Nobel Hòa Bình 2024 vinh danh Nihon Hidankyo, tập thể nỗ lực bài trừ võ khí nguyên tử
OSLO, Na Uy (NV) – Giải Nobel 2024 trao khôi nguyên Hòa Bình cho Nihon Hidankyo, một tổ chức Nhật Bản gồm có các nạn nhân sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, vì những nỗ lực trong việc “vận động bài trừ võ khí nguyên tử trên toàn cầu,” theo CNN.
Ủy Ban Nobel Na Uy tán tụng tổ chức Nihon Hidankyo vì “đưa ra những minh chứng từ lời khai của các chứng nhân nhằm vận động thế giới bài trừ võ khí nguyên tử.”
Nihon Hidankyo, còn được gọi là Hibakusha, được các chứng nhân lịch sử thành lập, những người tận mắt nhìn thấy hai trái bom nguyên tử duy nhất từng được khai hỏa trong chiến tranh. Các nạn nhân dành cả cuộc đời nhằm cố gắng bài trừ võ khí nguyên tử trên toàn thế giới.
“Hibakusha giúp nhân loại hình dung những điều không thể diễn tả, mường tượng những điều không thể nghĩ tới và bằng cách nào đó, thấu hiểu nỗi đau và sự thống khổ không thể diễn tả bằng lời do võ khí nguyên tử gây ra,” ủy ban cho biết trong lúc công bố quyết định trao giải tại thủ đô Oslo, Na Uy hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười.
Dan Smith, giám đốc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI, nói với CNN rằng ông “rất mừng” vì Hibakusha nhận được Giải Nobel Hòa Bình 2024.
“Các nhà lãnh đạo Liên Xô và Hoa Kỳ, Gorbachev và Reagan, từng nói vào năm 1985 rằng chiến tranh nguyên tử không bao giờ đem lại chiến thắng cũng như không được phép tiến hành. Hibakusha nhắc nhở nhân loại về điều đó hàng ngày,” Smith nói.
“Trái bom thả xuống Nagasaki là lần thứ hai người ta khai hỏa võ khí nguyên tử trong chiến tranh: Và đó sẽ là lần cuối cùng!”
Khoảng 80,000 người lập tức chết tan xác khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima vào ngày 6 Tháng Tám 1945. Khi nhìn đám mây hình nấm tỏa ra trên bầu trời, Robert Lewis – phi công phụ lái chiếc Enola Gay, người chịu trách nhiệm thả bom – được cho là đã thốt lên: “Lạy Chúa, tôi vừa làm gì thế này?”
Ba ngày sau, Hoa Kỳ thả trái bom thứ hai xuống Nagasaki, làm khoảng 70,000 người nữa thiệt mạng. Trong những năm sau đó, có hàng chục ngàn người chết ở cả hai thành phố do bức xạ sau vụ nổ.
May mắn thay, có hàng ngàn nạn nhân sống sót, nhiều người trong số họ bị trọng thương và mắc bệnh do bức xạ, được gọi là “hibakusha,” tức là “nạn nhân của bom đạn.” Thậm chí còn có một thuật ngữ – “niju hibakusha” – ám chỉ hơn 160 người có mặt tại cả Hiroshima lẫn Nagasaki.
“Số phận của các nạn nhân sống sót sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki đều bị che giấu và thế giới đã lãng quên họ từ lâu,” ủy ban cho biết.
Năm 1956, các tổ chức hibakusha địa phương bắt đầu đoàn kết với nhau, thành lập tổ chức ngày nay được gọi là Nihon Hidankyo. Trong nhiều thập niên, hibakusha thu thập hàng ngàn lời tường thuật của các chứng nhân và cử các phái đoàn tới Liên Hiệp Quốc và các nghị hội hòa bình hàng năm, thúc đẩy giải trừ võ khí nguyên tử.
Thủ Tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cảm tạ quyết định của ủy ban. “Giải thưởng được trao cho một tổ chức hoạt động vì mục tiêu xóa bỏ võ khí nguyên tử suốt nhiều năm là điều vô cùng có ý nghĩa,” Ishiba phát biểu hôm Thứ Sáu trong chuyến viếng thăm Lào.
Giải thưởng hôm Thứ Sáu là lần thứ 105 Giải Nobel Hòa Bình được trao kể từ năm 1901. Nihon Hidankyo, tổ chức đoạt giải thứ 141, sẽ nhận được giải thưởng tiền mặt trị giá khoảng $1 triệu.
Ủy ban cho biết quyết định trao giải “tuân thủ chặt chẽ” di chúc của Alfred Nobel, trong đó nêu rõ ba tiêu chuẩn trao giải thưởng: “công trình tốt nhất cho tình anh em giữa các quốc gia, cho việc bãi bỏ hoặc giảm bớt quân đội thường trực và cho việc tổ chức cũng như thúc đẩy các nghị hội hòa bình.”
Mặc dù di chúc được viết trước khi võ khí nguyên tử ra đời, Giải Nobel Hòa Bình cũng từng được trao cho các cá nhân và tổ chức tham gia vào việc bài trừ võ khí nguyên tử.
Chiến Dịch Bãi Bỏ Võ Khí Nguyên Tử Quốc Tế từng giành giải thưởng năm 2017. Năm 1995, giải thưởng được trao cho Nghị Hội Pugwash về Khoa Học và Các Vấn Đề Thế Giới và nhà vật lý Joseph Rotblat – khoa học gia duy nhất ly khai khỏi Đề Án Manhattan tại Phòng Thí Nghiệm Los Alamos vì lý do đạo đức.
Ủy ban cũng ca ngợi Nihon Hidankyo vì giúp giữ vững điều cấm kỵ về võ khí nguyên tử, vốn được cho là “điều kiện tiên quyết nhằm mưu cầu hòa bình cho nhân loại trong tương lai.” Họ cho biết quyết định này cho thấy một thực tế đáng khích lệ là thế giới không sử dụng võ khí nguyên tử trong chiến tranh suốt gần 80 năm.
Tuy nhiên, ủy ban thừa nhận rằng giải thưởng năm nay được trao trong thời điểm “điều cấm kỵ chống lại việc sử dụng võ khí nguyên tử đang chịu áp lực.”
Trong lúc công bố giải thưởng, Jørgen Watne Frydnes, chủ tịch ủy ban, cho biết: “những câu chuyện và dẫn chứng của Hibakusha là lời nhắc nhở quan trọng rằng việc sử dụng võ khí nguyên tử là hành động không thể dung thứ.”
SIPRI công cố rằng có chín quốc gia có võ khí nguyên tử, theo đánh giá thường niên về tình trạng sử dụng võ khí trong năm nay, gồm có Hoa Kỳ, Nga, Anh Quốc, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Hàn và Israel – các quốc gia “tiếp tục hiện đại hóa kho khí tài nguyên tử và một số hệ thống võ khí có đầu đạn nguyên tử hoặc võ khí nguyên tử tân tiến từng được khai triển vào năm 2023.”
Tính tới Tháng Giêng 2024, SIPRI ước tính có 12,121 đầu đạn nguyên tử trên toàn cầu, trong đó khoảng 9,585 đầu đạn đang nằm trong kho dự trữ quân sự, có khả năng được khai hỏa. (TTHN)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten