donderdag 16 april 2015

Tokyo yêu cầu đưa Senkaku vào thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Nhật

Tokyo yêu cầu đưa Senkaku vào thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Nhật

mediaKhông ảnh cho thấy tàu hải giám 66 của Trung Quốc lượn quanh tàu tuần duyên Nhật ở Biển Hoa Đông.REUTERS/Kyodo/Files
Phải chăng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ trở thành khó nuốt đối với Bắc Kinh ? Khả năng này sẽ hoàn toàn trở thành hiện thực nếu bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật đang được cập nhật, ghi rõ cam kết của Washington bảo vệ các đảo dưới quyền kiểm soát của Tokyo trong trường hợp bị tấn công.
Nhật báo Yomiuri Shimbun số ghi ngày 14/04/2015 vừa tiết lộ thông tin theo đó Tokyo đã yêu cầu Washington nêu rõ trong bản hướng dẫn này cam kết dùng lực lượng quân sự Mỹ để bảo vệ các đảo ngoài xa mà Nhật Bản cho là thuộc chủ quyền của mình nếu các đảo này bị tấn công.
Đây chính là trường hợp của quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông, đang do Nhật Bản kiểm soát nhưng lại bị Trung Quốc đòi chủ quyền, và thường xuyên cho tàu và máy bay đến khiêu khích.
Các cuộc đàm phán Mỹ-Nhật nhằm đúc kết bản hướng dẫn mới về hợp tác đang bước vào giai đoạn chung cuộc vì hai đồng minh dự kiến công bố thỏa thuận về bản cập nhật nói trên vào cuối tháng Tư này, trùng hợp với chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe, với một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28/04.
Theo các nhà phân tích, Nhật Bản như vậy đã gia tăng sức ép trên đồng minh Hoa Kỳ khi đòi có cam kết bằng « giấy trắng mực đen » trên một vấn đề cho đến nay luôn được các lãnh đạo Mỹ hứa miệng.
Mỹ đã hứa miệng, nhưng Nhật thấy chưa đủ
Vào tháng Bảy năm ngoái (2014), chính Tổng thống Mỹ Obama đã đích thân khẳng định rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi áp dụng của Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Theo điều khoản này, Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ Nhật nếu quốc gia này bị tấn công.
Nhân chuyến công du Nhật Bản vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng nhắc lại cam kết của ông Obama. Trong một thông điệp rõ ràng là nhắm vào Bắc Kinh, ông Carter còn tuyên bố cực lực chống lại « bất kỳ hành động đơn phương, ép buộc nào nhằm hủy hoại quyền quản lý hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku ».
Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, vấn đề là cho đến nay, chưa có văn bản chính thức nào nêu rõ nhiệm vụ của Washington trong việc giúp Tokyo bảo vệ các hòn đảo ngoài xa như Senkaku. Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng hiện hữu, ấn bản 1997, không hề đề cập đến nhu cầu bảo vệ các đảo nhỏ và ở xa bờ của Nhật Bản.
Ngoài ra, Điều 5 bản Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật chỉ nói chung chung là Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trong trường hợp nước này bị tấn công. Khái niệm « Nhật bị tấn công » khá mơ hồ, vì vấn đề đặt ra là nếu chỉ có một hòn đảo nhỏ, ở rất xa Nhật Bản bị xâm lấn, thì liệu Mỹ có điều quân bảo vệ hay không ?
Mối quan ngại trên đây cũng xuất phát từ một quan điểm khác cũng thường được Mỹ nêu bật : Đó là Washington không muốn bị lôi kéo vào một xung đột vũ trang giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Có lẽ chính vì các quan ngại nói trên mà chính phủ Nhật Bản đòi Mỹ phải lồng vấn đề bảo vệ đảo xa vào bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng song phương.
Văn kiện này trên nguyên tắc quy định cách phân công, phân nhiệm giữa lực lượng võ trang hai bên. Nếu bản hướng dẫn này đề cập đến việc bảo vệ các hòn đảo lớn nhỏ của Nhật Bản, cách thức can thiệp của lực lượng Mỹ khi xẩy ra sự cố sẽ trở nên rõ ràng hơn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150415-tokyo-yeu-cau-dua-senkaku-vao-thoa-thuan-quoc-phong-my-nhat/

Mỹ, Nhật duyệt phương án tái chiếm Senkaku/Điếu Ngư nếu cần

mediaQuần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ảnh chụp từ trên không ngày 13/12/2012.REUTERS/Xinhua
Sau khi thông tin bị báo chí tiết lộ, nhiều viên chức Mỹ cao cấp vào hôm qua, 20/03/2013 đã xác nhận nguồn tin theo đó Washington và Tokyo đang thảo luận về các phương án dự phòng trường hợp xấu nhất về cuộc tranh chấp hải đảo hiện nay giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong các kế hoạch, có cả việc tái chiếm lại các hòn đảo ngoài biển Hoa Đông, trong trường hợp Bắc Kinh có hành động lấn chiếm.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, một quan chức Mỹ xin giấu tên xác nhận : « Chúng tôi có các kế hoạch dự phòng các tình huống và đang thảo luận với các đồng minh ». Theo nhân vật này, việc hai chính phủ hội ý với nhau về bàn đến các kịch bản trong tình hình căng thẳng gần đây là điều "tự nhiên". Một viên chức Bộ Quốc Phòng Mỹ, cũng xin giấu tên, đã xác nhận thông tin về các cuộc thảo luận Mỹ Nhật.
Tuy nhiên, cả hai nguồn tin trên đều khẳng định rằng chính quyền Mỹ không muốn làm tình hình căng thẳng thêm, và việc thảo luận về kế hoạch chỉ là một trong nhiều chủ đề của chương trình nghị sự cuộc gặp giữa các sĩ quan cao cấp Mỹ và Nhật họp tại Hawai tuần này. Ngay hôm nay, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ có cuộc thảo luận với Tướng Shigeru Iwasaki, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ (tức quân đội) Nhật Bản.
Trên bình diện chính thức, Bộ Quốc phòng Mỹ không xác nhận cũng không phủ nhận sự kiện là kế hoạch đang được thảo luận. Trung tá Catherine Wilkinson giải thích : « Trên nguyên tắc, chúng tôi không bình luận về các kế hoạch quân sự của chúng tôi ». Tuy nhiên phát ngôn viên này nhắc lại : « Chính sách của Mỹ về Senkaku đã rõ từ lâu. Chúng tôi khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng những biện pháp hoà bình ».
Tuy nhiên Hoa Kỳ đã từng cho biết rõ ràng là liên minh quân sự với Tokyo cũng áp dụng cho các đảo và gợi lên khả năng Mỹ hành động quân sự để trợ giúp Nhật Bản trong trường hợp Trung Quốc chiếm lấy đảo.
Cuộc tranh chấp trên các đảo mà Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc Điếu Ngư đã leo thang trong thời gian gần đây : Trung Quốc đã liên tục cho tàu vào vùng biển chung quanh đảo, vào tháng Giêng Nhật tố cáo chiến hạm Trung Quốc sử dụng radar định vị tàu chiến Nhật.
Vào hôm qua, ngay sau khi tờ báo tài chánh uy tín của Nhật Bản là Nikkei tiết lộ thông tin về việc Washington và Tokyo xét duyệt các phương án quân sự nhằm bảo về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã có phản ứng tức thời.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ Trung Quốc, quân đội nước này quyết tâm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc vẫn vững chắc. Trung Quốc chống lại mọi hành động làm tình hình phức tạp thêm.
Tân chủ tịch Trung Quốc Tập cận Binh đã mong muốn đấu tranh cho "sự hồi sinh của đất nước Trung Hoa". Ông Tập Cận Bình có quan hệ mật thiết với giới tướng lãnh, và đã kêu gọi quân đội Trung Quốc tăng cường khả năng "giành chiến thắng".
Nhật thì cũng có lập luận dân tộc chủ nghĩa với Thủ tướng Shinzo Abe. Đảng Dân chủ Tự do của ông, họp Đại hội thường niên hôm Chủ nhật vừa qua,đã cam kết đẩy nhanh việc sửa đổi Hiến pháp và thành lập một quân đội thực thụ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20130321-my-va-nhat-duyet-xet-phuong-an-tai-chiem-quan-dao-senkakudieu-ngu-neu-can-thiet/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten