dinsdag 27 januari 2015

Hai cách Trung Quốc tiếp cận dầu khí trên Biển Đông

Hai cách TQ tiếp cận dầu khí trên Biển Đông

  • 27 tháng 1 2015
Sự kiện giàn khoan của Trung Quốc đã gây căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam
Hai công ty dầu khí Trung Quốc đã cho thấy cách làm trái ngược nhau để hoạt động trên Biển Đông nơi mà tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đang ngày càng trở nên mạnh bạo, theo quan sát của tờ The Economist của Anh quốc trong bài báo có tiêu đề ‘Dầu khí ở vùng biển rắc rối’.
The Economist theo dõi hoạt động của hai công ty dầu khí Trung Quốc và họ nhận thấy một công ty đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực trong khi công ty kia có dấu hiệu muốn hạ nhiệt căng thẳng.

Cách đối đầu

Theo đó, hồi tháng Ba năm ngoái, Brightoil, một công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong với mối liên hệ chính trị cấp cao với đại lục, đã mua quyền thăm dò một vùng đáy biển rộng 2,5 hectare từ một công ty Mỹ có tên là Harvest Natural Resources. Lô dầu khí mà phía Trung Quốc gọi là Vạn An này nằm trong một khu vực được quốc tế gọi là Vanguard Bank. Nó nằm cách bờ biển Trung Quốc hơn 650 hải lý nhưng chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đến 200 hải lý. Trung Quốc cho rằng họ có ‘chủ quyền lịch sử’ ở đây vì nó nằm gần rìa tây nam của đường chín đoạn mà Trung Quốc cho rằng thể hiện chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Hồi năm 1992, Trung Quốc đã ra giấy phép cho phép thăm dò dầu khí ở lô này. Đó là lần đầu tiên Trung Quốc tranh giành tài nguyên ở một vùng biển cách bờ biển của họ xa như vậy. Khi tàu Trung Quốc tìm cách khảo sát khu vực hồi năm 1994, Việt Nam đã đưa tàu hải quân ra ngăn chặn. Rồi khi Việt Nam đưa giàn khoan ra nơi này, đến lượt Trung Quốc tìm cách ngăn trở. Cả hai bên đều chưa khai thác gì được ở đây.
Hồi năm 1996, Harvest Natural Resources, lúc đó là công ty Benton Oil and Gas, đã mua quyền thăm dò lô ‘Vạn An’ với giá 15 triệu đôla. Công ty này chưa bao giờ triển khai được lô dầu khí này. Việt Nam cũng đặt mục tiêu thăm dò khai thác của họ ở lô này và trao quyền cho công ty Talisman của Canada và ExxonMobil của Hoa Kỳ. Trung Quốc xem đây là hành động ‘xâm phạm chủ quyền của họ’. Cách nay bốn năm Trung Quốc đã cho một đội tàu cá ra ngăn trở và đe dọa một tàu thăm dò địa chất của Talisman đang hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, Talisman vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp bị quấy nhiễu và hiện đang khoan ở một lô mà Việt Nam gọi là 136/03.
Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa
Tuy nhiên, kể từ khi Brightoil được trao quyền thăm dò ở đây với giá chỉ 3 triệu đôla, Bắc Kinh đã gây hấn trở lại. Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc được bốn tàu khác hộ tống đã thám sát địa chất ở lô này trong vòng hai tuần lễ. Phía Việt Nam dường như đã quyết định không đối đầu với Trung Quốc – khác với lần Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 ra Biển Đông. Thật ra, vào lúc Trung Quốc đang thăm dò địa chất thì một phái đoàn quân sự cấp cao nhất của Việt Nam đang ở thăm Trung Quốc lần đầu tiên sau nhiều năm. Mục đích của chuyến thăm này là để hàn gắn những đổ vỡ trong quan hệ song phương do sự kiện giàn khoan gây ra.

Làm việc với Malaysia

Còn trong trường hợp kia mà The Economist dẫn lại thì vào cuối năm ngoái, một công ty Trung Quốc khác lại có cách làm khác trong việc thăm dò dầu khí trên Biển Đông. Hồi giữa tháng 11, Fosun, một tập đoàn tư nhân lớn của Trung Quốc đã mua lại một công ty năng lượng nhỏ của Úc có tên là Roc. Roc có một hợp đồng với tập đoàn dầu khí của Malaysia là Petronas để phát triển các lô thăm dò ngoài khơi Sarawak. Những lô này nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Malaysia và đồng thời cũng nằm trong phạm vi đường chín đoạn của Trung Quốc mà Malaysia bác bỏ. Cho rằng công ty Fosun có lợi ích trong hợp đồng đã ký với Malaysia này, một công ty Trung Quốc trên thực tến đã công nhận tuyên bố chủ quyền của Malaysia ở khu vực – điều này có nghĩa là họ làm hại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Cả Brightoil và Fosun đều có mối quan hệ với giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Brightoil dường như hành động như cánh tay thực thi chính sách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trên Biển Đông trong khi Fosun dường như làm ngược lại. Nhưng bằng cách làm việc với chính quyền Malaysia thay vì giống như Brightoil đối đầu với Việt Nam, công ty Fosun có nhiều khả năng hơn Brightoil khai thác được dầu khí cung cấp cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten