Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Trào ngược (ợ thức ăn hay chất chua) từ bao tử (dạ dày) là điều có thể thỉnh thoảng xảy ra ở tất cả mọi người. Tuy nhiên ở một số người, các triệu chứng này xảy ra thường hơn và nặng hơn. Khi đó tình trạng này được đặt tên là bệnh trào ngược từ thực quản dạ dày (gastroesophageal reflux disease – GERD).
Bệnh nhân được coi là bị bệnh trào ngược từ thực quản dạ dày khi bị trào ngược liên tục, kéo dài, xảy ra ít nhất hai lần một tuần.
Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị bệnh trào ngược từ thực quản dạ dày là ợ chua (heartburn), là cảm giác nóng rát ở vùng ngực dưới và phần trên của bụng (thượng vị).
Một số bệnh nhân bị bệnh trào ngược từ thực quản dạ dày không bị ợ chua, mà có thể có các triệu chứng khác. Các triệu chứng này có thể là đầy hơi, khò khè, khó nuốt, hoặc ho kéo dài.
Ho kéo dài ở bệnh nhân bị bệnh trào ngược từ thực quản dạ dày
Bệnh trào ngược từ thực quản dạ dày là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra ho kéo dài. Một số nghiên cứu cho thấy rằng khoảng hơn 25% các trường hợp bị ho kéo dài (chronic cough – ho từ tám tuần trở lên) có nguyên nhân từ trào ngược thực quản dạ dày.
Đa số các bệnh nhân bị ho do bệnh trào ngược từ thực quản dạ dày không có triệu chứng ợ chua. Ho kéo dài ở các bệnh nhân này có thể gây ra bởi sự trào ngược của acid hoặc các chất khác không phải là acid từ bao tử.
Một số dấu hiệu có thể gợi ý cho chẩn đoán ho kéo dài do trào ngược từ dạ dày, là:
-Ho thường xảy ra vào buổi tối hoặc sau khi ăn.
-Ho xảy ra khi bệnh nhân nằm.
-Ho kéo dài, khi các nguyên nhân thường gặp khác (như hút thuốc, tác dụng phụ của một số thuốc – ví dụ như thuốc chữa cao huyết áp thuộc nhóm ACE inhibitors) đã được loại trừ.
-Bị ho không phải do suyễn (asthma) hay do chất tiết chảy xuống từ mũi xuống cổ họng (postnasal drip), hoặc khi chụp hình X quang phổi bình thường.
Chẩn đoán ho do trào ngược thực quản dạ dày
Bệnh trào ngược từ thực quản dạ dày có thể khó chẩn đoán ở các bệnh nhân bị ho kéo dài nhưng lại không bị ợ chua.
Một số xét nghiệm có thể làm là:
-Nội soi thực quản dạ dày (upper endoscopy, hoặc EGD), là cách thường dùng nhất khi cần thiết để chẩn đoán bệnh trào ngược từ thực quản dạ dày.
-Theo dõi độ pH (cường hay toan) trong thực quản 24 tiếng bằng cách dùng 24-hour pH probe.
-Một cách khác để tìm các chất không phải là acid trong thực quản gọi là MII-pH cũng có thể được sử dụng.
-Trước đây, chụp hình thực quản dạ dày sau khi uống thuốc cản quang cũng đã được dùng trong việc chẩn đoán, nhưng nay đã không còn được sử dụng nữa.
Cách để chẩn đoán là điều trị bệnh nhân với thuốc giúp giảm việc tiết acid trong bao tử, với các thuốc trong nhóm được gọi là proton pump inhibitors (PPIs) trong một thời gian. Một số thuốc trong nhóm này là Nexium, Prevacid, and Prilosec, Protonix, Dexilant… (Một số nghiên cứu cho rằng để trị ho hay hắng giọng [clearing throat] đo acid trong thực quản, liều có thể phải cao hơn trong việc chữa ợ chua).
Nếu triệu chứng ho thuyên giảm với việc dùng PPI, điều đó có thể được coi là ta đã chẩn đoán đúng nguyên nhân ho là do trào ngược thực quản dạ dày, mà không cần phải xét nghiệm (gì thêm cho rắc rối).
Các nguy cơ gây ra bệnh trào ngược thực quản dạ dày
Ta sẽ có nguy cơ cao hơn bị trào ngược thực quản dạ dày nếu hút thuốc, quá nặng cân, hoặc có bầu.
Một số thức ăn, uống cũng có thể làm bệnh trào ngược thực quản dạ dày nặng hơn là:
-Rượu bia hoặc các thức uống có chất cồn khác.
-Thức uống có chất caffeine.
-Chocolate.
-Cam, quýt, bưởi, chanh (citrus fruits).
-Thức ăn chiên và béo.
-Tỏi.
-Chất có bạc hà.
-Hành.
-Đồ cay.
-Thức ăn có cà chua như pizza, salsa, hoặc spaghetti sauce.
Một số thay đổi về cách sống (lifestyle changes) có thể giúp giảm bệnh
Các thay đổi này, thường có thể đủ để giảm hay ngay cả giúp chữa khỏi ho do trào ngược thực quản dạ dày. Bao gồm:
-Giảm cân (nếu đang bị dư cân).
-Bỏ hút thuốc.
-Nâng cao đầu giường khoảng 6 đến 8 inch (khoảng 2 tấc). Nâng cao đầu giường, chứ dùng nhiều gối, chỉ để gối đầu, sẽ không có hiệu quả.
-Mặc đồ rộng, không bó vùng bụng.
-Tránh các thức ăn uống kể trên.
-Tránh nằm xuống ít nhất trong vòng ba tiếng đồng hồ sau khi ăn.
-Ăn chậm, nhai kỹ.
-Ăn nhiều bữa nhỏ (thay vì ít bữa lớn).
Các thuốc và phương pháp khác
Ngoài PPIs như đã kể trên, là cách thường hiệu quả nhất trong việc điều trị trào ngược thực quản dạ dày, một số thuốc khác đôi khi cũng có thể có ích ở một số bệnh nhân:
-Thuốc làm giảm acid thuộc nhóm H2 blockers như là Pepcid.
-Các thuốc chống acid, gọi là antacids như là Alka-Seltzer, Mylanta, Rolaids, Tums.
-Một số thuốc làm giảm acid bằng các tạo bọt (foaming agents) như là Gaviscon.
Nếu đã dùng đủ mọi cách trên đây mà bệnh trào ngược thực quản dạ dày vẫn không giảm, ta có thể bắt đầu nghĩ đến điều trị bằng giải phẫu.
Giải phẫu thường dùng và hiệu quả trong việc chữa trị trào ngược thực quản dạ dày, được gọi là fundoplication. Nói ngắn gọn, cách này sẽ giúp làm cho cơ vòng từ thực quản xuống dạ dày có thể làm việc hiệu quả hơn, để thắt lại một cách hiệu quả khi cần thiết, để ngăn cản, không cho acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản. [qd]
Thân mến
(714) 531-7930, drnguyentranhoang@gmail.com
Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.
Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên “Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật” ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 giờ đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật.” Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trên các website www.nguyentranhoang.com và www.radiochuyensangchunhat.com.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten