woensdag 15 april 2015

Việt Nam Cộng... Hỏa hay Việt Nam Cộng... Sản ‘cũng đều là Việt Nam’ về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa

VNCH hay VNDCCH 'cũng đều là Việt Nam'

  • 14 tháng 4 2015
Một đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hòa trên Hoàng Sa trước năm 1974
Tháng Tư năm nay đánh dấu 40 năm ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch giành quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Diễn biến xảy ra vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam.
BBC đã có cuộc phỏng vấn với Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP. HCM, là nhà nghiên cứu các tranh chấp trên biển Đông, về sự kiện này.
Thạc sỹ Hoàng Việt: Ngay từ trước đây báo chí đã đưa tin theo hướng là phe ta đã tấn công Việt Nam Cộng hòa và giành quyền kiểm soát Trường Sa.
Tuy nhiên, các tài liệu lịch sử về vấn đề này không rõ ràng và tôi không rõ liệu lực lượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có gặp phải sự kháng cự gì từ phía Việt Nam Cộng hòa hay không.
Tôi nghĩ là báo chí đưa tin như vậy theo nhịp điệu kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4.
Ở Việt Nam có hai luồng tư tưởng cơ bản, một luồng tư tưởng cho rằng tồn tại 'phía ta và phía địch', và 'phía ta đã chiến thắng phía địch'. Nhưng có những luồng tư tưởng cấp tiến hơn, cho rằng Việt Nam Cộng hòa hay Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đều là Việt Nam cả.
Trước đây, những người theo xu hướng cấp tiến rất ít được cất tiếng nói, nhưng luồng tư tưởng này đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn và tôi cho rằng cách nhìn nhận này sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn.
Trước đây thì nhận thức ở Việt Nam về vai trò của Việt Nam Cộng hòa rất khác, sau này thì bắt đầu có những thay đổi trong nhận thức.
Đầu tiên chỉ có những nhóm cá nhân đứng ra vinh danh những liệt sỹ trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, nhưng giờ thì các báo nhà nước cũng đã lên tiếng và vinh danh các liệt sỹ này, nó cho thấy sự thay đổi theo hướng cởi mở hơn.
BBC: Có tờ báo như VnExpress dẫn lời Đại tá Mai Xuân Ạp nói 'chính quyền Sài Gòn đã rất ý thức việc giữ chủ quyền biển đảo để phòng thủ đất nước bằng việc cho lính ra đóng giữ 6 đảo. Từ đó quân giải phóng mới dễ dàng làm chủ tình hình". Ông nhận xét gì về câu nói này?
Thạc sỹ Hoàng Việt: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét này.
Chính sách gìn giữ chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa ngay từ thời Ngô Đình Diệm đã làm rất tốt.
Hầu hết các bia trên đảo ở Trường Sa mà Việt Nam đang kiểm soát, ngoài các bia mới, vẫn còn các bia cũ do Việt Nam Cộng hòa xây từ năm 1956.
Các phái đoàn trước đây của Việt Nam Cộng hòa cũng đã tích cực tham gia vào các hội nghị xây dựng Công ước Luật biển. Giáo sư Nguyễn Quốc Định, là một học giả rất nổi tiếng, đã đóng vai trò quan trọng trong phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa tại hội nghị về Công ước Luật biển lần 2, năm 1973, để từ đó có Công ước Luật biển 1982.
Điều đó cho thấy Việt Nam Cộng hòa rất quan tâm đến vấn đề chủ quyền và đã có các hành động gìn giữ các hòn đảo, đặc biệt là tại Hoàng Sa và Trường Sa.
BBC: Theo ông, việc thừa nhận sự kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa đối với Hoàng Sa và Trường Sa có lợi gì cho cuộc đấu tranh pháp lý của Việt Nam, và gây những bất lợi nào cho tính chính danh của Hà Nội trong cuộc chiến Việt Nam?
Thạc sỹ Hoàng Việt: Trong vấn đề này có hai mặt:
Mặt thuận lợi là trong một thời gian dài, Việt Nam hay các quốc gia khác đều tìm cách khẳng định chủ quyền của mình trên biển, nhưng điều quan trọng là bên nào đưa ra bằng chứng.
Quốc tế thường có xu hướng là ai đã chiếm hữu thực sự bằng biện pháp hòa bình trong một thời gian dài cho đến lúc tranh chấp thì thường được trao chủ quyền.
Chính vì vậy việc Việt Nam Cộng hòa từ những năm 1956 đã lên đảo đặt bia chủ quyền và cho đồn trú binh lính trên đó đã tạo những thuận lợi cho Việt Nam sau này.
Cái bất lợi là Việt Nam giữ được Trường Sa, nhưng đánh mất ở Hoàng Sa năm 1974, gây khó khăn cho việc đòi lại.
Tôi không muốn đổ lỗi cho bên nào, nhưng thực tế là Hoàng Sa đã bị mất khi đang nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa năm 1974.
Khó khăn nữa là khi hai bên chiến tranh thì chính quyền miền Bắc không công nhận chính quyền Việt Nam Cộng hòa và coi đó là ngụy quyền. Điều này gây khó khăn cho việc thừa kế chủ quyền quốc gia.
Một số học giả đã tranh luận rằng nên công nhận Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia và điều này sẽ có lợi cho việc tiếp quản, thừa kế chủ quyền quốc gia trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Hoàng Sa Trường Sa hiện nay.
BBC: Việt Nam cần chuẩn bị những gì nếu muốn theo đuổi hình thức đấu tranh pháp lý trước tòa án quốc tế mà Philippines đang thực hiện, thưa ông?
Thạc sỹ Hoàng Việt: Tôi cho rằng cần xem trọng yếu tố con người. Cần đội ngũ luật sư quốc tế giỏi, dày dặn kinh nghiệm, có phương án tốt.
Cần xem xét các điểm mạnh yếu trong hồ sơ pháp lý của Việt Nam để củng cố, chứng minh trước tòa.
Ngoài việc chứng minh cần có các biện pháp kỹ thuật nhằm xây dựng các bằng chứng để trình ra trước tòa.
Theo tôi đó là hai vấn đề quan trọng nhất lúc này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/04/150414_spratly_islands_battle_south_vietnam

40 năm hải chiến Hoàng Sa

20 tháng 1 2014 Cập nhật lúc 14:48 ICT
Hình ảnh tưởng niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa ở Việt Nam và Mỹ.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2014/01/140120_hoangsa_battle_anniversary
Kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa
Khoảng 100 người dân đã tập hợp trước Tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội vào sáng Chủ nhật ngày 19/1 để tưởng nhớ 74 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình trong trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước Trung Quốc vào năm 1974.
Kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa
Những người biểu tình dâng hoa, căng biểu ngữ tri ân các tử sỹ và đọc diễn văn tại lễ tưởng niệm. Tuy nhiên, cuộc tập hợp ở Hà Nội đã diễn ra trong sự xáo trộn chứ không trang nghiêm do chính quyền đã huy động lực lượng đến bắc loa chĩa vào đám đông và cho thợ thi công đến cắt đá gây ra bụi và tiếng ồn trước tượng đài Lý Thái Tổ.
Kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa
Những hoạt động tưởng niệm này là do người dân tự phát chứ chính quyền không có hoạt động chính thức gì để tưởng nhớ. Trước đó, một buổi lễ thắp nến tưởng niệm được chính quyền Đà Nẵng lên kế hoạch từ trước đã bị hủy vào phút chót.
Kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa
Các hoạt động tưởng niệm trận chiến Hoàng Sa cũng diễn ra ở nhiều nơi có cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Riêng ở San Francisco thuộc tiểu bang Los Angeles của Mỹ, một số Việt kiều đã biểu tình phản đối trước lãnh sự quán Trung Quốc hôm thứ Sáu ngày 17/1.
Kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa
Những người biểu tình đã giương cao các biểu ngữ chống Trung Quốc và khắng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tòa lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco vẫn đang được sửa chữa sau một vu tấn công cách nay không lâu.
Kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa
Sau đó, những người biểu tình tiếp tục tuần hành đến Lãnh sự quán Việt Nam để phản đối chính sách mà họ mô tả là 'nhu nhược' của chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam trước những người đồng chí Trung Quốc. Chính quyền Việt Nam năm nay mặc dù cản trở các hoạt động tưởng niệm các tử sỹ Việt Nam Cộng hòa hy sinh ở Hoàng Sa nhưng vẫn bật đèn xanh cho báo chí đề cập đến chủ đề này.
Kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa

Geen opmerkingen:

Een reactie posten