Cầu treo và những lưu ý khi tham quan
Được coi là điểm tham quan yêu thích của các khu du lịch trên cả nước như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt, nhưng cầu treo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà du khách không nên chủ quan.
Với vẻ đẹp hoang sơ giữa khung cảnh núi rừng cùng nhịp bước lắc lư khi băng qua sông, suối, cầu treo mang đến những trải nghiệm mới lạ và thú vị, đôi khi cả một chút mạo hiểm cho nhiều du khách.
Cầu mây Sapa, Lào Cai
Cầu Mây Sapa. Ảnh: dulichsapa
|
Cách thị trấn khoảng 17 km, cây cầu treo làm bằng dây mây bắc qua dòng sông Mường Hoa là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Sapa. Trước đây, cây cầu này là con đường duy nhất dẫn đến trung tâm huyện từ xã Tả Van, nay chỉ dành để phục vụ du lịch và được biết đến với tên gọi Cầu Mây.
Khách đến với đây ngoài chụp ảnh làm kỷ niệm còn thử cảm giác thót tim khi bước qua các ván trên cầu cách nhau cỡ 20cm. Nếu không đủ dùng cảm, bạn chỉ cần đứng từ dưới dòng suối ngước lên ngắm cũng đủ ôm trọn vẻ đẹp thanh bình của Cầu Mây giữa núi rừng hùng vĩ.
Cầu treo Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Cầu treo Tam Đảo. Ảnh: vnbays
|
Nằm trong một resort ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, cây cầu treo bắc qua con suối nhỏ trở nên nổi tiếng sau nhiều bộ ảnh cưới được chụp tại đây. So với nhiều cây cầu treo khác, cầu treo ở đây trông mới và chắc chắn tạo cảm giác an toàn cho du khách đi qua, đặc biệt là lan can được đan dạng lưới cao đến đầu người. Đi qua câu cầu treo này, du khách sẽ bước vào một cánh rừng nhỏ khá nên thơ với nhiều loại cây xanh mướt, thấp thoáng những cánh bướm lượn vòng.
Cầu treo ở Cán Tỷ, Hà Giang
Cầu treo ở Cán Tỷ, Quản Bạ. Ảnh: Vy An
|
Không nổi tiếng như hai cây cầu treo ở Sapa và Tam Đảo, nhưng cây cầu đơn sơ bắc qua sông Tráng Kìm ở Cán Tỷ, Quạn Bạ này thu hút bất kỳ ai đi ngang qua trên con đường Hạnh phúc. Mặt cầu được làm từ gỗ nên khá chắc chắn khiến người bước xuống không có cảm giác lo lắng, thậm chí xe máy, xe đạp cũng có thể đi qua. Đứng giữa cầu, nhìn về hai phía sông như dải lụa xanh vắt ngang, bạn sẽ thấy bức tranh sơn thủy nên thơ của những mái nhà đơn sơ ẩn hiện cùng làn gió thoảng qua mát rượi.
Cầu treo Buôn Đôn, Đắk Lắk
Cầu treo Buôn Đôn. Ảnh: savacotourist.
|
Được lót sàn và lan can bằng tre đều tăm tắp xuyên qua rặng si già bắc ngang dòng sông chảy xiết là hình ảnh ấn tượng về cây cầu tre ở Buôn Đôn. Dài hơn 100 m, cây cầu treo này mang đến cảm giác dập dềnh nhưng vô cùng chắc chắn cho những bước châm khá phá sông núi Buôn Đôn. Không chỉ có vậy, bước tới cầu treo du khách còn cảm nhận được không gian mát rượi nhờ dòng suối cuộn trôi ào ạt dưới mặt cầu cùng bóng cây rợp mát. Đặc biệt, ở mỗi đầu đều có những sàn gỗ rộng và bằng phẳng để khách thư giãn, nghỉ ngơi và lấy lại bình tĩnh sau khi đã đi qua cầu treo.
Cầu treo ở Đà Lạt, Lâm Đồng
Cầu treo trong làng Cù Lần. Ảnh: baolamdong
|
Là nơi có nhiều suối và thác ghềnh nên Đà Lạt cũng là nơi sở hữu nhiều cây cầu treo vắt vẻo. Quen thuộc nhất có lẽ là cây cầu treo trong Thung lũng vàng - một trong những địa điểm được yêu thích nhất tại xứ ngàn thông. Cây cầu không quá dài nhưng là trải nghiệm thú vị khi thưởng ngoạn giữa không gian thơ mộng. Còn thích mạo hiểm hơn một chút, bạn có thể rẽ vào làng Cù Lần - một điểm du lịch ở Đà Lạt để thử bước đi qua 2 cây cầu nối tiếp nhau tưởng chừng.
Những lưu ý khi tham quan cầu treo
- Lưu ý trọng tải cho phép của cầu: Một số cầu treo có gắn biển quy định trọng tải, nhưng một số cây cầu lại quy định số lượng người được phép trên cầu (như Cầu Mây Sapa lưu ý chỉ nên có 3 - 5 khách lên cầu một lúc). Do đó, du khách cần tuyệt đối tuân theo những biển quy định và chỉ dẫn này.
- Đảm bảo an toàn khi đi trên cầu: Mặc dù cảm giác lắc lư khi đi trên cầu mang đến sự phấn khích cho du khách nhưng không nên vì thế bạn bước mạnh, giật và rung lắc cầu khi đi qua. Việc bước đều khi qua cầu là một điều cấm kỵ. Hãy bám vào thành cầu khi đi bước và hạn chế nhìn xuống để tránh sợ hãi.
- Nếu bắt gặp những cây cầu treo (gỗ, mây, tre, nứa...) trên đường khám phá, ban không nên mạo hiểm bước lên, đặc biệt là khi không có ai qua lại.
- Với những cây cầu treo được xây kiến cố, các phương tiện cơ giới có thể qua lại, cần tuân thủ tốc độ, nhường đường khi qua cầu, quan sát biển báo và khổ giới hạn của cầu.
Vy An
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/tu-van/cau-treo-va-nhung-luu-y-khi-tham-quan-2960474.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten