Thanh Long/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Danh tiếng của Thành Long (Jackie Chan) có lẽ đã xuống đến mức thấp nhất ở Hồng Kông, do ông có quan điểm chính trị thân Bắc Kinh. Tuy nhiên, một thời gian dài, ông từng là diễn viên được yêu thích nhất và là biểu tượng cho tinh thần năng động của thành phố này.
Thành Long học võ ở Trường Kịch Nghệ Bắc Kinh, và khởi nghiệp là diễn viên đóng thế (stuntman). Ông vươn đến tầm “siêu sao” nhờ làm việc chăm chỉ, gan lì, hiểu rõ thế mạnh của mình cũng như sở thích của khán giả.
Võ công và tài năng đóng thế của diễn viên 66 tuổi này được thấy rõ trong mỗi bộ phim ông đóng từ xưa đến nay, nhưng những phim được đánh giá hay nhất của Thành Long là vào cuối những năm 1970 và 1980.
Mặc dù vài phim Hollywood của ông cũng rất ăn khách, Thành Long vẫn được khán giá yêu thích nhất trong những phim làm ở Hồng Kông, nơi ông được toàn quyền kiểm soát cảnh hành động.
Mới đây, nhật báo The South China Morning Post của Hồng Kông bình chọn 10 phim hay nhất của Thành Long, trong đó có những phim “coi hoài không chán.”
1-Project A (đạo diễn: Thành Long, 1983)
“Project A” (Kế Hoạch A) là bộ phim đầu tiên pha trộn tất cả yếu tố mà sau này trở thành phong cách riêng của Thành Long – võ công bay lộn nhanh nhẹn, pha hành động táo bạo, và cảnh hài hước rất có duyên. Nhiều người đồng ý rằng đây là bộ phim hay nhất của ông.
Thành Long đóng vai cảnh sát Thủy Quân Lục Chiến chống hải tặc ở Hồng Kông thế kỷ 19. Dù được làm cách đây gần 50 năm, bộ phim có nhiều cảnh dàn dựng công phu, trong đó gồm trận đánh “nảy lửa” với hải tặc.
Tuy nhiên, gây ấn tượng mạnh nhất là cảnh Thành Long rơi từ tháp đồng hồ cao 16 mét (52 foot) xuống đất. Hai lần quay đầu tiên cảnh này diễn ra suôn sẻ, nhưng đến lần thứ ba, Thành Long bị bật khỏi mái che dùng để giảm bớt lực rơi, khiến ông bị thương khá nặng.
Cảnh bị té này được chiếu trong phần hậu trường (behind the scenes) sau khi phim kết thúc, một ý tưởng mà sau nay cũng trở thành nét đặc trưng của phim Thành Long.
2-Police Story (đạo diễn: Thành Long, 1985)
Bộ phim hành động này công chiếu vào lúc phim về đề tài cảnh sát đã “hết thời” ở Hồng Kông. Tuy nhiên, “Police Story” (Câu Chuyện Cảnh Sát) lập tức thành công vang dội. Thành Long đóng vai chàng cảnh sát tài ba đang cố gắng đưa ông trùm ma túy ra trước công lý.
“Police Story” có vài pha hành động thuộc loại nổi tiếng nhất của Thành Long. Phần đầu phim chiếu cảnh đoàn xe hơi quậy nát một ngôi làng, và trong màn rượt đuổi bọn buôn lậu ma túy sau đó, Thành Long thực hiện vài pha nguy hiểm, khiến khán giả thót tim. Cuối phim, tài tử gan lì này “tả xung hữu đột” với bọn tội phạm ở trung tâm mua sắm.
Các nhà phê bình ở Tây phương cho rằng pha mạo hiểm của Thành Long giống với của diễn viên đóng thế nổi tiếng của Mỹ là Buster Keaton, nhưng Thành Long cho hay, thời đó, ông chưa bao giờ xem phim của Keaton.
3-Drunken Master (đạo diễn: Yuen Woo Ping, 1978)
“Drunken Master” (Túy Quyền) ăn theo phim võ hài cùng năm “Snake in the Eagle’s Shadow” (Xà Quyền Diệt Độc Ưng), phim đầu tiên mà ông Viên Hòa Bình (Yuen Woo Ping) làm đạo diễn.
Trong “Drunken Master,” Thành Long tạo dựng hình ảnh diễn viên võ thuật hài hước mà ông theo đuổi suốt sự nghiệp. Trước đó, khán giả quá yêu thích ông đóng cặp với tài tử gạo cội Viên Tiểu Điền (Yuen Siu Tien), nên bộ đôi này tái ngộ để thực hiện bộ phim về huyền thoại Hoàng Phi Hồng khi còn trẻ.
Điểm nhấn của “Drunken Master” là thế võ chỉ có thể xuất chiêu khi say rượu. Mặc dù trong Thiếu Lâm cũng có một thế võ say, Thành Long nói ông tự chế ra túy quyền trong phim này.
Cũng như trong nhiều phim khác, Thành Long phối hợp hoàn hảo võ thuật với hài hước, và kết quả lúc nào cũng đáng xem.
4-Project A 2 (đạo diễn: Thành Long, 1987)
Phim bắt đầu bằng cảnh Thành Long bị giáng chức và điều đến quản một đội cảnh sát địa phương. Tại đó, ông chặn đứng nạn bạo lực, tham nhũng của cảnh sát, và ra lệnh nhân viên làm việc siêng năng để phục vụ công chúng.
Nếu nội dung đó nghe không hấp dẫn lắm, phim cũng có nhiều cảnh mạo hiểm và đấu võ gay cấn mà không hề dùng kỹ xảo. Cũng giống như tài tử Sylvester Stallone của Mỹ, Thành Long phải chịu “bầm dập” mới chiến thắng được kẻ xấu.
5-Snake in the Eagle’s Shadow (đạo diễn: Yuen Woo Ping, 1978)
Như trình bày ở trên, trong bộ phim võ lôi cuốn này, Thành Long thử nghiệm phong cách võ thuật kết hợp hài hước mà ông trau giồi đến tuyệt đỉnh trong phim “Drunken Master.’
Thành Long đóng vai chàng võ sinh học Xà Quyền của một võ sư lớn tuổi do Viên Tiểu Điền đóng (ngoài đời, Viên Tiểu Điền là cha đạo diễn Viên Hòa Bình). Khi sư phụ bị kẻ thù thuộc phái Độc Ưng truy sát, Thành Long phải tìm cách cứu sư phụ.
Qua “Snake in the Eagle’s Shadow” (Xà Quyền Diệt Độc Ưng), Thành Long và đạo diễn Viên Hòa Bình muốn làm điều gì đó để xóa bỏ kỷ niệm buồn là Thành Long không thể bắt chước được Lý Tiểu Long (Bruce Lee) trong những phim trước đó. Kết quả là một bộ phim cực kỳ ăn khách. Cách biên đạo võ thuật của đạo diễn họ Viên quá tuyệt vời, phim gồm nhiều màn đấu võ đẹp mắt với Xà Quyền, Ưng Trảo Quyền và Đường Lang Quyền.
6-Police Story 3: Supercop (đạo diễn: Stanley Tong, 1992)
Thành Long làm đạo diễn hai tập đầu của “Police Story” (Câu Chuyện Cảnh Sát). Nhưng đến tập ba, hãng phim Golden West mời đạo diễn Đường Quý Lễ (Stanley Tong), giao cho ông số tiền lớn và yêu cầu làm sao cho phim càng gây ấn tượng mạnh càng tốt. Cảnh Thành Long vác súng máy trong phim khiến khán giả Hồng Kông sửng sốt, vì thời đó, ông không bao giờ dùng súng.
“Police Story 3” có Dương Tử Quỳnh (Michelle Yeoh) tham gia. Đây là phim đầu tiên mà ngôi sao người Malaysia đóng sau ba năm tạm nghỉ sau khi lập gia đình với ông Dickson Poon, chủ hãng phim D and B Films. Bộ đôi gan lì Thành Long – Dương Tử Quỳnh tự đóng nhiều pha nguy hiểm trên trực thăng, xe lửa và xe mô tô.
7-Armour of God (đạo diễn: Thành Long, 1987)
Từ xưa đến nay, phim Hồng Kông rất nhanh nhạy trong việc “bắt chước” xu hướng ngoại quốc. Trong “Armour of God” (Kế Hoạch Phi Ưng), Thành Long đóng vai người hùng phiêu lưu mạo hiểm gần giống Indiana Jones của Hollywood. Bộ phim cũng cho thấy pha hành động nguy hiểm hơn nhiều so với những phim trước đó.
Thành Long bị tai nạn nặng nhất trong suốt sự nghiệp khi đóng cảnh hành động khá đơn giản với ông: Nhảy từ trên cây xuống. Ông bị nứt sọ và mảnh xương dính trong não. Ông phải giải phẫu não, và đến bây giờ, sọ vẫn bị lỗ thủng.
8-Rumble in the Bronx (đạo diễn: Stanley Tong, 1995)
Trước khi làm phim này, Thành Long luôn cố gắng tiến vào thị trường Mỹ kể từ những năm 1980, nhưng không mấy thành công. Tuy nhiên, cuối cùng, bộ phim võ thuật hài hước đầy cảnh hành động này biến mong muốn của ông thành hiện thực.
“Rumble in the Bronx” (Náo Loạn Phố Bronx) chắc chắn là phim hay nhất của Thành Long những năm 1990, và ông sử dụng bối cảnh New York rất hiệu quả. Trong phim, Thành Long đến thành phố này của Mỹ dự đám cưới ông chú. Tại đó, ông đụng độ cả một nhóm giang hồ chuyên đi mô tô lẫn một tổ chức buôn lậu kim cương.
Những cảnh đánh đấm đầy hấp dẫn, và Thành Long chứng tỏ biệt tài tận dụng môi trường xung quanh để “tung chiêu.” Ở đoạn cuối phim, cuộc đua nghẹt thở giữa xe hơi với thủy phi cơ (hovercraft) giống những cảnh trong “Police Story.” Phim cũng có màn nhảy nguy hiểm từ tòa cao ốc xuống phía dưới, được chiếu hai lần, theo đúng kiểu phim Thành Long.
9-Mr Canton and Lady Rose (đạo diễn: Thành Long, 1989)
Thành Long muốn cho thế giới thấy ông cũng đóng được những vai lãng mạn, do đó, ông bất ngờ thay đổi phong cách trong phim “Mr Canton and Lady Rose” (tên khác: “Miracles”). Tác phẩm này được làm “ăn theo” phim “Pocketful of Miracles” năm 1961 của đạo diễn Frank Capra, và có cố diễn viên Mai Diễm Phương (Anita Mui) tham gia.
Mặc dù chủ yếu nói về chuyện tình cảm, phim có một trong những pha hành động nổi tiếng nhất của Thành Long – màn đấu võ trong nhà máy. Lần thay đổi phong cách này thành công lớn ở Hồng Kông: Phim đứng đầu các bảng xếp hạng trong năm.
Tuy nhiên, “Mr Canton and Lady Rose” phải chỉnh sửa lại khi bán ra thị trường nước ngoài vì quá ít cảnh “đánh đấm.”
10-The Foreigner (đạo diễn: Martin Campbell, 2017)
“The Foreigner” được nhà làm phim người Anh Martin Campbell, người từng làm hai bộ phim James Bond “GoldenEye” và “Casino Royale,” đạo diễn. Đây là loại phim hồi hộp truyền thống về chủ đề chính trị, mà cuối cùng, tạo cơ hội cho Thành Long đóng một vai nghiêm túc phù hợp với tuổi đã lớn.
Thành Long đóng vai cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam có con gái thiệt mạng vì quả bom do nhóm bán quân sự ly khai Quân Đội Cộng Hòa Ireland Đích Thực (Real IRA) gài. Khi cảnh sát Anh tỏ ra không tìm được thủ phạm, Thành Long tự mình đến Ireland để truy lùng.
Yếu tố trả thù trong phim này là rất “Hồng Kông.” Từ lâu, trả thù là đặc trưng của phim võ Hồng Kông. Thành Long cũng bị đánh “bầm dập” trong vài cảnh hành động trong phim. (Thanh Long) [qd]
—–
Liên lạc tác giả: nguyen.thanhlong@nguoi-viet.com
Liên lạc tác giả: nguyen.thanhlong@nguoi-viet.com
Geen opmerkingen:
Een reactie posten