VN hối thúc thông quan nông sản, TQ 'ghi nhận' nhưng tiếp tục đóng cửa 'do Covid'
Việt Nam đề nghị Trung Quốc nới lỏng các hạn chế ở biên giới, nhằm tạo điều kiện thông quan cho hàng ngàn xe tải đang mắc kẹt tại các chốt đường biên.
Trung Quốc tăng kiểm soát dọc biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, giữa lúc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong những ngày qua.
Tuy nhiên, Hà Nội nói các biện pháp của Trung Quốc là 'phản ứng quá mức'.
Hồi tuần trước, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Đông Hưng giáp biên với Việt Nam, sau khi phát hiện ra có chỉ duy nhất một ca nhiễm Covid-19.
Các cửa khẩu biên giới giữa hai nước cũng bị ảnh hưởng.
Sản phẩm nông sản mới nhất bị mắc kẹt không sang được thị trường Trung Quốc là thanh long, với thông báo từ Hải quan Bằng Tường nói mặt hàng này bị tạm ngưng nhập trong vòng bốn tuần, từ 29/12 đến 26/1.
Trước đó, các loại hoa quả khác như chuối, mít, xoài, sầu riêng cũng đã không thể thông quan qua các cửa khẩu để sang Trung Quốc.
Hôm 27/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc điện đàm với Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Giang Hạo để trao đổi về tình trạng ách tắc hiện thời tại các cửa khẩu Việt - Trung.
Ngày 29/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi công thư tới bốn quan chức cấp trung ương và địa phương của Trung Quốc về cùng vấn đề, gồm Bộ trưởng Thương mại, Tổng cục trưởng Hải quan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam.
Chiều 31/12, Bộ Công Thương tiếp tục có liên hệ với Sở Công Thương Quảng Tây, "đề nghị khôi phục lại ngay việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đang tạm dừng, đồng thời tăng thời gian thông quan tại tất cả các cửa khẩu", báo Người Lao động đưa tin.
Phía Việt Nam liên tục liên hệ với Trung Quốc ở các cấp, thậm chí đề xuất một số giải pháp như đưa lao động Việt Nam đã tiêm vaccine đầy đủ sang bên kia biên giới để hỗ trợ công tác bốc vác, dỡ đồ..., tuy nhiên, phản ứng từ phía Trung Quốc dường như mới chỉ ở mức 'ghi nhận', hứa hẹn sẽ 'phối hợp khẩn trương tìm kiếm giải pháp sớm tháo gỡ vấn đề'.
Tuổi trẻ Online cũng trích lời ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 20/12, nói rằng:
"Trung Quốc đang thực hiện chính sách 'Zero COVID'. Mong các bạn thông cảm và ủng hộ chính sách của Trung Quốc," Tham tán Thương mại Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm được dẫn lời nói trong cuộc họp báo 20/12. "Chúng tôi có 1,4 tỉ dân, nếu sống chung với COVID-19 thì dễ vỡ trận."
Tuy nhiên, việc nông sản Việt Nam mắc kẹt không xuất sang được thị trường Trung Quốc không phải là tình trạng chỉ mới xuất hiện trong thời gian có đại dịch.
Những lời kêu cứu 'giải cứu nông sản' đã diễn ra hầu như hàng năm trong nhiều năm qua, với rất nhiều các loại sản phẩm khác nhau.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và là một thị trường lớn cho các sản phẩm hoa quả, rau củ của Việt Nam.
Xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước trong 11 tháng đầu năm 2021 tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, theo các số liệu được giới chức Việt Nam công bố.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-59841314?at_custom2=facebook_page&at_medium=custom7&at_campaign=64&at_custom1=%5Bpost+type%5D&at_custom4=71897E44-6BC0-11EC-BF3D-3515933C408C&at_custom3=BBC+Vietnam&fbclid=IwAR2gJYEPsk2lPIkEFVSatEt8ChwRCx39kXh-Eh-JiSkGJOMwCwfeIthh4MM
Hàng nông sản không xuất được sang Trung Quốc quay lại tràn ngập thị trường nội địa dịp Tết
2021.12.30
Trước tình trạng hàng ngàn xe container chở hoa quả xuất sang Trung Quốc tiếp tục bị kẹt lại tại biên giới nhiều tuần qua, các địa phương phải chào bán trái cây cho thị trường trong nước với giá rẻ trong khi dự đoán nhu cầu tiêu dùng dịp Tết năm nay tại Việt Nam không cao như mọi năm.
VietNamNet hôm 30/12 cho biết, trên thị trường, nhiều loại trái cây tắc đường sang Trung Quốc đã đổ bộ chợ Việt Nam với giá rẻ như mít da xanh với giá 7.000 - 10.000 đồng/ kg, xoài keo, xoài hạt lép giá 6.000 - 8.000 đồng, thanh long ruột đỏ giá 12.000 - 15.000 đồng/kg…, trung bình rẻ hơn một nửa giá thường bán trước đó.
VietnamNet trích lời ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, riêng trong tháng 12/2021, sản lượng trái cây của Việt Nam đạt hơn 700.000 tấn; dự báo trong quý 1 năm 2022, sản lượng đạt khoảng 1,7 triệu tấn.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam. Theo Bộ NN & PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam 11 tháng qua đạt trên 19 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn tám tỷ đô la.
Phía Trung Quốc cho biết việc các xe chở trái cây bị kẹt lại tại biên giới hai nước thời gian qua là do dịch bệnh COVID-19.
Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - được VietnamNet trích lời nhận định, cuối năm là dịp tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước. Ông hy vọng có thể kết nối được với các doanh nghiệp, HTX cung ứng để đưa đặc sản vào hệ thống siêu thị.
Tuy nhiên, nhiều hệ thống siêu thị trong nước lại dự đoán Tết năm nay sẽ ảm đạm do người dân thắt chặt chi tiêu.
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, nguồn cung các sản phẩm nông sản dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng so với năm ngoái. Nhu cầu thực phẩm dịp Tết trung bình tăng từ 15-20% tùy từng sản phẩm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-produce-overwhelmes-dosmetic-market-as-the-exports-to-china-via-land-border-blocked-12302021070751.html?fbclid=IwAR3gbEtYI5oGQl1HFWpIGn96wBTGtSGQQrfDn4J1YPWL59eSjRM-a3xQUWs
Geen opmerkingen:
Een reactie posten