zaterdag 14 november 2015

Khủng bố hàng loạt tại Paris : Hơn 120 người chết



Khủng bố hàng loạt tại Paris : Hơn 120 người chết


mediaCảnh sát Pháp phong tỏa khu vực gần nhà hát Bataclan, Paris, đêm 13/11/2015REUTERS
Tối qua 13/11/2015, một loạt vụ khủng bố đồng thời nổ ra tại Paris, khiến ít nhất 128 người thiệt mạng trong đó có khoảng 80 nạn nhân trong vụ tấn công và bắt con tin ở nhà hát Bataclan, quận 11. Gần như đồng thời, ba vụ nổ khác ở bên ngoài sân vận động Stade de France, nơi diễn ra trận bóng giao hữu Pháp – Đức. Tổng thống Pháp ban hành tình trạng khẩn cấp.
Mười tháng sau các vụ khủng bố hồi tháng Giêngh 2015 khiến 17 người chết, nước Pháp một lần nữa lại là nạn nhân của một loạt vụ khủng bố với quy mô lớn hơn. Cơ quan công tố mở cuộc điều tra về các hành động giết người có liên quan đến một tổ chức khủng bố.
Theo đại diện viện công tố Paris, « số người thiệt mạng có thể vượt quá 120 ». 200 người bị thương, trong đó có 80 người trong tình trạng nghiêm trọng. Một nguồn tin thân cận với các nhà điều tra, được AFP dẫn lạ, cho biết tám kẻ khủng bố đã bị bắn hạ.
Tổng thống Pháp François Hollande đã có một phát biểu trên truyền hình tối qua, vài giờ sau các vụ khủng bố. Ông nói đến « các cuộc tấn công chưa từng có ».
Tổng thống Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ. Phủ tổng thống Pháp cũng đồng thời thông báo « tái lập tức thời các trạm kiểm soát biên giới », ngược lại với khẳng định của tổng thống François Hollande trước đó là « đóng cửa » biên giới.
Các quyết định nói trên được thông qua trong phiên họp bất thường của Hội đồng bộ trưởng trong đêm.
« Một số đồng phạm » còn lẩn trốn
Theo giới điều tra, bên cạnh tám kẻ tấn công đã chết, « có thể còn một số đồng lõa hoặc đồng thủ phạm hiện vẫn còn lẩn trốn ».
Hội đồng Quốc phòng Pháp họp hôm nay. An ninh được tăng cường và các biện pháp phòng ngừa được thông qua. 1.500 quân nhân được tăng cường thêm để bảo vệ an ninh tại Paris, bên cạnh 7.000 binh sĩ đã có mặt tại chỗ trong khuôn khổ của kế hoạch chống khủng bố Vigipirate.
Tất cả các cơ sở của thành phố Paris đóng cửa hôm nay, cũng như toàn bộ các trường học phổ thông và đại học tại vùng thủ đô Paris, theo thông báo của cơ quan phụ trách giáo dục Paris trên compte Twitter trong đêm.

http://vi.rfi.fr/phap/20151114-khung-bo-hang-loat-tai-paris-hon-120-nguoi-chet


Khủng bố tại Paris : 6 địa điểm bị tấn công


mediaCác nhân viên cứu hộ làm việc ở trước một nhà hàng Paris bị khủng bố đêm 13/11/2015.REUTERS/Philippe Wojazer
Các vụ khủng bố tại Paris tối qua 14/11/2015 diễn ra tại sáu địa điểm khác nhau làm ít nhất 120 người chết, theo chính quyền. Từ sân vận động nổi tiếng Stade de France ở ngoại ô phía bắc Paris, cho đến khu vực phía đông Paris gần quảng trường République - nơi một triệu rưỡi người đã xuống đường sau các vụ tấn công hồi tháng Giêng.
Nhà hát Bataclan : 82 người chết
Nhiều kẻ vũ trang không che mặt đột ngột xuất hiện và nổ súng trong những tiếng hô « Allah Akbar » tại nhà hát Bataclan, nơi nhóm nhạc rock kim loại Mỹ Eagles trình diễn. Vụ bắt con tin này kéo dài ba tiếng đồng hồ, ít nhất 82 người thiệt mạng.
Pierre Janaszak, 35 tuổi, hoạt náo viên truyền thanh và truyền hình có mặt trong nhà hát kể lại : « Tôi nghe rõ ràng họ nói với các con tin : ‘Đó là lỗi của Hollande, lỗi của Tổng thống các vị. Không nên can thiệp vào Syria’. Họ cũng nói đến Irak ».
Cảnh sát bắt đầu tấn công vào lúc gần 0 giờ 30 phút, và kết thúc khoảng 1 giờ (0 giờ GMT). Bốn kẻ khủng bố đều tử thương, trong đó có ba tên do kích hoạt thắt lưng chứa chất nổ.
Stade de France (ngoại ô Paris) : 4 người chết
Gần như đồng thời, vụ nổ đầu tiên xảy ra vào lúc 21 giờ 20 ở chu vi sân vận động Stade de France, nơi trận chung kết giải bóng đá châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 7/2016. Tổng thống Pháp François Hollande đang có mặt để xem trận đấu giữa hai đội bóng đá Pháp và Đức ngay lập tức được sơ tán, các ngõ ra vào sân vận động bị phong tỏa. Tổng cộng người ta nghe được ba tiếng nổ. Ba kẻ đánh bom tự sát chết tại chỗ, một khán giả thiệt mạng.
Phố Charonne : 18 người chết
Tại khu vực phía đông Paris ở đường Charonne, 18 người đã bị giết chết trong một khung cảnh chiến tranh. Một nhân chứng cho biết đã nghe « súng nổ hàng tràng trong vòng hai, ba phút. Tôi nhìn thấy nhiều xác người đẫm máu nằm trên mặt đất ». Theo người đàn ông này, một quán cà phê và một nhà hàng Nhật là mục tiêu bị nhắm bắn.
Phố Alibert : Ít nhất 12 người chết
Hơi chếch lên về phía bắc, một vụ xả súng đã xảy ra ở góc đường Bichat và Alibert, trên sân thượng của nhà hàng Le Petit Cambodge. Ít nhất 12 người thiệt mạng.
Một phụ nữ tả lại : « Thật là một cảnh siêu thực, tất cả mọi người đều nằm rạp xuống đất, không ai động đậy. Xung quanh hết sức yên tĩnh, người ta không hiểu những gì đã diễn ra. Một thiếu nữ được một thanh niên bế trên tay. Cô ấy đã chết ».
Phố Fontaine au Roi : Ít nhất 5 người chết
Cách nhà hát Bataclan khoảng vài trăm mét, ở đường Fontaine au Roi, sân thượng một nhà hàng bán pizza tên La Casa Nostra đã là đích nhắm. Theo Mathieu, 35 tuổi, có năm nạn nhân bị những loạt đạn liên thanh bắn hạ. Nhân chứng này cho biết : « Có ít nhất năm người chết xung quanh tôi, những xác khác trên đường phố, máu đổ khắp nơi. Tôi còn sống là hết sức may mắn ».
Đại lộ Voltaire : Một người chết
Một vụ tấn công khác cũng xảy ra ở đại lộ Voltaire, không xa nhà hát Bataclan. Tên khủng bố đã chết.

http://vi.rfi.fr/phap/20151114-khung-bo-tai-paris-6-dia-diem-bi-tan-cong

« Chiến tranh giữa lòng Paris »

mediaNgười Đức đặt hoa tưởng niệm nạn nhân các vụ tấn công tại Paris trước cửa Sứ quán Pháp tại Berlin, Đức, ngày 14/11/2015.REUTERS/Hannibal Hanschke
Paris vừa trải qua một đêm kinh hoàng. Nhiều vụ tấn công khủng bố gần như đồng loạt tại quận 10 và 11 Paris và sân vận động Stade de France (ngoại ô Paris) là chủ đề chính trên hai nhật báo Le Figaro và Libération và trên website của Le Monde.
Trang nhất của Le Figaro là một màu đen với hàng tựa : « Chiến tranh giữa lòng Paris » với hình ảnh hiện trường tan hoang cùng với nhiều thi thể nạn nhân trước quán bar “La Belle Epoque” tại phố Charonne, quận 10 Paris. Le Figaro đăng lời kể của một nhân chứng : « Người dân thả khăn trải giường từ cửa sổ để phủ những thi thể dưới đường ». Còn tại sân vận động Stade de France nơi diễn ra trận đấu giao hữu Đức-Pháp, thì ban đầu là « bình tĩnh sau đó là sợ hãi ». Tại nhà hát « Bataclan là cảnh tượng hãi hùng ».
Cũng trên trang nhất, nhật báo Libération chạy tựa lớn : « Hàng loạt vụ tàn sát ngay tại Paris ». Bên trong là lời tường thuật của một số nhân chứng từ ba điểm bị tấn công. Tại nhà hát Bataclan ở quận 11 nơi diễn ra buổi trình diễn của một nhóm nhạc rock từ California tới, có « ba người bắt đầu bắn xối xả vào đám đông ». Một nhân chứng kể lại : « Có một kẻ bắn súng ở trong phòng và một tên khác mặc trang phục mầu đen đứng trên ban công và xả súng tự động vào đám đông ở phía dưới ».
Tại sân vận động Stade de France (ngoại ô Paris), Libération đăng hình ảnh cổ động viên Pháp hoảng loạn bỏ chạy. Tuy nhiên, theo hình ảnh được công bố trên truyền hình, 80.000 cổ động viên được sơ tán trong trật tự và cùng hát vang quốc ca Pháp. Một nhân chứng kể lại : « Khi tiếng nổ đầu tiên vang lên, những người có mặt trên sân vận động tưởng là tiếng pháo do một cổ động viên nào đó ném. Khoảng 2 đến 5 phút sau là những tiếng nổ tiếp theo, rất lớn và tới lúc nghỉ giữa hai hiệp đấu, chúng tôi nhận thấy đang có chuyện gì đó xẩy ra. Nhân viên an ninh của sân vận động yêu cầu chúng tôi không được tới gần cửa ra vào và ở lại bên trong khán đài. Sau đó họ chạy khắp nơi. Chúng tôi hiểu là tình hình trở nên nghiêm trọng khi một chiếc máy bay trực thăng lượn vòng trên sân vận động ».
Tại phố Charonne ở quận 11, nơi có rất nhiều quán bar và nhà hàng thường được người dân lui tới, một nhân chứng đi ô tô tới đúng lúc hai người đàn ông nổ súng, cho biết « họ đi trong một chiếc xe berline mầu đen. Một người cầm súng AK bắn thẳng vào quán bar “La Belle Epoque”. Chúng bắn xối xả tới 100 viên đạn. Lúc đó khoảng 21 giờ 35 ».
Tổng cộng có ít nhất 128 người chết và hơn 200 người bị thương, trong đó có 80 người trong tình trạng nguy kịch. Tổng thống Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp. Le Figaro cho biết thế giới xúc động trước những gì xảy ra tại Paris. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định các vụ tấn công này đánh “vào nhân loại và giá trị phổ quát của nhân loại”. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã chia buồn với nước Pháp và bày tỏ sự ủng hộ sát cánh cùng với lãnh đạo Pháp.
Pháp tăng cường hiện diện tại Trung Đông để bán vũ khí
Phát biểu ngày vào đêm hôm qua, Tổng thống Pháp cho biết : « Chúng ta biết vụ tấn công từ đâu tới, và những kẻ khủng bố này là ai ». Phải chăng đây chính là hậu quả mà nước Pháp đã dự đoán được, song không biết thời điểm cụ thể, do chính sách xoay trục chiến lược sang Trung Đông ?
Nhật báo The Straits Times, phát hành tại Singapore, trong số ra ngày 26/10/2015, cho rằng các chiến lược mà Paris tiến hành đều nhằm mục đích gây ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông và phát triển ngành công nghiệp vũ khí. Nhận định trên của bài báo được tờ Le Courrier international trích dịch trong số ra tuần này.
Tác giả Jonathan Eyal nhận định khó có thể đoán trước được tương lai của khu vực Trung Đông, nơi các mối quan hệ đồng minh cũ đang bị cắt đứt để hình thành những mối quan hệ mới. Pháp là nước đang dày công đúc kết một chiến lược ổn định hơn để hưởng những mối lợi về kinh tế và chính trị tại khu vực này. Điều này được khẳng định qua những hoạt động mà Paris đang tiến hành với sự sáng suốt và quyết tâm cao.
Giống như Anh, Pháp đã từng có nhiều thuộc địa trong khu vực. Phần lớn các thuộc địa cũ của Anh Quốc “ngồi” trên các mỏ dầu và khí đốt rộng lớn. Trong khi đó, các thuộc địa cũ của Pháp, là Syria và Liban, lại có những bãi biển đẹp và đồi núi hùng vĩ. Thế nhưng, theo phân tích của tác giả bài báo, Anh và Pháp lại có cách duy trì quan hệ với các thuộc địa cũ hoàn toàn khác nhau. Nếu như người Anh tìm cách điều hành các thuộc địa cũ thông qua hệ thống quốc vương và hoàng thân địa phương, thì người Pháp lại muốn điều hành từ Paris.
Song chiến lược hậu thuộc địa của Anh hoàn toàn hiệu quả hơn : Đa số các gia đình hoàng tộc sống tại Anh Quốc vẫn nắm quyền lực. Ngược lại, các nhà lãnh đạo mà Pháp “dựng lên” trước khi rời thuộc địa hoặc nhanh chóng bị ám sát, hoặc bị lật đổ hay chiến bại. Chính vì vậy, Anh Quốc vẫn giữ được mối quan hệ chặt chẽ và đầy lợi nhuận với các vương quốc Ả Rập giầu có nhất.
Thế nhưng, Pháp không hoàn toàn vắng bóng tại khu vực Trung Đông. Paris vẫn giữ được mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa và kinh tế với Liban và Syria. Ngoài ra, Pháp là nước có cộng đồng người Do Thái đông nhất Châu Âu nên vẫn duy trì được mối quan hệ ưu việt Israel. Trong thập niên 1950 và đầu những năm 1960, Pháp là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu và là “thầy dạy” công nghệ hạt nhân cho quốc gia Do Thái này.
Hiện nay, Pháp muốn đảo ngược tình thế với tham vọng để lại dấu ấn ngoại giao rõ nét hơn tại thế giới Ả Rập, vượt qua cả Anh và thậm chí sánh ngang với Mỹ. Chính những “điểm yếu” trước đây của Pháp bỗng chốc trở thành điểm mạnh. Một trong những lý do chính là lời từ chối tham chiến tại Irak với quân đội Mỹ của Tổng thống Jacques Chirac vào năm 2003. Quyết định này không chỉ được đánh giá cao về khả năng độc lập trên phương diện ngoại giao của Paris, mà còn tránh cho nước Pháp gánh nặng nếu tham chiến.
Trong những năm gần đây, dấu ấn của Pháp tại khu vực Trung Đông và Châu Phi ngày càng trở nên ấn tượng. Ngoài Libya, Pháp còn can thiệp quân sự tại Mali vào năm 2013 và hiện nay là tại khu vực sa mạc Sahel. Paris cũng đã tham gia không kích chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp quân sự, Paris còn “tham chiến” trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.
Tổng thống François Hollande là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tham dự Thượng đỉnh khối Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. Chỉ trong vòng sáu tháng gần đây, Pháp đã ký hàng loạt hợp đồng có giá trị cao: 3 tỉ đô la với Ả Rập Xê Út để giao vũ khí cho quân đội Liban, 7 tỉ đô la với Qatar, 5 tỉ đô la với Ai Cập để bán chiến đấu cơ Rafale và cuối cùng là nhiều hợp đồng với tổng trị giá 10 tỉ euro vừa được ký kết vào tháng 10 vừa qua với Ả Rập Xê Út.
Một số người cáo buộc các kế hoạch điều chỉnh chiến lược của Paris là vô trách nhiệm : Người Pháp chỉ tranh thủ cơ hội để bán vũ khí trong khi đó vẫn trông cậy vào người Mỹ để giải quyết các vấn đề mấu chốt trong khu vực. Một số khác thì lại khẳng định là Pháp chỉ lên giọng trong các bài diễn văn nhưng sức mạnh quân sự lại không xứng tầm với tham vọng của nước này.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Paris đang tìm cách khẳng định vị thế trong bối cảnh cảnh quan chiến lược thế giới thay đổi. Pháp đang cảm thấy tự tin hơn trước khả năng Hoa Kỳ sẽ “chán” việc đảm bảo quốc phòng của Châu Âu và đã đến lúc người Châu Âu phải gánh trọng trách này ; ý nghĩ này đã được Tổng thống Obama “úp mở” ít nhiều. Các vụ khủng bố xẩy ra vào tháng 01/2015 tại Paris cũng đã khẳng định mối liên hệ giữa các mối đe dọa trong và ngoài nước.
Tóm lại, sự hiện diện và can dự ngày càng rõ rệt của Pháp tại Trung Đông dựa trên một điều tất yếu là khu vực này không chỉ quan trọng về tiềm năng kinh tế, mà còn là một nguồn đe dọa đối với an ninh mà nước Pháp hay toàn bộ Châu Âu không được phép lơ là.
Thượng đỉnh Trung-Đài : Bốn bên cùng có lợi
Quay sang thời sự Châu Á, tờ Le Courrier international trích dịch một bài phân tích trên tờ Trung Quốc thời báo (Chungkua Shihpao), số ra ngày 05/11 vừa qua, về cuộc hội ngộ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu. Tờ báo phát hành tại Đài Bắc trên luôn ủng hộ việc hai bờ eo biển Đài Loan xích lại gần nhau, đánh giá đây là “cuộc gặp các bên cùng có lợi”.
Theo nhà báo Liu Ping, sau cuộc gặp vừa rồi, người chiến thắng đầu tiên là Tổng thống Mã Anh Cửu. Ông đạt được vị thế mong muốn từ lâu : tạo cho mình tầm vóc lịch sử. Một măt, sự kiện quan trọng này cho phép hình ảnh của ông in đậm trong tâm trí các thế hệ sau này. Vì sắp kết thúc nhiệm kỳ nên Tổng thống Đài Loan không cần phải chú ý tới hậu quả các hành động mà cho rằng đó là nghĩa vụ của mình. Mặt khác, ông Mã có lẽ thoả mãn rằng sự kiện trên được công luận đánh giá là “lịch sử” và so sánh như những gì Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã làm vào năm 1972. Vì giờ đây, mỗi khi nhắc tới tên vị Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ, là người ta nghĩ ngay tới chuyến “công du phá băng” với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng được cho là người thắng cuộc sau thượng đỉnh tại Singapore. Từ một tháng nay, ông liên tục công du nước ngoài, từ Seattle tới Washington, từ Luân Đôn tới Manchester. Thế nhưng, những chuyến đi này diễn ra trong bầu không khí gây tranh cãi và không hẳn có lợi cho hình ảnh của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Tương tự như người đồng nhiệm Đài Loan, tờ báo cho rằng “tên tuổi của ông sẽ lưu lại trong Lịch sử” và như vậy, “ít nhất cuộc sống của ông cũng có ý nghĩa”. Các vấn đề liên quan tới tranh chấp tại Biển Đông, về nhân quyền hay về internet đã tạo cho ông một hình ảnh xấu và đi liền với ông “như hình với bóng”. Thế nhưng, một cường quốc có những lợi ích riêng thì những lời chỉ trích trên đâu có nghĩa lý gì để lay chuyển được cả hệ thống ?
Còn phe đối lập Đài Loan khá kiệm lời khen về cuộc gặp vừa qua tại Singapore và dĩ nhiên là thích “tung” ra những lời chỉ trích hơn. Họ cáo buộc Tổng thống Mã Anh Cửu “bán Đài Loan”, hành động thiếu minh bạch hay tìm cách “thoát khỏi mọi sự theo dõi dân chủ”. Thế nhưng, phe đối lập sẽ không tìm cách “đổ thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống và Nghị viện sắp diễn ra vào đầu năm 2016. Họ sẽ không ủng hộ phong trào chiếm đóng Nghị viện như trước đây, khi người biểu tình phản đối bản thoả thuận khung về hợp tác kinh tế Trung-Đài. Ứng viên đối lập của đảng Dân chủ Tiến bộ, bà Thái Anh Văn (Tsang Ing Wen) đang giành thế thắng chỉ chờ ngày 16/01/2016 để lên nắm quyền, thận trọng không muốn gây ra bất kỳ phản ứng kích động nào. Vì đây là con dao hai lưỡi, trong trường hợp biểu tình quá khích, Tổng thống Mã Anh Cửu có thể ban hành “tình trạng khẩn cấp” và hoàn toàn có quyền huỷ các cuộc bầu cử sắp tới.
Ngoài ra, bà Thái Anh Văn còn có thể hưởng thành quả từ cuộc gặp thượng đỉnh này. Trong chuyến công du Hoa Kỳ, bà từng phát biểu rằng Trung Quốc và Đài Loan nên duy trì hoạt động dựa trên “những kết quả đã cùng nhau đạt được trong suốt 20 năm vừa qua”. Bà cũng nhấn mạnh là hướng mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan theo logic tối ưu hoá lợi ích của cả hai bên và “một nền hoà bình ổn định là mối bận tâm lớn nhất của chúng tôi”. Trước đó, bà Thái Anh Văn đã tuyên bố chấp nhận bản thoả thuận khung về hợp tác kinh tế Trung-Đài. Vì thế, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu bà chấp nhận thành quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu và Tập Cận Bình.
Khi Trung Quốc và Đài Loan công bố về cuộc gặp thượng đỉnh, Mỹ đã ngay lập tức hoan nghênh những bước tiến của hai bờ eo biển Đài Loan “nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ”. Quả thực, ngành ngoại giao Mỹ luôn theo nguyên tắc chỉ đạo là “ưu tiên đối thoại hơn là đối đầu”. Tác giả bài báo nêu vài ví dụ, là trong quá khứ Hoa Kỳ đã chọn cách đối thoại với Liên Xô hay với chính quyền Bắc Kinh mà vào thời đó Washington còn chưa công nhận chế độ.
Sau một thời gian giàn xếp bí mật, Tổng thống Nixon quyết định vượt Thái Bình Dương để công du đất nước được coi là kẻ thù truyền kiếp bất chấp sự bất bình của người Mỹ. Còn các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc được cơ hội “rêu rao” là Mỹ “tới giương cờ xin hàng”. Tác giả bài báo đặt câu hỏi, nếu Tổng thống Nixon không đưa ra quyết định trọng đại trên thì làm sao ông có thể viết lên trang Sử mới ? Kỷ nguyên mới mà ông mở ra được các đời tổng thống kế nghiệp, dù Dân chủ hay Cộng hoà, tiếp tục cho tới khi “bình thường hoá quan hệ” trong nhiệm kỳ của Jimmy Carter vào năm 1979.
Tác giả bài báo so sánh cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Trung Hoa như chuyến công du của tổng thống Richard Nixon. Hai ông Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu đã mở ra một con đường để các thế hệ sau này có thể tiếp tục. Tại sao lại không vui mừng được ?
Người Karen, dân tộc bị quên lãng trong tiến trình hòa bình tại Miến Điện
Trong khi Miến Điện đang sống những thời khắc lịch sử của cuộc bầu cử tự do, thì cách xa cố đô Rangoon, một trong những tộc người thiểu số chính không hy vọng gì nhiều từ các kế hoạch thay đổi. Tại đây, dù là thỏa thận ngừng bắn đã được ký kết, thì người dân vẫn chưa được bình yên. Đặc phái viên của tuần báo L’Express giúp độc giả tìm hiểu về « Người Karen, dân tộc bị quên lãng trong tiến trình hòa bình tại Miến Điện ».
Vùng đất nơi có khoảng 1,5 triệu người sinh sống rộng tương đương với vương quốc Bỉ và nằm dọc với biên giới Thái Lan. Tại đây, không hề có không khí sôi nổi của cuộc bầu cử như tại Rangoon hay Mandalay. Dù người dân vẫn mong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ giành thắng lợi, song họ biết rằng sẽ không có thay đổi gì lớn tại vùng đất này.
Người Bama, tộc người chính tại Miến Điện, chiếm tới 2/3 dân số tại đây, vẫn xử sự với người thiểu số như thực dân. Các vụ cưỡng hiếp hay tàn sát không còn xảy ra, thay vào đó là cướp bóc nguồn tài nguyên tại đây. Không việc làm, đời sống khó khăn nên nhiều thanh niên Karen bỏ xứ đi nơi khác. Có khoảng 1 triệu người đang sống và làm việc ở nước ngoài và gửi tiền về cho gia đình.
Ngày 15/10 vừa qua, chính quyền quân sự đã ký một thỏa thuận đình chiến. Thế nhưng, người dân Karen hiểu rằng chính quyền chỉ tìm cách dàn xếp trước kỳ bầu cử để tỏ thiện chí đối với cộng đồng quốc tế. Họ mong muốn là thành lập một quốc gia liên bang Miến Điện nơi mọi tộc người thiểu số đều được bình đẳng. Tuy nhiên, theo nhận định của tướng Nerdah Mya, được L’Express trích dẫn : « Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết mới chỉ là tạm dừng các cuộc chiến. Mọi việc còn phải chờ thương lượng. Và con đường dẫn tới hòa bình còn rất dài ».

http://vi.rfi.fr/phap/20151114-%C2%AB-chien-tranh-giua-long-paris-%C2%BB

Geen opmerkingen:

Een reactie posten