dinsdag 26 april 2022

Phần Lan và Thụy Điển quyết định nộp đơn gia nhập NATO + Sai lầm... chết người của ông Putin

 


Phần Lan và Thụy Điển quyết định

Thủ Tướng Phần Lan (phải) và người đồng nhiệm Thụy Điển trong lần gặp gỡ báo chí tại Helsinki, Phần Lan, 5 tháng Ba, 2022.

Khi ông Putin chính thức yêu cầu NATO phải ngưng thâu nhận các hội viên mới, các nước Âu Mỹ đã trả lời bằng quan niệm chủ quyền quốc gia: Không nước nào có thể ép buộc các nước khác gia nhập hay không gia nhập bất cứ liên minh nào.

Hai nước Phần Lan và Thụy Điển có thể trở thành hội viên Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong mấy tháng tới. Chủ trương ngoại giao của ông Vladimir Putin thất bại. Đây cũng là một bài học cho ông Tập Cận Bình.

Vladimir Putin và Tập Cận Bình quan niệm rằng nước lớn có quyền ra lệnh cho các nước nhỏ. Đó là lối suy nghĩ của các vị hoàng đế ngày xưa, kể cả các “Sa hoàng” cầm đầu đế quốc Nga hay các vị “thiên tử” thay trời “bình thiên hạ.”

Trước khi đánh Ukraine Putin nêu một lý do là khối NATO đã bành trướng về phía Đông, đe dọa an ninh Nga. Trung Cộng không kết án Nga xâm lăng Ukraine vì cũng đồng ý, thông cảm với mối lo lắng này. Nếu có ngày một nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Lào, Miến Điện hay Kyrgyzstan muốn liên minh với một khối an ninh khác, Trung Cộng có thể nói mình bị đe dọa để ra tay trước.

Thế giới phải lo có ngày các nước nhỏ bị một cường quốc nêu cùng một lý do đó để xâm lăng, như số phận Ukraine. Họ đã công khai bác bỏ chủ trương cường quyền đó. Một tuần sau khi ông Putin đánh Ukraine, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhắc lại chủ trương phải tôn trọng chủ quyền các quốc gia, 141 nước đã bỏ phiếu yêu cầu Nga rút quân. Chỉ có 5 phiếu chống và 35 nước không tỏ ý kiến.

Đại sứ Martin Kimani nước Kenya đã ví cuộc xâm lăng của ông Putin như một nước thực dân trở lại đánh thuộc địa cũ. Ông Kimani rút kinh nghiệm châu Phi, nơi nhiều sắc dân sống rải rác trong các quốc gia mới thành lập, biên giới dễ gây tranh tụng. Ông nhấn mạnh quy tắc chống các nước lớn bành trướng bằng vũ lực, ép nước khác phải theo mình.

Nhưng các nước đồng ý phong tỏa kinh tế Nga vì xâm lăng Ukraine chỉ chiếm một phần ba dân số thế giới; phần lớn là các nước Âu Mỹ. Một phần ba thuộc những nước ủng hộ Nga, trong đó có Trung Quốc. Một phần ba còn lại sống trong các nước không bày tỏ thái độ, đặc biệt là Ấn Độ, các nước Saudi Arabia và United Arab Emirates vốn là đồng minh của Mỹ.

Những nước nhỏ ủng hộ Nga hoặc giữ thái độ trung lập không biết rằng chính họ có thể đến ngày bị xâm lăng với những lý do dựng đứng như ông Putin đã nêu ra. Cộng sản Việt Nam, Lào, quân phiệt Miến Điện ủng hộ Nga đánh Ukraine thì đến lúc bị Trung Cộng đánh sẽ chờ được nước nào cứu giúp?

Ông Putin nói rằng chính phủ Ukraine theo chủ nghĩa Quốc Xã (Nazi) và đàn áp người nói tiếng Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói tiếng Nga từ lúc ra đời; ông gốc Do Thái, một sắc dân đã bị Đức Quốc Xã giết sáu triệu người! Nước Ukraine có hàng trăm sắc tộc thiểu số, dân Nga đông nhất. Khi bị tấn công nhiều người gốc Nga đã chống cự hoặc bỏ chạy về phía quân đội Ukraine. Các nước khác ở Âu châu cũng rất nhiều dân gốc Nga; không những trong các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ mà ngay nước Đức cũng có ba bốn triệu người nói tiếng Nga. Rất nhiều nước sẽ bị đe dọa nếu ông Vladimir Putin tiếp tục tham vọng.

Tham vọng của ông Putin không chỉ giới hạn trong việc đánh chiếm lãnh thổ một nước láng giềng. Đánh Ukraine chỉ là một bước đầu; nếu thắng thế, ông sẽ có cơ hội xếp đặt một “trật tự” mới ở Âu châu; dùng áp lực buộc các nước nhỏ chung quanh ký hay không được ký các hiệp ước an ninh, thương mại, ngoại giao.

Đó cũng là ước muốn của ông Tập Cận Bình. Ngoại trưởng Trung Cộng đã từng nói thẳng rằng các nước nhỏ phải biết phận mình, không thể đứng ngang hàng nước lớn. Tất cả các lãnh tụ độc tài đều muốn một “trật tự thế giới” kiểu như vậy.

Trong thế giới văn minh, loài người sống với luật lệ. Một trật tự thế giới dựa trên pháp luật, các quốc gia lớn nhỏ đều phải được tôn trọng, như vậy mới hy vọng có hòa bình. Các quốc gia tự do dân chủ vẫn có tranh chấp nhưng thường không gây chiến với nhau bao giờ. Những lãnh tụ hiếu chiến chắc sẽ không được cử tri tín nhiệm lần thứ hai.

Ông Putin gieo gió nên gặt bão. Dân Ukraine đoàn kết chiến đấu, không phải vì ông tổng thống kêu gọi mà vì trong lịch sử các bộ lạc Cossacks là một thành phần quan trọng lập nên dân tộc này. Tên Cossack gốc từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ “kazak” có nghĩa là “dân tự do,” gồm các nhóm dân Tartar từ châu Á qua tụ tập trong vùng sông Dnieper từ thế kỷ 15. Họ đã được các Nga hoàng công nhận quyền tự trị.

Nhưng thất bại lớn nhất của ông Putin là chỉ hai tháng sau khi đánh Ukraine, các nước trong NATO đoàn kết với nhau hơn và sắp mở rộng thêm khi Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập. Cả hai nước này đều bảo vệ vai trò trung lập trong cả thế kỷ trước. Trong ba nước Bắc Âu chỉ có Na Uy ký kết vào NATO.

Tháng Giêng năm 2022, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin còn nói rằng tham gia khối NATO là một chuyện xa vời, khó xảy ra. Ngày 13 tháng 4, Bà Marin gặp Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson; rồi tuyên bố đang xin khối NATO thu nhận. Bà Andersson cũng nói sẽ quyết định sớm.

Các chính phủ Phần Lan và Thụy Điển hành động theo ý muốn của cử tri. Năm 2019 hơn một nửa trong 5.5 triệu dân Phần Lan chống việc gia nhập NATO. Ngày 28 tháng Hai năm nay, bốn ngày sau khi Putin đánh Ukraine, tâm lý đã đảo ngược, theo báo Economist. Ngày 30 tháng Ba, 61% muốn vào, chỉ còn 16% chống, 23% không có ý kiến.

NATO là liên minh quân sự ra đời trong Chiến Tranh Lạnh gồm Mỹ và các nước Tây Âu nhằm đối phó với Liên Xô. Trong hơn nửa thế kỷ, NATO và Nga chỉ chung một đường biên giới dài 196 cây số, nơi Nga giáp với Na Uy. Sau khi Liên Xô và các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, nhiều nước Đông Âu đã xin vào NATO. Năm 1999, thêm Ba Lan, ranh giới giữa NATO và Nga dài thêm 428 cây số, giữa Ba Lan và vùng Kalinigrad. Năm 2004, ba nước Estonia, Latvia và Lithuania miền Baltic mới tách khỏi Liên Xô cũng xin vào NATO, đường ranh dài thêm 1,233 km. Nếu thêm Phần Lan biên giới giữa NATO và Nga sẽ dài gấp đôi, thêm 1,340 km nữa.

Khi ông Putin chính thức yêu cầu NATO phải ngưng thâu nhận các hội viên mới, các nước Âu Mỹ đã trả lời bằng quan niệm chủ quyền quốc gia: Không nước nào có thể ép buộc các nước khác gia nhập hay không gia nhập bất cứ liên minh nào.

Sau năm 1990, khi các chế độ cộng sản sụp đổ, Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria ở Đông Âu lần lượt xin vào NATO. Các nước thuộc Liên Xô cũ như Moldova, Lithuania, Latvia và Estonia cũng lần lượt gia nhập.

Bây giờ, ông Putin đánh Ukraine vì muốn chặn không cho NATO mở rộng, nhưng kết quả ngược lại. Đây sẽ là một bài học cho Tập Cận Bình. Dân Ukraine chịu gian khổ, đã hy sinh giúp cả thế giới ý thức về tai họa nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Các quốc gia nằm cạnh Trung Quốc cần phải ủng hộ dân Ukraine, vì không biết bao giờ sẽ đến lượt mình!


Phần Lan và Thụy Điển quyết định (voatiengviet.com)

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Tin nói Phần Lan, Thụy Điển sẽ bắt đầu nạp đơn gia nhập NATO vào tháng 5

26/04/2022
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, trái, và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại cuộc họp báo ở Helsinki, Phần Lan ngày 5/3/2022.

Phần Lan và Thụy Điển sẽ cùng bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO vào tháng 5, truyền thông hai nước đưa tin ngày 25/4, trích dẫn các nguồn tin quen thuộc vấn đề.

Mặc dù thắt chặt hợp tác với liên minh quân sự NATO kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nhưng hai nước Bắc Âu này còn đứng ngoài NATO. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine mà Moscow gọi là một ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ đã buộc Thụy Điển và Phần Lan phải xét lại liệu thái độ trung lập về quân sự lâu nay của họ có còn là biện pháp tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia hay không.

Theo tờ Iltalehti ở Phần Lan, các nhà lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển dự kiến gặp nhau trong tuần lễ giữa tháng 5 và sau đó sẽ công bố kế hoạch xin gia nhập liên minh.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto từ chối bình luận, nhưng lặp lại quan điểm lâu nay rằng ông mong Phần Lan và Thụy Điển có những lựa chọn tương tự.

Nhật báo Thụy Điển Aftonbladet trích dẫn các nguồn tin thân cận với các văn phòng chính phủ Thụy Điển nói rằng Hoa Kỳ và Anh đã hứa với Thụy Điển về sự tăng cường hiện diện quân sự, thêm nhiều cuộc tập trận chuyên sâu hơn và hỗ trợ ‘chính trị mạnh mẽ’ từ các nước NATO trong quá trình đệ đơn gia nhập NATO.

Bộ Ngoại giao Thụy Điển từ chối bình luận về các thông tin này.

Cách đây hai tuần, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói, khi thăm người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson, rằng bà dự kiến Phần Lan sẽ đưa ra quyết định về việc xin gia nhập NATO trong vòng vài tuần.

Stockholm đang tiến hành xem xét lại chính sách an ninh, bao gồm quan điểm về khả năng trở thành thành viên NATO, với kết quả sẽ được công bố vào giữa tháng 5.


Tin nói Phần Lan, Thụy Điển sẽ bắt đầu nạp đơn gia nhập NATO vào tháng 5 (voatiengviet.com)

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten