EVFTA giúp hồi phục kinh tế Việt Nam hậu Covid-19
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Phần âm thanh 09:39
Quốc Hội Việt Nam sắp chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu EVFTA, một hiệp định được xem là sẽ góp phần giúp hồi phục nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19.
Với dân số hơn 500 triệu người, với GDP khoảng 15.000 tỷ đôla, chiếm 22% GDP toàn cầu, Liên Hiệp Châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Một khi EVFTA có hiệu lực, hơn 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Trong báo cáo được công bố ngày 19/05, Ngân hàng Thế giới ước tính chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ hiệp định EVFTA sẽ có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời thêm 100.000 - 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030.
Nhưng hiệp định EVFTA đã được phê chuẩn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và đặc biệt châu Âu vẫn là khu vực có số ca nhiễm cao nhất thế giới. Dịch bệnh dĩ nhiên sẽ gây khó khăn trong ngắn hạn cho việc thực thi hiệp định EVFTA, nhưng sẽ tạo cơ hội lâu dài cho trao đổi thương mại giữa hai bên, nhờ xu hướng của các nước Âu Mỹ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, như nhận định chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Hà Nội ngày 21/05 vừa qua :
Phạm Chi Lan :Dịch bệnh chắc chắn là có tác động, bởi vì nhu cầu tiêu dùng giảm trên một loạt các sản phẩm, rồi nguồn cung cũng bị đứt gẫy, khả năng tài chính về đầu tư của các doanh nghiệp bị hạn chế đi. Tuy nhiên, tôi nghĩ là hiện tượng này sẽ chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định, chứ không lâu dài, bởi vì, về cơ bản, Liên Hiệp Châu Âu vẫn là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Cho nên, (hai bên) sẽ dần dần qua được thách thức lần này và điều chỉnh lại.
Khi đã điều chỉnh lại được tốt, thì tôi tin là sức bật mới sẽ còn lớn hơn, ví dụ như khi bớt được sự lệ thuộc vào Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu điều chỉnh lại một phần chuỗi cung ứng của mình, chuyển một phần sang các nước như Việt Nam, thì có thể là chuỗi cung ứng mới sẽ bền vững hơn, tạo được giá trị tốt hơn, tạo được những liên kết vững chắc, tin cậy lẫn nhau hơn, giữa các thành viên mới trong chuỗi cung ứng đó, từ đó làm cơ sở để bật lên tốt hơn. Cho nên, thách thức là rất lớn, nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy ở đấy một tương lai tốt hơn.
Châu Âu cũng sẽ dần dần ổn định thôi. Vả lại Việt Nam hiện nay xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu là những mặt hàng giá rẻ, mang tính chất gia công. Trên cơ sở đó, nói thật là thu nhập của Việt Nam không có bao nhiêu, giá trị gia tăng qua các xuất khẩu đó không nhiều. Nên chăng là cùng nhau tìm kiếm những cơ hội mới, trong đó lượng xuất khẩu không nhiều, chẳng hạn như giày dép, hàng may mặc ít đi, nhưng sẽ có những mặt hàng khác có giá trị gia tăng cao hơn, thì về lâu dài sẽ tốt hơn cho Việt Nam.
RFI : Như vậy, theo bà thì EVFTA sẽ là một đòn bẩy thúc đẩy Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến tới một mức phát triển cao hơn ?
Phạm Chi Lan : Đúng vậy, đây là một sức ép, một thách thức, chẳng hạn như về xuất xứ hàng hóa, Liên Âu quy định rằng hàng xuất khẩu chỉ được hưởng những lợi ích về thuế khi bảo đảm được giá trị nội địa, giá trị cộng gộp nội khối là bao nhiêu, là 30 hay 40%. Đó là sức ép, là thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội, là động lực để thay đổi. Nếu như (hàng xuất khẩu) có giá trị nội địa hay cộng gộp nội khối, thì lợi ích thật sự mới rơi vào tay doanh nghiệp Việt Nam hoặc là doanh nghiệp Liên Hiệp Châu Âu, chứ nếu không thì những bên cung cấp phụ trợ như Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn chính những doanh nghiệp đã phải chịu sức ép về mở cửa thị trường.
Cơ hội thoát Trung
RFI : Như vậy, theo bà thì dịch Covid-19 tuy có gây khó khăn ban đầu, nhưng về lâu dài cũng là cơ hội tốt, bởi vì hiện nay thế giới đều thấy rằng các nước phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, cho nên phải điều chỉnh lại hướng sản xuất và điều này là sẽ có lợi cho những nước như Việt Nam ?
Phạm Chi Lan : Tôi nhấn mạnh lại là không chỉ có lợi cho những nước như Việt Nam, mà có lợi cho chính các nước Liên Hiệp Châu Âu, hoặc Hoa Kỳ hay Nhật Bản, khi họ điều chỉnh lại, bởi vì sự lệ thuộc quá nhiều vào một nước nào đều không tốt. Bài học này thì rất cay đắng đối với Việt Nam rồi, kể cả các sản phẩm tiêu dùng trong nội địa. Nhiều khi hàng rẻ của Trung Quốc làm cho các doanh nghiệp Việt Nam không còn cơ hội phát triển được nữa.
Đối với Liên Hiệp Châu Âu cũng tương tự như vậy. Hiện nay, các nước trong khối này cũng cần cấu trúc lại kinh tế của mình, cần tạo công ăn việc làm mới cho người dân. Ai cũng thấy rõ là một xã hội không thể chỉ có những người giàu, không thể chỉ có những doanh nghiệp thật lớn, mà rất cần những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người tạo công ăn việc làm cho xã hội. Bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc đi thì sẽ tăng thêm cơ hội cho người bản xứ. Như sự cay đắng ở Ý chẳng hạn, khi để cho ngành may mặc rơi vào tay Trung Quốc quá nhiều, thì những thương hiệu của Ý bán với giá Ý, nhưng tất cả những lợi ích đều rơi vào tay người Trung Quốc.
Tôi tin là hiệp định này sẽ mang lại những cơ hội mới cho cả Việt Nam lẫn Liên Hiệp Châu Âu để cùng nhau nâng sự phát triển lên một thời kỳ mới. Điều này chắc chắn mang lại lợi ích rất lớn cho Việt Nam, khi Việt Nam đang rất muốn chuyển giai đoạn phát triển của mình, thoát ra khỏi tình trạng gia công như lâu nay, kể cả đối với đầu tư nước ngoài chủ yếu cũng là gia công, dựa trên lao động giá rẻ, công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp.
Việt Nam đang rất muốn vượt lên trong chuỗi giá trị, sử dụng lao động có chất lượng cao hơn, kỹ năng cao hơn, mang lại giá trị cao hơn cho nền kinh tế. Mặt khác, Việt Nam cũng đang rất muốn thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc, bởi vì ngoài những nhân tố như các nước khác, bị đứt gãy về chuỗi cung ứng, Việt Nam còn đang bị những thách thức rất lớn về an ninh quốc phòng, với những hành động gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong tình hình đó, Việt Nam muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc càng nhanh càng tốt. Nhưng muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, thì rất cần những đối tác lớn mạnh của Việt Nam như Liên Hiệp Châu Âu, hoặc Hoa Kỳ, hoặc Nhật Bản tham gia nhiều hơn nữa.
Việt Nam cần nâng cao năng lực thực thi EVFTA
Trong báo cáo được công bố ngày 19/05, Ngân hàng Thế giới cũng nhận định là những lợi ích từ hiệp định EVFTA là « cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc quốc gia ứng phó với đại dịch Covid-19 ». Nhưng định chế tài chính quốc tế này nhấn mạnh rằng Việt Nam « cần hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực thực thi để gặt hái đầy đủ lợi ích của hiệp định EVFTA ».
Cụ thể, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần nâng cao năng lực thực thi ba vấn đề chính: các quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cây trồng và vật nuôi và cơ chế xử lý tranh chấp giữa nhà nước - nhà đầu tư. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng lợi ích từ việc tham gia những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ còn lớn hơn nữa nếu Việt Nam thực hiện nghị trình cải cách kinh tế và thể chế toàn diện.
Theo lời ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, « nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại này, với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử ». Ông Ousmane Dione cũng cho rằng, « với COVID-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc, đây là thời điểm hoàn hảo để theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn. »
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua. Ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu của Liên Hiệp Châu Âu chưa chắc đã công nhận nguồn gốc đó, vì sản phẩm của Việt Nam nói chung còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Báo cáo chỉ ra rằng trong các ngành chế tạo chế biến xuất khẩu chủ chốt, phần lớn đầu vào vẫn nhập khẩu từ các quốc gia khác (chẳng hạn 62% trong lĩnh vực điện tử và 53% trong lĩnh vực xe hơi).
Đồng thời, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chặt chẽ của châu Âu đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện các biện pháp vệ sinh dịch tễ một cách minh bạch và nhất quán hơn.
Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới, với việc EVFTA được phê chuẩn, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng lên, số lượng đơn thư khiếu nại thương mại cũng sẽ tăng theo. Định chế tài chính quốc tế này khuyến nghị Việt Nam nên đẩy nhanh việc hình thành Cơ chế Xử lý Khiếu nại Đầu tư Một cách Hệ thống để xử lý tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư. Cuối cùng, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị là, để tối đa hóa lợi ích của EVFTA, các chính sách hỗ trợ khôi phục kinh tế sau Covid-19 cần ưu tiên các ngành hàng chủ chốt chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu.
http://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20200601-evfta-giúp-hồi-phục-kinh-tế-việt-nam-hậu-covid-19
Geen opmerkingen:
Een reactie posten