‘Thuyền Nhân’ - ‘sống để kể lại’
Tuesday, April 28, 2015 3:53:10 PM
Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER, California (VN) - Sinh hoạt tưởng niệm biến cố 30 Tháng Tư năm nay, lần thứ 40, thêm khởi sắc, với sự góp mặt của cuốn “Thuyền Nhân: Nước mắt Biển Ðông từ sau biến cố 30/4/1975,” tập truyện kể lại hành trình gian nan của 40 chứng nhân lịch sử, do Carina Hoàng biên soạn, và tủ sách Người Việt phát hành.
Hình bìa tác phẩm “Thuyền Nhân,” bản tiếng Việt, phát hành Tháng Tư, 2015. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
Dài hơn 250 trang, trình bày đẹp, như một tác phẩm nghệ thuật, với hơn 200 hình ảnh đầy màu sắc, nhiều hình ảnh chưa được phổ biến, “Thuyền Nhân” không chỉ là một tập truyện, mà còn là một pho tài liệu chứa đựng thủ bút, nhật ký, thư từ, điện tín và chuyện kể của 30 người tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu thuyền nhân Việt Nam, kể lại hành trình hãi hùng của họ và gia đình.
Với tựa như: “Sống để kể lại,” “Bữa ăn kế tiếp,” “Ðể được gặp lại Mẹ tôi,” “Tàu HG3438,” “Vĩnh biệt bà nội,” “Ðể cho cháu tôi được sống,” “Tưởng nhớ Mộng Hà,” “Con tàu Cap Anamur,” “Nhà tù nổi,”... mỗi câu chuyện là một đoạn phim sống động của tang thương, bão tố, đói khát, cướp bóc, chết chóc, tuyệt vọng, với cái chết gần kề, nhưng cũng là những câu chuyện về tình nhân loại trước nghịch cảnh, và quan trọng hơn cả, sức chịu đựng bền bỉ, và bản năng sinh tồn của con người.
Giới thiệu sách, ông Pete Peterson, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhận định: “Ðây là quyển sách phải được viết ra. Những câu chuyện ở đây lấp đi cái khoảng trống về lịch sử cận đại qua việc mô tả các trở ngại và hy sinh lớn lao của ‘thuyền nhân’ Việt Nam trên đường tìm nơi tị nạn chính trị... Carina Hoàng đã làm một điều đáng trân trọng khi xuất bản quyển sách này ghi nhận lịch sử đầy giá trị về nỗi thống khổ của thuyền nhân Việt Nam. Qua quyển sách này, ngày nay chúng ta đã biết sự thật.”
Trong khi đó, tờ Wanneroo Times viết: “Những câu chuyện, hình ảnh và minh họa trong quyển sách này sẽ làm ngay cả những kẻ có trái tim sắt đá phải bật khóc.”
Hình bìa tác phẩm “Boat People,” bản tiếng Anh, phát hành năm 2011. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
Hãy đọc một đoạn mô tả thuyền nhân bị hải tặc cướp bóc:
“Một bà cụ bị bọn cướp biển yêu cầu đưa chiếc vòng đeo tay bằng đá quý. Bà đeo chiếc vòng này đã lâu và nay cổ tay bà to dần lên, không thể lấy vòng ra được. Chúng lấy cái búa tạ đập vỡ chiếc vòng. Bà cụ kêu gào đau đớn. Ai cũng hiểu, khi đập vỡ chiếc vòng, bọn cướp đập vỡ luôn cổ tay người mang nó. Bọn cướp biển tiếp tục lục soát trong 48 tiếng đồng hồ. Chúng liên tục hãm hiếp phụ nữ, trẻ và già, trong nhiều giờ liền... Chúng bắt tất cả đàn ông cởi trần cởi truồng rồi đứng xếp hàng một. Tất cả phải há miệng ra: Bọn cướp dùng kềm nhổ hết răng vàng. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được thứ âm thanh cuồng nộ ấy, tiếng rên rỉ, tiếng khóc than và lời van xin. Có cái gì đó như sự hận thù - thứ hận thù không bao giờ có thể quên được. Ðến lúc này thì chúng tôi mất hết ý chí sống còn. Ðàn ông khóc. Ðàn bà khóc. Riêng tôi, tôi tin là mọi người đang cầu nguyện để được chết, ngay bây giờ.” (“HG 3438” chuyện Cao Lưu, trang 71)
Và cảnh hãm hiếp:
“Chúng tôi bị lột bỏ quần áo một cách thô bạo khi chúng lục soát tìm những gì có giá trị. Ðàn ông bị bắt ở lại thuyền, chúng lùa hết phụ nữ lên thuyền của chúng... Trong năm ngày, chúng cưỡng hiếp những người phụ nữ và đám con gái (một cách) điên cuồng, hết lần này đến lần khác. Tất cả chuyện này xảy ra trước mắt một đứa bé trai 5 tuổi, và người em gái ba tuổi của cậu, cùng bị lùa lên thuyền với người mẹ đang run sợ... Khi những người phụ nữ trở lại thuyền, chúng tôi thấy quần áo của họ bị xé từng mảnh, cái rách rưới như thể là đã lấy đi từ họ bất cứ vết tích nào còn xót lại của phẩm giá.” (“Sống để kể lại” chuyện Mai Phước Lộc, trang 15)
Hay cảnh đối diện với chết chóc:
“Gần bốn trăm con người trên chiếc tàu đi hoài mà không thấy bến bờ. Thức ăn nước uống cũng cạn dần và nhiều người đã kiệt sức. Ðến ngày thứ sáu, điều mà mọi người lo lắng, mặc dù không dám nói ra, đã trở thành sự thật. Tử thần đã đến viếng chúng tôi. Nạn nhân đầu tiên là một người đàn ông gần bảy mươi tuổi. Người thân cho biết là ông chết vì ngộp thở và đói. Rồi đến một cụ bà ngoài bảy mươi... Tôi chưa bao giờ được nghe nói đến thủy táng, nên khi chứng kiến tận mắt, tôi bị ám ảnh trong một thời gian dài. Thân hình gầy gò của bà cụ được gói trong một tấm chăn nhỏ, rồi cuộn bên trong một tấm bạt nylon. Người ta xếp hai đầu tấm bạt lại rồi dùng dây buộc, giống như buộc một đòn gánh. Các con cháu của bà khóc lóc kêu gào thảm thiết. Hình ảnh mấy người con cố níu lấy xác bà khi hai người đàn ông chuẩn bị quăng xuống biển làm nát lòng người chứng kiến. Mọi người đều biết rằng nếu không được cứu vớt, hoặc không đến được đất liền sớm, thì sẽ còn nhiều xác chết khác bị quăng xuống biển, và không chỉ riêng người già.” (“Ðảo Ruồi” chuyện Carina Hoàng, trang 127).
Chủ biên tác phẩm “Thuyền Nhân,” Carina Hoàng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
Ngoài chuyện kể thương tâm của những người vượt biển tìm đường sống, “Thuyền Nhân” còn có sự góp mặt của 10 người ngoại quốc, từng làm việc với thuyền nhân Việt Nam trong những trại tị nạn, như ông Talbot Bashall, làm việc 4 năm tại “Trung Tâm Kiểm Soát Người Tị Nạn” tại Hồng Kông, hay phóng viên Norman Aisbett và nhiếp ảnh David Tanner của tờ “The West Australia,” vào năm 1982, đã lên chuyến tàu Cap Anamur của Tây Ðức, để làm phóng sự về hành trình truy tầm và cứu giúp những người tị nạn của chiếc tàu này.
Ðoạn dưới đây làm người đọc rã rời:
“Như trong nhật ký hàng ngày và những ghi chép của tôi cho thấy, tình trạng của tòa nhà trong trại rất tệ, mái nhà bị rỉ dột, và nói chung rất thô sơ, nhưng nó lại là sự mãn nguyện lớn lao của những người tỵ nạn Việt Nam đã vượt qua bao khủng khiếp để đến được nơi này. Trong những trường hợp khủng khiếp được ghi lại trong nhật ký của tôi, có một chuyện nổi bật. Trên một chiếc tàu vừa đến, tôi nhìn thấy một cậu bé độ chừng 15 tuổi bị treo lơ lửng trên cột buồm. Cuộc thẩm vấn cậu bé sau đó cho biết em sắp đến lượt bị người trên tàu ăn thịt. Sau đó tôi tìm hiểu ra là em bị treo trên cột buồm vì người ta sợ em có thể nhảy xuống biển, và nếu thế thì sẽ mất đi nguồn cung cấp thực phẩm.” (“Lòng từ bi cũng rã rời” chuyện Talbot Bashall, trang 25).
Bà Carina Hoàng, cũng là một thuyền nhân, vượt biên và trốn thoát khỏi Việt Nam năm 1979, lúc 16 tuổi, cho biết, bà “dự định thực hiện cuốn sách này lâu rồi,” vì một ngày nào đó, những nhân chứng sống của lịch sử, trong đó có bà, “sẽ chết đi,” và có thể những thế hệ sau “sẽ không biết, không hiểu rõ” những gì cả triệu người Việt Nam đã phải “trải qua để đến bến tự do.”
“Cuốn sách sẽ đặc biệt có giá trị với những thế hệ người Việt mai sau. Họ cần biết về lịch sử rất quan trọng này của di sản mình, và cần đánh giá cao sự hy sinh của thế hệ cha ông.” Bà nói về lý do trước đây đã soạn cuốn “Boat People” bằng tiếng Anh.
Về lý do phát hành cuốn “Thuyền Nhân” bằng tiếng Việt, Carina Hoàng cho biết, để đáp ứng yêu cầu của nhiều độc giả, rằng “viết sách kể chuyện thuyền nhân cho đời sau thì đã đành rồi, nhưng cũng cần phải có bản tiếng Việt cho thế hệ chúng tôi chứ,” bà đã cùng với sự yểm trợ của nhiều thân hữu cố gắng cho ra đời “Thuyền Nhân” đúng dịp tưởng niệm 40 năm biến cố 30 Tháng Tư.
“Thuyền Nhân” là cuốn sách cần đọc để hiểu hoàn cảnh của những người vượt biên, để khép lại quá khứ, để hãnh diện tự hào về dân tộc Việt Nam, những người đã vượt qua nghịch cảnh, trở nên những thành viên có ích, đóng góp lại cho xã hội đã cưu mang mình.
BẤM VÀO ÐÂY ÐỂ MUA SÁCH
http://www.nguoivietshop.com/Thuy-x1EC1-Nh%C3%A2n-x1EDB-x1EAF/dp/B00WLD03VA
Geen opmerkingen:
Een reactie posten