Các chế tài của phương Tây đối với Moscow vì cuộc xâm lược ở Ukraine có thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Vũ khí Nga?
Việt Nam có một mối quan hệ quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ với Nga kể từ cuộc Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Từ năm 1995, sau một thời gian gián đoạn vì Chiến tranh Lạnh, Nga trở lại thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Việt Nam.
Trong giai đoạn từ 1995 và 2021, Việt Nam nhập khẩu vũ khí trị giá gần 7,4 tỷ USD từ Nga, theo thống kê về chuyển giao vũ khí của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Lượng vũ khí mua từ Nga chiếm hơn 81% tổng lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam.
Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á mua nhiều vũ khí nhất từ Nga. Theo dữ liệu của SIPRI, trong vòng 20 năm qua, hơn 61% lượng xuất khẩu quốc phòng của Nga sang Đông Nam Á được đưa tới Việt Nam và Hà Nội là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 toàn cầu của Moscow.
Khi những căng thẳng của Việt Nam và Trung Quốc tăng cao ở Biển Đông vào giữa thập niên 1990, Nga trở thành trọng tâm trong quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Việt Nam, theo nhận định của Ian Storey, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore. Trong một bài bình luận đăng trên trang web của viện, ông Storey cho rằng những trợ giúp về quân sự của Nga đã giúp biến quốc phòng của Việt Nam thành một trong những lực lượng vũ trang hiện đại và có năng lực nhất ở Đông Nam Á, giúp cho Hà Nội có một sự răn đe, dù còn hạn chế, nhưng đủ mạnh để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Hệ thống SWIFT là cơ chế chính để chuyển tiền từ Việt Nam sang Nga. Việc Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong ngắn hạn để đáp ứng các khoản thanh toán đến hạn.GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc thuộc ĐH New South Wales
Với việc tiến hành một cuộc xâm lược bị coi là “vô cớ” trên lãnh thổ Ukraine, Nga đang bị phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, và một số quốc gia châu Á áp đặt các chế tài nhằm trừng phạt Moscow. Các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và điều này được xem là sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc mua vũ khí của Nga.
“Hệ thống SWIFT là cơ chế chính để chuyển tiền từ Việt Nam sang Nga,” Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc thuộc Đại học New South Wales cho biết. “Việc Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong ngắn hạn để đáp ứng các khoản thanh toán đến hạn.”
GS Thayer, chuyên gia phân tích về các vấn đề quốc phòng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, cho rằng Việt Nam sẽ rất khó thực hiện bất kỳ hoạt động mua vũ khí lớn nào từ Nga cho đến khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc.
Việt Nam và Nga đã có kinh nghiệm này từ năm 2014-2015 khi Nga sáp nhập Crimea và phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm ngăn chặn việc chuyển tiền của Nga, theo GS Thayer. Các chế tài của phương Tây lúc đó, cũng do Mỹ dẫn đầu, cấm cung cấp thăm dò công nghệ dầu khí và tín dụng cho các công ty cùng ngân hàng nhà nước của Nga.
Theo GS Thayer, Việt Nam và Nga có thể tìm ra các thỏa thuận tạm thời để tạm ngừng hoặc trì hoãn các khoản thanh toán trong lúc đưa ra các phương thức thanh toán thay thế cho các chủ nợ Nga thông qua việc thiết lập tài khoản của nga tại các ngân hàng Việt Nam hoặc thông qua các tổ chức tài chính của Trung Quốc. Ngoài ra, cũng theo chuyên gia phân tích quốc phòng này, Việt Nam và Nga có thể có các thỏa thuận linh hoạt liên quan đến thương mại ngược chiều, như trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ thay cho tiền tệ.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của ISEAS cũng có nhận định tương tự về cách thức thay thế mà Việt Nam và Nga có thể làm để tiếp tục mua bán vũ khí trong khi Moscow bị các chế tài của phương Tây.
“Trước đây Việt Nam và Nga cũng đã từng có việc buôn bán theo kiểu hàng đổi hàng, tức là bây giờ không thanh toán được bằng đồng rúp hay đồng đô la thì họ vẫn có thể thanh toán qua các (phương thức) như Nga xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam và Việt Nam thanh toán cho Nga bằng các mặt hàng khác,” TS Hiệp nói.
Còn theo GS Thayer, các cơ quan quốc phòng Nga có thể mở tài khoản ngân hàng bằng đồng rúp ở Việt Nam và thiết lập cơ chế chuyển tiền, có thể là song phương hoặc có sự tham gia của các bên thứ ba – chẳng hạn như các tổ chức tài chính của Trung Quốc, nước đang ủng hộ Nga và phản đối các chế tài của phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ấn Độ, nước mua nhiều vũ khí nhất của Nga, hiện đang nhập khẩu dầu của Nga bằng đồng rúp.
'Rủi ro với Mỹ'
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tác động của chế tài phương Tây áp lên Moscow đối với Việt Nam trong việc mua vũ khí của Nga không nên bị phóng đại quá mức bởi Việt Nam trong những năm gần đây đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình, một phần trước áp lực từ khả năng bị chế tài từ Hoa Kỳ theo Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Theo dữ liệu của SIPRI, vũ khí của Nga chiếm 90% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2014, nhưng con số này giảm xuống 68,4% trong giai đoạn từ 2015-2021. Những nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam trong giai đoạn sau này gồm có Isreal, Belarus, Hàn Quốc, Mỹ và Hà Lan.
“Các khoản mua sắm vũ khí từ Nga của Việt Nam đã giảm đáng kể từ năm 2015, khi Việt Nam chi 735 triệu USD, xuống 9 triệu USD vào năm 2020 và 72 triệu vào năm 2021,” GS Thayer nói và cho rằng việc sụt giảm này không hẳn là do các vấn đề về ngân sách, như nhiều người giả định, mà là vì Việt Nam không muốn phô trương “để tránh sự tức giận từ phía Đảng Cộng hòa dưới thời Tổng thống Trump, nên không thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán (vũ khí) lớn nào.”
Tổng thống Donald Trump vào năm 2017 ký ban hành CAATSA, đạo luật liên bang của Hoa Kỳ nhằm áp lệnh trừng phạt vào Iran, Bắc Triều Tiên và Nga. Theo đó những nước mua vũ khí của Nga sẽ bị Mỹ áp chế tài.
Tuy nhiên cả chính quyền Trump và Biden đều miễn trừ Việt Nam, và cả Ấn Độ, khỏi các chế tài của Mỹ mặc dù quốc gia Đông Nam Á tiếp tục nhập khẩu thiết bị quốc phòng từ Nga. Thay vào đó, Mỹ để cho Việt Nam giảm dần việc mua vũ khí và thiết bị quân sự củ Nga để tránh bị trừng phạt theo Đạo luật CAATSA trong lúc tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng với Hà Nội để kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga thì Việt Nam sẽ có rủi ro là quan hệ với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, và Việt Nam nên chọn cái gì tốt hơn cho mình.TS Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak
Nhưng theo TS Hiệp, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên cân nhắc lại về việc tiếp tục mua vũ khí từ Nga.
“Nếu Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga thì Việt Nam sẽ có rủi ro là quan hệ với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, và Việt Nam nên chọn cái gì tốt hơn cho mình,” TS Hiệp nói. “Trong tương lai, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình ra khỏi Nga. Với biến cố Ukraine lần này, tôi nghĩ Việt Nam sẽ quyết tâm hơn với nỗ lực này.”
Dù Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí trong những năm qua nhưng theo nhà nghiên cứu Storey, Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào Nga về vũ khí, phụ tùng, bảo dưỡng và nâng cấp trong ít nhất hai thập kỷ tới.
Với mối quan hệ và sự phụ thuộc như vậy vào Nga, Việt Nam đã hai lần bỏ phiếu trắng không lên án Moscow vì cuộc xâm lược ở Ukraine tại các cuộc biểu quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng trước . Hôm 7/4, Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc đình chỉ Nga, một trong ba đối tác chiến lược toàn diện của Hà Nội, khỏi Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
Tuy nhiên, TS Hiệp cảnh báo rằng, mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Moscow và Bắc Kinh là một nguồn rủi ro khác khiến Hà Nội phải lưu tâm trong khi tranh chấp Biển Đông ngày càng gia tăng và việc đưa ra các kế hoạch nhằm loại bỏ vũ khí Nga khỏi hệ thống quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam.
Chiến tranh Ukraine, chế tài và vũ khí Nga: Việt Nam trong thế kẹt? (voatiengviet.com)