zaterdag 3 november 2018

Thủ tướng Pháp Édouard Philippe thăm... Điện Biên Phủ với tinh thần hòa giải, sau khi ký kết 10 tỉ euro hợp đồng thương mại với Việt Nam [... Hãng hàng không "bikini" VietJet Air... dám đặt mua 30 máy bay Airbus với giá 5,7 tỷ Euro]


Thủ tướng Pháp thăm Điện Biên Phủ


media Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm chiến sĩ Pháp tại Điện Biên Phủ, ngày 03/11/2018. AFP
Hai mươi lăm năm sau chuyến viếng thăm của tổng thống François Mitterrand, hôm nay 03/11/2018 thủ tướng Pháp Édouard Philippe đã đến thăm chiến trường xưa ở Điện Biên Phủ. Ông tuyên bố cần nhìn lại quá khứ chung giữa Pháp và Việt Nam với tinh thần hòa giải.

Thủ tướng Pháp đã đến thăm các ngọn đồi Gabrielle (phía Việt Nam gọi là Độc Lập), Béatrice (Him Lam), Eliane…và hầm chỉ huy của tướng Christian De Castries. Ông đặt vòng hoa tại cả hai đài tưởng niệm chiến sĩ Pháp và Việt Nam, để tưởng nhớ 13.000 người lính của cả hai bên đã ngã xuống trong trận đánh kéo dài 56 ngày đêm. Sự kiện tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị thất thủ vào ngày 07/05/1954 đã chấm dứt sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương.
Thủ tướng Pháp vinh danh những quân nhân Pháp đã tử trận, và trước đó tại Hà Nội, ông cũng ca ngợi « những người lính Việt Nam đã chiến đấu cho nền độc lập ».
Đây là lần thứ hai một nhà lãnh đạo Pháp đến thăm vùng lòng chảo Điện Biên Phủ nổi tiếng. Trước một số lời chỉ trích về việc đi thăm địa điểm mà quân đội Pháp bị thất trận, thủ tướng Edouard Philippe cho biết ông chỉ « ngạc nhiên vì sao trước đó ít ai làm điều này ».
Thủ tướng Philippe tuyên bố : « Việt Nam luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong tâm tưởng người Pháp. Bởi vì chúng ta có một lịch sử chung, vừa vinh quang vừa bi thảm. Bởi vì trong rất nhiều gia đình người Pháp, người ta vẫn nhớ lại về một thời kỳ, về mối quan hệ hết sức gần gũi và mãnh liệt ».
Năm 1993, một tấm đan đơn sơ - được chính quyền Việt Nam dựng lên làm bia tưởng niệm lính Pháp, theo hiệp định Genève - đã bị sụp đổ. Một năm sau, Rolf Rodel, một cựu lính lê dương người Đức đã xây dựng một đài tưởng niệm khác cao ba mét tại đây.
Tháp tùng thủ tướng Édouard Philippe là hai cựu quân nhân Jacques Allaire và William Schilardi. Năm nay 85 tuổi, họ nằm trong số 3.000 tù binh sống sót trên tổng số 10.000 lính Pháp bị bắt. Tù binh phải đi bộ 800 km trong ba tháng trời, bị phân tán vào các trại giam gần biên giới Việt-Trung.
10 tỉ euro hợp đồng thương mại
Về kinh tế, hôm qua tại Hà Nội, thủ tướng Pháp và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến buổi lễ ký kết các hợp đồng thương mại có trị giá tổng cộng 10 tỉ euro, trong đó có 5,7 tỉ euro là hợp đồng mua 50 chiếc máy bay Airbus. Tập đoàn điện lực Pháp EDF loan báo đã ký bản ghi nhớ liên quan đến nhà máy điện chạy bằng khí đốt Sơn Mỹ 1.
Phía Pháp cho biết ủng hộ hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, hôm qua tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Quốc Hội Việt Nam thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cho rằng hiệp định này sẽ làm nâng cao vị thế của Việt Nam, giúp hội nhập sâu rộng với quốc tế.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181103-thu-tuong-phap-tham-dien-bien-phu

Biển Đông, thương mại tăng cường quan hệ Việt-Pháp

media Thủ tướng Pháp Édouard Philippe và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội ngày 02/11/2018. Nhac NGUYEN / POOL / AFP
Le Figaro hôm nay 02/11/2018 có bài « Thủ tướng Philippe muốn củng cố quan hệ với Việt Nam ». Trong chuyến công du cựu thuộc địa Đông Dương, thủ tướng Pháp tìm cách tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước.

Tờ báo nhận định, việc các nhà lãnh đạo Pháp thăm Việt Nam luôn mang một ý nghĩa, và chuyến thăm của thủ tướng Édouard Philippe từ ngày 2 đến 4/11 trước khi sang Tân Calédonie cũng không ra ngoài quy luật đó. Chuyến công du này diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Việt, 5 năm quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập trong nhiệm kỳ của tổng thống François Hollande.
Tháp tùng ông có các bộ trưởng Gérard Darmanin (Ngân sách), Agnès Buzyn (Y tế), quốc vụ khanh Mounir Mahjoubi (phụ trách về kỹ thuật số). Điện Matignon nhấn mạnh phái đoàn Pháp « đại diện cho sự đa dạng trong mối quan hệ giữa hai nước », gồm nghị sĩ, nhà khoa học, giới hoạt động văn hóa, trong đó có một số xuất thân từ cộng đồng 300.000 Việt kiều tại Pháp.
Tại Hà Nội, thủ tướng Pháp hội đàm với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất Việt Nam, đã kiêm luôn chức chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời. Ông Édouard Philippe sẽ khai trương địa điểm mới của trường trung học Pháp mang tên Alexandre Yersin. Khi gặp gỡ giới trẻ, ông sẽ nhấn mạnh đến thử thách về môi trường, tại đất nước đang bị vấn đề này làm ảnh hưởng rất nhiều. Ở Saigon, thủ tướng Pháp chú trọng đến chương trình y tế (đã có 3.000 bác sĩ Việt Nam được đào tạo tại Pháp) và sáng tạo, gặp các doanh nhân trẻ Pháp. Nhiều hợp đồng sẽ được ký kết với đất nước có 95 triệu dân đang quan tâm đến các thương hiệu phương Tây.
Tuy nhiên Le Figaro nhấn mạnh nghịch lý, là Pháp chưa bao giờ biết tranh thủ thế mạnh của mình, hiện chỉ chiếm có 1% thị phần Việt Nam. Trong những tháng gần đây, Hà Nội đã có sự chuyển hướng chiến lược, không ngần ngại đứng mũi chịu sào trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, mở cửa trước những đối tác khác thay vì người láng giềng khổng lồ phương bắc.
« Trục Ấn Độ - Thái Bình Dương » được tổng thống Emmanuel Macron cổ vũ nay là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Thông điệp của Paris về tôn trọng Luật Biển và tự do hàng hải được đón nhận tích cực tại đất nước đang bị Bắc Kinh đe dọa, bên cạnh đó là những chuyến viếng thăm của các chiến hạm, chiến đấu cơ Pháp trong khuôn khổ chiến dịch « Pégase » hồi tháng Tám. Paris cho biết sẵn sàng « giúp đỡ » Việt Nam về thiết bị quân sự, một lãnh vực mà xưa nay Nga chiếm ưu thế.
Quay lại Điện Biên Phủ
Đặc biệt Le Figaro nhấn mạnh đến sự kiện thủ tướng Édouard Philippe là nhà lãnh đạo thứ hai của Pháp, sau tổng thống François Mitterrand, đến thăm Điện Biên Phủ. Ông Philippe vốn cho biết « đã học được nhiều điều khi đi quân dịch hơn cả thời kỳ học ở trường danh tiếng ENA », dành vài tiếng đồng hồ đi thăm chiến trường xưa, nơi đánh dấu sự thất bại của quân Pháp. Tháp tùng ông là các cựu chiến binh : hạ sĩ nhất William Schllardi, 85 tuổi, đã tham dự suốt chiến dịch ; đại tá Jacques Allaire, 92 tuổi, một trong những trợ lý của tướng Bigeard.
Thủ tướng Pháp đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm tử sĩ Pháp. Ngoài việc thăm hầm chỉ huy của tướng De Castries, ông còn đến ba ngọn đồi nổi tiếng mang tên phụ nữ Eliane, Gabrielle, Béatrice. Trận chiến Điện Biên Phủ kéo dài 57 ngày là hồi chuông báo tử cho Đông Dương thuộc Pháp, nhưng theo Paris, cần phải nhìn lại quá khứ với tư duy hòa bình, cùng với Việt Nam tiến lên phía trước với những hồi ức chung.
Kêu gọi phê duyệt hiệp định thương mại EU – Việt Nam
Cũng liên quan đến Việt Nam, trang Diễn đàn của nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài viết kêu gọi « Phê duyệt càng sớm càng tốt hiệp định giữa châu Âu và Việt Nam » của tác giả Laurence Daziano, giảng dạy tại trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) và là thành viên hội đồng khoa học của Quỹ sáng tạo về chính trị.
Trước thách thức từ chiến tranh thương mại mà tác giả cho rằng có thể còn kéo dài trong thập kỷ tới, trong bối cảnh giai cấp trung lưu Mỹ phản đối mạnh mẽ toàn cầu hóa, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đẩy nhanh các hiệp định thương mại song phương đầy tham vọng, như hiệp định CETA với Canada. Tháng Bảy vừa rồi, Ủy Ban Châu Âu đã ký kết hiệp ước thương mại với Nhật Bản, và với ba quốc gia đang tăng trưởng mạnh là Việt Nam, Singapore, Mêhicô.
Tuy nhiên các thỏa thuận này vẫn còn nằm trên giấy tờ của các định chế châu Âu, trong khi các nước trên đây đang tìm kiếm các thị trường mới ngoài Mỹ. Trong trường hợp Việt Nam, Hà Nội còn muốn tránh các tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam hiện nay là 7%, thuộc loại cao nhất thế giới. Trao đổi thương mại với Trung Quốc chiếm đến một phần ba, và xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là 42 tỉ đô la trên tổng số 215 tỉ đô la doanh số. Thế nhưng hiệp định tự do mậu dịch EU – Việt Nam đã đàm phán xong từ tháng 12/2015 đến nay vẫn chưa được phê chuẩn.
Tác giả Laurence Daziano nhận định, hiệp định này mang lại nhiều lợi ích cho các nước châu Âu ; từ việc giảm thuế hải quan rất lớn đặc biệt là cho rượu vang và xe hơi, cho đến việc công nhận các chỉ dẫn địa lý, và lập ra các tiêu chuẩn cao về môi trường. Sự chậm chạp trong thủ tục hành chính, dịch thuật hay việc thảo luận tiếp tục ở Nghị Viện Châu Âu không đủ để lý giải cho tình trạng sa lầy, vì hiệp định với Việt Nam thuộc loại ưu tiên trong chính sách thương mại của chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmström.
Thế nên hiệp định thương mại EU – Việt Nam cần phải được nhanh chóng phê chuẩn và thực hiện, nếu không muốn châu Âu bị bỏ lại phía sau trong khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trong lúc các nước châu Á đang tìm kiếm những đối tác chiến lược mới thay cho Hoa Kỳ đang co mình lại. Lòng tin vào châu Âu trong thương mại sẽ là chủ đề chính yếu trong chuyến viếng thăm Việt Nam của thủ tướng Edouard Philippe hiện nay, trước chuyến công du của tổng thống Emmanuel Macron vào năm 2019.
Trung Quốc mở hội chợ nhập khẩu để trấn an đầu tư phương Tây
Cũng về kinh tế, Le Figaro cho biết « Trung Quốc muốn trấn an các nhà đầu tư đang nghi ngại ». Từ thứ Hai 5/11 tới, Hội chợ nhập khẩu lần thứ nhất sẽ khai mạc ở Thượng Hải với sự hiện diện của ông Tập Cận Bình, nhằm giới thiệu Trung Quốc như một thị trường rộng mở, trong lúc đang gặp khó khăn vì cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.
Thông tín viên của tờ báo mô tả những bức tường được sơn phết lại, những chậu hoa đặt dọc theo đường phố và công an có mặt tại tất cả các ngã tư. Đại đô thị 23 triệu dân này chưa bao giờ được đầu tư đến như vậy, từ sau cuộc triển lãm toàn cầu năm 2010.
Mục tiêu là nhằm trấn an các nhà đầu tư đang rất lo lắng trước sự đóng cửa của thị trường Hoa Lục, việc Nhà nước siết lại nền kinh tế, và tăng trưởng thấp nhất từ một thập niên qua. Công xưởng thế giới cố gắng trưng ra khuôn mặt một nhà nhập khẩu để làm trên 90 nước đối tác, trong đó có Hoa Kỳ và EU quên đi đang bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc, và tái khẳng định lời hứa « mở cửa » mà Đặng Tiểu Bình đưa ra cách đây 40 năm.
Cũng giống như tại Davos và Diễn đàn kinh tế Bác Ngao (Boao) hồi tháng Tư, Tập Cận Bình sẽ khoác chiếc áo tự do thương mại, cổ vũ cho một nền kinh tế thế giới « rộng mở », trước chủ trương bảo hộ của ông Donald Trump. Nhà lãnh đạo mà quyền lực trong tay được tập trung cao độ nhất kể từ thời Mao, nhấn mạnh quyết tâm « cải cách » để cố khuyến dụ các nhà đầu tư đang bỏ rơi đồng nhân dân tệ. Có 2.800 công ty ngoại quốc từ 130 nước, nhiều thương hiệu lớn và bộ trưởng các nước tham dự (trong đó có bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume). Tuy nhiên trong hậu trường, không ít doanh nghiệp nhìn nhận đã chịu áp lực để tham gia sự kiện mang tính chiến lược của chế độ Bắc Kinh.
Nhân dịp này Pháp và Đức đã kêu gọi Trung Quốc « có những biện pháp cụ thể và mang tính hệ thống » để các công ty châu Âu được đối xử công bằng hơn. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Tài Kinh hôm qua, hai đại sứ Jean-Maurice Ripert của Pháp và Clemens Von Götze của Đức nhấn mạnh « các công ty châu Âu phải có được những cơ hội như các doanh nghiệp Trung Quốc có được ở EU », đòi hỏi chấm dứt việc bắt buộc phải liên doanh với một đối tác Trung Quốc, bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Lời kêu gọi chung này phản ánh tâm lý nghi ngại ngày càng lớn của giới kinh doanh, trước khoảng cách giữa lời nói và việc làm của Bắc Kinh. Phòng Thương mại Châu Âu, không được các nhà tổ chức mời tham dự hội chợ, hôm nay công bố thêm một báo cáo mới với nhiều chỉ trích. Còn Hiệp hội giới chủ Đức (BDI) đầy quyền lực, đề nghị các thành viên giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Hoa Lục, qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đây là lời cảnh báo ý nghĩa, vì Trung Quốc lâu nay vẫn được ngành kỹ nghệ Đức coi là cơ hội, nay đã trở thành địch thủ đáng ngại.
Bắc Kinh đả kích phương Tây trên YouTube
Về truyền thông, Libération ghi nhận « Hoàn cầu Thời báo sử dụng YouTube đế đả kích phương Tây ». Kể từ đầu năm nay, tờ báo vốn hung hăng trực thuộc đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tung ra những video để bênh vực chính sách đối ngoại của đảng trước các thông tin bị Hoa Kỳ và châu Ấu « bóp méo », theo tờ báo. YouTube được coi là công cụ mới của quyền lực mềm Bắc Kinh.
Một clip của Hoàn cầu Thời báo (Global Times) nêu ra câu nói mang tính khinh thị của tổng thống Mỹ đối với người châu Phi, nhắc nhở rằng Bắc Kinh đã xây dựng các trường học, hiện đại hóa lục địa đen, thậm chí còn cứu được bốn con voi bị sa lầy ở Tanzania. Vài người châu Phi xuất hiện trong clip, ca ngợi Lý Tiểu Long, Thành Long, khẳng định Trung Quốc không đô hộ lục địa này.
Hoàn cầu Thời báo khẳng định các video này đã thu hút được 6 triệu lượt xem. Tuy nhiên chủ yếu trên Vi Bác, còn trên YouTube chỉ có 200 lượt người xem. Một nhà nghiên cứu nhận định : « Mục tiêu của Global Times là tấn công, làm mất uy tín ông Donald Trump. Nhưng người phương Tây không hề tin vào loại truyền thông nhà nước này, chiến dịch tuyên truyền hầu như vô tác dụng ».
Người tiền sử ăn uống ra sao ?
Trên lãnh vực khảo cổ, Le Figaro cho biết với những tiến bộ kỹ thuật hiện nay, đã biết được con người sống cách đây 7.000, 8.000 năm dùng những thực phẩm gì.
Qua việc phân tích những protein trong tô, chén sứ 8.000 năm trước, các nhà khoa học thấy có dấu vết ngũ cốc, rau quả, sữa dê và các loại sản phẩm từ sữa, nhiều loại thịt khác nhau. Ngũ cốc thì chủ yếu là hai loại phố biến vào thời đó - lúa mạch và lúa mì, đậu ; thịt gồm có dê, cừu, kể cả hươu nai, bò rừng, ngựa. Các gia đình người tiền sử đã biết nấu súp thịt, cháo ; tuy nhiên họ nấu nướng như thế nào thì vẫn là câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu.
Bạo lực, Tân Calédonie, tháng Mười đen của chứng khoán : Tựa chính báo Pháp
Le Figaro gióng lên hồi chuông cảnh báo trước « Sự bình thường hóa đáng ngại về nạn bạo lực đối với cảnh sát » : mỗi ngày có đến 14 nhân viên công lực bị thương vì bạo động. Tờ báo Công Giáo La Croix dành trang bìa cho « Các giám mục đối mặt với những nạn nhân » : lần đầu tiên các vị giám mục Pháp tập hợp tại Lộ Đức (Lourdes) sẽ tiếp xúc với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục vào ngày mai.
Libération đặt câu hỏi « Tân Calédonie còn là lãnh thổ Pháp đến bao giờ ? ». Ba mươi năm sau các thỏa thuận với Paris, người dân quần đảo Thái Bình Dương Chủ nhật này sẽ đi bỏ phiếu về việc độc lập – một cuộc trưng cầu dân ý sau tiến trình phi thực dân hóa thành công
Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Thị trường : Những bài học rút ra từ tháng Mười đen », khi các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Pháp giảm mạnh nhất kể từ 2015. Viễn cảnh xám xịt của Brexit, xung đột giữa Ý và Bruxelles về ngân sách, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181102-bien-dong-thuong-mai-cung-co-quan-he-viet-phap

Geen opmerkingen:

Een reactie posten