maandag 23 maart 2020

Tại sao phim, nhạc Nam Hàn chinh phục cả thế giới?

Tại sao phim, nhạc Nam Hàn chinh phục cả thế giới?

WESTMINSTER, California (NV) – Làn sóng văn hóa đại chúng của Nam Hàn (K-pop) tràn ngập khắp thế giới không phải là ngẫu nhiên. Đây là kế hoạch có tính toán kỹ lưỡng của chính phủ nước này, theo phóng viên Christine Ro của đài BBC. K-pop còn xâm nhập được cả quốc gia “khét tiếng kín cửa”: Bắc Hàn.
Geum Hyok Kim rất mê xem phim Nam Hàn, nhất là những phim cổ trang như “Dae Jang Geum.” Trước đây, ngày nào anh cũng xem. Ngoài ra, anh cũng thường xem video ca nhạc của các nhóm nhạc pop Nam Hàn như Girls’ Generation.
Nếu như ở những nước khác, sở thích này là bình thường, thì ở đất nước của Kim, đây là bất hợp pháp. Kim là dân Bình Nhưỡng, Bắc Hàn, nơi mà ai bị bắt đang xem hoặc buôn lậu băng đĩa nhạc, phim ngoại quốc thì có thể bị đưa đi trại cải tạo lao động, hoặc nặng hơn, là xử tử công khai.
Trường hợp của Kim là một trong rất nhiều bằng chứng cho thấy văn hóa Nam Hàn đã thực sự lan tỏa khắp thế giới.
Girls Generation là nhóm nhạc nữ Châu Á đầu tiên có năm video đạt hơn 100 triệu lượt xem trên YouTube. (Hình: Chung Sung-Jun/Getty Images)
Văn hóa Nam Hàn chinh phục cả thế giới
Chỉ trong vài chục năm, văn hóa Nam Hàn chinh phục cả thế giới. Kể từ khi nước này dân chủ hóa vào cuối những năm 1980, thì tất cả những việc như nới lỏng kiểm duyệt, giảm bớt hạn chế đi lại, và nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế đều góp phần giúp văn hóa Nam Hàn trở nên phổ biến toàn cầu. Chuyện này xảy ra không hề ngẫu nhiên.
Từ lâu, “hallyu,” nghĩa là “làn sóng Nam Hàn” về văn hóa, là công cụ xây dựng sức mạnh mềm (soft power) của chính phủ nước này. Không chỉ có Nam Hàn, nhiều quốc gia khác cũng đầu tư thành lập hội đồng văn hóa và các viện trao đổi văn hóa một phần là nhằm thực hiện những mục tiêu ngoại giao. Nhưng nỗ lực xây dựng sức mạnh văn hóa của chính phủ Nam Hàn đã gặt hái thành công nhanh đáng nể.
Có thể nói, Nam Hàn tham gia nền văn hóa đại chúng hiện đại từ mấy chục năm trước. Chẳng hạn, năm 1959, nhóm tam ca Chị Em Nhà Kim đến diễn lần đầu tiên ở Las Vegas, Nevada, và quay lại đây diễn nhiều lần nữa sau đó. Nhóm cũng từng xuất hiện 22 lần trong “The Ed Sullivan Show,” chương trình truyền hình tạp kỹ nổi tiếng trên đài CBS của Mỹ. Chị Em Nhà Kim được xem là “đại sứ văn hóa” của Nam Hàn và “những ngôi sao K-pop đầu tiên ở Mỹ.”
Nhưng “hallyu” chỉ mới thực sự bắt đầu sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á cuối những năm 1990. Theo quyển sách mới, tựa đề “Ảnh Hưởng của Văn Hóa Đại Chúng Nam Hàn với Bắc Hàn,” chính phủ Nam Hàn “lấy mục tiêu xuất cảng văn hóa truyền thông đại chúng làm công cụ phát triển kinh tế, một trong những nguồn doanh thu từ nước ngoài mang tính sống còn, giúp nền kinh tế tồn tại và phát triển.”
Nhóm tam ca Chị Em Nhà Kim rất “ăn khách” ở Mỹ đầu những năm 1960. Trong hình, ba chị em đứng cùng danh ca Dean Martin. (Hình: en.wikipedia.org)
Năm 1998, ông Kim Dae-jung, người tự nhận mình là “Tổng Thống Văn Hóa,” tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nam Hàn. Chính quyền của ông bắt đầu nới lỏng lệnh cấm sản phẩm văn hóa nhập cảng từ Nhật, mà Nam Hàn ban hành trước đó để trả đũa chuyện Nhật đô hộ Nam Hàn nửa đầu thế kỷ 20. Đầu tiên, truyện tranh “manga” được cấp phép trở lại. Năm sau, chính phủ đưa ra Luật Cơ Bản về Quảng Bá Kỹ Nghệ Văn Hóa, đồng thời, chi $148.5 triệu cho kế hoạch này.
Về âm nhạc, nhiều nhóm nhạc pop Nam Hàn nở rộ trong nước vào đầu những năm 1990. Nhóm Seo Taiji & Boys ra mắt khán giả lần đầu tiên trong chương trình tìm kiếm tài năng Nam Hàn năm 1992. Đây có thể được coi là sự khởi đầu của nền K-pop hiện đại, vì nhóm này kèm tiếng Anh vào lời bài hát và nhảy hip hop. Đến giữa những năm 1990, làn sóng K-pop đã lan tỏa khắp Nam Hàn.
Tuy nhiên, chính phủ muốn đưa văn hóa nước này ra khắp thế giới – và mọi chuyện bắt đầu từ cái mà họ không ngờ tới. Đó là phim truyền hình nhiều tập, còn gọi là K-drama. Ban đầu, loại phim này chỉ dành cho khán giả trong nước, nhưng sau đó, bất ngờ “hớp hồn” người xem ở nhiều quốc gia Châu Á và xa hơn nữa. Năm 2002, bộ phim “Bản Tình Ca Mùa Đông” trở thành hiện tượng toàn cầu, một phần là nhờ chính phủ Nam Hàn đạt được thỏa thuận với các đài truyền hình ở những điểm chiến lược, như Iraq và Ai Cập, chiếu bộ phim này để người dân ở đó có thêm cảm tình với Nam Hàn.
Thành công của K-drama ở hải ngoại giúp Nam Hàn nghĩ đến việc tính toán kỹ lưỡng để đưa K-pop ra thế giới. Vậy là hệ thống đào tạo ngôi sao K-pop ra đời, trong đó, người ta tuyển ca sĩ, huấn luyện nhiều năm trời, rồi cho đi diễn có tính toán cẩn thận. Phương pháp này đã đem lại thành công vang dội, nhiều nhóm K-pop bắt đầu nổi tiếng ngoài nước, như EXO. Nhóm nhạc nam này lên truyền hình lần đầu tiên năm 2011. EXO được đào tạo là nhóm Hàn-Trung, hát được cả tiếng Hàn lẫn tiếng Trung Quốc và trình diễn ở cả hai nước. Một năm sau, video ca nhạc “Gangnam Style” của nghệ sĩ Nam Hàn Psy trở thành video đầu tiên đạt một tỷ lượt xem trên YouTube (và còn khiến cả thế giới “điên cuồng” với điệu nhảy ngựa). Ông Ban Ki-moon, vị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc người Nam Hàn thời đó, hết lời ca ngợi “Gangnam Style,” xem đây là con đường dẫn đến sự hiểu biết văn hóa.
Seo Taiji & Boys được xem là nhóm mở đầu nền K-pop hiện đại. (Hình: en.wikipedia.org)
Theo Liên Đoàn Kỹ Nghệ Ghi Âm Quốc Tế (IFPI), boy-band BTS của Nam Hàn là nhóm kiếm tiền nhiều thứ hai thế giới năm 2018, và là nghệ sĩ duy nhất không hát tiếng Anh lọt vào bảng xếp hạng này. Tính đến năm 2019, BTS chiếm $4.65 tỷ trong GDP của Nam Hàn, và là nhóm nhạc Châu Á đầu tiên vượt qua mức năm tỷ lượt nghe trên Spotify.
Nước này cũng đạt thành công trong lĩnh vực điện ảnh. Đặc biệt, năm nay, bộ phim “Parasite” của đạo diễn Nam Hàn Bong Joon-ho trở thành phim đầu tiên không nói tiếng Anh giành giải Phim Hay Nhất ở lễ trao giải Oscar của Mỹ, và đến nay, đã thu được hơn $50 triệu tiền vé tại các rạp chiếu phim ở Mỹ.
Điện ảnh, truyền hình, âm nhạc Nam Hàn được ưa chuộng nhiều đến mức các lĩnh vực khác cũng được “ăn theo,” như du lịch, ẩm thực, dạy và học tiếng Hàn. Xuất cảng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da cũng tăng vọt. Năm 2015, Nam Hàn xuất cảng đến $2.64 tỷ mỹ phẩm. Và năm 2017, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-In công bố mục tiêu đưa điện ảnh, truyền hình và âm nhạc của nước này đến 100 triệu người trong vòng năm năm.
Với thế giới thì như vậy, còn với người anh em Bắc Hàn thì sao?
“Bản Tình Ca Mùa Đông,” bộ phim lấy nước mắt của biết bao khán giả khắp thế giới. (Hình: themoviedb.org)
Từ “làn sóng Nam Hàn” đến “làn gió phương Nam”
Bắc Hàn xem “hallyu” là thứ “vũ khí văn hóa” mà họ gọi là “nampung,” nghĩa là “làn gió Phương Nam.” Vì Bắc Hàn hầu như đóng cửa với thế giới, nên thông tin về văn hóa Nam Hàn ở Bắc Hàn chủ yếu là từ những người đào tị khỏi nước này, trong số đó có Geum Hyok Kim. Nhờ gia đình thuộc tầng lớp cao cấp, được hưởng một số đặc quyền nhất định, nên Kim được phép tiếp cận văn hóa ngoại quốc. Hồi anh còn học chuyên ngành Anh Ngữ ở đại học, các giáo sư của anh thường chiếu những bộ phim “bom tấn” của Hollywood trong lớp, như “Top Gun” và “Armageddon.”
Về phần mình, Kim thường cho bạn bè “xem ké” phim Nam Hàn. Có lúc, chuyện này khiến anh gặp rắc rối. Năm 15 tuổi, Kim bị thẩm vấn hai lần về tội “tàng trữ văn hóa ngoại quốc.” Cha anh phải chi tiền hối lộ các giới chức để cứu anh khỏi bị trừng phạt. “Văn hóa làm người ta can đảm,” anh nhớ lại. “Văn hóa cũng làm người ta tò mò về sự khác biệt giữa nước họ với nước khác, chẳng hạn như ở Bắc Hàn. Vậy là người dân bắt đầu không tin những gì chính quyền nói nữa,” Kim giải thích.
Boy-band EXO hát nhiều thứ tiếng, và được tôn vinh là “Những ông vua K-pop.” (Hình: Chung Sung-Jun/Getty Images)
Và một điều quan trọng, Kim được cho du học ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Bạn bè chung lớp của anh đều từ nhiều nước khác nhau đến. Họ thường cho anh xem phim tài liệu, sách vở về Bắc Hàn. Kim sửng sốt. “Giống như có vụ nổ big bang trong đầu tôi vậy,” anh kể. “Lúc đó tôi mới thấy những gì mình biết về Bắc Hàn là hoàn toàn dối trá.” Cuối cùng, Kim đành quyết định đào tị, mặc dù anh biết làm như vậy là coi như không những cắt đứt với gia đình mà còn khiến gia đình gặp nguy hiểm.
Xem phim lén lút kiểu như Kim là con đường chính để văn hóa Nam Hàn cũng như phương Tây xâm nhập Bắc Hàn. Nạn đói kinh hoàng ở nước này những năm 1990, năm Kim còn nhỏ, khiến người dân bớt tin tưởng chính quyền. Trong lúc tuyệt vọng, dân Bắc Hàn phải tìm đường buôn lậu để kiếm tiền mua thức ăn. Vậy là các mạng lưới buôn lậu quốc tế tuồn vô Bắc Hàn những món mà người dân có thể bán kiếm sống. Trong số đó có ổ USB chứa phim ảnh Nam Hàn, mà nếu bán được là đủ tiền chợ một tháng.
Hiện nay, vì Bắc Hàn có quan hệ thân thiết với Trung Quốc, nên nếu bị bắt gặp xem phim Trung Quốc thì cũng ít nghiêm trọng hơn bị bắt gặp đang xem boy-band BTS, chẳng hạn. Vậy mà dân Bắc Hàn vẫn cứ xem phim ảnh ngoại quốc ầm ầm. Có người kéo rèm cửa lại để xem hoặc giảm “volume” một bên tai nghe để coi chừng lỡ có người đi kiểm tra.
Văn hóa Nam Hàn xâm nhập Bắc Hàn cũng nhờ có công nghệ hiện đại. Những gia đình giàu có sắm được năng lượng mặt trời, giúp họ xem phim ảnh ngoại quốc liên tục, không bị gián đoạn do cúp điện, vốn là chuyện thường ở nước này. Một số ít người may mắn thì có điện thoại di động. Mặc dù chính quyền Bắc Hàn cấm phát sóng chương trình ngoại quốc trong nước, nhưng có người vẫn thưởng thức được, nhất là ở những vùng biên giới. Và ổ USB ngày càng trở nên phổ biến ở nước này, vì dễ buôn lậu hơn những sản phẩm kỹ thuật số khác như DVD.
Kể từ khi phát hành năm 2013 đến nay, “Gangnam Style” thu hút 3.5 tỷ lượt xem trên YouTube. (Hình: Ozan Kose/AFP via Getty Images)
“Làn gió phương Nam” đã tạo ra một số ảnh hưởng bất ngờ, chẳng hạn như với ngôn ngữ. Dân Bắc Hàn nào mà hay xem phim Nam Hàn thì giờ cũng xài tiếng lóng và giọng nói như diễn viên Nam Hàn. Một số lễ cưới ở Bắc Hàn bây giờ có hai phần: phần đầu chơi nhạc đã được chính phủ “duyệt,” phần sau bí mật đưa vào những nghi thức giống trong phim Nam Hàn. Kiểu trang điểm và thời trang Nam Hàn rất được dân Bắc Hàn ưa chuộng dù chính quyền chỉ cho phép để vài kiểu tóc và mặc vài kiểu quần áo nhất định. Nhưng quy định này gần đây dường như cũng trở nên lỏng lẻo, một phần là do ảnh hưởng của vợ Chủ Tịch Kim Jong-Un là bà Lee Seol-Ju, một người rất mê thời trang.
Văn hóa đại chúng làm mở mang trí óc
Phim ảnh, âm nhạc phương Tây cũng rất được yêu thích ở Bắc Hàn. Cũng như K-pop, những người đào tị cho biết những bộ phim như “Titanic,” và những ban nhạc như Westlife ngày càng giúp họ hiểu biết những điều mà chính quyền không nói cho họ biết. Thưởng thức văn hóa ngoại quốc dường như tác động đến lòng trung thành của dân Bắc Hàn đối với đất nước. Hầu hết những người Bắc Hàn đào tị gần đây đều nói là do bị phim ảnh hoặc âm nhạc Nam Hàn ảnh hưởng. Nhưng khi đến Nam Hàn, họ có thể “vỡ mộng” vì nhận thấy không phải ai cũng giàu có và không có lo toan. Vai trò nam, nữ trong xã hội Nam Hàn rất khác với Bắc Hàn cũng là chuyện phải mất thời gian để làm quen. Thời gian qua, dân Bắc Hàn đào tị gặp rất nhiều khó khăn hòa nhập với xã hội Nam Hàn. Tỷ lệ tự tử ở Nam Hàn đã cao, mà với dân đào tị, thì còn cao hơn gấp ba lần. Có người đành phải quay lại Bắc Hàn.
BTS là ban nhạc đầu tiên sau The Beatles có ba album đứng đầu các bảng xếp hạng ở Mỹ trong chưa đầy một năm. (Hình: Kevin Winter/Getty Images for iHeartMedia)
Ảnh hưởng của văn hóa, nhìn chung, vẫn còn hạn chế. Việc dân Bắc Hàn xem phim ảnh ngoại quốc “chỉ chứng tỏ họ bất mãn chính trị, nhưng chưa đến mức chuyển thành sự phản đối chính trị công khai,” bà Sunny Yoon, giáo sư ngành truyền thông Đại Học Hanyang ở Seoul, nhận xét. Bài hát, truyện tranh, chương trình truyền hình và phim ảnh chỉ giúp mở rộng kiến thức chứ không tạo ra thay đổi về chính quyền.
Như anh Kim nói, “trong phim ảnh, chúng ta có thể nhìn thấy những xã hội rất khác. Nhưng cũng có hạn chế. Chẳng ai nói đến dân chủ trong phim. Lúc nào cũng là chuyện yêu đương.” Nhưng phim ảnh cũng có vai trò rất quan trọng. “Văn hóa tuy mềm, nhẹ, nhưng có sức mạnh truyền thông tin đến mọi người,” Kim, hiện là sinh viên ngành chính trị và quan hệ quốc tế ở Seoul, nhấn mạnh. “Tôi tin vào sức mạnh của văn hóa.” (Thanh Long)
https://www.nguoi-viet.com/giai-tri/phim-anh-va-am-nhac/tai-sao-phim-nhac-nam-han-chinh-phuc-ca-the-gioi/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten