zaterdag 26 mei 2012

Thủy tinh Việt Nam siêu bền rơi không vỡ

25/5/2012

Lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam hoàn thiện công nghệ thủy tinh siêu bền để chế tạo cốc, chai lọ chịu được va đập mạnh, chống bám bẩn và dễ lau rửa.


Tiến sĩ Khoa lấy hai cái bát đập vào nhau để thử độ bền của nó. Ảnh: Hương Thu.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và sản xuất mỏ - luyện kim Tam Hiệp, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim, cho biết loại thủy tinh siêu bền tạo ra nhờ công nghệ "tôi hóa" thủy tinh. Đây là quá trình gia cường bề mặt thủy tinh thông qua con đường trao đổi ion. Thủy tinh được đưa lên nhiệt độ 400-500 độ C, sau đó thả vào bể hoặc phun muối nóng chảy chứa ion, sau khi hạ nhiệt sẽ tạo ứng suất trên bề mặt thủy tinh.

Kết quả cho thấy, thủy tinh có khả năng chịu sốc nhiệt cao. Khi chuyển sản phẩm từ tủ đá sang lò vi sóng hoặc đổ ngay nước sôi vào bát đang chứa đồ đông lạnh từ tủ lạnh âm 20 độ C, bát không hề gì. Thủy tinh đang nóng 100 độ C có thể thả ngay vào nước lạnh để rửa luôn, độ bền cơ tăng từ 2 đến 3 lần, khả năng chịu sốc nhiệt từ 50 lên đến 120 độ C, giảm nguy cơ nứt vỡ.

Ông Khoa cho biết các sản phẩm thủy tinh này nếu bị rơi từ độ cao 3 mét trở xuống thì không bị vỡ. Các sản phẩm có thể xếp thành chồng trực tiếp lên nhau không cần tấm lót, chống xước cao, bề mặt nhẵn có tác dụng chống bám bẩn, dễ lau rửa.

"Sản phẩm không chứa chì, cadmi hay chất có hại cho sức khỏe như một số loại nhựa hay men gốm trên thị trường. Tuổi thọ sản phẩm cao hơn nhiều nên làm giảm lượng phế thải ra môi trường và nhu cầu tái chế", tiến sĩ Khoa nhấn mạnh.

"Thông thường sau khi dùng cốc để uống cafe hay chè, rất khó để cọ rửa sạch, nhưng với chiếc cốc thủy tinh siêu bền, việc đó trở nên dễ dàng hơn", ông Khoa nói.

Loại thủy tinh siêu bền của nhóm nghiên cứu ban đầu được ứng dụng trong sản xuất các loại đồ gia dụng như cốc, bát, đĩa, chai lọ. Các sản phẩm này đang bán thử nghiệm tại Phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Trung tâm thực nghiệm. Giá sản phẩm chỉ bằng 50-70% giá sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc, Pháp.

Ông Khoa cho biết thêm, để phân biệt thủy tinh siêu bền, người tiêu dùng hãy lấy một vật bất kỳ gõ và chiếc bát hay chiếc cốc và có tiếng kêu rất đanh, hình dáng trong suốt, hoặc khi cho thử nhiệt từ âm 20 độ vào nước nóng sôi 100 độ mà sản phẩm đó không bị rạn nứt.

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ sản xuất thủy tinh siêu bền tạo mặt kính chịu nhiệt dùng cho bếp ga, mặt chắn cho lò vi sóng, kính chịu nhiệt chống cháy cho các tòa nhà cao tầng.


Hương Thu

Geen opmerkingen:

Een reactie posten