donderdag 23 april 2015

Trung Quốc : Tập đoàn quốc doanh đầu tiên mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu


Châu ÁTrung QuốcKinh tếChứng khoánThị trườngPhá sảnchính sáchTrái phiếu

Trung Quốc : Tập đoàn quốc doanh đầu tiên mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu


mediaMột nhà đầu tư mệt mỏi nghỉ trưa trước các bảng chỉ số của một công ty chứng khoán ở Vũ Hán, 21/04/2015.REUTERS/Stringer
Bảo Định Thiên Uy (Baoding Tianwei Group Co. tức BTW) chuyên sản xuất thiết bị điện là tập đoàn quốc doanh đầu tiên của Trung Quốc mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu. Báo chí chính thức nước này hôm nay 22/04/2015 loan báo như trên, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh không còn muốn can thiệp nhiều vào lãnh vực kinh tế.
Trong thông cáo hôm qua tại thị trường chứng khoán Thượng Hải, Bảo Định Thiên Uy cho biết không có khả năng chi trả 85,5 triệu nhân dân tệ lãi trái phiếu (13 triệu euro) cho các cổ đông trong nước. Công ty chuyên sản xuất máy biến áp này là một chi nhánh quan trọng của tập đoàn thiết bị quốc phòng Nam Phương (China South Industries Group Corporation) trực thuộc chính quyền trung ương Bắc Kinh.
Đây là lần đầu tiên một tập đoàn quốc doanh niêm yết trên thị trường chứng khoán bị mất khả năng chi trả, theo Tân Kinh báo hôm nay. Bảo Định Thiên Uy tuyên bố đã bị lỗ lã đến 10,1 tỉ nhân dân tệ trong năm 2014, một phần do lãnh vực mới là năng lượng không hoạt động tốt.
Trong quá khứ, chính quyền Trung Quốc luôn can thiệp để đảm bảo hầu hết những người sở hữu trái phiếu các công ty bị lỗ lã đều được thanh toán, nhằm tránh gây xáo trộn xã hội – một ưu tiên của chính phủ. Nhưng các lãnh đạo cao cấp đã hứa hẹn để cho thị trường đóng vai trò chủ đạo, vào thời điểm đang tìm cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng trước loan báo Nhà nước sẽ không can thiệp khi các công ty phá sản. Ông nhấn mạnh rằng các trường hợp phá sản lẻ tẻ « khó tránh khỏi » trong một nền kinh tế thị trường.
Cơ quan thẩm định tài chính Fitch trong thông cáo hôm nay nhận định, sự kiện trên cho thấy các công ty quốc doanh Trung Quốc từ nay phải đối mặt với nguy cơ mất khả năng chi trả, và việc Bắc Kinh không can thiệp sẽ « phục vụ cho lịch trình cải cách của chính phủ ».
Tuy vậy Fitch nhấn mạnh : « Chính quyền có thể duy trì thái độ thận trọng về các vụ mất khả năng thanh toán liên quan đến các trái phiếu giá trị lớn, có liên quan đến các tập đoàn quan trọng trong những lãnh vực chiến lược, hay các cổ phiếu ảnh hưởng đến số lượng lớn các nhà đầu tư nhỏ trong một thời gian ngắn ».
Tháng 3/2014, Siêu Nhật Thái Dương Năng (Chaori Solar), một công ty sản xuất panô pin mặt trời loan báo không thể chi trả lãi trái phiếu bằng nhân dân tệ, trở thành đơn vị đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc công nhận tình trạng mất khả năng thanh toán. Đầu tháng này, tập đoàn công nghệ Cloud Live Tech Group loan tin không trả nổi 241 triệu nhân dân tệ (35,86 triệu euro) lãi cho các trái phiếu do tập đoàn này phát hành. Đến thứ Hai 20/4 vừa rồi, công ty bất động sản Kaisa Group Holding xác nhận mất khả năng chi trả lãi trái phiếu bằng đô la.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150422-trung-quoc-tap-doan-quoc-doanh-dau-tien-mat-kha-nang-thanh-toan-co-tuc/

Trung Quốc có nguy cơ khủng hoảng tài chính

mediaMột công trường xây dựng tại Thượng Hải ngày 05/03/2015.REUTERS/Aly Song
Hai cơ quan bảo hiểm tín dụng quốc tế cảnh báo giới đầu tư về khả năng thanh toán và nguy cơ xí nghiệp khánh tận hàng loạt tại Trung Quốc. Tiếp theo Euler Hermes đến lượt cơ quan bảo hiểm đầu tư Coface của Pháp báo động nguy cơ Trung Quốc gặp rủi ro tài chính từ thiếu khả năng thanh toán nợ đến phá sản trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Theo bản nghiên cứu công bố hôm 09/03/2015, đại đa số công ty Trung Quốc ( 79,8% ), báo động thanh toán hóa đơn chậm trong năm 2014. Đây là kết quả khảo sát lần thứ 12 của Coface tại Hoa lục với 882 xí nghiệp. Xu hướng chung là số nợ xấu gia tăng cộng với tín dụng đáng ngờ tăng thêm theo thứ tự là 42,3% và 58,8%.
Coface dự kiến tăng trưởng Trung Quốc năm nay là 7% , tỷ lệ thấp nhất trong 25 năm qua. Chuyên gia Rocky Tung, tuy ghi nhận Bắc Kinh thi hành một số sáng kiến để chuyển dòng tiền mặt đầu tư vào kinh tế thực nhưng ông lưu ý là cần nhiều thời gian các biện pháp này mới mang lại kết quả.
Theo Coface, các lãnh vực sẽ gặp nhiều rủi ro nhất là kỹ nghệ hóa học, xây dựng, sản xuất giấy và luyện kim. Tháng 12 năm ngoái, cơ quan bảo hiểm tín dụng Euler Hermes đã cho biết nhận được « tín hiệu báo động » từ khắp mọi tầng sinh hoạt kinhh tế ở Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150310-tqkhung-hoang-tai-chinh/

Trung Quốc : Mô hình phát triển hụt hơi

mediaReuters
Chuyện nội tình chính trị Pháp sôi động xung quanh việc thông qua  bộ luật cải cách kinh tế đầy tranh cãi chiếm trang nhất các báo. Liên quan đến châu Á, báo Les Echos chú ý đến Trung Quốc với bài viết về mô hình phát triển Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề, chứ không đơn giản như hình ảnh bên ngoài của một cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới.
Les Echos đặt câu hỏi : Trung Quốc sẽ đi tới đâu ? Sau hơn ba thập niên phát triển rầm rộ, đất nước này đã làm cả thế giới phát choáng, với việc bước lên vị trí thứ nhì trong bảng xếp hạng các cường quốc kinh tế thế giới. Tuy nhiên trong một cuốn sách mới xuất bản mang tiêu đề : « Trung Quốc, bước đại nhảy vọt vào trong sương mù », tác giả Grabriel Grésillon, thông tín viên của les Echos tại Trung Quốc từ bốn năm nay, cảnh báo không nên quá lạc quan vào phần hậu của kịch bản phát triển Trung Quốc. Les Echos trích đăng một số nội dung trong cuốn sách trên để cho thấy đất nước này đang lộ rõ những biểu hiện rối loạn, bất cập trong mô hình phát triển hiện nay.
Về kinh tế, hai động cơ chính là công nghiệp xuất khẩu và đầu tư không còn có thể tiếp tục thăng hoa được nữa. Nợ nần không ngừng tăng theo tỷ lệ đang lo ngại với mức độ phát triển. Cuốn sách phác họa nét chính của mô hình phát triển của Trung Quốc hiện nay là : Ô nhiễm tràn lan, tăng trưởng dưới sức ép kích thích nợ nần, chính quyền trương ương thì luôn ám ảnh bị tư bản nước ngoài lấn chiếm và không hề có sự độc lập của tư pháp khiến cho giới đầu tư nước ngoài lúc nào cũng nơm nớp lo có thể bị đánh bất cú lúc nào.
Tờ báo kinh tế nhận định :  Trước những thách thức khổng lồ hiện nay, Bắc Kinh không ngừng hứa hẹn cải cách và mở cửa. Nhưng trên thực tế chính quyền Cộng sản dường như vẫn toan tính bằng chiến lược trấn áp đáng lo ngại.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20150218-trung-quoc-mo-hinh-phat-trien-hut-hoi/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten