Luật an ninh quốc gia : Bắc Kinh vi phạm Luật Cơ Bản (Hiến Pháp) Hồng Kông
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Phần âm thanh 11:39
Ngày 28/05/2020, Quốc Hội Trung Quốc đã nhanh chóng thông qua luật an ninh quốc gia và sẽ cho áp dụng đối với Hồng Kông. Trước ngày bỏ phiếu, tại Hồng Kông, hàng trăm người xuống đường biểu tình phản đối dự luật, và 300 người đã bị bắt giữ. Tổng thống Mỹ ngay sau đó thông báo rút « quy chế ưu đãi thương mại » đối với Hồng Kông.
Nhiều câu hỏi được đặt ra : Bắc Kinh đã « thất hứa » với những cam kết đưa ra năm 1997 khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc ? Phải chăng Trung Quốc đang tìm cách « bóp nghẹt » các quyền tự do ở ở Hồng Kông ? Đây có phải là một lời cảnh cáo dành cho Đài Loan ? Mỹ rút quy chế ưu đãi sẽ tác hại ra sao đến nền kinh tế của đặc khu ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Trung Quốc học, giáo sư Jean-Pierre Cabestan đại học Baptist Hồng Kông..
*****
RFI Tiếng Việt : RFI Tiếng Việt xin kính chào giáo sư. Trung Quốc vừa thông qua luật an ninh quốc gia và đạo luật này sẽ được áp đặt cho Hồng Kông. Tại sao người dân Hồng Kông nổi dậy chống đạo luật này ? Liệu luật mới này có đi ngược với tinh thần công thức « Một quốc gia, hai thể chế » mà Bắc Kinh từng cam kết tôn trọng vào thời điểm nhượng địa được trao trả hay không ?
GS. Jean Pierre Cabestan : Luật an ninh quốc gia quả thật là một cú sốc cho rất nhiều người Hồng Kông. Cách nay 17 năm đạo luật này đã từng bị phản đối vào năm 2003. Giờ đây, chúng ta thấy rõ là Bắc Kinh đang tìm cách siết chặt gọng kềm đối với Hồng Kông, giảm bớt quyền tự trị của Hồng Kông.
Do vậy, luật an ninh này sẽ còn thu hẹp hơn nữa quyền tự trị đó, nhất là gây hại đến các quyền tự do của công dân hiện vẫn đang được tuân thủ ở Hồng Kông như đa đảng chính trị, tự do ngôn luận, tự do hội họp…
Ở đây, người dân cho rằng tiến triển này là nguy hiểm cho công thức « Một quốc gia, hai chế độ ». Đây không còn là chuyện hoang đường nữa bởi cho đến nay, Hồng Kông khác biệt hoàn toàn với các thành phố khác của Trung Quốc. Vẫn còn có biên giới giữa Hồng Kông và Trung Hoa lục địa. Hồng Kông có đồng tiền riêng của mình, quyền tự do dịch chuyển dòng vốn. Hồng Kông có cả hộ chiếu riêng cho phép người dân được quyền đến nhiều nước mà không cần có thị thực nhập cảnh.
Tóm lại, đây vẫn còn là một vùng riêng biệt với phần còn lại của Trung Quốc, nhưng quyền tự trị chính trị của Hồng Kông giờ đang gặp nguy, bị giảm đi rất nhiều, chẳng còn lại bao nhiêu so với những gì được cam kết vào năm 1997.
RFI : Tại sao Trung Quốc thông qua đạo luật gây tranh cãi vào lúc này ? Liệu có một sự liên hệ nào với cuộc bầu cử lập pháp sắp tới ở Hồng Kông hay không ? Hay là Bắc Kinh chỉ đơn giản lợi dụng tình hình dịch bệnh và lệnh cấm tụ tập hiện nay do dịch Covid-19 ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Cả hai. Việc chọn thời điểm là hiển nhiên rồi. Như đã thấy, vẫn còn có nhiều hạn chế, như giãn cách xã hội, cấm tụ tập biểu tình ở Hồng Kông … Đây là một thời điểm tốt để áp đặt một đạo luật như vậy.
Quyết định này được đưa ra khi chỉ còn có vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử lập pháp tháng 9. Người ta nghĩ rằng luật an ninh quốc gia này sẽ có hiệu lực trước kỳ bầu cử, vào tháng Tám nhằm áp đặt các hạn chế, nhất là đối với việc ra ứng cử. Những ứng cử viên nào tỏ ra quá ủng hộ độc lập, tự quyết cho Hồng Kông sẽ bị gạt ra. Người ta cũng có thể tự hỏi liệu những người không tỏ ra trung thành với luật an ninh quốc gia này có thể sẽ bị truất tư cách ứng viên hay không ?
Đạo luật này còn được quyết định sau làn sóng phản đối năm 2019 và làn sóng biểu tình cho thấy rõ người dân Hồng Kông đã bị chia rẽ ra sao khi phần lớn dân chúng phản đối cách thức mà Bắc Kinh muốn kiểm soát vùng lãnh thổ. Do vậy, đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định trực tiếp đưa ra đạo luật này, mà không thông qua Hội Đồng Lập Pháp, tức Nghị Viện Hồng Kông, và nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài từ 17 năm qua trong việc đưa ra luật an ninh quốc gia.
Luật Cơ Bản của Hồng Kông có đề cập đến việc xây dựng một đạo luật như vậy mà không đưa ra kỳ hạn. Và Luật Cơ Bản quy định là luật an ninh quốc gia phải do chính Nghị Viện Hồng Kông đưa ra và thông qua.
Lập luận mà Bắc Kinh đưa ra là không thể áp dụng quy định này do những chia rẽ, ngăn cản của phe đối lập mỗi khi cần thông qua các đạo luật vốn gây tranh cãi. Hiện nay, người ta thấy rõ điều này đối với luật về quốc ca. Luật này sẽ hình sự hóa mọi hành động phỉ báng quốc ca Trung Quốc ở Hồng Kông. Do vậy, Bắc Kinh quyết định nắm lại quyền kiểm soát mọi việc và tự soạn thảo luật an ninh quốc gia.
Đó là bối cảnh giải thích hành động không thể biện minh được của Bắc Kinh, hiển nhiên vi phạm điều 23 Luật Cơ Bản của Hồng Kông và cả điều 22 quy định giới hạn can thiệp của chính quyền trung ương, cụ thể là chỉ can thiệp trong hai lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng. Còn an ninh quốc gia lẽ ra là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Hồng Kông, chứ không phải của chính phủ trung ương.
RFI : Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho báo Les Echos, đăng ngày 28/5, ông có nói rằng « những ai cho đấy là sự chấm dứt nguyên tắc "Một quốc gia, hai thể chế" là chẳng hiểu rõ gì về thực tế nước Trung Quốc cộng sản ». Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về ý này ? Liệu sau khi thông qua luật, công dân Hồng Kông dù sao đi nữa có sẽ còn được hưởng một quyền tự do nhiều hơn so với công dân Trung Quốc ở lục địa ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Đương nhiên rồi. Tại một nước Trung Quốc cộng sản, có rất nhiều biện pháp hạn chế. Trước tiên là không có đa đảng mà chỉ có một đảng. Đó là một hệ thống chính trị độc đảng. Các cuộc bầu cử hoàn toàn do đảng Cộng sản chi phối, đấy không phải là một cuộc bầu cử thật sự vì cử tri chỉ có một chọn lựa.
Mạng Internet bị kiểm soát chặt chẽ bằng bức tường lửa Great Wall, cho phép chính phủ ngăn cấm một số trang mạng có thể truy cập được một số diễn đàn như Facebook, Twitter mà cư dân mạng Trung Quốc có thể sử dụng.
Hơn nữa đảng Cộng sản Trung Quốc hiện diện khắp mọi nơi, kiểm soát đến tận gốc rễ xã hội. Chúng ta thấy rõ điều này qua đợt khủng hoảng dịch tễ Covid-19. Chính các đảng viên của đảng tổ chức việc áp dụng lệnh phong tỏa.
Tình trạng này không tồn tại ở Hồng Kông hiện nay và cả trong tương lai. Đương nhiên, tôi nghĩ là sẽ có những biện pháp hạn chế hơn, áp đặt đối với một số nhà hoạt động, chẳng hạn, đối với những người mong muốn Hồng Kông độc lập; sẽ có những quy định hạn chế các hoạt động của Pháp Luân Công ; giáo phái này bị cấm tại Hoa lục, nhưng vẫn còn được phép hoạt động tại Hồng Kông. Cũng sẽ có những hạn chế đối với các cơ quan báo chí, truyền thông thường xuyên chỉ trích chính quyền Bắc Kinh, nhất là đối với tờ Apple Daily News và chủ bút là Lê Trí Anh (Jimmy Lai).
Tôi cho rằng đấy có thể sẽ là những đích ngắm chính của luật an ninh quốc gia. Luật này có thể dẫn đến việc xóa bỏ sự hình thành những tổ chức, như nhóm ủng hộ dân chủ Demosito, và có thể đi đến việc bắt giữ, hay truy tố các chính khách địa phương với cáo buộc gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Nhưng dẫu sao thì tình hình vẫn sẽ rất khác so với ở Hoa Lục.
RFI : Tình hình hiện nay ở Hồng Kông ít nhiều cũng phản ảnh rõ sự ngây thơ của phương Tây : Khi thiết lập Luật Cơ Bản năm 1990, một năm sau vụ trấn áp ở Thiên An Môn, người Anh đã không thể tính trước một cơ chế bổ sung để bảo vệ người dân Hồng Kông ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Đúng vậy. Đúng là có chút ngây thơ, hơi quá lạc quan. Bởi vì người ta nghĩ rằng, bất chấp sự kiện Thiên An Môn, chế độ sẽ dần mở cửa, tự do hóa, sẽ xích gần hơn với các chế độ dân chủ trên phương diện giá trị chính trị, tổ chức các định chế, chế độ dân chủ.
Giờ người ta thấy rõ là không đúng như thế. Nhất là vào năm 2012, Trung Quốc đã đi theo một hướng hoàn toàn ngược lại. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho quy chế của Hồng Kông. Làm thế nào Hồng Kông có thể tiếp tục quy chế này trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và phương Tây ? Chiến tranh hệ tư tưởng liên quan đến mô hình chính trị nào phải được chú trọng ? Rồi chiến tranh kinh tế và có cả chiến tranh địa chiến lược nữa, đối đầu giữa Trung Quốc với phương Tây, nhất là với Mỹ ?
Dĩ nhiên, trong bối cảnh này, thật là khó cho Hồng Kông vẫn là một chiếc cầu, chiếc gạch nối giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Đây thật sự là một câu hỏi cho tương lai. Liệu rằng Hồng Kông có thể tiếp tục là thị trường tài chính quốc tế như hiện nay, trong khi mà Bắc Kinh bắt đầu tìm cách gậm mòn dần các quyền tự do chính trị, các quyền tự do của công dân đang có hiện nay ?
RFI : Theo quan điểm của ông, liệu việc thông qua luật an ninh quốc gia cũng có thể còn là một lời cảnh cáo Trung Quốc dành cho Đài Loan hay không ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Cũng có thể lắm. Đây đúng hơn là một lời cảnh cáo răn đe. Bởi vì người ta thấy rõ là người dân Đài Loan ngày càng khó chấp nhận công thức « Một quốc gia, hai chế độ », do Bắc Kinh ngày càng can thiệp nhiều vào công việc nội bộ của đặc khu hành chính Hồng Kông, thậm chí còn nhiều hơn tại Macao. Người dân Đài Loan chống lại mọi ý định thông qua, hay mọi ý tưởng đưa một công thức như thế vào Đài Loan.
Tôi muốn nói thêm, ngoài điều đó ra, còn có một vấn đề chủ chốt khác khó thể vượt qua trong trường hợp Đài Loan. Cuộc xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc là cuộc xung đột về chủ quyền. Đài Loan mà tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, sẽ không bao giờ chấp nhận nằm dưới sự bảo hộ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, trừ phi có xung đột quân sự và Đài Loan bi thua.
Đài Bắc sẵn sàng bắt tay quan hệ với Bắc Kinh nhưng trên cơ sở bình đẳng và điều này không làm tổn hại đến chủ quyền của Đài Loan cũng như nền độc lập trên thực tế của hòn đảo. Do vậy, tôi nghĩ rằng công thức « Một quốc gia, hai chế độ » không thể áp dụng đối với Đài Loan.
RFI : Ngày 30/5/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế ưu đãi dành cho Hồng Kông. Đâu là những hậu quả kinh tế đối với đặc khu hành chính ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Thông báo của tổng thống Mỹ Donald Trump là hệ quả hợp lý của việc biến mất dần dần quyền tự chủ chính trị ở Hồng Kông. Hiện tại, người ta chưa biết chi tiết các lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump sẽ đưa ra.
Người ta cho rằng những biện pháp trừng phạt đó chủ yếu sẽ nhắm vào các quan chức chính trị, những người bị nghi ngờ, bị cáo buộc gây hại cho các quyền tự do của công dân và tự do chính trị tại Hồng Kông. Người ta cũng nghĩ rằng sẽ có những biện pháp hạn chế đối với một số người trong việc cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ. Người ta cũng cho rằng sẽ có nhiều biện pháp cấm mới, và có thể điều này làm cho Trung Quốc lo ngại hơn, đó là khống chế các xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng (quân sự và dân sự) của Mỹ sang Hồng Kông.
Mỹ có thể làm điều này cho dù Hồng Kông vẫn là một khu vực thuế quan rất khác biệt so với Trung Quốc, và còn có những chương trình hợp tác giữa hải quan Hồng Kông với FBI, chống việc chuyển giao bất hợp pháp các công nghệ cao cho Trung Quốc, chống hiện tượng hàng nhái, hay vi phạm bản quyền. Chương trình hợp tác giữa FBI và hải quan Hồng Kông có thể sẽ khó khăn hơn một khi luật an ninh được áp dụng.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc học, trường đại học Baptist Hồng Kông.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200604-hong-kong-trung-quoc-hoa-ky-luat-an-ninh
Geen opmerkingen:
Een reactie posten