Làn sóng theo Thiên chúa giáo tại Trung Quốc
Lật qua trang báo Le Figaro, vẫn là liên quan đến Trung Quốc nhưng trong lĩnh vực xã hội và nhân quyền. Tờ báo có bài viết chạy tựa bằng lời phát biểu của nhà văn Liệu Diệc Vũ nói : « Chúng ta đang chứng kiến làn sóng đi theo Thiên chúa giáo tại Trung Quốc ».
Le Figaro cho biết : Sau sự kiện Thiên An Môn, Liệu Diệc Vũ đứng vào hàng ngũ những người ly khai. Đã hơn hai chục năm qua, nhà văn này luôn bày tỏ phẫn nộ với chế độ Bắc Kinh.
Nhà văn phải lưu vong tại Đức từ năm 2011sau 4 năm bị chính quyền cộng sản giam bỏ tù. Ông vừa ra một cuốn nói về tình trạng những người Thiên chúa giáo ở Trung Quốc bị ngược đãi, sách nhiễu.
Le Figaro đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Liệu Diệc Vũ xung quanh chủ đề nhân quyền nhân ông ra mắt cuốn sách « Chúa trời đỏ ».
Trong cuộc phỏng vấn này, nhà văn Liệu Diệc Vũ khẳng định « ở Trung Quốc, từ cuối thế kỷ 20 đến nay người ta đang chứng kiến một làn sóng rộng lớn các trí thức đi theo đạo Thiên chúa ». Theo con số chính thức của chính quyền thì Trung Quốc hiện có khoảng 6 triệu tín đồ Công giáo và 18 triệu tín đồ Tin lành. Nhưng thực tế phải có 100 triệu người theo Thiên chúa giáo ở Trung Quốc trong cả hai giáo hội chính thống do Nhà nước quản lý và giáo hội « thầm lặng » bị Nhà nước cấm hoạt động.
Theo ông, trong những vùng hẻo lánh xa xôi ở Trung Quốc, quyền năng của Chúa trời là cái duy nhất những người khốn khổ có được ngoài quần áo. Tôn giáo của họ là nguồn an ủi. Còn ở thành phố, giờ đây việc xin đi lưu vong dễ được chấp nhận đối với người theo đạo hơn.
Theo Le Figaro, nhà văn Liệu Diệc Vũ tiếp tục sự nghiệp viết, với vai trò là một nhân chứng của những nỗi thống khổ của người dânTrung Quốc. Lần này ông thể hiện qua cuốn sách dành cho người Thiên chúa giáo dưới chế độ Cộng sản sản mang tên « Chúa trời đỏ ».
Pháp : Chính trường xáo động vì một bộ luật cải cách kinh tế
Thủ tướng Pháp Manuel Valls và bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron trước quốc hội là những hình ảnh xuất hiện tràn khắp các mặt báo Pháp ra hôm nay. Lý do là bởi sự kiện chính phủ của đảng Xã hội hôm qua đã quyết định thông qua bộ luật cải cách kinh tế, vẫn được gọi là luật Macron (tên của bộ trưởng Kinh tế Pháp), không qua con đường bỏ phiếu tại Quốc hội, mà lại vận dụng điều 49.3 của Hiến Pháp cho phép chính phủ có thể trực tiếp ban hành luật như một sắc lệnh. Một trong các lý do chính cho quyết định của Thủ tướng Manuel Valls là muốn áp đặt các cải cách của chính phủ trước nguy cơ dân biểu đảng Xã hội cầm quyền có thể bỏ phiếu chống tại Quốc hội. Bị hối thúc bởi sự cấp bách phải cải cách để vực dậy nền kinh tế, chính phủ Pháp đã chọn cách làm chấp nhận rủi ro, tức là ngay lập tức sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do đối lập đề nghị sau phiên họp hôm qua vài giờ. Nếu bị đa số bất tín nhiệm thì chính phủ Manuel Valls sẽ bị đổ.
Luật cải cách như vậy đã được thông qua, nhưng cách thông qua gượng ép như vậy đã nói lên nhiều điều, để đối lập chỉ trích không tiếc lời, còn báo chí Pháp không tiếc giấy mực khai thác, bình luận.
Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Đa số vỡ tan tành trên luật Macron ». Xã luận của tờ báo thì cho rằng hành động của Thủ tướng Manuel Valls là lời « thú nhận yếu kém » và chính phủ của ông không còn đa số ủng hộ nữa.
Trong bài viết mang tiêu đề : « Ngày mà Valls giương vũ khí 49.3 », Le Figaro nhận định quyết định trên « đã báo hiệu mở màn cuộc chiến không thương tiếc trong cánh tả ». Xa hơn nữa tờ báo đặt câu hỏi, trong tương lai sắp tới còn bao nhiêu dự luật cải cách phải thông qua, chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls rồi đây sẽ xoay sở ra sao, nếu không có được sự ủng hộ ngay trong đảng Xã hội cầm quyền ?
Về phần mình, nhật báo kinh tế les Echos nhận định sự bất đồng trong các nghị sĩ đa số tại Quốc hội là nằm ở điều khoản liên quan đến việc cho phép làm việc ngày Chủ nhật.
Nhật báo Công giáo la Croix cũng có chung nhận định : Luật Macron gây khủng hoảng rộng mở trong đa số. Cuối cùng, với tờ báo cộng sản L’Humanité thì vận dụng đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua luật như vậy « là dấu hiệu thất bại cay đắng cho chính phủ hiện nay vốn đang mong muốn chuyển qua xu hướng tự do hóa ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150218-trung-quoc-mo-hinh-phat-trien-hut-hoi/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten