Indonesia: Từ chế độ quân phiệt đến dân chủ
Ba tháng sau ngày đắc cử vẻ vang, Joko Widodo, xuất thân là doanh nhân đóng bàn ghế đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Indonesia, ngày 20/10/2014. Sự kiện này biểu hiện quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á đã đi qua được một chặng đường dài dân chủ hóa. Câu hỏi đặt ra là tại sao giới chính trị thuộc phe đặc quyền không bám trụ? Tại sao Indonesia có thể thoát khỏi chế độ độc tài ?
Với sự chứng kiến của hơn 50.000 người trong đó có những nhân vật quan trọng của thế giới như Thủ tướng Úc Tony Abbot và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo quốc gia 250 triệu dân vào ngày 20/10/2014.Sau hai nhiệm kỳ 5 năm, cựu tướng Susilo Bambang Yudhoyono trao quyền lại cho người kế nhiệm, lãnh đạo một quốc gia được xem là nền dân chủ non trẻ của Á châu. Với chủ trương đoàn kết để xây dựng đất nước, tân tổng thống Indonesia đã không ngần ngại gọi đối thủ chính trị Prabowo Subiano “ là bạn thân thiết ” mặc dù trong giai đoạn tranh cử, người con rể của nhà độc tài quá cố Suharto đã tận dụng mọi thủ đoạn kể cả tung tin thất thiệt để đánh phá uy tín của ông. Để đáp lại, cựu tướng Prabowo Subiano cũng đứng lên chào như tín hiệu “ hòa giải ”.
Một tuần sau, tân Tổng thống trình làng nội các gồm 34 bộ trưởng. Giới quan sát ghi nhận hai nét son. Một là có đến 8 phụ nữ làm Bộ trưởng, trong đó có một nữ Ngoại trưởng là bà Retno Marsudi và một tín đồ công giáo là ông Ignatus Jonan, đương kim Tổng giám đốc đường sắt, lên làm Bộ trưởng giao thông. Đây là một tiến bộ rất lớn trong một quốc gia mà Hồi giáo chiếm đại đa số.
Điểm son thứ hai là tân Tổng thống đặc biệt chú trọng đến vấn đề đạo đức của thành viên chính phủ, và cam kết tận diệt nạn tham ô.
Tuy nhiên, giới hoạt động nhân quyền đặt nghi vấn tại sao cựu tham mưu trưởng quân đội Ryamizard Ryacudu lại được tin cậy trao cho ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Ông tướng này đã từng bị báo chí phê phán vì lời ca ngợi “ hành động anh hùng ” của lực lượng ám sát một lãnh đạo phong trào thổ dân Papu đòi độc lập.
Trong nội các cũng có một vài nhân vật thân cận với cựu nữ tổng thống Megawati. Điều này làm giới phân tích nghi ngờ tân tổng thống phải dựa vào một bộ phận thuộc tầng lớp lãnh đạo cũ . Sự ủng hộ của họ chắc chắc là phải có điều kiện. Đây có lẽ là cái giá mà tiến trình dân chủ hóa phải trả để có thể thực hiện trong ôn hòa, đổi lại ổn định xã hội để phát triển Indonesia thành một nước hùng mạnh.
Câu hỏi đặt ra là vì những nguyên nhân sâu xa nào mà giới nắm đặc quyền đặc lợi tại Indonesia chấp nhận cải cách thay vì bám trụ ? Indonesia dân chủ sẽ đóng góp gì trong chiến lược địa chính trị tại khu vực nóng bỏng này? RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney
“Indonesia trước đây gặp nhiều khó khăn bây giờ đã trở thành một tấm gương sáng về dân chủ…
Từ một tổng thống mãn nhiệm chuyển sang một tổng thống mới được dân chúng ủng hộ là một điểm son mà trong Asean khó có trường hợp tương tự như vậy dù là Việt Nam, Lào, Cam Bốt hay kể cả những nước đã có thử thách dân chủ như Thái Lan, Malaysia và Miến Điện. Người dân các nước này phải nhìn nền dân chủ Indonesia để hiểu vì sao họ làm được.
Indonesia phải theo con đường dân chủ vì không có sự lựa chọn nào khác… Indonesia không thể phát triển để trở thành cường quốc kinh tế vào đầu thế kỷ 21 như nhiều người dự kiến, không mạnh về kinh tế không thể trở thành lãnh đạo Asean , không có được vai trò quan trọng trên trường quốc tế . Indonesia vì không có giải pháp nào khác nên phải thử nghiệm dân chủ…”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20141030-indonesia-dan-chu/
Nhiều thách thức chờ đợi tân Tổng thống Indonesia
Đẩy mạnh những tiềm năng sẵn có, tạo đà đưa Indonesia trở thành một trong mười nền kinh tế hàng đầu thế giới là điều tân tổng thống Joko Widodo hướng tới. Để hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng đó, ông sẽ phải vượt qua nhiều thách thức chính trị, bảo đảm được an ninh cho quốc gia hơn 240 triệu dân sống rải rác tại hơn 13.000 hòn đảo.
Tuy là một trong những nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng Indonesia hãy còn là một vùng đất ít được các doanh nghiệp Pháp chiếu cố. Lần đầu tiên từ sau sự sụp đổ của nhà độc tài Suharto năm 1998 cử tri Indonesia bầu ra một vị Tổng thống không xuất thân từ hàng ngũ đảng Golkar đã liên tục thống trị đời sống chính trị của Indonesia trong nhiều thập niên. Tân tổng thống Joko Widodo cũng không phải là người của quân đội.Ngày 20/10/2014, Tổng thống tân cử Joko Widodo, 53 tuổi, tuyên thệ nhậm chức. Sau khi cử tri đã ồ ạt đi bầu vào mùa hè vừa qua, người dân Indonesia chờ đợi rất nhiều ở tân lãnh đạo Widodo. Đâu là những thách thức kinh tế đang chờ đợi ông ? Liệu rằng Joko Widodo có chiếc đũa thần đưa 100 triệu dân thoát khỏi ngưỡng nghèo khó hay không ? Đâu là những cải tổ cấp bách để thu hut đầu tư quốc tế trở lại, để xóa đi hình ảnh của một đất nước bị coi là tham nhũng vào bậc nhất thế giới ?
Bối cảnh thuận lợi
Tân Tổng thống Indonesia cầm quyền trong bối cảnh, Indonesia tương đối ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế đều đặn. Tổng thống mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono đã đưa đất nước này thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất của thế giới, một địa điểm hấp dẫn trở lại trong mắt các nhà đầu tư.
Năm 2012 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã công nhận Indonesia là một nền « kinh tế vững chắc và đó là điều đáng khích lệ ». Với GDP tăng hơn 6 % một năm, xét về tỷ lệ tăng trưởng trong khối G20, Indonesia chỉ thua có Trung Quốc. Vào lúc mà thế giới lao đao dưới tác động kéo dài của khủng hoảng tài chính toàn cầu và của khối euro, Indonesia vẫn giữ được một tỷ lệ nợ công không vượt quá ngưỡng 25 % GDP, và bội chi ngân sách là 2 %.
Ngồi vào chiếc ghế Tổng thống năm 2004 ông Yudhoyono đã mạnh dạn cải tổ, đặc biệt là về luật đầu tư. Chi tiêu của doanh nghiệp tăng 24 % một năm, lãi suất ngân hàng rất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Cùng lúc tiêu thụ nội địa tăng mạnh, hơn 5 % trong quý 2/2012, để trở thành động lực chính của tăng trưởng.
Thất nghiệp và lạm phát thấp
Tuy nhiên Indonesia là một nước đông dân hàng thứ tư trên thế giới, dân số tăng nhanh và quốc gia Đông Nam Á này đang đứng trước nhiều thách thức. Trả lời trên đài RFI nhà nghiên cứu David Camroux thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế- CERI giảng dậy tại trường Khoa học chính trị Paris Sciences Po phác họa sơ qua về chân dung tân lãnh đạo Indonesia, Joko Widodo mà người dân xứ này gọi một cách thân mật là Jokowi.
« Tân Tổng thống Joko Widodo là người có lối sống giản dị, và ông rất được lòng của những thành phần nghèo.Ông được tín nhiệm vì đã thực hiện những cam kết cải thiện đời sống cho người nghèo ở Jararta. Kinh tế Indonesia đã liên tục tăng trưởng đều đặn ở mức trung bình từ 5 đến 6 % một năm trong thập niên qua.
Thế nhưng tại quốc gia đông dân này, vẫn có tới 100 triệu người sống với thu nhập chưa đầy 2 đô la một ngày. Năm 2012 khi được bầu vào chức vụ thống đốc Jakarta ông Widodo đã lập tức cho khởi động dự án xây dựng hệ thống métro, điều mà người dân ở thủ đô Indonesia không dám mơ tới khi biết rằng, dự án này đã được đề cập tới từ những năm 1980, nhưng từ đó tới nay vấn mới chỉ là dự án !
Một quyết định quan trọng khác của ông Widodo là việc ông đã chuyển đi nơi khác các khu chợ trời ở sát bờ sông. Đây là nơi thường bị ngập lụt vào mùa mưa và gây nhiều thiệt hại về nhân mạng. Lại cũng trong cương vị thống đốc Jakarta, ông đã cho xây một loạt nhà ở cho dân nghèo, đưa họ về định cư tại những vùng đất an toàn. Bên cạnh đó ông cũng đã có những quyết định mang tính tượng trưng hơn, chẳng hạn như bắt công nhân viên chức nhà nước phải đến sở làm đúng giờ ».
Hai hồ sơ nóng : Cơ sở hạ tầng và giáo dục
Về phần mình, chuyên gia về châu châu Á thuộc nhóm nghiên cứu Asie 21, Jean-Raphael Chaponnière đề cập đến hồ sơ nhạy cảm nhất về mặt xã hội đang chờ đợi tân Tổng thống Indonesia : đó là xét lại chính sách trợ giá xăng dầu.
« Chính sách trợ giá xăng dầu là một gánh nặng đối với ngân sách quốc gia của Indonesia. Mỗi năm nhà nước phải chi ra một khoản tương đương với 3 % GDP để tài trợ cho chính sách này. Chủ yếu là nhằm hỗ trợ cho những thành phần có thu nhập thấp. Giờ đây, để nâng cấp hạ tầng cơ sở, xây dựng các hệ thống giao thông, chính quyền của tân tổng thống Joko Widodo dự trù giảm bớt các biện pháp trợ giá xăng dầu.
Đành rằng, tới nay tầng lớp giàu có và trung lưu tại Indonesia mới là những người có xe hơi, xe máy, họ là những người hưởng lợi nhiều hơn cả. Nhưng giảm bớt các biện pháp trợ giá, thì sẽ ảnh hưởng luôn cả tới đời sống của những người nghèo nhất. Số này sẽ là những thành phần lên tiếng phản đối trước hơn ai hết. Ngoài ra, bãi bỏ chính sách trợ giá xăng dầu coi như hủy hoại những nỗ lực trong nhiều đời tổng thống vừa qua để cải thiện đời sống cho dân nghèo. Chính vì vậy mà nhiều chính phủ đã từ bỏ ý định chấm dứt trợ giá xăng dầu ».
Nhà nghiên cứu David Camroux thuộc trường Khoa học Chính trị Paris, Sciences Po tin rằng Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ không ngần ngại đưa ra những quyết định quan trọng để cải tổ kinh tế nước nhà, cho dù đó là những chính sách không được lòng dân.
« Tân tổng thống Indonesia báo trước ông sẽ ban hành một số các biện pháp không được lòng dân, nhưng đó là việc làm cần thiết để tiếp sức cho kinh tế nước này. Chẳng hạn như Jakarta sẽ bãi bỏ hoặc thu hẹp chính sách trợ giá xăng dầu cho dân. Khoản chi tiêu này cuốn trôi hết 9 % ngân sách quốc gia. Với số tiền đó, chính quyền sẽ đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng. Đây là hai nhược điểm lớn nhất của Indonesia.
Về hạ tầng cơ sở, đường xá tại Indonesia đang trong tình trạng tồi tệ, Indonesia lại thiếu hệ thống xa lộ một cách nghiêm trọng. Nhìn tới hệ thống đường xe lửa thì tất cả đã được xây dựng từ thời thuộc địa, và trong hàng chục năm qua, Indonesia đã không trùng tu đúng mức. Hệ thống xe lửa tại quốc gia này không đáp ứng được nhu cầu. Thế rồi, là một quốc gia chủ yếu sống nhờ xuất khẩu, nhưng Indonesia lại không có các hải cảng lớn và hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Một điểm bất lợi khác đối với Indonesia là quốc gia này không có được một đội ngũ nhân công có tay nghề cao. Đây là hậu quả của chính sách giáo dục kém cỏi. Trước mắt tôi nghĩ là tân chính quyền của tổng thống Widodo sẽ phải nhanh chóng khắc phục hai vấn đề đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cải tổ khi biết rằng tổng thống Indonesia không có đa số tại Quốc hội và phe đối lập thì đặc biệt tỏ ra cứng rắn ».
Hành lang hoạt động hạn hẹp
Trên thực tế vấn đề giảm trợ cấp xăng dầu cho dân không hẳn là một khó khăn thuần túy về kinh tế bởi Indonesia là một nguồn cung cấp dầu hỏa và khí đốt quan trọng. Năm 2012 công nghiệp dầu khí đem về ¼ thu nhập của cả nước. Từ năm 2000 do thiếu đầu tư, mức xuất khẩu dầu hỏa của Indonesia bị giảm sụt. Kể từ cuối năm 2004 quốc gia Đông Nam Á này đã phải nhập dầu thô để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng lớn.
Thế nhưng tiềm năng của Indonesia còn rất lớn với khoản dự trữ hơn 3,6 tỷ thùng dầu và Indonesia được coi là quốc gia đứng hàng thứ 11 trên thế giới về khí đốt. Như chuyên gia David Camroux vừa nói, thách thức đặt ra với tân tổng thống Indonesia là làm thế nào để thuyết phục Quốc hội đang do đối lập kiểm soát để thông qua các biện pháp cải tổ.
Dù muốn hay không, giới quan sát về tình hình Indonesia cho rằng, quốc gia Đông Nam Á này cần nhanh chóng cải tổ trong bối cảnh tăng trưởng bắt đầu bị chựng lại, ngân sách nhà nước có khuynh hướng eo hẹp hơn khi mà giá dầu, khí trên thế giới liên tục giảm.
Một thách thức khác đang đặt ra với nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á này là nâng cấp cơ sở hạ tầng. Chuyên gia Jean-Raphael Chaponnière, trung tâm nghiên cứu Asia 21 nêu lên vấn đề :
« Jakarta hiện là thủ đô lớn nhất trên thế giới mà không có hệ thống xe điện ngầm, métro. Bên cạnh đó, Indonesia mà một quần đảo với nhiều hải cảng ,thế nhưng các cảng lớn nhỏ của quốc gia Đông Nam Á này đều trong tình trạng rất tồi tệ. Chính vì cơ sở hạ tầng quá kém cỏi, Indonesia đã bị nhiều quốc gia khác từ Trung Qu ốc đến các đối nước lân cận như Thái Lan, Việt Nam cạnh tranh dữ dội, gây thiệt hại cho nền công nghiệp.
Trong khi đó Indonesia cần tạo thêm công việc làm : dân số Indonesia tiếp tục tăng lên. 80 % công việc làm được tạo ra là nhằm phục vụ cho lĩnh vực kinh tế ‘chợ đen’. Nhược điểm chính của Indonesia là tình trạng quá tồi tệ của cơ sở hạ tầng, là một mạng lưới công nghiệp bất cập. Đó là những thách thức trong trung và dài hạn đối với tân tổng thống Joko Widodo ».
Tham nhũng, vấn nạn triền miên
Một khó khăn khác mà tân tổng thống Joko Widodo cần nhanh chóng giải quyết đó là tô điểm lại hình ảnh của Indonesia trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, lấy lại uy tín cho một đất nước thường bị xếp vào hàng những quốc gia tham nhũng nhất hành tinh.
Tháng 9/2014 bộ truởng Năng lượng Indonesia, Jero Wacik bị tố cáo thổi phồng ngân sách của bộ đến gần 10 tỷ rupee, tức tương đương với gần 650.000 euro. Ông là nhân vật thứ ba trong nội các vừa mãn nhiệm dính líu đến các vụ tai tiếng tham nhũng. Trước đó, bộ trưởng Thế thảo Indonesia đã lãnh án 4 năm tù vì nhận hối lộ trong một dự án xây sân vận động. Vào tháng 5/2014 thanh danh bộ trưởng đặc trách Tôn giáo bị hoen ố vì ông này bị tình nghi biển thủ công quỹ.
Guồng máy chính quyền, từ trung ương đến địa phương đều bị tai tiếng.Trong bảng xếp hạng của Transparency International về các quốc gia bị tham nhũng nhất trên thế giới, Indonesia đứng hàng thứ 114 trên 177 quốc gia. Tân tổng thống Jokowi cam kết coi việc tái tạo niềm tin với cử tri và đẩy lui tham nhũng là hai ưu tiên hàng đầu.
Pháp trước những hứa hẹn của Indonesia
Trong một thập niên qua, ổn định về chính trị đã góp phần giúp Indonesia vươn lên về phương diện kinh tế. Trong hai năm 2012 và 20013 tỷ lệ tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này theo thứ tự là 6,2 và 5,3 %. Trên nguyên tắc GDP của Indonesia còn tiếp tục tăng hơn 5 % trong năm nay - cho dù đó sẽ là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Theo dự phóng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE, từ nay cho tới năm 2018, Indonesia sẽ là nền kinh tế năng động nhất của ASEAN. Trong một chục năm qua, Indonesia đã nhảy vọt từ nền kinh tế thứ 27 lên hạng thứ 16 của thế giới để tham gia câu lạc bộ G20 – 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Theo nghiên cứu của cơ quan tư vấn McKinsey, chỉ trong 15 năm nữa Indonesia có triển vọng trở thành nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới. Các doanh nghiệp Pháp không thể bỏ qua cơ hội với Indonesia.
Quốc gia Đông Nam Á này đang trở thành một địa điểm đầu tư chiến lược trong mắt các doanh nhân Pháp. Tuy vậy tới nay, mới chỉ có hơn 150 tập đoàn Pháp hiện diện tại thị trường rộng lớn và tiềm năng này. Để so sánh hiện đã có tới hơn 1.200 doanh nghiệp Hàn Quốc đã bắt rễ vào Indonesia.
Tháng 8/2013 nhân chuyến viếng thăm trụ sở Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á tại Jarkarta, Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius nhìn nhận quan hệ giữa Pháp với Indonesia chưa được phát huy đúng mức. Về mặt chính trị, từ thời cố tổng thống François Mitterrand chưa một nguyên thủ quốc gia Pháp nào chính thức viếng thăm Indonesia. Quan hệ thương mại song phương chủ yếu tập trung vào hợp đồng mu a bán máy bay Airbus hay máy bay vận tải ATR.
Tuy nhiên, gần đây các tập đoàn công nghiệp sản xuất vũ khí và trong ngành quốc phòng của Pháp đã bắt đầu chý ý đến nhu cầu trang bị quân sự của Indonesia. Đặc biệt là tân chính quyền Jakarta đang có nhu cầu hiện đại hóa guồng máy quân sự và nâng cao khả năng phòng thủ trên biển. Chuyên gia viện nghiên cứu thuộc trung tâm CERI và Sciences Po Paris, David Camroux nhận định :
« Ông Joko Widodo bắt buộc phải hiện đại hóa quân đội, giảm bớt trách nhiệm của quân đội trong việc theo dõi dân tình để tăng cường công tác giám sát trên biển. Đây là điều ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia ».
Vào lúc mà ngân sách quốc phòng của châu Âu liên tục bị cắt giảm, từ Dassault đến Thales, từ Safran đến Nexter đều đã vội vàng tìm kiếm những thị trường mới, mà trong đó Indonesia là một mảnh đất màu mỡ. Cụ thể là tập đoàn điện tử chuyên về các lĩnh vực hàng không không gian, quốc phòng và kỹ nghệ thông tin Thales chờ đợi tiềm năng mua bán với Jakarta trong các lĩnh vực chuyên môn của mình sẽ tăng thêm khoảng 500 triệu euro/năm.
Thêm một tín hiệu khác là mùa hè vừa qua, Tổng cục đặc trách về Vũ khí của Pháp GDA đã điều một quan chức thường trực đến thủ đô Indonesia để điều phối về các hoạt động mua bán vũ khí giữa hai nước.
Trên nguyên tắc ngân sách quốc phòng của Indonesia trong 5 năm sắp tới sẽ lên tới 20 tỷ đô la một năm – tương đương với 1,5 % GDP thay vì 7 tỷ như hiện tại.
Trong thời gian Indonesia bị Hoa Kỳ cấm vận vũ khí từ năm 1991 đến 2005 do tình hình tại Timor, Jakarta đã quay sang mua trang thiết bị quân sự của Nga, Hàn Quốc hay Trung Qu ốc. Nhưng giờ đây Indonesia đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp và ngày càng muốn đẩy mạnh quan hệ với các nhà sản xuất Châu Âu.
Với Paris, năm 2011 Indonesia và Pháp đã ký một thỏa thuận về đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng. Năm 2013, Indonesia là khách hàng quan trọng đứng hàng thứ tư của các tập đoàn sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự của Pháp, nhập vào hơn 480 triệu euro.
Trước mắt đúng là con số này còn rất khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu trang thiết bị quân sự của Pháp qua Ả Rập Xê Út (1,9 tỷ euro trong năm 2013) thế nhưng năm ngoái tập đoàn chế tạo tên lửa MBDA của Pháp đã cung cấp hệ thống tên lửa địa đối không Mistral đời 3 cho Jakarta, tổng trị giá hợp đồng là 200 triệu euro. Ngoài ra, bộ binh của Indonesia đã đặt mua 12 chiếc trực thăng tấn công của tập đoàn Fennec.
Vẫn trong năm nay Thales đã trao cho bộ Quốc phòng Indonesia hệ thống phòng không ForceShield và tên lửa StarStreak tổng trị giá hơn 130 triệu euro. Sau cùng, vẫn Thales sẽ trang bị hệ thống rada, hệ thống liên lạc cho các tàu tuần duyên của Indonesia và phát triển dự án hợp tác chế tạo vệ tinh nhằm phục vụ các mục tiêu dân sự với Indonesia.
Trong lĩnh vực phòng không, không quân Indonesia đã ký hợp đồng mua trang thiết bị của tập đoàn Pháp ADS và Jakarta đang đàm phán về khả năng mua chiến đấu cơ Rafale của tập đoàn Dassault. Cho dùn để giành được hợp đồng hơn 1,5 tỷ đô la chiến đấu cơ của Indonesia, Dassault sẽ phải cạnh tranh với Gripen của Thụy điển vốn đã bắt rễ từ lâu năm tại quốc gia Đông Nam Á này. Tổng thống Pháp François Hollande đang chịu nhiều áp lực để chính thức viếng thăm Indonesia trong một tương lai không xa.
http://vi.rfi.fr/thach-thuc-cho-doi-widodo/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten