donderdag 12 november 2015

Quân đội Myanmar vẫn thâu tóm quyền lực dù thất thế bầu cử + Tổng tư lệnh quân đội Myanmar chúc mừng đối thủ Suu Kyi

Thứ năm, 12/11/2015 | 15:10 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 12/11/2015 | 15:10 GMT+7

Quân đội Myanmar vẫn thâu tóm quyền lực dù thất thế bầu cử

Mặc dù giành thắng lợi áp đảo trong bầu cử Myanamar vừa qua, đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vẫn cần sự hợp tác của quân đội để quản lý đất nước, bởi theo hiến pháp lực lượng này kiểm soát các cơ quan siêu quyền lực.
quan-doi-myanmar-van-thau-tom-quyen-luc-du-that-the-bau-cu
Tổng thư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing. Ảnh:Indian Express
Trong cuộc bầu cử mang tính dấu mốc diễn ra tại Myanmar hôm 8/11, đảng đối lập, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo giành được ưu thế áp đảo. Đảng của bà dự kiến sẽ hình thành nên một nội các dân sự mới, nhưng quyền lực quốc gia không nằm trọn vẹn trong tay chính phủ, do những tàn tích của chế độ nhà nước quân sự do quân đội kiểm soát suốt 50 qua vẫn tồn tại, tờ New York Times đánh giá.
Căn cứ theo hiến pháp do quân đội khởi thảo, một số cơ quan siêu quyền lực trong thể chế Myanmar hiện nay vẫn do quân đội trực tiếp kiếm soát, như Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ các vấn đề biên giới. "Phe đối lập đã giành được thắng lợi áp đảo, nhưng bà Aung San Suu Kyi vẫn buộc phải cùng với quân đội đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực", nhà sử học Thant Myint-U, cựu cố vấn chính phủ Myanmar, bình luận.
"Đây không phải là cuộc bầu cử chọn ra chính phủ, mà là lựa chọn vị trí trong chính phủ chia sẻ quyền lực với quân đội", học giả này nói. Cũng theo hiến pháp, quân đội có quyền kiểm soát tổng thể chính phủ, bao gồm cả quản lý kinh tế nếu cần thiết.
Quân đội Myanmar là lực lượng được chính trị hóa cao độ, nhưng các lĩnh vực mà thế lực này vươn tới không chỉ có chính trị. Các ngành nghề kinh tế như khai thác đá quý, sản xuất bia rượu, thuốc lá, giao thông công cộng và tài chính ngân hàng đều có lợi ích của quân đội. Đế quốc kinh tế của quân đội Myanmar hiện không chịu sự kiểm soát của chính phủ.
Trong hàng thập kỷ nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, các địa phương của Myanmar hình thành nên hệ thống quan liêu tập quyền, mà người đứng đầu thường là các cựu quân nhân. Cựu quan chức Liên hợp quốc tại Myanmar Richard Horsey cho biết, Tổng cục Hành chính là cơ quan chính phụ trách hành chính của các địa phương. Cũng giống như lực lượng cảnh sát, cơ quan này trực thuộc Bộ Nội vụ.
"Quân đội kiểm soát cơ quan quan trọng như vậy, chắc chắn sẽ yêu cầu Aung San Suu Kyi phải hợp tác cùng mình", ông Horsey nói. "Không thể quản lý đất nước nếu thiếu sự ủng hộ của Bộ Nội vụ, và nói cho cùng vẫn là sự ủng hộ của Tổng tư lệnh quân đội".
Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi sẽ thỏa hiệp ở mức độ nào với giới quân đội đang là câu hỏi lớn quyết định hướng đi tiếp theo của chính trường Myanmar. Trong thời gian vận động tranh cử, bà thường xuyên nhắc đến tầm quan trọng của sự hòa giải. Trong một bức thư gửi cho Tổng thống U Thein Sein và tổng tư lệnh quân đội, bà yêu cầu được gặp mặt để thảo luận về cơ sở hòa giải đất nước. "Điều đó rất quan trọng đối với phẩm giá của đất nước và nhằm đem lại hòa bình trong tâm tưởng cho người dân", bà viết trong thư.
quan-doi-myanmar-van-thau-tom-quyen-luc-du-that-the-bau-cu-1
Lãnh đạo đảng NLD Aung San Suu Kyi. Ảnh: Telegraph
Mặt khác, Aung San Suu Kyi cũng thường xuyên phê phán điều khoản hiến pháp cho phép quân đội kiểm soát một phần tư quốc hội, cũng như quy định cản trở không cho bà trở thành tổng thống. Ngày 10/11, với tư cách là lãnh đạo chính đảng chiếm đa số trong quốc hội, bà tuyên bố có quyền lựa chọn nhân sự tổng thống và người này phải phục tùng bà.
"Tất cả các quyết định phải do tôi đưa ra, bởi tôi là lãnh đạo của đảng giành thắng lợi", bà Aung San Suu Kyi cho biết trong cuộc phỏng vấn với Đài News Asia. "Chúng tôi sẽ lựa chọn người phù hợp hiến pháp làm tổng thống".
Giới phân tích nhận định rằng, đây là một sự thách thức với vai trò chính trị của quân đội và có thể gây mâu thuẫn. Quan hệ giữa Aung San Suu Kyi và quân đội có tác động vô cùng quan trọng với sự vận hành của chính phủ. "Nếu như ngay từ đầu mà không thuận lợi, đối phó lẫn nhau, sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề", ông Horsey nhận định.   
Nhà sử học Thant Myint-U cho biết, thắng lợi khiến người ta đặt kỳ vọng lớn vào bà Aung San Suu Kyi để giải quyết những vấn đề mà Myanamar đang đối diện. Nhưng, chuyên gia này cũng cảnh báo việc chính phủ mới không có khả năng kiểm soát trực tiếp các lực lượng then chốt như cảnh sát, sẽ tạo trở ngại lớn để Aung San Suu Kyi đáp ứng kỳ vọng trên.
Đức Long


13
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/quan-doi-myanmar-van-thau-tom-quyen-luc-du-that-the-bau-cu-3310793.html

Thứ năm, 12/11/2015 | 11:09 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 12/11/2015 | 11:09 GMT+7

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar chúc mừng đối thủ Suu Kyi

Tư lệnh quân đội quyền lực Myanmar hôm qua chúc mừng bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập, vì giành "đa số ghế" được công bố trong cuộc bầu cử mới đây. 
Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, và bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng
Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, và bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Ảnh: Reuters
"Chúng tôi chúc mừng đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vì thắng đa số ghế", AFP dẫn lời ông Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, tối qua đăng tin nhắn trên trang Facebook của quân đội. Đây là hình thức liên lạc được ưa chuộng của quân đội nước này. 
Quân đội Myanmar đã điều hành nước này trong nửa thế kỷ và giam lỏng bà Suu Kyi tại nhà trong 15 năm. Bà Suu Kyi, lãnh đạo đảng NLD, nhiều khả năng thắng cử áp đảo sau cuộc đấu tranh kéo dài 25 năm. Bà trước đó đã kêu gọi thảo luận về "hòa giải quốc gia", khi gửi thư tới ông Min Aung Hlaing, Tổng thống Thein Sein và Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann, hối thúc họ gặp bà để thảo luận về kết quả bầu cử.
"Quan trọng là thực hiện mong muốn của nhân dân một cách hòa bình vì lợi ích đất nước", bà viết trong thư gửi ba ông. 
Đáp lại, Tổng thống Thein Sein nói ông đã nhất trí với đề nghị của bà Suu Kyi, sẽ sớm thảo luận về hòa giải, dù hai bên sẽ còn phải bàn bạc về thời gian và địa điểm đàm phán. 
Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing cho biết ông sẽ gặp bà Suu Kyi sau khi giới chức bầu cử công bố các kết quả chính thức. Kết quả cuối cùng được thông báo vào ngày 22/11. 
Còn Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann đã nhất trí gặp bà Suu Kyi vào tuần tới, nhưng chưa thông báo thêm chi tiết. 
Trọng Giáp

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tong-tu-lenh-quan-doi-myanmar-chuc-mung-doi-thu-suu-kyi-3310857.html

Miến Điện : Quân đội hứa hợp tác với chính quyền dân cử

mediaTướng Min Aung Hlaing phát biểu trước báo chí sau khi bỏ phiếu ngày 08/11/2015.AFP PHOTO / COMMANDER-IN-CHIEF OFFICE
Hôm nay 12/11/2015, tướng chỉ huy tối cao của quân đội Miến Điện đã lên tiếng cho biết « sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới » sẽ được thành lập bởi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, vừa giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tự do hôm 8/11.
Giới tướng lĩnh quân đội đã bắt đầu thừa nhận thất bại trong cuộc tuyển cử vừa rồi, dù chưa có kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Không nắm quyền nhưng quân đội vẫn giữ vị trí quan trong trong chính trường. Sự hợp tác của quân đội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao quyền lực sắp tới được diễn ra êm đẹp.
Thông tín viên RFI tại Rangoon Rémy Favre tóm lược :
Quân đội đã chúc mừng Aung San Suu Kyi và thừa nhận thắng lợi của đảng đối lập. Tư lệnh quân đội Miến Điện đã chấp thuận gặp bà Aung San Suu Kyi. Trước cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, tướng Min Aung Hlaing vẫn từ chối nói chuyện với bà. Lần này, ông không thế làm ngơ trước kết quả của tuyển cử. Kết quả đã rất rõ vì Ủy ban bầu cử khẳng định đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đến giờ đã giành đủ số ghế trong Quốc hội để có thể chỉ định một Phó tổng thống.
Phe quân đội đã trị vì trên chính trường Miến Điện trong hơn năm chục năm, lãnh đạo đất nước cho đến tận năm 2011. Nhưng giới quân nhân vẫn không ra khỏi bối cảnh chính trị của đất nước. Hiến pháp vẫn bảo đảm cho họ có quyền hành rộng rãi. Giờ đây họ phải hợp tác với đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Lãnh đạo của đảng, bà Aung San Suu Kyi luôn mong muốn đối thoại với giới quân nhân. Bà thường xuyên có những phát ngôn tôn trọng quân đội và ngỏ ý bà không mong muốn trả thủ chế độ độc tài quân sự. Chiến lược này của bà đã thành công. Aung San Suu Ky đã có được lòng tin của các tướng lĩnh và họ chấp nhận chia se quyền lực với đối lập.
Cũng trong ngày hôm nay, chính phủ Miến Điện cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện thoại khen ngợi Tổng thống Thein Sein đã tạo điều kiện để cuộc bầu cử tự do được diễn ra tốt đẹp. Thông cáo của Bộ Thông tin Miến Điện cho biết thêm là Tổng thống Mỹ đánh giá chính phủ Miến Điện đã tổ chức thành công cuộc tuyển cử lịch sử, tự do và công bằng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151112-mien-dien-quan-doi-hua-hop-tac-voi-chinh-quyen-dan-cu

Quân đội Miến Điện tuyên bố tôn trọng kết quả bầu cử sắp tới

mediaBà Aung San Suu Kyi lần đầu bước vào Quốc hội Miến Điện tại Naypyitaw ngày 2/5/2012.REUTERS/Soe Zeya Tun
Tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện hôm nay 25/08/2015 tuyên bố quân đội sẽ tôn trọng kết quả cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 tới, vốn được coi là một trắc nghiệm quan trọng đối với tiến trình cải cách đất nước.
Tướng Min Aung Hlaing nói rằng quan ngại chủ yếu của quân đội, được gọi là Tatmadaw, là cuộc bầu cử diễn ra một cách công bằng và kết quả được mọi người tôn trọng, kể cả nếu bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ (NLD) thắng cử.
Trong những kỳ bầu cử trước đây tại Miến Điện, quân đội đều có can dự. Năm 1990 Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ thắng áp đảo, nhưng kết quả không được giới quân sự cầm quyền công nhận. Còn cuộc bầu cử năm 2010 bị cho là gian lận, và NLD đã tẩy chay.
Tập đoàn quân sự Miến Điện đã tự giải thể năm 2011 sau 49 năm cầm quyền, nhường chỗ cho một chính quyền dân sự, nhưng giới quân nhân vẫn là một thế lực lớn trên chính trường.
Một phần tư số ghế trong Quốc hội không do bầu cử mà được dành riêng cho quân đội. Các điều khoản trong Dự thảo Hiến pháp năm 2008 cần được ít nhất 75% số phiếu ủng hộ, mặc nhiên khiến quân đội có thể bác bỏ những thay đổi. Theo tướng Min Aung Hlaing, giới quân nhân có thể nhân nhượng « vào một thời điểm thích hợp », « có thể thay đổi khi nào hòa bình, ổn định ngự trị trên đất nước ».
Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền vốn đa số là cựu sĩ quan quân đội, đã bị xáo động lớn hồi đầu tháng khi lãnh đạo đảng, ông Shwe Mann bị Tổng thống Thein Sein bãi chức một cách đầy kịch tính.
Tướng Min Aung Hlaing từ chối bình luận, nói đây là chuyện nội bộ của đảng, nhưng cho rằng những rạn nứt trong các đảng chính trị có thể gây ảnh hưởng xấu đến người dân.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150825-quan-doi-mien-dien-tuyen-bo-ton-trong-ket-qua-cuoc-bau-cu-sap-toi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten