Truyền thông TQ: Vị trí của Nga ở châu Á
Cập nhật: 13:33 GMT - thứ ba, 20 tháng 5, 2014
Báo chí Trung Quốc thảo luận về vai trò toàn cầu của Nga và Trung Quốc trong bối cảnh một hội nghị thượng đỉnh quan trọng diễn ra tại Thượng Hải.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Thượng Hải vào thứ Ba để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Phối hợp Hành động và Củng cố Lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ tư.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm chủ tọa của hội nghị diễn ra từ 20 đến 21/5, cùng lúc với cuộc diễn tập hải quân chung giữa Trung Quốc-Nga tại Biển Hoa Đông.
Ông Tập sẽ đưa ra bài phát biểu vào thứ Tư, kêu gọi hợp tác và đối thoại nhiều hơn giữa các quốc gia châu Á.
Chủ tịch Trung Quốc cũng sẽ đề ra định nghĩa mới về tầm nhìn an ninh châu Á, trong đó các quốc gia trong khu vực được kêu gọi đứng lên nắm quyền quyết định tương lai của châu lục.
Kim Xán Vinh, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Bắc Kinh nói với nhật báo Giải phóng quân Nhân dân rằng Trung Quốc có thể nhân hội nghị này để xua tan đi những “hiểu nhầm” về vai trò của Bắc Kinh trong khu vực.
“Trung Quốc cũng sẽ dùng ảnh hưởng và trách nhiệm tăng lên của mình trong cộng đồng quốc tế để thúc đẩy định nghĩa mới về an ninh châu Á,” Ông Kim nói.
Một bài báo trên Nhân dân Nhật báo phiên bản hải ngoại nói rằng ông Tập và ông Putin sẽ tham gia lễ khai mạc của cuộc tập trận hải quân chung vào thứ Ba, mà “cho thấy hai nước sẵn sàng nỗ lực để bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới”.
“Nga đã ủng hộ ý tưởng xây dựng nền an ninh mới ở châu Á của Trung Quốc. Không có nghi ngờ gì về việc Bắc Kinh và Moscow sẽ tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”
‘An ninh châu Á’
Lưu ý hội nghị diễn ra trong lúc căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông, Hã Dĩ Sơn, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nói rằng tranh chấp biển đảo hiện tại “không chỉ đơn giản là tranh chấp chủ quyền biển”.
“Đó là hậu quả của chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Cuộc tập trận hải quân chung giữa Nga và Trung Quốc cũng không đơn giản là thay đổi chiến lược của Nga.”
“Châu Á không nên trở thành cuộc đấu giữa Mỹ và Nga. Mặc dù có những ảnh hưởng lớn từ bên ngoài, an ninh châu Á vẫn phụ thuộc vào nỗ lực chung của các quốc gia và nhân dân trong khu vực,” ông Hạ nói với tờ Thời báo Bắc Kinh.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin nhiều về quyết định của Washington buộc tội năm sĩ quân nhân Trung Quốc ăn cắp thông tin trên mạng của các công ty tư nhân Mỹ.
Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc gián điệp kinh tế của Mỹ nhằm vào các sĩ quan trên, đồng thời hối thúc Washington xem xét lại quyết định của mình.
Tần An, giám đốc Viện Chiến lược Không gian mạng Trung Quốc, nói với Hoàn cầu Thời báo rằng cáo buộc của Mỹ là “một nỗ lực nữa của Washington” nhằm “đẩy lên cao” vấn đề an ninh mạng.
“Trên thực tế Hoa Kỳ sở hữu mạng lưới nghe lén quy mô nhất và lực lượng tình báo rình mò khắp toàn cầu. Gián điệp trên mạng là phương pháp tiếp cận chính của họ. Thay vì xem lại mình, Mỹ lại chĩa ngón tay về phía người khác”.
Ông An nói thêm rằng đó có thể là “đòn trả đũa” cho “những đợt trấn áp gần đây của Trung Quốc về việc rò rỉ thông tin cho các cơ quan tình báo nước ngoài.”
‘Giải cứu nhân dân’
Các hãng tin cũng khen ngợi nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc sơ tán công dân ra khỏi Việt Nam.
Tuần trước, ít nhất có hai người chết và hàng chục người bị thương trong một cuộc biểu tình tại một nhà máy thép thuộc sở hữu của Đài Loan tại tỉnh Hà Tĩnh.
Đề cao hành động nhanh chóng của Bắc Kinh, Nhật báo Đại Công Báo nói rằng chính quyền Bắc Kinh đã “giành được thiện cảm của nhân dân.”
“Mọi người đều thấy rằng chính phủ Trung Quốc quan tâm và tỏ ra có trách nhiệm cho sự an toàn tính mạng và tài sản của công dân Trung Quốc…đối diện với sự khiêu khích của Việt Nam, chính quyền trung ương đã không sử dụng hành động quân sự, mà đã quyết định giải cứu người dân.”
Geen opmerkingen:
Een reactie posten