Bên dưới Thung lũng Tình yêu - điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt (Lâm Đồng), chằng chịt những tuyến hầm dài hàng trăm mét, cao gần 2 m, được chống bằng gỗ thông, nhằm phục vụ việc khai thác thiếc trái phép.
Từ trước Tết Nguyên đán 2012, "thiếc tặc" bắt đầu tấn công khu rừng giáp ranh thung lũng Tình yêu bởi trữ lượng khoáng sản này dưới lòng đất của khu du lịch rất lớn. Để tránh cơ quan chức năng, lại thuận tiện trong việc vận chuyển đất và quặng từ trong hầm ra ngoài, giới đào thiếc xây dựng một hệ thống đường hầm chằng chịt ngay trong lòng đất thung lũng.
Một người dân địa phương cho biết, nông trại của anh ở gần khu vực này nên đã khá nhiều lần tham quan địa đạo của "thiếc tặc". Anh miêu tả những đường hầm này dài hàng trăm mét, được chống bằng gỗ thông rất kiên cố, chiều rộng hầm từ 0,8 đến một mét, cao gần 2 mét, người đi bên trong rất thoải mái. Trong hầm được trang bị nhiều thứ như điện, hệ thống thoát khí và đường cấp thoát nước…
Một cửa vào đường hầm địa đạo bên dưới thung lũng Tình yêu. Ảnh: Quốc Dũng. |
Năm 2011, dân khai thác thiếc cũng đã làm một địa đạo ở khu vực cuối làng Đất Mới rất gần với thung lũng Tình yêu. Từ địa đạo này, đất và quặng đào trong hầm được vận chuyển ra bên ngoài bằng xe gắn máy. Bên ngoài miệng hầm, họ dựng lên một căn nhà rộng phủ lưới đen như những nhà trồng địa lan và hồng môn, thực tế nhà lưới này dùng để che chắn lượng đất được chuyển từ trong hầm ra.
Ông Phan, một nông dân nói rằng khai thác thiếc là siêu lợi nhuận. Hạt thiếc to bằng lon sữa bò đã nặng tới 1,3 kg, giá bán trên thị trường hiện nay 300.000 đồng một kg. "Cứ vài ngày tôi lại thấy những người đào thiếc lậu ở đây chở 3-4 chuyến xe máy ra ngoài theo hướng làng Đất Mới để đem đi tiêu thụ. Một chuyến xe máy thiếc như thế trị giá ước tính tới 50-60 triệu đồng", nông dân này cho biết.
Ông Phan Khắc Cử, Phó giám đốc khu du lịch thung lũng Tình yêu cho biết, trước Tết 2012, bảo vệ của công ty phát hiện cửa địa đạo nhắm tới khu vực dưới lòng đất của khu du lịch. Đơn vị đã lập tức báo chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa. Thế nhưng sau Tết thì “thiếc tặc” tiếp tục hoạt động.
Theo ông Cử, cửa địa đạo nằm ngoài khu vực đơn vị quản lý, thuộc phần đất rừng do Công ty TNHH Thùy Dương hợp đồng quản lý bảo vệ với Ban quản lý rừng Lâm Viên, còn đường hầm thì nằm bên dưới lòng đất. Do đó doanh nghiệp chỉ biết cầu cứu chính quyền, đồng thời phát quang khu vực để tiện quan sát. "Chứ thiếc tặc đào dưới lòng đất của khu du lịch thế nào thì chúng tôi cũng bất lực", ông Cử nói.
Lực lượng chức năng đưa ôtô đến thu giữ đồ đạc của dân khai thác thiếc trái phép, song chỉ vài ngày sau tình trạng này lại tiếp diễn. Ảnh: Quốc Dũng. |
Ông Phan Văn Thi, Phó chủ tịch phường 8, TP Đà Lạt, cho biết chính quyền phường cùng lực lượng công an, quân đội đã nhiều lần giải tỏa, thu giữ rất nhiều máy móc dùng để khai thác thiếc trái phép như máy bơm, dây điện, ống nước... Có những lần nhà chức trách dùng cả xe cơ giới lấp cửa địa đạo, đóng cừ chặn đường hầm, nhưng chỉ được thời gian ngắn dân khai thác thiếc lậu lại lén lút hoạt động.
Ông Phạm Đình Long, Ban Chỉ huy quân sự phường 8 nói, sau mỗi đợt giải tỏa thì "thiếc tặc" lại nhắn tin hăm dọa giết cả vợ con cán bộ nên nhiều người e ngại. "Với tình hình khai thác thiếc trái phép phức tạp và táo tợn thế này thì chỉ lực lượng công an và dân quân phường không đủ sức ngăn chặn, mà phải có lực lượng của thành phố mới hy vọng dẹp được", ông Long đề nghị.
Ông Phạm Đình Long, Ban Chỉ huy quân sự phường 8 nói, sau mỗi đợt giải tỏa thì "thiếc tặc" lại nhắn tin hăm dọa giết cả vợ con cán bộ nên nhiều người e ngại. "Với tình hình khai thác thiếc trái phép phức tạp và táo tợn thế này thì chỉ lực lượng công an và dân quân phường không đủ sức ngăn chặn, mà phải có lực lượng của thành phố mới hy vọng dẹp được", ông Long đề nghị.
Quốc Dũng
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/05/thiec-tac-xay-dia-dao-o-thung-lung-tinh-yeu/
Cựu 'thiếc tặc' kể chuyện làm ăn trong địa đạo
28/5/2012
Nay đã có nhà, công việc ổn định, không tơ tưởng gì đến nghề đào thiếc lậu, nhưng anh Đóa ở phường 7 (Đà Lạt, Lâm Đồng) vẫn khó quên những tháng ngày khai thác quặng cách đây 5 năm.
Cựu 'thiếc tặc' kể chuyện làm ăn trong địa đạo
28/5/2012
Nay đã có nhà, công việc ổn định, không tơ tưởng gì đến nghề đào thiếc lậu, nhưng anh Đóa ở phường 7 (Đà Lạt, Lâm Đồng) vẫn khó quên những tháng ngày khai thác quặng cách đây 5 năm.
> 'Thiếc tặc' xây địa đạo ở thung lũng Tình yêu/ Cuộc sống về đêm bên dưới địa đạo thiếc/ Sẽ nổ mìn phá hủy địa đạo thiếc
Anh Đóa cho biết, sướng nhất là vào các ngày lễ Tết, lúc cán bộ tuần tra nghỉ ở nhà với gia đình hay về quê. Dân đào thiếc tranh thủ cơ hội này để "đánh mạnh", mua cả gà vịt vào bãi làm thịt nhậu giữa rừng. Thậm chí nếu có nhu cầu em út thì các "đào" cũng có mặt, chi phí chỉ là mấy kg thiếc.
Bãi thiếc Đóa từng làm ở gần thung lũng Tình yêu, nhưng sau đó bị san lấp bằng rất nhiều bùn đất trong đợt nạo vét hồ Đa Thiện. Hiện đồ nghề nằm dưới khu vực này rất nhiều do dân đào thiếc lậu không kịp lấy trước khi bị san lấp.
Một hầm địa đạo ngổn ngang đồ đạc của "thiếc tặc" ở thung lũng Tình yêu, Đà Lạt. Ảnh: Quốc Dũng. |
Cựu "thiếc tặc" kể, dân khai thác khoáng chủ yếu làm ban đêm. Ban ngày tại bãi thiếc không một bóng người. Một số ít làm lán ở cách bãi thiếc vài ngọn đồi, số khác thuê chòi vườn của dân làng Đất Mới. Nhiều người về nhà ở ngoại thành Đà Lạt để nghỉ, tối lại vào rừng.
"Cũng nhờ đào thiếc mà tôi tích cóp được tiền sửa chữa nhà cửa, bây giờ thì không ham nữa vì thêm tuổi người đã xuống sức. Làm thiếc rất hao sức và nguy hiểm", Đóa nói.
Một cựu “thiếc tặc” cho biết, ngày nay chỉ có những đầu nậu bỏ tiền ra làm địa đạo và sẵn sàng chung chi. Họ làm lán ở gần địa đạo để khi cần chạy về là xong. Đội quân đào địa đạo khá hùng hậu, các ngả đường gần khu vực luôn có người cảnh giới, khi có động chỉ việc gọi điện thoại báo cho những người đang đào thiếc tránh nên cơ quan chức năng không mấy khi bắt được quả tang.
Tâm, một người khai thác kể, đã đi đào hầm thiếc là chấp nhận hoặc chết hoặc sẽ giàu. Bên trong đường hầm rất thiếu oxy nên phải chạy máy thông gió để lấy khí. Tuy vậy những ngày thời tiết biến động hay lúc chuyển mùa thì dù có chạy máy thông gió, người vào trong đường hầm vẫn ngạt thở, không thể làm việc được.
"Trong đường hầm bật lửa không thể sử dụng vì thiếu khí. Những lúc cần lửa mồi thuốc, mọi người thấm một ít nước ở đầu điếu thuốc sau đó dùng hai nguồn điện chập lại với nhau để gây chập điện xẹt lửa. Có khi điện giật đến tê mồm", cựu "thiếc tặc" tên Tâm kể.
Quốc Dũng
Geen opmerkingen:
Een reactie posten