donderdag 30 april 2015

40 năm của em bé sống sót sau tai nạn máy bay không vận Babylift từ Sài Gòn trong tháng 4 năm1975

Thứ bảy, 11/4/2015 | 00:07 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 11/4/2015 | 00:07 GMT+7

40 năm của em bé sống sót sau tai nạn máy bay không vận

Landon Carnie may mắn sống sót sau vụ tai nạn máy bay Mỹ di tản trẻ em Việt Nam ra nước ngoài ngày 4/4/1975. Nay đã 41 tuổi, anh trở về quê hương được 13 năm.
Landon và chị gái sinh đôi là Lorie, sinh ở Bạc Liêu và được nuôi dưỡng trong một trại trẻ mồ côi tại Sóc Trăng. Cả hai khoảng 17 tháng tuổi khi được chở cùng những đứa trẻ Babylift trên máy bay lao xuống ngoại thành Sài Gòn tháng 4/1975. Khoảng 150 người thiệt mạng trong đó có 78 trẻ em, riêng hai chị em Landon bị văng ra trên cánh đồng và còn sống. Ngày hôm sau, dân địa phương phát hiện hai chị em nằm trên thửa ruộng nên báo với chính quyền.
Hồi tưởng về những ký ức đã qua, Landon được kể lại rằng khi ấy một người đàn ông Mỹ xem truyền hình biết tin rơi máy bay và biết sẽ có chuyến bay nữa trong vòng 7 ngày tới. Quá lo lắng, xúc động trước thời điểm cuối cùng của cuộc chiến, ông đã thuê máy bay thương mại của hãng Pan Am Airlines đến đón những đứa trẻ sống sót trong chuyến bay định mệnh ấy về Mỹ an toàn, trong đó có chị em Landon.  
Người ta làm lại giấy tờ mới, tạo cho những đứa trẻ một tiểu sử mới, một cuộc đời mới từ đây. Landon chưa bao giờ được biết ngày sinh nhật thật của mình bởi nó cùng giấy tờ đã cháy rụi theo chiếc máy bay. 
landon-2-1428380053-660x0.jpg
Bức ảnh chụp Landon và chị gái Lorie lúc còn ở miền Tây trước khi chuyển về Sài Gòn để sang Mỹ. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ở Mỹ, chị em Landon may mắn được nuôi trong gia đình vốn đã nhận 2 người con nuôi châu Á trước đó nên cảm thấy hòa nhập nhanh. Họ luôn chia sẻ với nhau, hình thành một cộng đồng châu Á ngay trong nhà nên không thấy đơn độc như những đứa trẻ được nhận nuôi một mình. Landon từng nghe nhiều câu chuyện của các gia đình nhận con nuôi khác bị “khủng hoảng về nguồn gốc” khi lớn lên giữa những người khác về diện mạo, lối sống. Riêng anh được hưởng một nền tảng giáo dục tốt và trở thành giáo viên.
Người có ảnh hưởng đến Landon là ba nuôi. Ông đã làm việc chăm chỉ trên cánh đồng, đến bây giờ vẫn khỏe mạnh và làm việc luôn tay. Mẹ nuôi làm việc trong chính quyền, bà qua đời 10 năm trước vì ung thư. Bà là người truyền cảm hứng sống và giúp anh có một tư duy rộng mở.
Người ruột thịt duy nhất cùng trải qua mọi biến cố lúc nhỏ là chị sinh đôi. Chị gái Lorie về sau làm việc tại một trung tâm giúp đỡ người tàn tật và các chương trình xã hội. Chị có 4 người con, trong đó có con nuôi là một bé gái Việt Nam. Landon và chị gái gắn bó như hai mảnh ghép không thể tách rời.
Landon luôn cho rằng cuộc đời mình là món quà được ban tặng và anh đã nỗ lực lèo lái nó theo hướng tích cực nhất có thể. Landon có đến 3 cái tết trong một năm: Tết Tây, Tết Nguyên đán và Tết độc lập 30/4. Những ngày cuối tháng tư trở thành bản lề giữa hai thời khắc quan trọng cũ và mới đã thay đổi cuộc đời anh mãi mãi. Landon hay tự hỏi: “Tôi đã làm gì để xứng đáng với cuộc đời mình được ban tặng? Tôi có thể làm gì tốt hơn không?”.
Mới đây, Landon trò chuyện với một nữ phóng viên từng là một đứa trẻ Babylift ở Australia về Việt Nam tìm cha mẹ đẻ, được cô cho biết về địa điểm xảy ra vụ thảm kịch máy bay xưa. Anh và những người bạn căn cứ vào bức hình hiện trường tìm về vùng đất ngoại ô Sài Gòn, nơi chiếc máy bay định mệnh dừng lại, rung, lắc nhiều lần trong khoảng 2 đến 3 km trước khi đâm xuống đất. 
come-back.jpg
Landon Carnie trở lại thăm hiện trường vụ tai nạn máy bay cách đây 40 năm. Ảnh: Asian Life 
Trở lại hiện trường xưa, qua 40 năm cũng chẳng còn lại dấu tích gì nhiều, nhưng ít nhất chuyến trở về đã giúp anh nhìn sự việc theo hướng hiện thực hóa. Hiện trường xưa bày ra trước mắt để Landon nhận thức đây là hiện thực chứ không phải câu chuyện kể. Mọi thứ đều như nhân chứng xác thực cho câu chuyện quá khứ, để anh hướng thẳng về cuộc sống phía trước.
13 năm sống ở Việt Nam, anh vẫn chẳng quên cảm xúc lần đầu về quê hương cùng mẹ nuôi của mình năm 1995. Giao thông ở Sài Gòn khiến anh ấn tượng như mình là giọt nước nhỏ giữa dòng thác xe cộ tấp nập. Chính việc tiếp xúc và có cảm tình với ngôn ngữ, thức ăn, cảnh đẹp ở quê nhà thôi thúc anh quay lại. Năm 2002, anh định ở Việt Nam 20 ngày, không ngờ đã sống luôn 13 năm với vai trò giảng viên khoa Truyền thông, ĐH RMIT.
DSC-0011.jpg
Sau 13 năm gắn bó, thầy giáo Landon chia sẻ sự hài lòng về cuộc sống và yêu công việc giảng dạy ở Việt Nam. Ảnh: Khánh Ly
40 năm qua, không hiếm những lúc nỗi trăn trở về nguồn gốc, danh tính của anh lại trỗi dậy mạnh mẽ. Khi về Mỹ thăm ba mẹ nuôi, anh nói với bạn bè là trở về nhà nhưng chợt chạnh lòng. Khoảng 6-7 năm trước, người giảng viên này nghiễm nhiên mặc định nước Mỹ là nhà của mình. Giờ đây, anh suy nghĩ lại: “Tôi định nghĩa nhà như thế nào đây?”. Anh đã có câu trả lời cho riêng mình: “Quê nhà là nơi cuối cùng ta muốn vĩnh viễn nằm lại một mai chết đi. Tôi muốn nơi ấy là Việt Nam". Việt Nam trở thành gia đình một cách tự nhiên của anh qua những người anh gặp, trải nghiệm từ chuyến đi, ngôn ngữ, văn hóa, thức ăn ngon.
Thầy giáo Landon thích du lịch, thăm bao cảnh sắc tuyệt vời, con người anh gặp trên đường ở Sapa, Phong Nha Kẻ Bàng, Hội An… Anh cảm nhận đất nước gần gũi hơn, bởi cho rằng những chuyến đi giúp kết nối một tâm hồn với đất mẹ nhanh nhất.
Người đàn ông này thường ví đời mình là một cuộc từ thiện của cuộc sống và mọi thứ đều chỉ là vay mượn. Mỗi năm đến sinh nhật (theo giấy tờ), dù không biết sinh nhật thật của mình, Landon bày tỏ mong muốn thay vì tặng quà, bạn bè hãy tặng cho tổ chức từ thiện nào đó... Landon tin những hành động nhỏ đem lại tác động lớn, và cách thức để có hạnh phúc là đem đến hạnh phúc cho người khác.
Landon yêu công việc hiện tại và học sinh của mình, đặc biệt quan tâm và mong đóng góp trong vấn đề phát triển bền vững ở bối cảnh Việt Nam là một quốc gia nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Khánh Ly

http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/40-nam-cua-em-be-song-sot-sau-tai-nan-may-bay-khong-van-3181479.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten