HÀ NỘI (NV) - “Không những đầu tư dàn trải, Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) còn mua nhiều tàu cũ giá cao, nhiều tàu cũ tới mức không thể đăng kiểm được ở Việt Nam... gây lỗ tới trên 1,685 tỷ đồng (khoảng 84 triệu USD), riêng năm 2010 lỗ lên tới 1,273.8 tỷ đồng (khoảng 63 triệu USD).”
Vinalines đã phải bỏ ra hơn 1 triệu đô la để giải quyết vụ việc tàu Vinalines Global bị Trung Quốc giữ. (Hình: Vinalines) |
Báo Dân Việt ngày Thứ Tư kể cho hay như vậy về một bản kết luận của thanh tra chính phủ CSVN khi kiểm soát về “việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản của Vinalines”.
Qua bản báo cáo này, người ta thấy những kẻ cầm đầu một đại công ty của Việt Nam, tổng công ty vận tải tàu biển Vinalines, có những dấu hiệu làm bậy chẳng khác mấy quan chức cầm đầu tập đoàn đóng tàu Vinashin là bao nhiêu.
Chỉ thấy có sự khác biệt là ông Dương Chí Dũng người cầm đầu Vinalines từ 2005 (từ tổng giám đốc lên làm chủ tịch hội đồng quản trị) đã không bị điều tra và bỏ tù như Phạm Thanh Bình của Vinashin mà tháng 2 năm 2012 vừa qua, ông lại được “điều” về làm cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Huệ từ ghế cục trưởng Cục Hàng Hải nhảy sang làm chủ tịch Vinalines như kiểu hoán đổi ghế ngồi.
Theo các chi tiết được thanh tra chính phủ nêu ra, từ năm 2005 đến 2010, Vinalines đã được bơm cho số vốn lên đến 22,853 tỉ đồng (khoảng $1.1 tỉ USD) để mua 73 chiếc tàu vận tải biển. Tuy nhiên đa số là “đã qua sử dụng”. Một số dẫn chứng được nêu ra như “có 17 tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam, thậm chí như tàu Lively Falcon 30 tuổi vẫn được mua và được Bộ GTVT cho phép đăng ký treo cờ nước ngoài (Mông Cổ, Panama)”.
Thanh tra chính phủ CSVN nhận xét “việc mua tàu cũ không thể đăng ký tại Việt Nam làm xấu đi hình ảnh đội tàu quốc gia, giảm sức cạnh tranh”.
Nói chung “Ðội tàu của Vinalines thời điểm cao nhất có 149 tàu, thời điểm ít nhất có 100 tàu, nhưng được phân bố dàn trải, phân tán và manh mún ở 18 đơn vị khai thác, trong đó cá biệt có đơn vị chỉ có 1 tàu”.
Không những đầu tư có dấu hiệu mờ ám vào việc mua tàu cũ, thanh tra chính phủ kêu rằng từ năm 2007 đến 2010, Vinalines đầu tư 14 dự án xây dựng cảng “hầu hết đều xảy ra vi phạm”.
Một chuyện nhỏ: “Quyết định của thủ tướng chỉ cho phép chi phí tối đa cho việc tổ chức lễ khởi công dự án (cảng biển Vân Phong) là 50 triệu đồng ($2,500 USD) thì Vinalines đã chi tới 4,114 tỷ đồng (vượt trên 80 lần) (khoảng $205,000 USD) cho lễ khởi công này”.
Một chuyện đầu tư khác được Dân Việt kể lại theo thanh tra chính phủ: “Dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam tổng mức đầu tư lên đến 3,854 tỷ đồng (khoảng $192 triệu USD) cũng được xác định có nhiều sai phạm, gây lãng phí lớn. Vinalines đã đầu tư khi chưa có quy hoạch và không đúng thẩm quyền. Chỉ tính riêng việc mua ụ nổi No83M đã 43 tuổi, vượt 28 tuổi so với quy định, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi mua về phải sửa chữa nhiều lần. Tính đến ngày 30 tháng 4, 2010, tổng số tiền lãng phí từ phi vụ được xác định là có dấu hiệu làm trái quy định này đã lên tới 489.6 tỷ đồng (khoảng $24 triệu USD).”
Tổng cộng 2 năm 2009 và 2010 Vinalines đã lỗ hơn $73 triệu USD.
Dù những người cầm đầu Vinalines làm bậy và cũng không có khả năng kinh doanh và có dấu hiệu tham nhũng, dẫn đến thua lỗ liên miên, Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN lại đang có kế hoạch “rót thêm tới 100,000 tỉ đồng (tức khoảng $5 tỉ USD) cho Vinalines từ nay tới năm 2020”.
Một bài viết trên tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam ngày 8 tháng 5 năm 2012, sau khi nêu ra nhiều “phi vụ” của Vinalines, đặt dấu hỏi là cứ bơm thật nhiều tiền thì sẽ cứu được Vinalines? Và số tiền này lấy từ đâu?
Nguyễn Văn Thụ, nguyên viện trưởng Viện Quy Hoạch và Quản Lý Giao Thông Vận tải cho rằng rót tiền như thế “sẽ tiếp tục lặp lại” vết xe đổ của Vinashin.
Hiện nay, tuy Vinalines có hơn 100 tàu nhưng phần lớn hàng hóa xuất nhập cảng của Việt Nam đều do các hãng tàu ngoại quốc vận chuyển vì Vinalines không có khả năng cạnh tranh về giá cũng như đội tàu biển quá già nua, hay bị phạt hoặc bị cấm tới cảng nước ngoài. (T.N.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=148581&zoneid=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten