dinsdag 2 augustus 2016

Biển Đông : Trung Quốc dùng luật đánh cá để chống phán quyết quốc tế


Biển Đông : Bắc Kinh dùng luật đánh cá để chống phán quyết quốc tế


mediaTham vọng chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực bác bỏ ngày 12/07/2016.Ảnh : Reuters
Tòa Án Tối Cao Trung Quốc vào hôm nay, 02/08/2016, đã quy định các hình phạt đối với những hành động bị coi là đánh cá « bất hợp pháp » trong vùng biển Trung Quốc, kể cả khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền tại Biển Đông. Thông báo này bị đánh giá là một động thái thách thức mới của Bắc Kinh, ba tuần sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye hôm 12/07, khẳng định rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Theo Tòa Án Tối Cao Trung Quốc, bất kỳ ai, kể cả ngư dân ngoại quốc, bị bắt khi đánh cá trái phép trong vùng biển nước này, đều có thể bị phạt đến 1 năm tù. Phạm vi áp dụng biện pháp trừng phạt bao gồm các vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh một « lãnh thổ » của Trung Quốc.
Vấn đề là trong phán quyết ban hành hôm 12/07 vừa qua, tòa trọng tài La Haye đã cho rằng không một thực thể nào mà Trung Quốc kiểm soát tại khu vực quần đảo Trường Sa có quy chế hải đảo, cho phép Bắc Kinh được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Cho đến nay, Bắc Kinh thường xuyên cho tàu Hải Cảnh của họ trục xuất tàu đánh cá Philippines hoạt động tại các khu vực mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền.
Chính tranh chấp về quyền đánh cá tại Biển Đông là một nhân tố chủ chốt thúc đẩy Manila kiện Bắc Kinh ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, dẫn đến phán quyết vào trung tuần tháng 7 vừa qua, một phán quyết bị Trung Quốc bác bỏ, cho là định chế trọng tài quốc tế không có thẩm quyền xem xét vụ việc.

Việc Tòa Án Tối Cao Trung Quốc nhập cuộc được xem là một hành động trong chiến lược của Bắc Kinh, dùng luật pháp quốc gia để chống lại luật lệ quốc tế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160802-bac-kinh-dung-luat-danh-ca-de-chong-phan-quyet-quoc-te-ve-bien-dong

Sau phán quyết về Biển Đông, tranh giành nguồn cá gay gắt hơn

mediaNgư dân trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh ngày 14/09/2014.Reuters
Trong phán quyết đưa ra ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực cho rằng không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc khẳng định “ quyền lịch sử ” đối với các nguồn tài nguyên tại những vùng biển nằm trong đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, ở Biển Đông.
Một trong những nguồn tài nguyên chủ yếu ở Biển Đông chính là cá. Cho nên phán quyết nói trên có ảnh hưởng to lớn đến ngành ngư nghiệp của các nước trong vùng, đặc biệt là những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Đó là nhận định của tờ The Wall Street Journal trong một bài viết đăng trên mạng ngày, 19/07/2016.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, phán quyết của Tòa Trọng Tài sẽ dẫn đến việc gia tăng đánh bắt cá ở Biển Đông. Những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sẽ dựa theo phán quyết để đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên biển. Còn Trung Quốc, một mặt bác bỏ phán quyết, mặt khác cũng có thể gia tăng đánh bắt cá như là một cách để tái khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh.
Việc các nước gia tăng đánh bắt cá sẽ là một điều đáng quan ngại cho ngành ngư nghiệp, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người lên tiếng báo động là nguồn cá ở vùng Biển Đông đang trên đà suy giảm mạnh.
Các nhà nghiên cứu ở trường Đại học British Colombia thẩm định lượng cá xuất khẩu ở Biển Đông từ khoảng 11% thập niên 1980 đã tăng lên thành 27% tổng lượng cá xuất khẩu toàn cầu vào năm 2011. Nghiên cứu này cũng cho thấy là nguồn cá ở Biển Đông trong vòng 20 năm tới có thể sẽ giảm mất đến 59%, nếu chính phủ các nước trong vùng không có biện pháp để ngăn chận tình trạng đánh bắt quá mức.
Tuy nhiên, phán quyết ngày 12/07/2016 cũng sẽ có một tác động tích cực, là cơ sở pháp lý rõ ràng để các bên dựa trên đó mà thương lượng về cách thức chia sẻ nguồn hải sản ở Biển Đông, thay vì cứ tiếp tục xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của nhau.
Vấn đề là hiện nay, các nước trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn dùng các đội tàu cá như là một phương tiện để khẳng định chủ quyền trên các bãi cạn, các đá và các thực thể khác trên biển. Bắc Kinh còn khuyến khích ngư dân đi ngày càng nhiều vào các vùng biển đang tranh chấp, thậm chí tài trợ cho ngư dân mua tàu mới hoặc trang bị cho tàu những thiết bị tối tân hơn để trấn giữ các vùng đánh cá. Đội tàu cá vừa đông đảo vừa hiện đại của Trung Quốc ngày càng áp đảo đội tàu cá của Việt Nam, Philippines hay Malaysia…
Hà Nội thường xuyên tố cáo tàu tuần duyên hoặc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, vụ mới nhất xảy ra ngày 09/07/2016, tức là chỉ vài ngày trước khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.
Ngay cả Indonesia, tuy không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng lo ngại vì thấy đội tàu cá của các nước tranh chấp đi vào đánh cá trái phép trong vùng biển của họ. Cho tới nay, Jakarta đã bắt giữ và cho nổ phá hàng trăm tàu cá nước ngoài, mà đa số dĩ nhiên là tàu cá Trung Quốc, bị xem là đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160719-sau-phan-quyet-ve-bien-dong-tranh-gianh-nguon-ca-se-gay-gat-hon

Mỹ cảnh báo Trung Quốc dùng tàu cá trong tranh chấp lãnh hải

mediaTầu chiến Indonesia KRI Imam Bonjol (T) kiểm soát một tầu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia.Ảnh : Handout/Indonesian Navy/ via REUTER
Hôm qua, 22/06/2016, một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cảnh báo việc Trung Quốc đang dùng các đội tàu cá có quân đội hộ tống cho mục đích tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Theo quan chức này, hành vi của Trung Quốc « gây quan ngại ».
Bình luận của phía Hoa Kỳ được đưa ra sau khi các tàu chiến của Indonesia bắn cảnh cáo và bắt giữ một tàu cá mang cờ Trung Quốc và một số thủy thủ gần quần đảo Natuna ở Biển Đông tuần trước. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh với hành động của Jakarta.
Quan chức giấu tên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho rằng việc dùng tàu cá có quân đội hộ tống cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tầm hoạt động theo hướng khiêu khích và gây mất ổn định.
Không giống như các nước khác trong khu vực, về  nguyên tắc, Indonesia khẳng định không có yêu sách chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc trên Biển Đông không có những tranh chấp chồng lấn với Trung Quốc liên quan đến các đảo nhỏ và bãi đá ngầm. Tuy nhiên, khi đòi quyền đánh cá gần quần đảo Natuna, dường như Bắc Kinh đang nhắm tới việc tạo ra một khu vực chồng lấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.
Kể từ năm 2014, Jakarta đã mạnh tay với việc đánh cá trái phép. Từ đó, xảy ra nhiều va chạm giữa Trung Quốc và Indonesia. Theo chỉ huy Hạm đội phía Tây của Indonesia, Bắc Kinh đã thay đổi cấu trúc và trang bị của các tàu cá. Việc đưa tàu cá ngụy trang đến vùng biển Natuna là một mưu mẹo của Trung Quốc để tạo ra tranh chấp. Hồi tháng Ba vừa qua, tuần duyên Trung Quốc đã giải cứu một tàu cá nước này bị bắt giữ gần quần đảo Natuna.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160623-my%CC%83-tq-tranh-chap-lanh-hai-qt

Indonesia khẳng định tiếp tục bắn đuổi tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép

mediaMột quân nhân Hải Quân Indonesia trước tàu đánh cá Trung Quốc "Hua Li-8" tại Belawan, Bắc Sumatra. Ảnh chụp ngày 23/04/2016.ABIMATA HASIBUAN / AFP
Bắc Kinh phản đối tuần duyên Indonesia nổ súng vào một đoàn tàu cá Trung Quốc và bắt một chiếc trong ngày 17/06/2016. Phía Indonesia cho biết sẽ tiếp tục dùng biện pháp mạnh để diệt trừ nạn ngư dân Trung Quốc xâm nhập lãnh hải.
Theo một bản tuyên bố do Tân Hoa Xã công bố ngày 19/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, thứ Sáu ngày 17/06, cho biết, một đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc đang hoạt động ở một vùng ngư trường có tranh chấp đã bị nhiều chiến hạm Indonesia bao vây, nổ súng gây thương tích cho một ngư dân. Hải quân Indonesia còn bắt một tàu cá với 7 thuyền viên. Theo luận điểm của Trung Quốc thì Indonesia « dùng vũ lực quá đáng, vi phạm luật quốc tế, đe dọa hoà bình khu vực ».
Hải quân Indonesia xác nhận với AFP đã chận bắt 12 tàu cá « nước ngoài » họat động bất hợp pháp. Phát ngôn viên Edi Sucipto cho biết có nổ súng bắn cảnh cáo các chiếc tàu bỏ chạy cho đến khi dừng lại cho khám xét và đã bắt một chiếc tàu treo cờ Trung Quốc « kéo về Ranai » cùng với 7 thuyền viên, không một ai bị thương.
Để đáp lại chỉ trích của Bắc Kinh, phát ngôn viên hải quân Indonesia khẳng định là « cho dù tàu cá treo cờ nước nào, một khi vi phạm luật Indonesia thì hải quân chúng tôi sẽ không ngần ngại ra tay ».
Trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc sử dụng ngư dân như một lực lượng bán quân sự để lấn chiếm Biển Đông, Indonesia kiên quyết bảo vệ chủ quyền và ngư trường của mình bằng quân sự. Hàng chục tàu cá nước ngoài từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam đã bị chận bắt và thiêu hủy. Đây là lần thứ ba trong năm nay xảy ra « đụng chạm » giữa Indonesia và Trung Quốc.
Trong cuộc họp với bộ trưởng An ninh Luhut Panjaitan, tổng thống Joko Widodo chỉ thị « bảo vệ chủ quyền lãnh thổ » cho dù tổng thống cũng muốn duy trì hoà khí với các láng giềng, theo thông báo của phát ngôn viên phủ tổng thống Johan Budi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160620-hai-quan-indonesia-ban-tau-ca-trung-quoc-va-khang-dinh-se-tiep-tuc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten