Cắt giảm phân nửa điện than để ưu tiên năng lượng tái tạo: thế bắt buộc!
Phát biểu tại một cuộc tham vấn nội bộ hồi đầu tháng này, Viện Năng lượng Việt Nam tiết lộ Kế hoạch Phát triển Năng lượng Lần thứ Tám (PDP8) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021.
PDP8 quy định mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên trong nước và cho biết chính phủ Hà Nội có thể hủy bỏ 7 dự án điện than đã lên kế hoạch và hoãn 6 dự án khác cho đến sau năm 2030 hoặc 2035.
Cụ thể, PDP8 vạch ra một lộ trình phát triển cho từng loại phát điện đến năm 2030, với một tầm nhìn trực tiếp kéo dài đến năm 2045. Với nhu cầu năng lượng của Việt Nam được thiết lập hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, kế hoạch này rất quan trọng đối với những nỗ lực của quốc gia trong việc kiềm chế khí thải carbon và sắp xếp con đường phát triển của đất nước với các mục tiêu khí hậu Paris.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương và Thương mại cho biết trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam sẽ không phát triển mạnh về điện than mà chỉ tiến hành phát triển các dự án đã được liệt kê trong PDP7 và PDP7 sửa đổi.
Trao đổi với RFA vào tối 28/7, Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam đưa ra giải thích vì sao chính phủ Hà Nội đề ra kế hoạch năng lượng mới này:
“Một số công trình nguồn điện Việt Nam bị chậm so với kế hoạch. Chương trình điện hạt nhân đang bị đình lại, gây thiếu hụt khá lớn về nguồn điện. Tạm thời các nguồn điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong cân bằng điện năng của Việt Nam. Tuy nhiên nhà máy điện than gây tác động xấu về môi trường. Như vậy không thể bỏ ngay nhiệt điện than nhưng sẽ thực hiện kế hoạch giảm dần vai trò của nhiệt điện than trong cân bằng điện năng của Việt Nam. Thay vào đó sẽ ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo mặt trời và gió ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một kế hoạch hợp lý và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.”
Đồng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho biết thêm Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 55 vào đầu tháng 2 về chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và giảm dần nhiệt điện than một cách hợp lý.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ nội dung này vì những nguyên nhân sau:
“Nếu nhiệt điện than phát triển quá cao đi ngược chiều xu thế phát triển năng lượng của cả thế giới. Cả thế giới trong giai đoạn vừa qua đều giảm nhiệt điện than và đưa năng lượng mới tái tạo vào vì nhiệt điện than ảnh hưởng lớn nhất đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy hội nghị biến đổi toàn cầu phải giảm tỉ lệ điện than, không thì biến đổi cực đoan khí hậu toàn toàn cầu diễn ra cực kỳ phức tạp. Nên phải thay thế bằng năng lượng không gây ra khí nhà kín nữa là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Việt Nam tuân thủ cái đó nên nhiệt điện than phải giảm.”
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng cho rằng nguồn vốn để làm nhiệt điện than hiện nay khó khăn bởi vì phải vay của World Bank và ADB. Trong khi đó 2 ngân hàng này ra rào cản kỹ thuật không cho vay vốn để phát triển nhiệt điện than nữa nên dù chính phủ muốn làm nhiều thì cũng không thể vay được, vì không có tiền làm nên phải giảm bớt.
“Phát triển nhiệt điện than thì số than phải nhập đến năm 2030 sẽ gấp đôi số mình hiện có. Việc nhập này rất phức tạp vì người ta chỉ bán trong 5 năm sau đó phải xem lại. Vì vậy chỉ được cấp trong 5 năm mà cả đời nhà máy 30 năm thì không ai ký được trong 5 năm. Vấn đề nhập than và vận tải cảng biển cũng không thể nhập nổi, phải giảm bớt đi.”
Việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong chiến lược mở rộng năng lượng than của Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn nhất cho biến đổi khí hậu, tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua.
Cơ quan Năng lượng và Tái tạo Điện cùng với Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đưa ra Báo cáo triển vọng năng lượng của Việt Nam năm 2019 dự đoán năng lượng gió và mặt trời sẽ đánh bại điện than trong nước bằng giá thành. Cụ thể, vào năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ cho ra 20 GW và hơn 100 GW vào năm 2050.
Giáo sư Trần Đình Long nhận định:
“Mức độ giảm nhiệt điện than theo tiến trình thế nào còn phụ thuộc vào khả năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế. Theo tôi biết những chủ trương hiện nay của nhà nước thì việc phát triển năng lượng tái tạo mở ra những cơ hội khá lớn. Thực tế những năm vừa rồi, ví dụ với chính sách giá điện của nhà nước đã thúc đẩy khá mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là của điện mặt trời tại Việt Nam.”
Còn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, từ thực tế việc tạo ra năng lượng tái tạo trong một năm qua cùng với những nội dung kế hoạch được triển khai rõ ràng, việc phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay thế cho điện than là rất khả quan:
“Triển khai nằm trong tầm tay, không có gì khó. Tất cả điện than trong nước vẫn được sử dụng, những nhà máy đang xây dựng dở đến năm 2025 vẫn được tiếp tục xây dựng, không bỏ đi. Chỉ có tương lai bỏ đi chứ từ giờ đến năm 2025 người ta giảm bớt đi. Chỉ một năm vừa qua, chủ trương tư nhân hóa vào làm năng lượng gió, mặt trời phát triển quá nhanh, theo như Thủ tướng nói đề nghị có 8.000 MW của năng lượng mặt trời đem vào nhưng đã đem vào vận hành được 5.000 MW, tức bằng 5 nhà máy nhiệt điện than cỡ lớn.”
Vẫn theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, hạn chế lớn nhất trong việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay là vấn đề truyền tải nhưng cũng sẽ sớm được giải quyết:
“Có những nhà máy dù có điện nhưng không thể truyền đi nên nhà nước đã cho tư nhân làm đường dây này, trước đây chưa bao giờ có. Độc quyền nhà nước là không ai được làm nhưng có chủ trương cho phép tư nhân được quyền đầu tư xây dựng đường dây tải điện này dù không được quyền quản lý, vẫn phải bàn giao cho công ty truyền tải và chia lãi.”
Ngoài ra, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết trong quá trình làm còn diễn biến khác như chiếm nhiều đất, đi đường dây mới qua vùng này vùng kia… hiện vẫn đang chờ các địa phương nêu ý kiến thế nào, có gặp trục trặc gì nữa không.
Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) và Tập đoàn Môi trường Đổi mới và Phát triển Môi trường (GreenID) có trụ sở tại Việt Nam vào tuần trước đưa ra tuyên bố cho biết trong bối cảnh giá năng lượng sạch giảm mạnh cũng như những khó khăn trong tài chính và các mục tiêu khí hậu ngày càng được nâng cao, 13 dự án điện than sẽ khó được phục hồi một khi đã bị hoãn lại.
Với các ưu đãi chính sách mạnh mẽ, chính phủ Hà Nội đã quản lý để lắp đặt hơn 5 GW năng lượng mặt trời trong vòng chưa đầy ba năm, đồng thời cũng đã phê duyệt gần 12 GW dự án điện gió dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động đầu năm 2021.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten