Bản sao ấn bản đầu tiên của Hiến pháp Mỹ được bán giá kỷ lục 43,2 triệu USD
Một bản sao hiếm có của ấn bản in đầu tiên của Hiến pháp Mỹ được bán với giá 43,2 triệu USD tại New York hôm 18.11, trở thành tài liệu lịch sử đắt giá nhất từng được bán đấu giá.
Sotheby's cho biết, kết quả này cũng phá kỷ lục đấu giá với một cuốn sách, bản thảo hoặc văn bản in. Giá ban đầu cho bản sao ấn bản in đầu tiên của Hiến pháp Mỹ được dự kiến từ 20 triệu USD.
Tài liệu vừa được bán đấu giá kỷ lục là 1 trong 11 bản sao còn sót lại và là bản cuối cùng còn nằm trong tay tư nhân từ bản in đầu tiên của Hiến pháp Mỹ. Những bản sao này được sản xuất cho các đại biểu Hội nghị Lập hiến 1787 và hội nghị Quốc hội Lục địa.
Được soạn thảo trong các cuộc họp bí mật ở Philadelphia, Hiến pháp Mỹ đặt nền tảng cho nền dân chủ Mỹ và bảo đảm các quyền cơ bản của công dân. Sau khi sản xuất 2 dự thảo trước đó, các nhà in chính thức của Hội nghị Lập hiến đã tạo ra 500 bản sao từ "ấn bản chính thức" hoàn thiện và phân phát cho các đại biểu, theo Sotheby's.
Nhà đấu giá cho biết, 2 bên đã tham gia vào "cuộc đấu giá kéo dài gần 8 phút". Sotheby's chưa tiết lộ danh tính của người đấu giá thành công bản sao hiếm có này.
Bản sao Hiến pháp Mỹ trước đây thuộc về nhà sưu tập và nhà từ thiện Dorothy Tapper Goldman. Ban đầu bản sao được người chồng quá cố của bà mua lại.
Các bản sao hiếm có khác của Hiến pháp Mỹ cũng dự kiến được bán trong tuần tới, trong đó có các bản sao có chữ ký của Tổng thống Millard Fillmore và Franklin Pierce.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten