type 95 SPAAA) và pháo tự hành 155 mm.
Trên mạng xã hội Trung Quốc cũng xuất hiện ảnh một đoàn tàu chở thêm các thiết bị quân sự. Tuy nhiên, các thiết bị có thể đang trên đường tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh vào 3/9 tới. Ngoài ra, một số bức ảnh giống nhau nhưng lại được các nguồn chú thích khác nhau về việc các thiết bị ra hoặc vào Cát Lâm hay Bắc Kinh.
Việc điều quân trên, nếu quả thực như trong các ảnh trên mạng, được giới phân tích cho là nhằm củng cố biên giới của Trung Quốc, đề phòng tình huống xấu trên bán đảo Triều Tiên, tờ Diplomat có trụ sở ở Nhật Bản ngày 26/8 nói.
Chuyên gia Kim Min-seok, thuộc Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng Trung Quốc từng điều động các đơn vị quân sự có quy mô lớn như thế này áp sát biên giới Triều Tiên.
"Trong vụ Triều Tiên pháo kích vào đảo tiền tiêu Yeopyeong của Hàn Quốc vào năm 2010 và sau vụ thanh trừng ông Jang Song-thaek vào năm 2013, Trung Quốc đều nhanh chóng đưa các đơn vị quân đội tới khu vực này để ngăn chặn bất cứ sự cố bất ngờ nào từ phía biên giới với Triều Tiên", ông Kim Min-seok nói.
Cũng theo chuyên gia về an ninh quốc phòng này, các đơn vị xe cơ giới quân sự được sử dụng vào một mục đích, đó là "nhanh chóng giải quyết tình huống căng thẳng bằng cách hành quân về phía Triều Tiên nếu cần thiết".
2-5472-1440558399.jpg
Pháo tự hành 155 mm được chở bằng tàu hỏa tới thành phố Diên Cát. Ảnh: Weibo
Ông Kim cho rằng những phương tiện quân sự trong các đơn vị cơ giới trên có khả năng cơ động cao, hỏa lực lớn và trọng lượng nhẹ hơn so với các đơn vị cơ giới quân sự phổ biến trên thế giới. Xe diệt tăng PTZ-89 không được coi là một loại xe tăng hạng nặng, xét theo phương diện trang bị quân sự. Với lớp giáp mỏng để tăng khả năng cơ động, chúng chỉ được xếp ngang hàng với các xe tăng hạng nhẹ, nhưng lại được trang bị hỏa lực mạnh tương đương với xe tăng hạng nặng.
Chuyên gia này cho rằng thông điệp của Trung Quốc phát đi trong động thái điều quân rất đơn giản: Những đơn vị cơ giới này sẽ tập trung vào việc tiến vào Triều Tiên càng nhanh càng tốt để áp đảo mọi đối thủ bằng hỏa lực tối đa mà những chiếc xe tăng và pháo tự hành này được trang bị. "Ngoài ra, những xe cơ giới hạng nhẹ này sẽ phù hợp với điều kiện đường sá tồi ở Triều Tiên", ông Kim nói.
Quân đội Trung Quốc đã nhiều lần diễn tập vượt sông Áp Lục nằm trên biên giới hai nước, đồng nghĩa với việc các binh sĩ Trung Quốc sẽ không gặp quá nhiều khó khăn khi vượt sông tiến vào Triều Tiên nếu hành động này là cần thiết.
Ông Cha Du-hyeon, cựu thư ký về thông tin khủng hoảng của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, thì cho rằng hành động trên của Trung Quốc là một lời đáp trả đối với thông điệp mà Triều Tiên đã phát đi trước đó.
"Hôm thứ sáu tuần trước, Triều Tiên công khai tuyên bố rằng không nước nào trên thế giới có thể ngăn chặn Triều Tiên leo thang tình hình, và thông điệp này được cho là hướng trực tiếp đến Trung Quốc để ngăn chặn khả năng Bắc Kinh có động thái can thiệp", Cha nhận định.
Ông Cha cho rằng việc điều quân trên chỉ là một động thái phô diễn sức mạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không đưa các đơn vị này tiến vào lãnh thổ Triều Tiên ngay cả khi tình hình leo thang, bởi hành động này chỉ càng làm gia tăng căng thẳng trên thế giới. "Mỹ và Trung Quốc đều không muốn thấy Triều Tiên trở thành tâm điểm của một biến cố thế giới. Bởi vậy thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới Triều Tiên lần này là 'Chúng tôi có thể ngăn chặn các anh, nếu cần thiết’".
Mối quan hệ Trung - Hàn
3-6642-1440558399.jpg
Hình ảnh được cho là chụp một khẩu pháo phòng không tự hành PGZ-95 tại Diên Cát. Ảnh: Weibo
Tờ Diplomat chỉ ra một điểm đáng chú ý là những bức ảnh về đoàn xe cơ giới Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội vào sáng thứ bảy tuần trước, ngay trước khi Triều Tiên và Hàn Quốc bước vào cuộc đàm phán cấp cao nhằm tháo gỡ khủng hoảng. Dường như Bắc Kinh muốn dồn xe tăng, pháo tự hành áp sát biên giới Triều Tiên để tạo thêm động lực cho cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi.
Theo bình luận viên Shannon Tiezzi, nếu Trung Quốc thực sự đưa quân tới biên giới để ép Triều Tiên phải tham gia đàm phán nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng, Hàn Quốc sẽ hài lòng. Mới đây, Hàn Quốc tuyên bố Tổng thống Park Geun-hye sẽ tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á vào này 3/9 tới đây, bất chấp những tin đồn rằng Mỹ đã gây sức ép buộc bà Park phải từ chối lời mời của Bắc Kinh.
Truyền thông Hàn Quốc nhận định rằng Tổng thống Park đưa ra quyết định trên với hy vọng Bắc Kinh sẽ có động thái can thiệp nhằm thúc đẩy Triều Tiên hạ nhiệt căng thẳng. Tuyên bố về việc bà Park tham dự lễ duyệt binh được đưa ra vào hôm thứ năm tuần trước, ngay sau khi Hàn-Triều đấu pháo qua biên giới.
Đến ngày 21/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lần đầu tiên lên tiếng về những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên khi tuyên bố Bắc Kinh "phản đối bất kỳ hành động leo thang căng thẳng nào", đồng thời hối thúc "các bên giữ bình tĩnh và kiềm chế".
Nhưng cũng trong ngày hôm đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội nước này "sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất". Đáp lại, Hàn Quốc cũng đặt trong quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, và lực lượng Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc cũng được đặt trong "trạng thái tăng cường".
Sớm qua, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận quan trọng, khi Bình Nhưỡng bày tỏ "lấy làm tiếc" về vụ nổ mìn khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương, trong khi Seoul cũng đồng ý ngừng chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên ở khu vực biên giới. Chính phủ Trung Quốc đã hoan nghênh thỏa thuận này.
Trí Dũng
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/trung-quoc-co-the-da-dieu-xe-tang-khi-lien-trieu-cang-thang-3269652.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten