zondag 18 januari 2015

Video: Đức Thánh Cha đến thủ đô Colombo, Sri Lanka 13-1-2015



Video: Đức Thánh Cha đến phi trường Bandaranaike của thủ đô Colombo, Sri Lanka
VietCatholic Network1/13/2015

(video)

Lúc 18h45’ theo giờ Rôma ngày thứ Hai 12 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Colombo, thủ đô của Sri Lanka.

Sau gần 9 tiếng đồng hồ trên máy bay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến phi trường Bandaranaike của thủ đô Colombo lúc 9 giờ sáng giờ điạ phương.

Ra đón Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Colombo có tân tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức chỉ 4 ngày trước đó là ông Maithripala Sirisena và phu nhân là bà Jayanthi Pushpa Kumari, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt là sứ thần Tòa Thánh tại đảo quốc này và Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của tổng giáo phận thủ đô Colombo và đông đảo các Giám Mục của 11 giáo phận và 1 tổng giáo phận tại Sri Lanka.

Đức Thánh Cha đã được chào đón trong một buổi lễ đầy màu sắc, có cả một đàn voi bước theo những tiếng trống dập dồn, bên cạnh các vũ công truyền thống của Tích Lan và Tamil, và dàn hợp xướng của trẻ em hát một bài ca chào đón ngài bằng tiếng Tích Lan, tiếng Tamil, tiếng Anh - và cả tiếng Ý nữa.

Kết quả bầu cử hôm thứ Sáu đã chấm dứt một thập niên cai trị của ông Mahinda Rajapaksa và đưa Sri Lanka đến ngã ba đường với hai lựa chọn, hoặc là tiến tới hòa giải thực sự, hoặc là rơi trở lại hỗn loạn. Trong bối cảnh đó nhiều người Sri Lanka mong mỏi chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha sẽ là một chất xúc tác đẩy đất nước trên con đường hoà gỉai và hội nhập với thế giới.

Tình trạng cô lập của Sri Lanka một phần là do cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một cuộc điều tra tội ác chiến tranh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài gần 26 năm từ 22/07/1983 đến 18/05/2009. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra năm 2011 cho biết có tới 40,000 thường dân Tamil vô tội đã bị giết chủ yếu là trong năm 2009.

Trong bài diễn văn ngắn tại phi trường, Đức Thánh Cha đã đề cập ngay một cách khéo léo đến vấn đề nhức nhối này.

Ngài nói:

Thưa Tổng thống,
Các vị hữu trách trong chính phủ,
Thưa Đức Hồng Y và chư huynh Giám Mục
Anh chị em thân mến,


Tôi cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của các bạn. Tôi đã trông đợi chuyến viếng thăm Sri Lanka này và những ngày chúng ta sẽ dành cho nhau. Sri Lanka được gọi là Hòn ngọc của Ấn Độ Dương với vẻ đẹp tự nhiên của nó. Quan trọng hơn nữa, hòn đảo này được biết đến với tình cảm nồng nàn của người dân và sự đa dạng phong phú của các truyền thống văn hóa và tôn giáo.

Thưa tổng thống,

Tôi xin gửi đến tổng thống lời chúc tốt đẹp cho trách nhiệm mới của ngài. Tôi chào mừng các thành viên đáng kính của chính phủ và các nhà chức trách dân sự vì sự hiện diện của quý vị và anh chị em nơi đây. Đặc biệt tôi rất vui mừng với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo tôn giáo khả kính là những người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống đất nước này. Và tất nhiên, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn tới các tín hữu, các thành viên của dàn hợp xướng, và nhiều người đã giúp tôi thực hiện được chuyến thăm này. Từ con tim, tôi cảm ơn tất cả các bạn về lòng nhân ái và lòng hiếu khách của các bạn.

Chuyến thăm của tôi đến Sri Lanka chủ yếu là về mục vụ. Trong tư cách mục tử toàn thể Giáo Hội Công Giáo, tôi đã gặp gỡ, khích lệ và cầu nguyện với anh chị em giáo dân của hòn đảo này. Nét nổi bật của chuyến thăm này sẽ là việc phong thánh cho Chân Phước Joseph Vaz, một mẫu gương của lòng bác ái Kitô giáo và sự tôn trọng mọi người, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, là vị đang điều tiếp tục truyền cảm hứng và dạy dỗ chúng ta hôm nay. Nhưng chuyến đi của tôi cũng còn có một ý nghĩa là để thể hiện tình yêu và sự quan tâm của Giáo Hội đối với tất cả người dân Sri Lanka, và khẳng định mong muốn của cộng đồng Công Giáo muốn được là một thành viên tích cực trong đời sống của xã hội này.

Một bi kịch vẫn đang tiếp diễn trong thế giới của chúng ta đó là rất nhiều cộng đồng đang có chiến tranh với nhau. Việc không có khả năng hoà giải những khác biệt và bất đồng, dù cũ hay mới, đã làm gia tăng các căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, thường xuyên đi kèm với những đợt bùng phát bạo lực. Sri Lanka trong nhiều năm đã kinh qua nỗi kinh hoàng của cuộc nội chiến, và bây giờ đang tìm cách củng cố hòa bình và chữa lành những vết sẹo của những tháng năm đó. Vượt qua những di sản cay đắng của bất công, thù địch và nghi ngờ mà cuộc xung đột để lại là một nhiệm vụ không dễ dàng gì. Nó chỉ có thể được thực hiện bằng cách vượt qua sự ác với điều thiện (Rm 12:21) và bằng cách đề cao những đức tính nào nuôi dưỡng hòa giải, đoàn kết và hòa bình. Quá trình chữa lành cần bao gồm việc theo đuổi chân lý, không phải vì muốn mở lại các vết thương cũ, nhưng đúng hơn đó là một phương thế cần thiết để đề cao công lý, chữa lành và đoàn kết.

Các bạn thân mến,

Tôi tin chắc rằng các tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác nhau có vai trò thiết yếu trong tiến trình hòa giải tế nhị và tái xây dựng đang diễn ra ở đất nước này. Để tiến trình đó được thành công, tất cả các thành viên của xã hội phải cùng nhau làm việc; tất cả đều phải có tiếng nói. Tất cả phải được tự do bày tỏ những quan ngại của họ, những nhu cầu, nguyện vọng và những sợ hãi của họ. Quan trọng nhất, họ phải được chuẩn bị để chấp nhận nhau, tôn trọng sự đa dạng hợp pháp, và học cách sống như một gia đình. Bất cứ khi nào người ta lắng nghe nhau một cách cởi mở và khiêm tốn, những giá trị và khát vọng chung của họ tất cả sẽ trở thành rõ ràng. Sự đa dạng không còn được coi là một mối đe dọa, nhưng như một nguồn mạch của sự phong phú. Con đường dẫn đến công lý, hòa giải và hòa hợp xã hội trở thành rõ ràng cho tất cả mọi người.

Theo nghĩa này, các đề án lớn của việc tái thiết phải bao gồm việc cải thiện cơ cấu hạ tầng và đáp ứng nhu cầu vật chất, nhưng bên cạnh đó, và thậm chí còn quan trọng hơn, là đề cao nhân phẩm con người, tôn trọng nhân quyền, và hội nhập đầy đủ mọi thành viên trong xã hội. Hy vọng của tôi là các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa ở Sri Lanka, cân nhắc mỗi từ ngữ và hành động của họ xem nó có thể mang lại những điều tốt lành và chữa lành nào, sẽ đóng góp lâu dài cho đời sống vật chất và tâm linh của người dân Sri Lanka ra sao"

Thưa Tổng thống, các bạn thân mến,

Tôi cảm ơn các bạn một lần nữa đã chào đón tôi. Những ngày tháng chúng ta dành cho nhau là những ngày của tình hữu nghị, đối thoại và tình đoàn kết. Tôi cầu khẩn Chúa ban phúc lành dư dật cho Sri Lanka, Hòn ngọc Ấn Độ Dương, và tôi cầu nguyện để vẻ đẹp đó có thể tỏa sáng trong sự thịnh vượng và hòa bình của tất cả người dân.

Phiến quân Hổ Tamil đã chiến đấu trong một cuộc nội chiến kéo dài 25 năm 9 tháng và 3 ngày để tách ra thành một quốc gia độc lập sau nhiều thập kỷ bị phân biệt đối xử. Liên Hiệp Quốc ước tính cuộc nội chiến đã làm từ 80,000 đến 100,000 người thiệt mạng. Các báo cáo khác cho thấy số người chết có thể còn cao hơn nhiều.

Trong những năm vừa qua, Sri Lanka còn vướng vào một cuộc xung đột tôn giáo trầm trọng gây ra bởi nhóm Bodu Bala Sena - Buddhist Power Force ("Lực lượng quyền lực Phật Giáo"), gọi tắt là BBS. Nhóm này được thành lập vào năm 2012 với tôn chỉ Sri Lanka phải là một quốc gia Phật Giáo và sẵn sàng bảo vệ “bản sắc Phật giáo Sri Lanka” bằng bạo lực.

Trong bài diễn văn chào đón Đức Giáo Hoàng, tân tổng thống Sirisena cho biết chính phủ của ông thúc đẩy "hòa bình và hữu nghị giữa các tầng lớp dân chúng hầu vượt qua những thương tích của một cuộc xung đột đẫm máu và tàn bạo”.

Ông nói thêm:

"Chúng tôi là những người tin vào sự khoan dung tôn giáo và chung sống hài hòa trên căn bản một di sản quốc gia đã có từ bao thế kỷ".

Sau một thời gian dài gánh chịu những xung đột về sắc tộc và tôn giáo, người dân Sri Lanka đã chú ý lắng nghe bài diễn văn của Đức Thánh Cha được trực tiếp truyền thanh và truyền hình.

Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do duy nhất của chuyến tông du của ngài là “để giúp một quốc gia bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến hơn một phần tư thế kỷ xây dựng lại và lấy lại sự bình an.” Câu nói này làm nhiều người cảm động bất kể là Phật tử, tín hữu Hồi Giáo, Ấn Giáo hay Kitô hữu.

"Hy vọng của tôi là các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa ở Sri Lanka, cân nhắc mỗi từ ngữ và hành động của họ xem nó có thể mang lại những điều tốt lành và chữa lành nào, sẽ đóng góp lâu dài cho đời sống vật chất và tâm linh của người dân Sri Lanka ra sao"

Sri Lanka là một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo. Các Kitô hữu chỉ chiếm tám phần trăm của 20,4 triệu dân. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ ba đến thăm đất nước này. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã có chuyến thăm vào năm 1970, và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm đúng 20 năm trước đây, tức là vào năm 1995.

Vị tổng thống mời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đến đảo quốc này đã mất “ngôi” và vị tổng thống khác đã ra đón ngài. Lần này, lịch sử cũng lặp lại như thế. Cho nên, báo chí Sri Lanka nói đùa: “Nếu bạn là tổng thống Sri Lanka, đừng díu líu tới các vị Giáo Hoàng, nhất là khi gần tranh cử”

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133649.htm

ĐHY Ranjith: Phép lạ hoà bình xảy ra nhờ chuyến Tông du Sri Lanka.
Trần Mạnh Trác1/15/2015


Trong chuyến bay từ Sri Lanka tới Phi Luật Tân, ĐTC Phanxicô được các phóng viên hỏi liệu Ngài có những ưu tư gì về sự an toàn cá nhân không, Ngài trả lời sự quan tâm chủ yếu là cho các tín hữu, và cho biết đã có nói chuyện với các quan chức an ninh cuả Vatican về "các biện pháp thận trọng và an toàn."

"Tôi cũng có lo lắng chứ, nhưng như các bạn đã biết tôi có một khiếm điểm lớn: là khá bất cẩn về mọi thứ, và về chuyện cá nhân thì tôi lại càng liều lĩnh hơn" và với một giọng pha trò Ngài cho biết rằng Ngài đã thường cầu xin, nếu một cái gì đó xảy ra thì "đừng có bị đau, bởi vì tôi không dũng cảm khi bị đau. Tôi rất nhút nhát."

Ngài nói tiếp, "Tôi đang ở trong tay Thiên Chúa."

Sự phú thác vào bàn tay cuả Chuá như thế đã tạo ra một phép lạ phi thường ở Sri Lanka (Tích Lan,) một cuộc đổ máu dữ dội đã tránh khỏi.


Chỉ vài ngày trước thời điểm cuộc tông du, một cuộc bầu cử căng thẳng đã diễn ra một cách thật bất ngờ, và vị tổng thống tại nhiệm đã bị đánh bại, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith cho biết phải là một "phép lạ" khi cuộc chuyển đổi quyền hành diễn ra mà không gây đổ máu, phép lạ này xảy ra được, một phần lớn là nhờ vào chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.

"Trước cuộc bầu cử, đã có rất nhiều áp lực lên hàng giám mục là phải cố gắng ngăn cản Đức Thánh Cha, đừng để cho Ngài đến hoặc hoãn chuyến thăm lại".

"Nhưng chúng tôi đã hành động hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng cuả Thiên Chúa, rằng với đức tin thì mọi sự đều có thể được ... và quả là một phép lạ đã xảy ra, cuộc bầu cử được thực hiện trơn tru và sự chuyển giao quyền lực rất, rất êm suôi , " ĐHY Ranjith nói.

Nhắc lại tuần trước, Sri Lanka bầu ra một tổng thống mới, Maithripala Sirisena, trước đây là Bộ trưởng Y tế. Ông đánh bại vị Tổng thống đương nhiệm là Mahinda Rajapaksa, người lãnh đạo quốc gia gần một thập kỷ trước.

Năm năm trước đây TT Rajapaksa Đã kết thúc 30 năm chiến tranh giữa dân Sinhala và dân Tamil, cuộc nội chiến đã làm thiệt mạng khoảng 80.000 - 100.000 người.

Tuy nhiên, dù chấm dứt được cuộc chiến và trở thành vị anh hùng cuả dân tộc, ông Tổng thống không được lòng dân. Các sắc tộc và các tôn giáo thiều số không tin ông, và mức căng thẳng lên rất cao trước cuộc bầu cử.

Sự tĩnh mịch rất "đáng ngạc nhiên" trong sự chuyển đổi quyền hành của chính quyền, là do một phần lớn vào sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô, Hồng Y Ranjith nói.

Dù cho có những áp lực đòi hỏi hủy bỏ chuyến viếng thăm, cũng như vô số các cuộc tấn công vào cá nhân, ĐHY giải thích rằng: "Chúng tôi đã tiến tới với lòng can đảm," và đã có thể "chào đón Đức Thánh Cha một cách tốt đẹp như mong muốn. "

Việc chào đón Đức Giáo Hoàng một cách rộng rãi cuả mọi thành phần trong xã hội, bất kể tôn giáo nào, đã có thể nhìn thấy trên gương mặt cuả nhiều ngàn người đứng dọc hai bên đường phố, reo hò chào đón Ngài trên suốt 23 km tuyến đường từ sân bay đến thành phố.

Hơn 70 phần trăm dân số 20,4 triệu người Sri Lanka là Phật tử, Kitô hữu nói chung chỉ có 8 phần trăm mà thôi.

Trong suốt lộ trình từ Phi Trường, chỉ có một vài chỗ nhỏ là còn trống mà thôi, điều đó "cho thấy người dân Sri Lanka đánh giá Đức Giáo Hoàng rất cao, và do đó, là một điều tuyệt vời vì Ngài đã đến," Đức Hồng Y Ranjith nói.

Đức Hồng Y Ranjith cũng bày tỏ lòng biết ơn với Đức Giáo Hoàng vì đã "hy sinh" tới thăm đất nước ngay giữa mùa nóng nực, ngay lúc mặt trời trở nên gay gắt nhất.

Những lời kêu gọi về Hoà Bình và Hoà Giải dân tộc cuả Đức Giáo Hoàng hầu như đang đem lại những hoa quả tốt cho đảo quốc này. Ngày hôm qua, để đáp mừng cuộc Tông Du, chính quyền Sri Lanka đã ân xá cho 600 tội nhân, và đồng thời ở miền Bắc đất nước nơi người Tamil thua trận, chính quyền cũng chấm dứt chế độ quân quản ở đó, chuyển đổi chức thủ hiến từ quân sự ra dân sự.

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133700.htm

Đức Thánh Cha thu hút một đám đông lương giáo khổng lồ
Đặng Tự Do1/15/2015

Những bức hình không cần 'phụ đề Việt Ngữ'
Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ mang đến cho Sri Lanka vị thánh đầu tiên nhưng ngài còn thu hút một đám đông khổng lồ lớn chưa từng có trong lịch sử Sri Lanka, làm choáng váng ngay cả Vatican. Đó là nhận định của NBC News về hai biến cố lớn đã diễn ra hôm thứ Tư 14 tháng Giêng.

Kitô hữu chỉ chiếm bảy phần trăm dân số ở Sri Lanka, nơi đa số dân là Phật giáo (ít nhất là 70 phần trăm) và gần 13 phần trăm là người Ấn Giáo.

Trong số hàng trăm ngàn người Sri Lanka ở Colombo xếp hàng để chào đón Đức Giáo Hoàng có một số đông đảo các tín đồ của các giáo phái ngoài Kitô giáo, những người đã nhiệt thành chào đón chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng.

"Ngay cả những người Phật tử cũng vẫy cờ hân hoan chào đón Đức Thánh Cha từ các bậc thềm của một ngôi chùa Phật giáo, khi xe ngài đi qua," Amal Nanayak Kata, một Phật tử 56 tuổi, nói với NBC News. "Chúng tôi đều rất vui mừng thấy vị Giáo Hoàng này đến chúc phúc cho hòn đảo xinh đẹp của chúng tôi."

Shyamala Rasarantnam, một người Ấn giáo 55 tuổi, cho biết ông rất ấn tượng trước hàng loạt những thông điệp của Đức Giáo Hoàng và thái độ của ngài.

"Ngài linh hứng hòa bình khích lệ lòng khoan dung, sự đa dạng trong văn hóa của lòng tốt và sự cảm thông," Rasarantnam nói với NBC News. "Trên tất cả ngài nhấn mạnh rằng tất cả các tôn giáo phải nên sống chung trong hòa bình."

Chuyện Đức Giáo Hoàng Phanxicô được người ta nồng nhiệt chào đón không phải là chuyện lạ, nhưng mức độ cuồng nhiệt của đám đông thậm chí đã làm các viên chức Vatican bất ngờ.

"Có rất nhiều người trên đường từ sân bay vào thành phố, một điều thật ấn tượng", Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Đức Thánh Cha, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba. "Chúng tôi không mong đợi sự chào đón nồng nhiệt như thế ở một nước người Công Giáo không phải là đa số."

Đối thoại liên tôn đã luôn là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của Đức Giáo Hoàng sau khi ngài được bầu kế vị Thánh Phêrô vào năm 2013. Lời kêu gọi hòa giải giữa các tôn giáo và các sắc dân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chạm đúng dây thần kinh của người dân ở Sri Lanka - một đất nước đã chìm sâu trong những căng thẳng tôn giáo sau khi vừa trải qua gần 26 năm nội chiến.

Đức Thánh Cha đã hùng hồn nói với các nhà lãnh đạo Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo ở Sri Lanka rằng: “Vì thiện ích của hòa bình, niềm tin tôn giáo không bao giờ được phép lạm dụng làm cớ gây ra bạo lực và chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và dứt khoát thách thức các cộng đồng của chúng ta sống trọn vẹn những giáo lý về hòa bình và chung sống được tìm thấy trong mỗi tôn giáo, và tố cáo những hành vi bạo lực một khi chúng xảy ra.”

Vạch trần sự thống khổ của dân lành vô tội trước những sách động hận thù của một thiểu số tăng ni quá khích, Đức Thánh Cha nói: “Trong nhiều năm qua, những người nam nữ của đất nước này đã là nạn nhân của xung đột dân sự và bạo lực. Điều cần thiết hiện nay là chữa lành và đoàn kết, chứ không phải là gia tăng thêm những xung đột và chia rẽ.”

Thông điệp này làm Gazalli Mohideen, một người Hồi Giáo 53 tuổi, hết sức phấn chấn.

"Thật là một cơ hội tuyệt vời, nhờ vào vị giáo hoàng này, là người làm hết sức hướng tới sự hài hòa đa tôn giáo. Và một khi nói đến Sri Lanka, hài hòa đa tôn giáo là nhu cầu từng giờ từng phút."

Để thực hành những gì ngài đã rao giảng, Đức Thánh Cha đã đến Madhu – một khu vực phía Bắc nơi đã từng là một chiến trường đẫm máu trong 25 năm nội chiến của Sri Lanka.

Tại đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, kêu gọi sự thật để 'chữa lành'

"Có những gia đình ở đây hôm nay đã chịu biết bao đau khổ trong cuộc xung đột lâu dài xâu xé con tim Sri Lanka," Đức Giáo Hoàng nói với đám đông dân chúng, khích lệ tinh thần hòa giải đối với "tất cả các điều ác nào đã xảy ra trên mảnh đất này."

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133690.htm

Video: Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo Sri Lanka
J.B. Đặng Minh An dịch1/13/2015

(video)

Sau cuộc gặp gỡ xã giao với tổng thống Sri Lanka, lúc 6h45 chiều thứ Ba 13 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Bandaranaike Memorial International Conference Hall cách dinh tổng thống khoảng 4km, gần với quảng trường Độc Lập nơi đã diễn ra lễ tuyên thệ tổng thống hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng vừa qua.

Trong những năm gần đây, Sri Lanka đã vướng vào những xung đột tôn giáo trầm trọng. Mặc dù trong cuộc xung đột này cũng không thiếu những trường hợp các nhà thờ Kitô Giáo bị đốt hay phá phách nhưng chủ yếu là xung đột giữa Phật Giáo và Hồi Giáo.

Tác nhân chủ yếu là phong trào Bodu Bala Sena gọi tắt là BBS được thành lập bởi hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara với hội nghị đầu tiên vào ngày 28 tháng 7 năm 2012. BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ. Phong trào này đã gây ra nhiều vụ tấn công bạo lực nhắm chủ yếu vào các cộng đồng Hồi Giáo tại Sri Lanka.

Trong buổi gặp gỡ các vị đại diện của các tôn giáo lớn tại Sri Lanka, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn thân mến,

Tôi biết ơn được có cơ hội tham gia vào cuộc họp mang lại với nhau bốn cộng đồng lớn nhất trong số những cộng đồng tôn giáo không thể tách rời với cuộc sống của Sri Lanka là Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Kitô giáo. Tôi cảm ơn sự hiện diện và sự đón tiếp nồng hậu của các bạn. Tôi cũng cảm ơn những ai đã có những lời cầu nguyện và cầu chúc, cách riêng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Đức Giám Mục Cletus Chandrasiri Perera và Hòa thượng Thero Vigithasiri Niyangoda vì những lời ưu ái của các vị.

Tôi đã đến Sri Lanka theo bước chân của các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô II để chứng minh tình yêu tuyệt vời và sự quan tâm của Giáo Hội Công Giáo dành cho Sri Lanka. Thật là một ân sủng lớn lao cho tôi khi được đi thăm cộng đồng Công Giáo ở đây, để củng cố đức tin Kitô của họ, để cầu nguyện với họ và chia sẻ niềm vui và đau khổ của họ. Cũng là một ân sủng lớn lao như thế để được ở đây với tất cả các bạn, những người nam nữ của những truyền thống tôn giáo vĩ đại, những người chia sẻ với chúng tôi cùng một khát vọng hướng đến sự khôn ngoan, chân lý và sự thánh thiện.

Tại Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo đã khẳng định sự tôn trọng sâu sắc và trường tồn của mình đối với các tôn giáo khác. Giáo Hội khẳng định rằng mình "không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện trong những tôn giáo này. Giáo Hội đánh giá cao phong cách sống và cách ứng xử, giới luật và giáo lý của họ "(Nostra Aetate, 2). Về phần mình, tôi muốn tái khẳng định sự tôn trọng chân thành của Giáo Hội đối với các bạn, đối với truyền thống và niềm tin của các bạn.

Chính là trong tinh thần tôn trọng đó mà Giáo Hội Công Giáo mong muốn hợp tác với các bạn, và với tất cả những người thiện chí, trong việc mưu tìm hạnh phúc của mọi người Sri Lanka. Tôi hy vọng rằng chuyến thăm của tôi sẽ giúp khuyến khích và tăng cường các hình thức hợp tác liên tôn và đại kết đã được thực hiện trong những năm gần đây.

Những sáng kiến đáng khen đã tạo cơ hội cho đối thoại, là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng, như kinh nghiệm đã cho thấy, một cuộc đối thoại và gặp gỡ như vậy, muốn có hiệu quả, cần phải được đặt cơ sở trên việc thể hiện đầy đủ và thẳng thắn những xác tín tương ứng của chúng ta. Chắc chắn, một cuộc đối thoại như thế sẽ làm nổi bật sự đa dạng của chúng ta trong niềm tin, truyền thống và thực hành. Nhưng nếu chúng ta thành thật trong việc trình bày những xác tín của chúng ta, chúng ta sẽ có khả năng nhìn thấy rõ ràng hơn những điểm chung với nhau. Con đường mới sẽ được mở ra cho sự tôn trọng lẫn nhau, sự hợp tác và tình hữu nghị thực sự.

Sự phát triển tích cực như thế trong quan hệ liên tôn và đại kết mang một ý nghĩa đặc biệt và khẩn cấp tại Sri Lanka. Trong nhiều năm qua, những người nam nữ của đất nước này đã là nạn nhân của xung đột dân sự và bạo lực. Điều cần thiết hiện nay là chữa lành và đoàn kết, chứ không phải là gia tăng thêm những xung đột và chia rẽ. Chắc chắn là đề cao và nuôi dưỡng sự chữa lành và tình hiệp nhất là một nhiệm vụ cao quý được ủy thác trên tất cả những ai luôn mang trong tim thiện ích quốc gia, và thực ra cũng là thiện ích của gia đình nhân loại. Hy vọng của tôi là sự hợp tác liên tôn và đại kết sẽ chứng minh rằng con người không cần phải từ bỏ dù là bản sắc dân tộc hay căn tính tôn giáo của mình để có thể sống hòa hợp với anh chị em của họ.

Có biết bao nhiêu cách để những tín đồ của các tôn giáo khác nhau thực hiện sứ vụ này! Có biết bao những nhu cầu cần phải được chăm sóc với bàn tay chữa lành của tình huynh đệ liên đới! Tôi nghĩ đặc biệt đến các nhu cầu vật chất và tinh thần của người nghèo, những người khốn cùng, những ai khao khát một lời an ủi và một niềm hy vọng. Ở đây tôi cũng nghĩ đến quá nhiều những gia đình đang phải tiếp tục thương tiếc cho sự mất mát của những người thân yêu của họ.

Trên tất cả, tại thời điểm này của lịch sử đất nước các bạn, có bao nhiêu người thiện chí đang tìm cách xây dựng lại nền tảng đạo đức của xã hội như một tổng thể? Cầu xin cho sự gia tăng tinh thần hợp tác giữa các nhà lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo khác nhau được thể hiện nơi một dấn thân đặt hòa giải nơi trung tâm của mọi nỗ lực đổi mới xã hội và các cơ chế của nó. Vì thiện ích của hòa bình, niềm tin tôn giáo không bao giờ được phép lạm dụng làm cớ gây ra bạo lực và chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và dứt khoát thách thức các cộng đồng của chúng ta sống trọn vẹn những giáo lý về hòa bình và chung sống được tìm thấy trong mỗi tôn giáo, và tố cáo những hành vi bạo lực một khi chúng xảy ra.

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn một lần nữa vì sự chào đón hào phóng của các bạn và sự chú ý của các bạn. Cầu xin cho cuộc gặp gỡ huynh đệ này củng cố tất cả những nỗ lực của chúng ta để sống hòa hợp và để truyền bá những phước lành của hòa bình.

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133654.htm



Đức Thánh Cha ghé thăm một ngôi chùa Phật Giáo tại thủ đô Colombo
Đặng Tự Do1/15/2015

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng thứ hai đến thăm một ngôi chùa Phật giáo. Trong những thay đổi lịch trình của ngài vào giờ chót, Đức Thánh Cha đã ghé thăm để tỏ lòng kính trọng của ngài với các nhà lãnh đạo Phật Giáo ôn hoà tại một ngôi chùa quan trọng ở thủ đô Sri Lanka. Tại đây, ngài đã chứng kiến một nghi lễ quan trọng của Phật giáo: lễ mở bảo tháp di tích của hai đệ tử quan trọng của Phật Thích Ca.

Đức Giáo Hoàng đã trân trọng lắng nghe các nhà sư Phật giáo tụng niệm và cầu nguyện trong khi mở bảo tháp chứa các di tích đặt trong chùa Agrashravaka.

Thông thường, bảo tháp chứa các di tích chỉ được mở ra cho các Phật tử chiêm ngưỡng mỗi năm một lần. Các Phật tử từ khắp Sri Lanka xếp những hàng dài trong những cho ngày đó để có dịp chiêm bái và tỏ lòng kính trọng đối với các di tích này. Họ coi việc chiêm ngưỡng này là một hạnh ngộ, và là một đặc ân hiếm hoi.

Sư phụ trụ trì tại chùa, là hòa thượng Banagala Upatissa, nói với thông tấn xã AP rằng việc mở bảo tháp chứa các di tích cho Đức Giáo Hoàng chứng kiến "là vinh dự cao nhất và tôn quý mà chúng tôi muốn dành cho ngài."

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết hòa thượng Banagala Upatissa đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm ngôi chùa của ông khi ông có dịp bắt tay Đức Thánh Cha trong buổi lễ chào đón tại sân bay Bandaranaike của Colombo hôm thứ Ba. Hòa thượng Upatissa là người đứng đầu Hội Mahabodhi, một tổ chức Phật giáo quan trọng, rất tích cực trong cuộc đối thoại liên tôn. Ông đã từng đi thăm Vatican và được dịp chụp hình chung với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Bức ảnh kỷ niệm đã được phóng rất lớn và được đặt trong căn phòng tiếp tân của hội Mahabodi.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm một ngôi chùa Phật giáo trong một chuyến thăm Thái Lan năm 1984.

Cha Federico Lombardi giải thích thêm là Đức Thánh Cha Phanxicô không cầu nguyện hay thinh lặng trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi này, mặc dù ngài cũng đã cởi giày như tất cả du khách đến chùa phải làm.

Cha Federico Lombardi lưu ý rằng không giống như chuyến thăm gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đền thờ Xanh của Hồi giáo tại Istanbul - nơi Đức Giáo Hoàng đã dừng lại một chút trong lời cầu nguyện với vị lãnh tụ Hồi giáo - lần này là mọi chuyện diễn ra ngắn hơn nhiều, và chỉ được xếp lịch vào những giờ phút cuối cùng.

"Không có một thời gian im lặng theo nghĩa đen của từ này.” Cha Lombardi nói với các phóng viên: "Tôi chỉ có thể nói rằng Đức Giáo Hoàng đã lắng nghe với sự tôn trọng tuyệt vời lời cầu nguyện của các nhà sư và những lời giải thích về các di tích."

Chuyến viếng thăm ngôi chùa này là một trong ba bổ sung cuối cùng Đức Giáo Hoàng đã thực hiện trong lịch trình bận rộn của ngài hôm thứ Tư 14 tháng Giêng. Sau khi phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka và viếng thăm ngôi đền linh thiêng nhất của Kitô giáo Sri Lanka ở một khu rừng phía bắc Colombo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp cựu tổng thống vừa bị thất cử, là ông Mahinda Rajapaksa, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Cha Lombardi nói ông Rajapaksa đã muốn có một cuộc hội kiến riêng với Đức Thánh Cha. Ông là người đã mời ngài đến thăm đất nước này.

Đức Thánh Cha sau đó đã gặp gỡ với các giám mục của 11 giáo phận và một tổng giáo phận của Sri Lanka. Lẽ ra cuộc gặp gỡ đã diễn ra một ngày trước đó nhưng ngài đã quá mệt sau 9 giờ đồng hồ trên máy bay, sau những lễ nghi đón tiếp tưng bừng tại phi trường quốc tế của Colombo và sau khi dang nắng trên đoạn đường dài 28km từ phi trường về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133692.htm

Sri Lanka: ĐTC mời gọi người Tamouls và Cinghalais tự vấn lương tâm tại trung tâm Thánh Mẫu Madhu.
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu1/14/2015

SRI LANKA - Vào ngày thứ hai của chuyến tông du mục vụ tại Sri Lanka (Tích Lan), Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến hành hương tại trung tâm Thánh Mẫu Madhu thuộc giáo phận Mannar, tọa lạc trong tỉnh phía bắc, trong vùng đại đa số sắc dân Tamoule.

Trong vùng sâu vùng xa của Sri Lanka, cộng đoàn Kitô hữu bị cô lập giữa vùng rừng núi cheo leo, các tín hữu tôn kính tượng Đức Trinh Nữ Maria, được người Bồ Đào Nha tặng cho dân làng vào năm 1583.

Đức Cha Rayappu, Giám mục giáo phận địa phương, đã vui mừng đón tiếp Đức Thánh Cha. Nhân dịp này, ĐTC đã khẩn cầu “xin ơn chữa lành cho hết mọi người dân và xin ơn hòa giải sâu rộng cho hai sắc dân trong quốc đảo là Tamoul và Cinghalais, để họ có thể cùng nhau xây dựng lại mối dây hiệp nhất đã bị cắt đứt“

Đoàn người đông như nêm cối đã vui mừng chào đón ĐTC Phanxicô. Đây là lần đầu tiên một Đức Giáo Hoàng đặt chân đến trung tâm Thánh Mẫu nổi tiếng vì được mọi người dân Sri Lanka tôn kính: cả người Kitô giáo, cả tín đồ Phật giáo, Ấn giáo hay Hồi giáo cũng tuôn về hành hương. ĐTC đã đặc biệt nhấn mạnh rằng: “mỗi khách hành hương đều cảm nhận được họ không phải là khách lạ mà là người nhà, cảm thấy được bình an thư thái như ở nhà: “chúng ta đều gặp gỡ nhau trong nhà của Mẹ chúng ta”.

ĐTC đã nhắc đến “trăm nghìn nỗi đắng cay ưu phiền” mà nhiều gia đình phải hứng chịu trong suốt cuộc nội chiến tương tàn xé nát con tim đất nước Sri Lanka. Ngay cả trung tâm Thánh Mẫu cũng bị vạ lây, đến nỗi vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến khốc liệt, thánh tượng Đức Trinh Nữ cũng đã phải tỵ nạn đến nhà nguyện một xứ đạo bên bờ biển ở Thevanpiti, cách đó khoảng 60 cây số.

ĐTC nhắc nhớ rằng: Không người dân Sri Lanka nào có thể quên được những biến cố tang thương đã diễn ra tại chính Trung Tâm Thánh Mẫu này, chẳng hạn ngày đau buồn mà chính thánh tượng Đức Trinh Nữ đã phải tỵ nạn khỏi trung tâm Thánh Mẫu này!
ĐTC tiếp tục bài suy niệm về sự hiện diện của Đức Maria dưới chân thập giá, không rời bỏ con dấu yêu đang bị đóng đinh, Ngài khẳng định rằng: “Mẹ Thiên Chúa đã chưa bao giờ bỏ rơi những đứa con Sri Lanka bị đau khổ”. Ngài khẩn thiết kêu gọi mỗi cá nhân hãy tự vấn lương tâm để có thể tái tạo được an bình trong những con tim bị thương tích.

Dù biết rõ rằng còn biết bao gian nan khó vượt qua được, ĐTC cũng đoan chắc rằng: Đức Trinh Nữ muốn hướng dẫn dân chúng Sri Lanka thực hiện một cuộc hòa giải sâu rộng, để mọi người được vui hưởng cảnh thanh bình thịnh trị với nhau. Ngài đặc biệt ghi nhận: con đường dẫn tới hòa bình đích thực quả thực còn cam go: “chỉ khi nào chúng ta hiểu được dưới ánh sáng của Thánh Giá, lúc đó chúng ta mới cảm thấy lương tâm thực sự cắn rứt dầy vò và hối cải về sự dữ mà chúng ta có thể thực hiện và những điều ác mà chính chúng ta đã nhúng tay vào!”

Cũng như thánh tượng Đức Trinh Nữ đã được hoàn lại trung tâm Thánh Mẫu sau chiến tranh, ĐTC nguyện mong rằng những cố gắng xây dựng hòa bình giữa hai sắc dân Tamoul và Cinghalais, cũng được coi là dấu chỉ cho công cuộc xây dựng lại sự hiệp nhất đã bị phá hủy. Trước đó, ĐTC đã nguyện xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria kêu xin “lòng Chúa nhân lành thương xót” và khấn xin Mẹ cầu bầu “chữa lành mọi tội lỗi và mọi sự mà đất nước này đã phải hấng chịu”

Trước giai đoạn cuối của cuộc nội chiến tương tàn, mỗi năm có hàng trăm ngàn khách hành hương vẫn tuốn về trung tâm Thánh Mẫu Madhu trong thời gian giữa hai lễ chính là lễ Đức Bà Thăm Viếng được mừng vào mùng 2.7 mỗi năm tại Sri Lanka và đại lễ Đức Maria hồn xác về trời mừng vào trung tuần tháng tám….Sau khi cuộc nội chiến chấm dứt và đền thánh được tái thiết, đường sá được gỡ mìn an toàn hơn, khách hành hương lại tuốn vềtrung tâm Thánh Mẫu đông đảo như trước đây.

Đi về nguồn lịch sử của trung tâm Thánh Mẫu vào năm 1658, thời đó Sri Lanka đang bị người Hòa Lan theo Tin Lành Calvin đô hộ, nên nghiêm cấm việc phụng thờ của người Công Giáo. Dân thuyền chài làng Mantai không xa thành phố Mannar đã quyết định di cư trốn khỏi vùng biển và mang theo thánh tượng Đức Maria mà người Hòa Lan đã tặng họ vào năm 1583. Họ đã xây một nhà nguyện trong rừng già âm u và kể từ đó họ đã nhận được Đức Mẹ che chở phù trì khỏi mọi hiểm nguy, khỏi rất nhiều rắn độc trong rừng rậm, được chữa lành khỏi mọi tật nguyền và ban cho nhiều cặp vợ chồng son sẻ được sinh con đẻ cái.

Vào thế kỷ XIX, dưới thời đô hộ của nước Anh, cuộc bách hại người Công Giáo chấm dứt, trung tâm Thánh Mẫu lại tiếp tục thu hút khách hành hương càng ngày càng đông đảo tuốn về. Trong thời nội chiến dai dẳng giữa phiến quân Tamoul với quân chính phủ, trung tâm Thánh mẫu đã trỏ thành trung tâm tiếp cư tiếp đón dân tỵ nạn từ năm 1997 đến năm 2002, và từ năm 2004 đến 2009. Trong thời gian này, dân tỵ nạn đã trải qua tình cảnh bi thương và phải sống trong khó khăn… Trung tâm Thánh Mẫu đã bị nã đạn pháo hai lần, lần thứ nhất vào tháng 11 năm 1999 khiến 44 nạn nhân bị thiệt mạng khi đạn pháo rơi trúng vào nhà nguyện Thánh Thể. Lần thứ hai xẩy ra vào tháng 3 năm 2008 khiến 18 người Ấn giáo bị thương vong vì đạn pháo.

Trong suốt thời gian cuối của cuộc nội chiến, mặc dầu các Giám mục đã nhiều lần lên tiếng kêu xin, nhưng trung tâm Thánh Mẫu chưa bao giờ được chính quyền công nhận là vùng phi quân sự, được hưởng đình chiến!!!

Sau đại lễ phong thánh cho Chân Phước Joseph VAZ vào buổi sáng ở thủ đô Colombo, ĐTC đã đáp trực thăng tới trung tâm Thánh Mẫu Madhu, cách thủ đô chừng 300 cây số về phía bắc. Khi tới trung tâm Thánh Mẫu, ĐTC đã đứng trên xe díp chạy vòng quang chào thăm dân chúng tụ tập đông đảo chung quanh trung tâm…ĐTC tỏ ra thoải mái và hạnh phúc được gặp nhiều gia đình người Tamoul và Cinghalais tụ tập rất đông tại trung tâm và đã ôm nhiều trẻ em và bệnh nhân. Sau đó, ĐTC phải đáp trực thăng trở lại thủ đô Colombo để ngày mai (15.01.2015) đáp máy bay sang Phi Luật Tân, bắt đầu chặng hai của chuyển tông du mục vụ sang Á Châu.

Phụ chú của người dịch: „Trung tâm Thánh Mẫu Madhu bên Tích Lan có một vài điểm lịch sử tương đồng với sự tích Đức Mẹ La Vang vào năm 1798 trong thời vua Cảnh Thịnh bách đạo …Nguyện mong Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc La vang sẽ có ngày được đón tiếp vị cha chung của Giáo Hội hoàn vũ đặt chân đến viếng thăm Quê Hương Việt nam, để cầu cho quối thái dân an…“ (Nguồn: Eglises d'Asie, le 14 janvier 2015)

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133675.htm

Ghi nhanh về ngày đầu chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Phanxicô
Vũ Van An1/14/2015

Hãng tin AP có bản ghi nhanh sau đây về ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Phanxicô.

Con số

Theo nguồn tin chính phủ, người Công Giáo chỉ chiếm hơn 6% dân số 21 triệu người của Sri Lanka. Nhưng họ là hệ phái Kitô Giáo lớn nhất tại đây. Các Kitô hữu khác chỉ chiếm 1.3% dân số mà thôi. Đại đa số theo Phật Giáo.

Vòng đai Công Giáo

Người Công Giáo là thiểu số nhỏ tại Sri Lanka, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được người ta thứ lỗi nếu ngài nghĩ khác trên đường vào Colombo.

Vì quả ngài đã băng qua hàng loạt thánh đường Công Giáo dọc đường từ Phi Trường vào thành phố và hàng chục đền thờ, những ngôi đền nhỏ bên đường thường để tôn kính các vị thánh vận lụa là và đồ trang sức đứng trong các tủ đứng bằng kính.

Người ta gọi đây là vòng đai Công Giáo của Sri Lanka, nơi khá nhiều thị trấn và làng mạc có những cộng đoàn Công Giáo đông đúc, bắt đầu từ Bắc Colombo và tiếp tục về hướng bắc quá bên kia phi trường có đến hàng trăm dặm, dọc duyên hải. Phần lớn người Công Giáo Sri Lanka sống ở duyên hải, nơi các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vốn tập trung việc tông đồ của họ trong thế kỷ 16.

Đám đông và đàn voi

Khoảng 7 giờ 30 sáng, hàng trăm người đã đứng chờ hai bên đường phía ngoài phi trường mong được thấy Đức GH Phanxicô. Nhiều gia đình ngồi trên chiếu, thỉnh thoảng uống nước từ những chiếc chai.

Và rồi, một điều bất thường diễn ra: một đoàn kiệu gồm những chú voi sặc sỡ lững thững kéo nhau trên đường, hướng về phi trường. Những chú voi này, sau đó, đã trở thành thành phần của phái đoàn nghinh đón Đức Phanxicô và đoàn tùy tùng.

Một cuộc đón tiếp nhiều mầu sắc

Đức GH Phanxicô bước xuống khỏi chiếc máy bay Alitalia ngay sau lúc 9 giờ sáng của một ngày đẹp trời. Ngài được nghinh đón trước hết bởi một bé trai và một bé gái, người đã dâng lên ngài một vòng lớn gồm những bông hoa mầu vàng và trắng. Sau đó, ngài tiến bước trên một chiếc thảm dài mầu đỏ trong khi các vũ công Sri Lanka, ăn vận sặc sỡ, trình diễn hai bên, được sự phụ họa vang dội của một dàn trống.

Trích vội: “Mọi người phải có tiếng nói”

Trong bài diễn văn trong lễ nghinh đón tại phi trường, Đức GH Phanxicô nói đến các cố gắng của Sri Lanka nhằm hòa giải sau nhiều năm nội chiến:

“Tôi tin chắc rằng các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau có một vai trò thiết yếu phải đóng trong diễn trình tế vi hoà giải và tái thiết hiện đang diễn ra trên xứ sở này. Muốn cho diễn trình này thành công, mọi thành viên của xã hội phải cùng làm việc với nhau; mọi người phải có tiếng nói. Mọi người phải được tự do nói lên các quan tâm, các nhu cầu, các nguyện vọng và nỗi sợ của mình”

Trên đường vào Colombo

Đức GH Phanxicô đứng bên trong một chiếc xe nhỏ mầu trắng để từ Phi Trường vào Colombo. Ngài vốn tránh không dùng những giáo hoàng xa chống đạn mà các vị tiền nhiệm của ngài quen dùng. Và mặc dù có màn kính chắn gió lớn phía trước, nhưng từ hai bên, ngài vẫn có thể với tới hàng ngàn người đang đứng dọc đường vẫy cờ hoan hô.

Thỉnh thoảng, chiếc xe lại ngừng lại để ngài hỏi han đám đông: đụng tới trẻ em và chúc lành cho những em được nâng lên cho ngài.

Dù vậy, người ta vẫn có cảm tưởng là đoàn xe đi nhanh quá.

Nimal Solis, người đứng đợi nhiều tiếng đồng hồ để được thấy Đức Giáo Hoàng, rất thất vọng khi đoàn xe chạy ngang qua mà không chịu dừng lại. Anh bảo: “Nếu ngài chạy chậm hơn chút nữa có tốt hơn không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thấy ngài. Đây là dịp may cả đời mới có!”

Tiếng nói từ đám đông

Hàng ngàn người xếp hàng dọc theo đường đoàn xe của Đức Phanxicô chạy qua đưa ra nhiều lý do khiến họ tham dự vào sự phấn khích này. Một số người hy vọng sẽ chấm dứt các chia rẽ tôn giáo và hòa giải xứ sở sau cuộc nội chiến kéo dài hơn 1/4 thế kỷ và mới chỉ chấm dứt năm 2009.

Sau đây là lời của một số người:

Saman Priyankara, 42 tuổi, phát biểu: “Đây là cơ hội tốt để thống nhất xứ sở sau chiến tranh và đem lại với nhau một xã hội bị chia rẽ vì cuộc bầu cử. Nó sẽ đem sức mạnh lại cho tân chính phủ vào lúc chúng ta thoát khỏi nền chuyên chế và tiến lên con đường mới”.

Yasa Alexander, 40 tuổi, cho hay: “Tôi tới đây để thấy một nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, dù tôi là một người Phật Giáo. Tôi tin sự hòa hợp liên tôn sẽ được tăng cường”.

Ranjit Solis, 60 tuổi, tuyên bố: “Đây giống như thể chính Chúa Giêsu Kitô tới Sri Lanka vậy… Lối sống đơn giản của ngài không phải là trò bịp. Nó là một thách đố đối với chúng ta và phẩm trật Giáo Hội. Tôi nghĩ viễn kiến của ngài phát xuất từ chính Chúa Kitô”.

Trễ giờ

Một số người trong đám đông có thể lẩm bẩm cho rằng đoàn xe của Đức GH Phanxicô chạy nhanh quá hay ngài không chịu dừng lại để hỏi han họ, nhưng thực ra, ngài đã mất khá nhiều thì giờ mới vượt qua được đoạn đường 30 kilô mét từ phi trường Colombo vào thành phố.

Dù đã cấm lưu thông, buổi lễ nghinh đón lâu giờ tại Phi Trường, cộng với những lần ngài dừng lại để hỏi han và chúc lành cho đám đông đứng hai bên đường, đã khiến Đức GH trễ mất cả tiếng đồng hồ so với chương trình.

Thành thử đến trưa, ngài phải bỏ cuộc gặp gỡ với các giám mục Sri Lanka. Người ta mong ngài tái lên chương trình cho buổi gặp gỡ này.

Xét về nhiều mặt, đó là lối hành động của Đức Phanxicô: dành nhiều thì giờ cho người dân thường và ít thì giờ hơn cho các vị vọng trong Giáo Hội, dù việc bãi bỏ này có thể do chính vị giáo hoàng 78 tuổi yêu cầu vì sau một chuyến bay dài, ngài cần nghỉ ngơi dưỡng sức.

Bà Felicitas Ivy Dissanayake, một phụ nữ đã 80 tuổi, đang đứng chờ Đức GH tới, cho hay: “ngài là một vị giáo hoàng thực tế”. Đức Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba bà được gặp tại Sri Lanka. Bà cho rằng “Ngài có sứ mệnh đem hòa bình cho thế giới. Và chúng tôi rất sung sướng được có ngài”.

Trích vội: “Một khúc rẽ trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng”

Hội Đồng Hồi Giáo Sri Lanka, đảng chính trị Hồi Giáo chính trong nước, phát biểu trong một tuyên bố về việc cuộc viếng thăm của Đức GH Phanxicô có thể có ảnh hưởng tới các cố gắng của họ nhằm chấm dứt thái độ cuồng tín bài Hồi Giáo, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

"Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện, các ý kiến và gương sáng của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp biến cơ may chủ chốt trong lịch sử dân chủ của chúng ta này thành khúc rẽ trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng, công lý và tự do. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ đổi mới cam kết của xã hội ta đối với lòng cảm thương, nền hòa bình và nhân đức”.

Trống phách và ca hát

Các sắc thái tôn giáo của Sri Lanka đã được trình bày sặc sỡ trong cuộc gặp gỡ liên tôn của các tôn giáo chính của đảo quốc. Các tay trống Hevisi cổ truyền đã dựng nền, tiếp theo là các bài ca Phật Giáo, các chúc ca của Ấn Giáo và Hồi Giáo, lời cầu nguyện đại kết của một giám mục Anh Giáo, rồi các diễn văn của một tu sĩ Phật Giáo và của Đức Giáo Hoàng. Khung cảnh thật khác xa với năm 1995 1úc các nhà lãnh đạo Phật Giáo tẩy chay lời mời của Đức Gioan Phaolô II để phản đối lời phê phán của ngài đối với ý niệm cứu rỗi của Phật Giáo.

Để tỏ dấu hiệu thuộc về, Đức Phanxicô đã khoác lên vai tấm áo choàng mầu vàng nghệ. Tấm áo choàng này vốn tượng trưng về văn hóa cho danh dự của người Tamil, nhóm sắc tộc thiểu số phần lớn gồm người Ấn Giáo tại Sri Lanka.

Đại diện Hồi Giáo tại cuộc gặp gỡ, Ông Ash-Sheikh M.F.M Fazil, đã dùng bài diễn văn của ông lên án các vụ tấn công khủng bố mới đây tại Paris. Những người cực đoan dã sử dụng các tôn giáo làm thuẫn che dấu các việc làm đầy tội ác và các dối trá của chúng. Ông nói: “chúng ta cần hiểu biết tín ngưỡng của nhau” và hỗ trợ nhau xây dựng một quốc gia lành mạnh.

Phép lạ nào?

Hôm thứ Tư, khi phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka, Đức Phanxicô sẽ một lần nữa chứng tỏ rằng ngài không lưu ý bao nhiêu tới các luật lệ rườm rà vốn có trong các qui định của diễn trình phong thánh bình thường tại Vatican. Dù, theo truyền thống, Giáo Hội thường đòi phải có 2 phép lạ mới được phong thánh, nhưng Vatican chưa bao giờ xác nhận phép lạ thứ hai được qui cho việc chuyển cầu của Cha Joseph Vaz, nhà truyền giáo thế kỷ 17 có công phục hồi Đạo Công Giáo thời thực dân Hòa Lan bách hại người Công Giáo. Thay vào đó, Đức Phanxicô đã ký ngay quyết định của bộ phong thánh muốn phong thánh cho chân phúc Vaz. Đức Phanxicô, trước đây, từng làm như thế đối với vị thánh được nhiều biết đến hơn nữa là Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, và là dấu chỉ cho thấy Đức Phanxicô tin chắc rằng tín hữu cần nhiều gương mẫu thánh thiện hơn là diễn trình có tính kỹ thuật, mất thì giờ và tiền bạc để kiểm nghiệm các phép lạ


http://www.vietcatholic.net/News/Html/133665.htm




Geen opmerkingen:

Een reactie posten