Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại chùa Từ Hiếu ở Huế, thọ 95 tuổi
Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại Huế, theo thông tin từ Tăng đoàn Làng Mai nói với BBC tối thứ Sáu 21/01 giờ châu Âu.
Sư cô Chân Hiến Nghiêm, người Anh, hiện có mặt tại Pháp cho BBC News Tiếng Việt biết vào lúc 20:55 giờ London tối thứ Sáu rằng "lễ tang thầy của chúng tôi sẽ được tổ chức ngay từ sáng Thứ Bảy, ở Huế và kéo dài 5 ngày".
Thông tin từ Tăng đoàn Làng Mai cho hay thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 00:00 giờ ngày 22/01, năm 2022, ở tuổi 95, theo giờ Việt Nam ở chùa Từ Hiếu, Huế.
"Đây là ngôi chùa thầy quy y đúng 80 năm về trước."
Thông tin trên còn nói "nhà tác giả và nhả thơ, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết trên 100 cuốn sách, và sách của thầy được dịch sang 40 ngôn ngữ".
Các cuốn in bằng tiếng Anh, The Miracle of Mindfulness, Peace is Every Step, Anger, và How to Love, đều nổi tiếng thế giới.
Một bài trên BBC News tiếng Anh hồi 2018 gọi ông là "người cha của môn Chánh niệm" (The Father of Mindfulness).
Các sách báo quốc tế đặt ông vào vị trí là một trong số các "lãnh tụ tâm linh, tinh thần" - The Guardian ở Anh coi ông là 'exiled spiritual leader'- có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài một quốc gia.
BBC News Tiếng Việt hồi tháng 8/2010 có bài mô tả chuyến thăm của thiền sư đến London thuyết giảng về Phật giáo cho đa số người nghe là dân Anh và châu Âu:
"Những người Việt Nam mới gặp phái Làng Mai có thể ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy đa phần tăng ni theo ông là người Phương Tây. Nhưng đây không phải là chuyện lạ vì thực ra, Phật giáo cũng từ bên ngoài du nhập vào Việt Nam. Và nếu sau này, người thay thế Thiền sư Nhất Hạnh là một đệ tử Tây Phương thì cũng hợp lý bởi Làng Mai trước hết là một sản phẩm của xã hội châu Âu. Thông điệp của Thích Nhất Hạnh ngay từ thời Chiến tranh Việt Nam cũng đã vượt lên vị trí địa lý của xứ sở quê ông."
Trang BBC Religion viết về cuộc đời ông như sau:
Sinh năm 1926, ông quy y năm 16 tuổi và đúng tám năm sau đã lập ra Viện Phật giáo Ấn Quang ở Sài Gòn.
Năm 1961, Thích Nhất Hạnh sang Hoa Kỳ học và dạy môn tôn giáo so sánh ở các đại học Columbia và Princeton. Ông trở về Việt Nam hai năm sau đó để tham gia dẫn dắt các nỗ lực Phật giáo vì hòa bình.
Tháng 2/1964, ông lập ra dòng Tiếp Hiện, và đến 1966 lại rời Việt Nam ra thế giới để kêu gọi hòa bình trong khi cuộc chiến Việt Nam lan rộng.
Năm 1967, mục sư Martin Luther King đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình, ca ngợi ông như sau
"Vị sư nhỏ bé từ Việt Nam nhưng là học giả có trí tuệ rất lớn. Ý tưởng vì hòa bình của ông, nếu được áp dụng, sẽ có thể tạo ra động lực cho đối thoại giữa các đạo giáo, vì tình huynh đệ của thế giới, vì nhân loại."
Năm 1969, thầy Thích Nhất Hạnh dẫn phái đoàn Phật giáo vì Hòa bình tới Hòa đàm Paris, và lập ra Tăng đoàn Phật giáo Thống nhất (Unified Buddhist Church - UBC) ở Pháp. Từ đó hình thành cộng đồng tu tập đầu tiên năm 1975, và sau đó là cơ sở Làng Mai ở miền Nam nước Pháp từ 1982.
Các cơ sở khác về sau được mở ra ở nước khác, gồm cả Việt Nam.
Nhưng việc 'bén rễ' của hệ phái này ở Lâm Đồng bất thành và tăng ni của tu viện Bát Nhã theo Làng Mai bị chính quyền gây khó khăn, phải bỏ đi năm 2009.
Xem thêm bài phỏng vấn của BBC năm 2009 về sự kiện tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng.
Một cơ sở sau đó ra đời tại Thái Lan, trong vùng núi thuộc tỉnh Nakhon Ratchasima.
Xem bài tường thuật của BBC từ cơ sở này năm 2018.
Tháng 8/2017, chính quyền VN lại cho phép thiền sư Thích Nhất Hạnh về thăm quê hương và ông ở lại đó cho đến khi qua đời.
Tuy được ca ngợi trên thế giới, cách nhìn về ông và trung tâm Làng Mai do ông sáng lập đã và đang khá khác nhau trong cộng đồng người gốc Việt ở hải ngoại, với nhiều lời khen và cũng có cả chỉ trích.
Quan hệ của Làng Mai với nhà nước Việt Nam hiện hành và những chức sắc của Giáo hội Phật giáo theo con đường 'xây dựng chủ nghĩa xã hội' cùng Đảng Cộng sản cũng không hoàn toàn êm đẹp, tuy đã cải thiện đáng kể từ sau sự kiện Bát Nhã.
Mới trong tháng 11/2021, trang Phật giáo Việt Nam đăng bài của ông Trần Đăng Khoa "Mừng Thiền sư Thích Nhất Hạnh 95 tuổi".
Bài có đoạn "nhân ngày sinh nhật ông, tôi lại nhớ đến cuốn sách rất thú vị: "Những bước chân an lạc".
"Cuốn sách tập hợp một số bài báo trong hàng vạn bài viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh của các cây bút nổi tiếng trên thế giới."
"Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an...Thích Nhất Hạnh cho rằng, chỉ có tình thương yêu mới xóa bỏ được mọi hận thù.một trong những công lao lớn nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là đã hiện đại hóa đạo Phật, đưa đạo Phật đi vào cuộc đời."
Xem thêm:
Tịnh Thất Bồng Lai: Những câu hỏi quanh việc 'đàn áp tôn giáo'
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60092338
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được thừa nhận là “một trong những nhà lãnh đạo tinh thần có nhiều ảnh hưởng nhất trong thời đại này”. Hòa thượng viên tịch lúc 0 giờ ngày 22 tháng Giêng, 2022 (giờ Việt Nam), tại chùa Từ Hiếu, Huế, thọ 95 tuổi, theo thông báo của Làng Mai trên trang Facebook chính thức "Thích Nhất Hạnh" và trang web Làng Mai plumvillage.org.
Giáo sư Phật học người Úc, John Powers, cho rằng Thiền sư Nhất Hạnh là một trong “13 vị thầy góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật trên toàn thế giới trong quá trình 2500 năm lịch sử Phật Giáo”.
Điều mà người Tây phương nhớ về Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những khái niệm “chánh niệm”, “tỉnh thức” - “mindfulness”.
Tạp chí Times, trong bài viết dài về vị Thiền sư, thừa nhận Hòa thượng Nhất Hạnh là người đầu tiên phổ biến những khái niệm này như một phương pháp tu tập.
Nhà báo Ngô Nhân Dụng, một Giáo thọ của Làng Mai, giải thích:
“Khái niệm sống chánh niệm, sống tỉnh thức, đã trở nên phổ biến, đặc biệt trong những nước nói tiếng Anh. Đấy có lẽ là thành tích mà trước đây ít có người nào trong giới Phật giáo ở Đông phương có thể tạo ra được ở các nước Tây Phương.”
Thành tựu này, vẫn theo nhà báo Ngô Nhân Dụng, là do đạo Phật “được tiếp cận như một cách sống hơn là một tôn giáo.”
“Thiền sư Nhất Hạnh đã trình bày đạo Phật như là một cách sống, hơn là một tôn giáo. Thầy Nhất Hạnh gọi đó là cách sống tỉnh thức - Tây phương gọi là ‘mindfulness’, và cách mà ngài dạy, cho thấy ai cũng có thể áp dụng được cả.”
Những đệ tử theo học Thiền sư Nhất Hạnh mở trung tâm thiền tập ‘chánh niệm’ khắp nơi. Canada có “Làng Cây Phong,” một trung tâm tu tập theo giáo pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chủ tịch Làng Cây Phong là ông Trịnh Đình Tấn, nói rằng “cách hướng dẫn của Sư Ông Nhất Hạnh không câu nệ tôn giáo, màu da, sắc tộc.”
“Cách hướng dẫn của Sư Ông không có câu nệ tôn giáo, màu da, sắc tộc… Khi hướng dẫn, Sư Ông luôn kêu gọi người Tây phương và những người tôn giáo khác trở về với tôn giáo của mình. Đó là điều rất khác biệt với các lãnh đạo tôn giáo khác, và là điều khiến người Tây phương kính nể.”
Trong khi hầu hết người Tây phương đều công nhận tầm vóc của vị Thiền sư đã đưa Phật giáo đến với thế giới phương Tây, những phát biểu của ông về chiến tranh Việt Nam, và cả những chuyến về thăm lại Việt Nam của ông trước đây, vẫn còn là điều tranh cãi, giữa những người Việt Nam.
Trong một phỏng vấn cách đây vài năm, ông Võ Văn Ái, một nhà hoạt động nhân quyền, cũng là phát ngôn nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có trụ ở ở Paris, nói rằng “dường như là Thiền sư đi với con đường của nhà nước.” Ông Ái nói rằng ông vẫn luôn tôn trọng Thiền sư Nhất Hạnh, nhưng sau này cảm nhận nơi nhà sư “một sự thay đổi quá lớn về thái độ chính trị.”
Ông Trịnh Đình Tấn, Chủ Tịch Làng Cây Phong, trong cuộc phỏng vấn trước đây, thì cho rằng “nên coi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, không phải một nhà hoạt động chính trị.”
“Mọi người cứ coi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người làm chính trị, thực ra thì Thầy Nhất Hạnh có thể gọi là nhà thơ, nhà văn hóa, hay một sử gia, nhà văn hay nhà đạo học, đều được. Đối với tôi, Thầy chính là một vị chân tu.”
Nhà báo Ngô Nhân Dụng có cùng quan điểm, “có lẽ mình nên coi Thầy Nhất Hạnh là một ông thầy tu giản dị.”
“Tôi không nghĩ ông có tham vọng trở thành một quốc bảo hay một vị thầy gì ghê gớm cho lắm. Tôi nghĩ rằng tất cả các vị thầy tu, tu cho đàng hoàng, đều là thầy tu lớn cả.”
Thiền sư Nhất Hạnh sống lưu vong 39 năm cho đến lần về thăm lại Việt Nam đầu tiên năm 2005 sau những cuộc thương thảo kéo dài với chính phủ Hà Nội.
Năm 2007, ông về nước lần thứ hai, tổ chức ‘Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế’ ở cả ba miền Việt Nam, cầu siêu cho đồng bào tử nạn và chiến sĩ trận vong của cả hai miền Nam – Bắc.
Năm 2008, ông về Việt Nam lần thứ ba, làm diễn giả chính cho Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc.
Năm 2017, từ Thái Lan ông trở về Việt Nam lần thứ tư để tĩnh dưỡng sau khi bị đột quỵ do xuất huyết não năm 2014.
Ngày 26 tháng 10, 2018, ông trở về Việt Nam ‘lần cuối cùng,’ để tĩnh dưỡng cho đến ngày ‘nhập diệt ở chốn tổ’ là Tổ đình Từ Hiếu ở Huế.
Thiền Sư Nhất Hạnh, người mang Đông Phương vào Tây Phương (voatiengviet.com)
Làng Mai 'trong lòng nước Pháp'
- Quốc Phương
- BBC Việt ngữ, từ Làng Mai, Pháp
Làng Mai là một mô hình thiền học phật giáo Việt Nam thành công ở nước Pháp, quốc tế, mặc dù chưa được hoàn toàn thừa nhận ở Việt Nam do các lý do khác nhau, theo một nhà nghiên cứu sử học đương đại và văn hóa tôn giáo tại Pháp.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập và phát triển pháp môn Làng Mai đã có những đóng góp rất lớn cho văn hóa ở nước Pháp, cũng như ở riêng trong vùng Tây Nam nước Pháp nơi Đạo tràng Mai Thôn của ông tọa lạc, vẫn theo ý kiến của nhà nghiên cứu này.
Mặc dù những khó khăn như từng đối diện ở Việt Nam, Làng Mai vẫn chắc chắn sẽ có tương lai với những dự án của mình và tiếp tục khẳng định được vị thế, chỗ đứng của một pháp môn thiền học có uy tín không chỉ trong lòng cộng đồng người Việt, mà còn đối với quốc tế và hải ngoại, trong đó có nước Pháp.
Đó là một số nhận xét được Tiến sỹ sử học Caroline Vion, nhà nghiên cứu từ Bordeaux và vùng Aquitaine, Pháp đưa ra với BBC trong một phỏng vấn đầu xuân Ất Mùi này tại Làng Mai.
TS. Caroline Vion: Làng Mai là một trung tâm Thiền học rất nổi tiếng với các pháp môn được Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao truyền, giảng dạy ở khắp nước Pháp và trên thế giới với mục tiêu, cứu cánh xiển dương cho hòa bình trên thế giới và trái đất.
