dinsdag 21 oktober 2014

Cẩn trọng với nước uống đóng chai nhựa bị nóng

Cẩn trọng với nước uống đóng chai nhựa bị nóng

Việt Hà, phóng viên RFA
2014-10-20
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Nước đóng trong các chai nhựa
Nước đóng trong các chai nhựa
AFP

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trường đại học Florida, Mỹ, cho thấy việc uống nước trong chai nhựa để ở nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể có những tác hại đối với sức khỏe. Việt Hà có bài tìm hiểu về vấn đề này trong trang tạp chí sức khỏe đời sống.
BPA và kim loại antimony trong chai nhựa
Từ hơn 100 năm nay, các sản phẩm từ nhựa đã thực sự cách mạng hóa cuộc sống con người bởi những tác dụng đa dạng của nó. Đồ nhựa được dùng cho các chai, hộp đựng nước, đồ ăn, các bao gói hàng, đồ chơi, đồ nội thất trong nhà… Người tiêu dùng đã quá quen với các đồ nhựa phong phú mà những nhà sản xuất không ngừng cải tiến mẫu mã, sẵn sàng cung cấp với giá phải chăng. Nhưng các nhà khoa học ngày nay đang trở nên cẩn trọng hơn với các đồ nhựa. Một số những nghiên cứu gần đây cho thấy đồ nhựa không hẳn là đã đa chức năng như mọi người thường nghĩ vì trong một số điều kiện nhất định chúng có thể gây hại cho sức khỏe.
Một nghiên cứu gần đây nhất do các nhà khoa học thuộc trường đại học Florida, Mỹ, tiến hành trên 16 loại chai nhựa đựng nước phổ biến khác nhau tại Trung Quốc đã cho thấy nước đựng trong các chai này ở nhiệt độ cao và trong thời gian dài có thể có hại cho cơ thể.
Bác sĩ Lena Ma, người đứng đầu nghiên cứu, cho chúng tôi biết về nghiên cứu như sau:
Một nghiên cứu trước đây cho rằng ung thư vú có liên quan đến việc uống nước trong chai nhựa để quá lâu trong xe và bị nóng. Cho nên tôi biết là có hóa chất trong chai nhựa nhiễm vào nước…chai nước ở nhiệt độ càng cao bao nhiêu nhiêu thì càng nhiều hóa chất từ chai nhiễm vào nước bấy nhiêu
Bác sĩ Lena Ma
BS. Lena Ma: Lý do mà tôi làm nghiên cứu này là vì tôi đọc thấy một nghiên cứu trước đây cho rằng ung thư vú có liên quan đến việc uống nước trong chai nhựa để quá lâu trong xe và bị nóng. Cho nên tôi biết là có hóa chất trong chai nhựa nhiễm vào nước…. kết quả chung mà chúng tôi có được từ nghiên cứu là bạn để chai nước ở nhiệt độ càng cao bao nhiêu nhiêu thì càng nhiều hóa chất từ chai nhiễm vào nước bấy nhiêu. Bạn để nước trong chai ở nhiệt độ cao càng lâu thì càng nhiều hóa chất nhiễm vào nước. Cho nên lượng hóa chất chuyển từ chai vào nước phụ thuộc vào hai yếu tố là nhiệt độ và thời gian nước được giữ trong chai.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thử để nước trong chai nhựa ở nhiệt độ 70 độ C trong các khoảng thời gian khác nhau là 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần và 4 tuần. Theo bác sĩ Lena Ma, tình huống xấu nhất là khi nước được để trong chai nhựa ở 70 độ C trong 4 tuần liên tục.
Các nhà khoa học tìm thấy có hai loại hóa chất thoát ra từ chai nhựa vào nước trong điều kiện nhiệt độ cao và thời gian dài. Bác sĩ Lena Ma nói tiếp:
BS. Lena Ma: Có hai loại hóa chất mà chúng tôi nói tới ở đây. Thứ nhất là kim loại antimony và thứ hai là BPA. BPA là một loại hóa chất tổng hợp. Với các loại chai nhựa đựng nước, BPA không phải là yếu tố đáng lo ngại. Bạn có thể để chai nhựa đựng nước trong nhiệt độ cao cả tháng thì lượng BPA thoát ra ngoài cũng không nhiều và vẫn thấp hơn ngưỡng cho phép. Nhìn chung thì BPA không phải là điều đáng lo. Đối với kim loại antimony thì trong nghiên cứu nó cũng không phải là điều đáng ngại nhất vì trong 16 loại chai nhựa mà chúng tôi kiểm tra chỉ có một loại có lượng antimony thoát ra ngoài vượt quá mức cho phép.
BPA là loại hóa chất thường được tìm thấy trong các sản phẩm từ đồ nhựa đựng thức ăn, nước uống, lớp tráng trong các sản phẩm đóng hộp. Cơ quan an toàn thực phẩm và thuốc của Hoa Kỳ (FDA) trước kia cho rằng BPA an toàn nhưng mới đây đã thay đổi quan điểm và trở nên cẩn trọng hơn với BPA. Các nhà khoa học quan ngại BPA có thể hoạt động như một hormone trong cơ thể, làm rối loạn mức hormone và sự phát triển của trẻ nhỏ. Một số nghiên cứu cho thấy BPA có thể có tác động lên hành vi và trí não của trẻ nhỏ. Một số nghiên cứu khác trên động vật cho thấy việc tiếp xúc với BPA có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì. Chính bởi những lo ngại này, từ lâu nhiều sản phẩm nhựa được sản xuất không có chứa BPA, nhất là đồ nhựa dành cho trẻ.
Lý giải về việc tìm thấy chất BPA trong chai nhựa, bác sĩ Lena Ma nói:
BS. Lena Ma: BPA đáng ra không nên có trong chai nhựa, nên thành phần này có thể là bị pha tạp vào trong quá trình sản xuất.
Đối với kim loại antimony được tìm thấy trong các chai nhựa, bác sĩ Lena Ma cho biết đây là thành phần có trong quá trình sản xuất chai nhựa PET, loại nhựa phổ biến dùng để đựng đồ ăn, nước uống. Đồ nhựa PET tiếp xúc với nhiệt độ cao và để trong microwave (tức lò vi sóng) đang hoạt động có thể làm tăng mức antimony chuyển từ chai vào nước hoặc đồ ăn chứa trong đó. Những người tiếp xúc với antimony như thường xuyết hít phải antimony, có thể có các triệu chứng trầm cảm, chóng mặt, nôn mửa, hư thận và gan. Người uống nước có nhiễm antimony liều cao và lâu có thể bị tăng cholesterol.
Tôi không muốn người tiêu dùng bị dẫn dắt sai...Cho nên không có gì phải lo ngại khi sử dụng đồ nhựa đựng thức ăn, chỉ đừng dùng để đồ nóng quá lâu
BS. Lena Ma
Đây cũng là một chất được coi là có khả năng làm tăng nguy cơ bị ung thư.

Có nên tránh đồ nhựa
Có rất nhiều loại đồ nhựa khác nhau mà người tiêu dùng nên nhận biết để có thể sử dụng chúng đúng cách. Đáng chú ý nhất là đồ nhựa PET là loại nhựa được dùng phổ biến nhất, được coi là an toàn, và đây cũng là loại nhựa trong nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ. Người tiêu dùng muốn biết sản phẩm nhựa mình dùng thuộc loại nào có thể nhìn ở ký hiệu của sản phẩm thường nằm dưới đáy sản phẩm. Nhựa PET có ký hiệu số 1. Loại nhựa này không nên để ở nhiệt độ cao và dưới ánh nắng mặt trời vì nó làm tăng lượng antimony chuyển vào sản phẩm. Ngoài ra cũng đã có nghiên cứu cho thấy nhựa PET cũng có chứa chất bromine có tác động lên hệ thần kinh của người.
Loại nhựa phổ biến thứ hai là nhựa HDPE, được đánh số 2, thường được dùng đựng sữa, nước, nước ngọt, các chai dầu gội đầu, nước tắm. Nó cũng thường được tìm thấy trong lớp bên trong các hộp đựng cereal (ngũ cốc ăn sáng). Loại nhựa này cũng có khả năng làm thoát các hóa chất tương tự như hormone estrogen ở người.
Nhựa PVC được đánh số 3 thường được dùng để gói đồ bao gồm cả loại nilon dùng để gói đồ ăn thường thấy trong các bếp ăn, dùng trong các sản phẩm là đồ chơi cho trẻ. Loại nhựa này có chứa hóa chất có tác động lên hormone, có thể gây ung thư.
Nhựa LDPE được đánh số 4, thường được coi là khá an toàn. Nó thường được dùng để gói bánh mì, đồ đông lạnh, trong bao carton đựng sữa, cốc đựng nước. Nhựa này không có chứa BPA nhưng có thể có hóa chất gần giống hormone estrogen.
Nhựa PP, đánh số 5, thường được dùng cho sữa chua, các loại đồ ăn. Nó có thể chịu được nhiệt độ cao mà khó thoát ra hóa chất. Tuy nhiên cũng đã có nghiên cứu cho thấy vẫn có khả năng loại nhựa này chuyển hóa chất ra ngoài ở nhiệt độ cao.
Nhựa PS, số 6, hay thường được gọi là Styrofoam, dùng trong các loại cốc, đĩa, bát ăn. Nó có thể thoát chất styrene ở nhiệt độ cao, gây hại cho hệ thần kinh và có liên quan đến ung thư.
Nhựa số 7 là các loại nhựa khác. Hiện vẫn khó để xác định các loại hóa chất độc có thể thoát ra từ loại nhựa này nhưng có nhiều khả năng nó có chứa BPA và BPS là những chất có tác động lên hệ nội tiết.
Có một số những nhà khoa học, bác sĩ và những người quan tâm đến sức khỏe hiện nay thường tìm cách tránh sử dụng các sản phẩm từ nhựa để đựng đồ ăn và nước uống do những kết quả nghiên cứu gần đây về những tác hại của nhựa. Tuy nhiên theo cơ quan an toàn thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ, các sản phẩm nhựa đáp ứng  tiêu chuẩn an toàn của Mỹ cho thực phẩm vẫn có thể được sử dụng an toàn.
Bác sĩ Lena Ma cho biết bà cũng không muốn người tiêu dùng bị dẫn dắt sai từ kết quả nghiên cứu.
BS. Lena Ma: Tôi không muốn người tiêu dùng bị dẫn dắt sai. Nhìn chung đồ nhựa được dùng phổ biến để đựng thức ăn và đáng ra là an toàn. Nhưng khi bạn mua các sản phẩm này thì tôi nghĩ không nên giữ chúng với đồ ăn nóng ở nhiệt độ cao. Cho nên không có gì phải lo ngại khi sử dụng đồ nhựa đựng thức ăn, chỉ đừng dùng để đồ nóng quá lâu.
Ngoài ra bác sĩ Lena Ma cũng cẩn trọng với các sản phẩm nhựa đựng thức ăn và nước uống có độ axit cao, đặc biệt là nước quả. Bà nghi ngờ ở môi trường axit cao, khả năng kim loại antimony cũng sẽ bị thoát ra ngoài.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten