Sunday, October 26, 2014 1:55:51 PM
HÀ NỘI 26-10 (NV) - Hoa Kỳ đòi chế độ Hà Nội sửa luật lệ hình sự, nhờ vậy nhân quyền sẽ được bảo vệ nhiều hơn, thay vì chỉ thả một vài tù nhân chính trị này rồi bắt vào mấy người khác.
Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ về Nhân quyền họp báo ở Hà Nội ngày 26/10/2014 sau 5 ngày đi thăm viếng nhiều nơi và thảo luận với các viên chức CSVN. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images) |
Tuy nhìn nhận có một vài tiến bộ về mặt nhân quyền, một viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền hôm Chủ Nhật 26 tháng 10, nói trong cuộc họp báo trước khi rời Việt Nam rằng chế độ Hà Nội phải làm nhiều hơn nữa để thắt chặt hơn các quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ.
Ông Tom Malinowski, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nói như thế tại Hà Nội sau 5 ngày ông tiếp xúc với các chức sắc CSVN và đi thăm một số nơi. Theo ông, nhà cầm quyền CSVN cần sửa luật của họ cho phù hợp hoàn toàn với bản hiến pháp 2013 của chế độ cũng như các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Ông Malinowski tới Hà Nội ngày 21 tháng 10, cùng ngày với nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày được thả ra từ nhà tù tại Thanh Chương tỉnh Nghệ An và đưa thẳng ra phi trường sang Mỹ, không được gặp mặt vợ con hay bất cứ người nào khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN nói trong cuộc họp báo chiều 23 tháng 10, khoe rằng chế độ thả Blogger Điếu Cày sớm trước hạn tù “vì lý do nhân đạo.” Nhưng Blogger Điếu Cày nói với hơn trăm người Việt đón ông ở phi trường Los Angeles buổi tối ngày 21 là ông bị nhà cầm quyền CSVN “trục xuất” ra khỏi đất nước.
Theo lời ông Malinowski, thì ông “nói rất rõ (với các viên chức CSVN) là chúng tôi muốn (chế độ Hà Nội) phải làm nhiều hơn nữa để mối quan hệ giữa hai nước tiến sâu hơn mà nhờ vậy chúng ta có thể hợp tác nhiều hơn về an ninh cũng như thỏa hiệp thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)” mà hai bên cùng 10 nước khác còn đang đàm phán chưa xong.
Ông nhấn mạnh trong cuộc họp báo nói trên ở Hà Nội rằng “Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể thực hiện được những điều đó nếu có tiến bộ nhiều mặt về nhân quyền.”
Ông Malinowski cho biết CSVN đã thả 12 tù nhân lương tâm năm nay (thật ra chỉ một nửa là được thả trước hạn tù, một nửa mãn hạn tù) nhưng ông thúc giục chế độ Hà Nội không dùng các điều khoản luật hình sự có lời lẽ mơ hồ để bắt giam người dân dù người ta chỉ sử dụng quyền tự do phát biểu để trình bày chính kiến một cách ôn hòa.
“Không gọi là có tiến bộ về nhân quyền khi thả 12 người này rồi lại tống giam 12 người khác.” Ông Malinowski nói. “Cho nên chúng tôi nhấn mạnh (với nhà cầm quyền CSVN) là cần phải hoàn thành sự cam kết của nhà nước CSVN bằng cách cải cách luật lệ cho phù hợp hoàn toàn với bản hiến pháp 2013 của họ cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế.”
Ông Malinowski cho hay, trong các cuộc thảo luận với các viên chức CSVN, ông đã giải thích rằng một số điều luật hình sự của chế độ không tương ứng với các cam kết (quốc tế) và chúng “có vẻ như nhằm vào quyền tự do phát biểu và hội họp.”
Ông cho biết chính phủ Mỹ “muốn là đối tác sâu rộng hơn và bền vững hơn với Việt Nam, tương tự như mối quan hệ chúng tôi có với các đồng minh thân thiết nhất ở Á Châu, Âu châu và các nơi khác.” Nhưng muốn vậy “Chúng tôi cần một nền tảng vững chắc dựa trên các giá trị chung và đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh vấn đề nhân quyền mạnh mẽ đến như vậy.”
Đầu Tháng 10 vừa qua, Phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh đến Hoa Thịnh Đốn sau nhiều tháng trì hoãn vì e ngại Bắc Kinh “hiểu lầm.” Trong cuộc gặp mặt, tuy Ngoại trưởng John Kerry loan báo gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam, tin tức cho hay ông cũng khuyến cáo chế độ Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền mạnh mẽ để có thể được Hoa Kỳ nới lỏng hơn lệnh cấm bán võ khí sát thương.
Cùng một ngày gặp Ngoại trưởng Kerry, theo một bản thông cáo của Tòa Bạch Ốc ông Phạm Bình Minh cũng đã gặp bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống Barack Obama. Bản thông cáo báo chí nói rằng bà Rice cũng thúc giục chế độ Hà Nội cải tiến nhân quyền nhiều hơn nữa. (TN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=197229&zoneid=1#.VE7kS-ktC70
Geen opmerkingen:
Een reactie posten