maandag 23 november 2015

Mỹ và Trung Quốc đối chọi về Biển Đông tại diễn đàn ASEAN 2015

Mỹ và Trung Quốc đối chọi về Biển Đông tại diễn đàn ASEAN
Sunday, November 22, 2015 4:40:44 PM



Bài liên quan



KUALA LUMPUR (NV) - Mỹ và Trung Quốc đả kích nhau về tình hình căng thẳng Biển Đông khi lãnh tụ hai nước và các đối tác khu vực tham dự cuộc họp của ASEAN tại thủ đô Malaysia.
Không ảnh chụp đảo nhân tạo Đá Thập (Fiery Cross Reef) hồi tháng 7, 2015
mà Trung Quốc bồi đắp. Phi trường dài 3,000 mét đã hoàn tất và các cơ sở,
tòa nhà đang xây dựng. (Hình Global Digital)
Lên tiếng trước phiên họp chính thức ở Kuala Lumpur giữa ASEAN với các đối tác khu vực Á Châu Thái Bình Dương, Tổng Thống Barack Obama kêu gọi các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông dừng tất cả mọi hành động bồi đắt và xây dựng đảo nhân tạo hoặc mở rộng diện tích. Đồng thời ông kêu gọi các nước không quân sự hóa vùng biển này vốn là thủy lộ vận chuyển hàng hóa thương mại quan trọng hàng đầu thế giới.
Lời kêu gọi của ông Obama hiển nhiên nhắm vào Trung Quốc, nước đã bồi đắp 7 bãi đá ngầm biến thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ ở quần đảo Trường Sa. Ít nhất 3 trong số 7 đảo nhân tạo đó được xây dựng các phi đạo dài tối thiểu 3,000 mét để những phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc có thể sử dụng, bên cạnh các các biển.
Trung Quốc tuyên bố hơn 80% diện tích Biển Đông nằm trong 9 cái vạch hình “Lưỡi Bò” là thuộc chủ quyền của họ “từ thời cổ xưa” dù không ai công nhận. Việt Nam đã rất nhiều lần tuyên bố các vùng biển và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam với các bằng chức lịch sử và thực tế “không thể tranh cãi.”
Suốt hai năm qua, Trung Quốc đã gấp rút và ồ ạt biến 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa gây lo ngại cho các nước ở khu vực cũng như các nước khác. Rất nhiều chuyên viên phân tích quốc tế tin rằng Bắc Kinh sẽ biến các nơi này thành những căn cứ quân sự quy mô nhằm không chế toàn bộ Biển Đông.
Chống chế lại các sự đả kích từ phía Mỹ cũng như các chuyên viên quốc tế, Bắc Kinh kêu rằng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo đó chỉ nhằm bảo vệ các cơ sở dân sự. Những hành động của Mỹ gần đây như cho tàu chiến hay máy bay đi vào khu vực Trường Sa chỉ là những khiêu khích chính trị, trắc nghiệm phản ứng của Bắc Kinh.
Lên tiếng tại các cuộc họp ở Kuala Lumpur, cả thủ tướng Lý Khắc Cường và thứ trưởng Ngoại Giao Lưu Chấn Dân của Trung Quốc đều đả kích lại những lời cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Lưu Chấn Dân nói trong cuộc họp báo rằng việc bồi đắp các đảo nhân tạo đã hoàn tất hồi Tháng 6 vừa qua. Các tòa nhà xây dựng trên đó vẫn còn đang tiếp diễn “Nhằm giảm thiểu khó khăn cho những người sống ở đó và xây dựng các cơ sở để trợ giúp cho các ngư dân và tàu thương mại,”
Tuy nhiên, ông Lưu Chấn Dân nói rằng vì những đảo nhân tạo này rất xa với Hoa Lục nên họ cần phải xây dựng và duy trì các cơ sở quân sự tại những nơi đó. Ông kêu gọi “đừng nối kết những cơ sở quân sự trên cả đảo với nỗ lực quân sự hóa Biển Đông.”
Theo ý kiến của ông Ashley Townsend, một chuyên viên khảo cứu về an ninh quốc phòng tại đại học Sydney, Úc, nói trên tạp chí Financial Times thì, để mọi chuyện trở nên minh bạch và giải tỏa sự nghi ngờ của các nước khác, Trung Quốc phải công khai cho biết những trang bị quân sự gì sẽ được họ mang tới các đảo nhân tạo tại Trường Sa.
Các loại phi cơ nào, súng đại bác, hỏa tiễn loại nào, chiến hạm loại nào, các hệ thống thông tin vệ tinh, tình báo cỡ nào sẽ đồn trú hay trang bị thường trực tại đó cần phải cho biết. Trang thiết bị “tự vệ” hay phòng thủ khác xa với các trang thiết bị dùng để tấn công. Không mấy ai tin Bắc Kinh sẽ khai thật ra cho mọi người biết.
Không riêng gì tổng thống Mỹ, trong cuộc họp nói trên, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nêu mồi quan ngại của ông về các việc làm của Trung Quốc ở Trường Sa vì tạo căng thẳng và lo âu cho cả khu vực. Đồng quan điểm với Mỹ, Nhật bắn tiếng có thể gửi lực lượng phòng vệ của Nhật đến Biển Đông nhưng điều này chưa có gì chắc chắn. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217929&zoneid=2

Bắc Kinh vẫn ngang ngạnh: 'Nam Sa là của Trung Quốc'
Wednesday, September 16, 2015 4:57:16 PM



Bài liên quan



BẮC KINH  (NV) .-
Bắc Kinh mượn mọi dịp để cả quyết chủ quyền với quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa khi có những lời đả kích Trung Quốc về các hoạt động bất hợp pháp của họ ở khu vực.
Bản đồ chồng lấn chủ quyền của các nước đang tranh chấp ở Biển Đông. (Hình: AFP)
Trước thềm cuộc thăm viếng Hoa Kỳ của chủ tịch Tập Cận Bình dự trù vào ngày 25/9/2015 tới đây, báo chí quốc tế đưa ra các hình ảnh về hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa và xây dựng các cơ sở quân sự trên đó. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh nói một đàng làm một nẻo.
Khi đến tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN và các đối tác tại thủ đô Malaysia ngày 5/8/2015, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: "Trung Quốc đã ngừng rồi." Vương Nghị còn thách đố khi được một phóng viên hỏi liệu Trung Quốc có tạm dừng hoạt động bồi đắp ở Biển Đông hay không, là "Hãy cứ đưa máy bay đến mà xem".
Những không ảnh được nêu ra trong tuần này cho thấy dấu hiệu của một phi đạo dài 3,000 mét đang hình thành tại đảo nhân tạo Vành Khăn, sau các phi đạo tại đảo nhân tạo Xu-bi và đảo nhân tạo Đá Thập.
Đã nhiều lần Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc dừng các hoạt động thay đổi nguyên trạng tại vùng biển tranh chấp, đặc biệt là khu vực Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền cùng với các nước khác gồm cả Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Không những không dừng lại mà Trung Quốc còn gấp rút xây dựng trong mưu đồ đảy các nước khác trước tình thế đã rồi.
Hôm Thứ Tư 16/9/2015, khi đến đọc phát biểu tại một cuộc hội thảo về hàng không và không gian ở National Harbor, tiểu bang Maryland, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đả kích rằng Trung Quốc đã “vượt ra ngoài” luật lệ quốc tế khi hối hả bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông.
“Với các hành động của họ ở Biển Đông, Trung Quốc đã vượt ra ngoài luật lệ quốc tế cũng như thông lệ nên gây tổn hại cho cấu trúc an ninh tại khu vực Á Châu – Thái Bình Dương cũng như các sự đồng thuận ở khu vực lựa chọn đàm phán ngoại giao thay vì ức hiếp.” Ông Carter phát biểu.
Tàu hút cát đá lòng biển hối hả bồi đắp đảo nhân tạo Vành Khăn ở Trường Sa. (Hình: Digital Globe)

Ông Carter cảnh cáo rằng, đường lối của Trung Quốc ở khu vực các bãi đá ngầm Biển Đông đang tranh chấp, có tác động rộng rãi hơn trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.
“Trong mối quan tâm của chúng ta về sự gia tăng khả năng quân sự của Trung Quốc và đường lối ức hiếp của họ trong tranh chấp, chúng ta đang có những bước chuẩn bị thận trọng cho việc tranh chấp căng thẳng hơn.” Ông nói.
Khi bộ trưởng Carter phát biểu tại Mỹ thì tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn ngang ngạnh nói rằng Trung Quốc không có ý định thụt lùi trong tuyên bố chủ quyền.
“Tôi mong muốn lập lại tại đây rằng Nam Sa quần đảo (tức Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc.” Ông Vương Nghị đọc một bài phát biểu trong cuộc gặp mặt các nhà ngoại giao ngoại quốc ở Bắc Kinh. “Điều này hoàn toàn được hậu thuẫn bằng các chứng cớ lịch sử và pháp lý. Hoàn toàn dễ hiểu để Trung Quốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ và ngăn cản các sự xâm phạm đối với lợi ích hợp pháp của mình.”
Trung Quốc chỉ đem quân, năm 1988 và sau đó, đến cướp một số bãi đá ngầm ở Trường Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền với các bằng chứng lịch sử và thực tế không thể tranh cãi. Ban đầu, Trung Quốc chỉ xây dựng một số tiền đồn rất nhỏ để giữ. Nhưng từ hai năm nay, họ đã tiến hành một kế hoạch quy mô biến 7 bài đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ.
Các tin tức dồn dập trên các diễn đàn thông tin quốc tế cho thấy phi đạo dài 3,000 mét đã bắt đầu hình thành trên đảo nhân tạo Chữ Thập từ năm ngoái. Đảo này cách đảo Hải Nam của Trung Quốc lối 1,000km. Chuyên viên phân tích của trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Hoa Thịnh Đốn cho rằng phi đạo này đang trên đường hoàn tất.
Không ảnh cũng cho thấy trên đảo nhân tạo Su-bi, diện tích rộng tới 4 triệu mét vuông, một phi đạo dài tương tự cũng đang được xây dựng. Không ảnh nêu ra tuần trước cũng cho thấy các vách tường chắn sóng đã được dựng lên để xây dựng có vẻ như một phi đạo tại đảo nhân tạo Vành Khăn. Vị trí này chỉ cách bãi đá ngầm Second Thomas Shoal khoảng 21 hải lý mà Philippines đang cho một đơn vị nhỏ trấn thủ trên một tầu cũ được coi như căn cứ.
Những hình ảnh này tố cáo lời tuyên bố của ông Vương Nghị đầu tháng trước ở Kuala Lumpur là xảo trá. Phụ họa với ngoại trưởng Vương Nghị một tướng hải quân Trung Quốc còn trơ trẽn tuyên bố rằng “Biển nam Trung Quốc là biển của Trung Quốc”.
Phó đô đốc Yuan Yubai (Viên Dự Bách), tư lệnh hạm đội Bắc hải của Trung Quốc, tham dự cuộc hội thảo hôm 14/9/2015 tại London, lấy cớ tên vùng biển được đặt như thế trên bản đồ thế giới thì nó là của Trung Quốc. Việt Nam gọi là Biển Đông trong khi Philippines gọi là Biển Tây Philippines. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=214453&zoneid=2

Geen opmerkingen:

Een reactie posten