Chloroquine: “Thần dược” trị Covid-19?
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Phần âm thanh 08:47
Dịch virus corona chủng mới tiếp tục lan rộng trên khắp hành tinh cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng và làm hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh. Hơn 1/3 dân số thế giới phải « tự giam lỏng » trong nhà để kềm hãm đà lây lan dịch bệnh. Trong hành trình tìm kiếm một « thần dược » để trị virus corona mới này, một loại thuốc đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt : Sử dụng các loại thuốc có chứa Chloroquine.
Được chiết xuất từ vỏ cây Chinchona ofcinalis ở Peru, chloroquine xuất hiện trên thị trường dược phẩm của Pháp từ năm 1949 dưới tên gọi Nivaquine, sau này là Plaquenil do hãng dược Sanofi bào chế. Thế nhưng, tranh luận bùng nổ khi giáo sư Didier Raoult, lãnh đạo Viện Nhiễm trùng học Địa Trung Hải ở Marseille, dựa vào các nghiên cứu của Trung Quốc và một số thử nghiệm lâm sàng tại viện của ông, khẳng định rằng chloroquine có thể chữa trị bệnh nhiễm virus corona. Vị bác sĩ có uy tín tại Pháp cũng như trên thế giới còn đi xa hơn khi đề xuất cho sử dụng đại trà trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus này.
Tuyên bố này của ông đã gây chia rẽ giới khoa học phương Tây. Một số bệnh viện Pháp cho rằng sẽ sử dụng thuốc này nhưng số khác thì tỏ ra dè dặt, vì nghiên cứu chỉ mới thực hiện trên một số ít nạn nhân (trên thực tế là 24 người), do vậy khó đánh giá được hiệu quả thật sự của thuốc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình cấp bách, Hội đồng cấp cao y tế công cộng khuyến nghị chỉ nên dùng chloroquine đối với những ca nghiêm trọng, trong khi chờ đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng tại châu Âu với sự tham gia của 8 nước. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo cẩn trọng trước một « hy vọng giả tạo », trong khi tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hồ hởi, tuyên bố có thể cho sử dụng chloroquine để trị virus corona, bất chấp thái độ dè dặt của giới chức y tế Mỹ.
Vì sao chloroquine lại làm dấy lên nhiều tranh luận như vậy ? Vậy chloroquine là thuốc gì ? Tác dụng thật sự của thuốc ra sao trong việc điều trị virus corona mới ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh.
*****
RFI : Kính chào bác sĩ Trương Hữu Khanh. Trước hết, bác sĩ có thể cho biết tác dụng thật sự của chloroquine là gì ?
BS. Trương Hữu Khanh: « Thật ra thuốc chloroquine này là một loại thuốc kinh điển, trong ngành y khoa đã dùng từ lâu. Đó là một loại thuốc để điều trị bệnh sốt rét, vốn là một loại ký sinh trùng có thể lây trung gian từ muỗi qua người. Bên cạnh đó, chloroquine còn được dùng để trị một số bệnh lý mãn tính về khớp, miễn dịch như là virus. Đó không phải là một thuốc gì lạ trong ngành y khoa cả. »
RFI : Có ý kiến cho rằng chloroquine có thể dùng để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thực hư thế nào ?
« Chloroquine từng được sử dụng trong điều trị nhiễm virus hồi đợt dịch SARS năm 2003. Nhưng rất tiếc là sau đó SARS tự tiêu đi. Khi đó, người ta đã dùng chloroquine, bỏ vào trong tế bào thì thấy là ức chế được con virus nhóm SARS. Sau đó thì người ta cũng dùng chloroquine này thử nghiệm trên loài linh trưởng thì cũng cho thấy có tác dụng.
Tuy nhiên, đối với khoa học, việc muốn chứng minh có tác dụng trên người đòi hỏi một thời gian. Với tình trạng bệnh nhiều như hiện nay, thì các nhà y khoa phải lục lại tất cả các thuốc trong quá khứ, hoặc là các thử nghiệm một số bệnh khác để ứng dụng cho SARS-Cov-2, gọi là Covid-19, điều đó là không quá ngạc nhiên. Đó chính là vai trò của người làm công tác điều trị, các nhà khoa học bắt buộc phải làm như vậy.
Thế nhưng, để đánh giá mức độ có tác dụng thật sự hay không đòi hỏi phải có thời gian. Đôi khi, vào cuối sau trận dịch, người ta ngồi tổng kết lại với nhau thì mới biết được ‘‘ ah, cái này có tác dụng thật sự’’ hay là không có tác dụng. Nếu chỉ có một vài ca nghiên cứu chưa có kết luận một cách chắc chắn. Điều này cũng tương tự như các loại thuốc khác, cho nên việc áp dụng điều trị chỉ nên sử dụng ở trong bệnh viện và do các nhà nghiên cứu thực hiện, không nên sử dụng ở bên ngoài. »
RFI : Như vậy theo như bác sĩ nói, người dân không nên tự ý đi mua hay trữ thuốc chloroquine ở nhà nếu cảm thấy có những triệu chứng bị nhiễm Covid-19 ?
« Đúng vậy. Chúng ta biết là một loại thuốc, nhất là chloroquine này, liều điều trị và liều độc tính gây tử vong rất là gần nhau, đòi hỏi phải chính xác và đúng nữa. Nếu chúng ta tự mua thuốc để dành rồi tự uống thì rất nguy hiểm.
Có hai điểm chúng ta phải chú ý. Thứ nhất là nếu chúng ta bị sốt, rồi uống vô mà chúng ta không chắc hẳn là bị SARS-Cov 2 này, nếu chúng ta uống vô mà không cẩn thận liều, thứ nhất là không có tác dụng và thứ hai là nguy hiểm.
Điểm thứ hai là có nhiều người uống để ngừa, không có virus tấn công, thì mình cũng không biết được là ngừa đến chừng nào. Bởi vì mình có thể bị virus tấn công bất cứ lúc nào vì nếu mình không có một phương pháp sinh hoạt để ngừa virus. Bởi vì nếu mình uống thuốc ngừa thì phải uống hoài. Mà uống hoài như vậy sẽ ảnh hưởng đến gan thận. Đến một lúc nào đó uống sai, thì có khả năng sẽ bị ngộ độc.
Thứ ba nữa là nếu mình để thuốc này trong nhà, mình giữ, có khả năng những người nào đó trong cùng gia đình bị bệnh lú lẫn chẳng hạn, họ uống sai mà nhất là trẻ con thì khả năng tử vong rất là cao. Do vậy, nếu có nghe nói chloroquine có khả năng điều trị Covid-19, thì đương nhiên điều này có lẽ là đáng mừng nhưng tất cả những điều đó nên dành cho người điều trị làm, bác sĩ trực tiếp điều trị ca bệnh làm. Bởi vì nên biết là đa số những người bị bệnh Covid-19 là tự khỏi, cho nên để kết luận xem là chloroquine có tác dụng đòi hỏi phải có một thời gian nhất định ».
RFI : Phải chăng Việt Nam cấm bán chloroquine ? Vì sao ?
« Thật ra chloroquine lúc trước đưa vô không được bán nhiều cho một ai đó, bởi vì đây là loại thuốc họ dùng để tự tử. Hiện nay do những lời đồn như thế thì có một số người săn thuốc đó để ở nhà ».
RFI : Trong tình hình khủng hoảng dịch bệnh hiện nay, bác sĩ có thể cho biết trên thế giới hiện nay có bao nhiêu phác đồ điều trị Covid-19 ?
« Thật ra khi gặp một ca viêm phổi siêu vi, chúng ta phải hiểu là đa số các siêu vi chúng ta không có thuốc điều trị đặc hiệu, cho nên phác đồ điều trị chuẩn của viêm phổi siêu vi chung cũng như là cho Covid-19 không hề khác nhau. Nghĩa là chúng ta sẽ điều trị triệu chứng. Nếu mà có suy hô hấp, chúng ta sẽ can thiệp suy hô hấp đó cho tới mức độ cao nhất là thở máy. Và nếu có những rối loạn về chức năng của các cơ quan khác thì điều trị chỉnh các chức năng đó lại và chờ cho cơ thể tự hồi phục và đẩy con virus ra khỏi cơ thể.
Còn lại có những phác đồ điều trị mà chúng ta có thể thấy sử dụng thuốc chloroquine hay là những thuốc mới như Remdesivir… Những kháng sinh đó thật sự ra chỉ là trong vòng nghiên cứu thôi và khác biệt của kháng sinh có mục tiêu là để điều trị bội nhiễm. Chúng ta biết là khi nó bội nhiễm, vi khuẩn và nhất là vi khuẩn trong bệnh viện có thể gây tử vong rất là cao do tính kháng thuốc cao. Thật ra không có một phác đồ điều trị nào khác được với nhiễm khuẩn siêu vi, bởi vì hiện nay, thuốc điều trị đặc hiệu của Covid-19, điều trị đúng vào con virus đó hiện nay vẫn còn nghiên cứu. »
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
http://www.rfi.fr/vi/tổng-hợp/20200326-chloroquine-quốc-tế-dịch-bệnh-covid19
Geen opmerkingen:
Een reactie posten