Thiền sư Nhất Hạnh đã dành cả cuộc đời của ông chiến đấu cho quyền con người và tự do của Phật giáo và người dân Việt Nam trong suốt thập niên 1960. Mọi người đến Làng Mai từ nhiều nơi trên khắp thế giới, mặc dù họ tới đây nhưng vẫn có thể lưu giữ niềm tin và kỷ cương của tôn giáo của họ.
Làng Mai trước hết là một trung tâm Phật giáo mà đồng thời với việc là một nơi tu dưỡng tinh thần, thực hành tâm linh, thì còn là một môi trường văn hóa giúp mọi người làm quen với Phật giáo Việt Nam và lớn hơn là văn hóa Việt Nam, nhất là để hiểu biết về nghệ thuật sống.
Như chúng ta đã biết, các mối quan hệ giữa nước Pháp và Việt Nam là rất mạnh mẽ về mặt lịch sử, trong suốt thời kỳ Đông Dương thuộc địa ở thế kỷ thứ 19 và Làng Mai tiếp tục là nhịp cầu.
Làng Mai bên cạnh đó là một trung tâm xiển dương tình huynh đệ, bằng hữu về mặt tâm linh có tầm nhìn quốc tế. Tình anh em, tương thân, tương ái là một từ khóa mà theo tôi xác định rõ giá trị thực sự mà Làng mai muốn xây dựng và đề cao.
Làng Mai với nước Pháp?
BBC: Chính phủ Pháp nghĩ gì về Làng Mai, thưa Tiến sỹ?
TS. Caroline Vion: Làng Mai từng là một trung của người Việt Nam tị nạn. Sau chiến tranh bom đạn ở Việt Nam, nhiều thuyền nhân Việt đã rời bỏ đất nước ra đi.
Người Việt Nam đã tới Pháp trong nhiều làn sóng khác nhau trong thế kỷ 20, mỗi lần là một nỗ lực trong chiến tranh hoặc hậu chiến. Do đó, ngày hôm nay, lịch sử của nước Pháp có một nét văn hóa Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng ở trong lòng mình.
Thích Nhất Hạnh đã lựa chọn vùng Dordogne để thành lập cộng đồng của ông, khi đó nhiều nông dân Pháp đã rời bỏ nông thôn ở trong vùng... Chính phủ Pháp trong bối cảnh đó đã cho phép hành động của ông. Thế nhưng Phật giáo khi đó chưa hoàn toàn được biết tới thật nhiều ở nước Pháp...
Tới nay, Làng Mai đã trở thành một địa điểm mở ra tiếp đón và thu hút đông đảo người dân Pháp, là nơi mọi người tới để quan sát, học tập, thực hành pháp môn 'chánh niệm' của Thiền học Phật giáo Làng Mai và dần dần những thông điệp hòa bình đã được chia sẻ trong cộng đồng.
Cũng cần nói thêm là nhiều nhà tâm lý trị liệu, nhiều người trong giới nghiên cứu, trong giới làm công tác xã hội cũng tìm tới Làng Mai, gặp Thiền sư Nhất Hạnh để học hỏi.
Chính phủ Pháp đã chấp nhận vào đầu những năm 1960 để Thiền sư được cư trú chính trị. Người ta biết rằng mục đích của Thích Nhất Hạnh từ ban đầu đã là một thứ Phật giáo nhập thế, và với việc rời Việt Nam tới Pháp, ông đã phát triển các dự án cộng đồng Phật giáo của ông và tiếp tục một cuộc đấu tranh bất bạo động vì hòa bình, chống lại chiến tranh ở Việt Nam.
Hành động và phương pháp bất bạo động của ông đã tạo tiếng vang vào năm 1966, ở Hoa Kỳ, quốc gia mà ông đã tới để học tập, nghiên cứu từ năm 1961-1963, và nhờ đường lối này, ông đã được Mục sư Martin Luther King đề cử ứng viên cho giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Đóng góp cho địa phương
BBC: Liệu Thiền sư Nhất Hạnh và cộng đồng của ông ở Làng Mai đã được hưởng tự do tôn giáo tại Pháp tốt hơn là ở Việt Nam?
TS. Caroline Vion: Thích Nhất Hạnh là một nhà khởi xướng và Phật giáo của ông gắn liền với một sự nhập thế mạnh cùng tư tưởng hòa bình chống chiến tranh ở Việt Nam...
Nước Pháp tiếp nhận ông và các môn đệ của ông dễ dàng tiếp nhận ông và ông cũng đã thiết lập nên thứ hòa bình ở nơi mà ông được tiếp nhận và triển khai tự do tư tưởng. Cùng với các vụ tấn công hôm 7 tháng Giêng mới đây tại Pháp, chống lại tờ báo Charlie Hebdo, biến cố nhắc nhở rằng tự do tư tưởng và tự do báo chí có vai trò rất quan trọng ở nước Pháp, nơi mà quyền tự do được hiến định trong Hiến pháp.
Cộng đồng Làng Mai xiển dương một tôn giáo tự do, và điều này cũng được thể hiện trên khắp thế giới như từ Miến Điện cho tới Iraq.
Có thể nói rằng, Phật giáo của Thích Nhất Hạnh đã có được quyền tồn tại chính đáng ở Pháp, nhưng điều này lại chưa phải là thực tế ở Việt Nam.
BBC: Đâu là đóng góp quan trọng nhất của Thiền sư Nhất Hạnh và Làng Mai với nước Pháp, đặc biệt với cộng đồng địa phương ở vùng Tây Nam?
TS. Caroline Vion: Với Làng Mai được thành lập từ năm 1982, từ các xóm trong vùng, nay pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phát triển ra nhiều trung tâm trên thế giới. Làng Mai nay có hàng trăm tu sỹ tới từ tất cả các quốc gia khác nhau và hàng năm tiếp đón hàng ngàn thiền sinh, người tới tu tập pháp môn thiền học.
Thích Nhất Hạnh là một trường hợp đặc biệt. Ông đã cung cấp một bài học mới về sự minh triết mà có thể áp dụng trong đời sống thường nhật với tất cả mọi người, dù nguồn gốc, niềm tin xuất phát điểm là gì.
BBC: Từ khi thành lập ở vùng, Làng Mai có tạo ra thay đổi gì cho khu vực?
TS. Caroline Vion: Theo quan sát của chúng tôi, mọi người đổ tới đây từ khắp nơi trên thế giới. Cộng đồng Làng Mai đã hòa trộn hoàn toàn vào vùng đất này, vào thiên nhiên và trong cộng đồng dân cư địa phương.
'Vấn đề với Việt Nam'
BBC: Nếu có thể nêu một di sản hay đóng góp lớn nhất của Thiền sư và Làng Mai, thì đó là gì?
TS. Caroline Vion: Đó là tình bằng hữu, hòa bình, hạnh phúc ngay trong hiện tại. Đó là an lạc trong Tâm, là hòa bình trên thế giới với mọi người và ngay trong hiện tại.
BBC: Thiền sư Thích Nhật Hạnh, tuy thế, có giới hạn, hạn chế nào không?
TS. Caroline Vion: Tôi nghĩ rằng sự tỉnh thức, giác ngộ luôn giúp người ta nhận thức được bản thân và do đó tự biết được những giới hạn của mình và do đó sẽ biết đối xử với những hạn chế ấy một cách minh triết, khôn ngoan.
BBC: Liệu Làng Mai có tương lai ở Pháp và trong thế giới Phương Tây? Những người đến với Làng Mai có thỏa mãn không?
TS. Caroline Vion: Tư tưởng phương Đông ngày càng thu hút, hấp dẫn phương Tây. Việc phương Đông cung cấp được những minh triết sâu xa để giúp điều chỉnh thái độ của người Pháp, mà thường được cho là 'quá phương Tây', quá nhấn mạnh vào sức mạnh, là một điều tốt.
BBC: Làng Mai thành công như vậy theo bà, nhưng dường như chưa được chính quyền ở Việt Nam hiện nay chấp nhận, tại sao?
TS. Caroline Vion: Tôn giáo nói chung và Phật giáo, Thiên chúa giáo và các tôn giáo khác nói riêng, vẫn còn là một vấn đề đối với chính quyền Việt Nam. Phật giáo ở Việt Nam cũng còn nằm trong tầm ngắm mục tiêu của thể chế độc đảng.
Trong thể chế ấy, có vẻ như tín ngưỡng tôn giáo được coi là thế lực có thể chống lại quyền lực độc đảng vốn chủ trương độc quyền các hoạt động chính trị và quyền lực nhà nước. Và câu hỏi đặt ra là liệu thể chế ấy có luôn chắc chắn sẽ nắm giữ được mọi quyền lực mãi mãi, vĩnh viễn hay đến một lúc nào đó sẽ phải thay đổi và làm khác đi.
Tiến sỹ Caroline Vion là nhà nghiên cứu địa phương về di sản và lịch sử, tôn giáo cũng như các thể chế cổ xưa. Bà cũng là thành viên của Hội đồng giáo dục, văn hóa và truyền thông ở Pessac, địa phương, thuộc vùng Tây Nam nước Pháp.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/02/150228_langmai_caroline_vion
Geen opmerkingen:
Een reactie posten