donderdag 2 april 2015

Báo Mỹ, Pháp viết về nạn buôn thú quý hiếm, Nạn bia rượu, ăn thịt mèo của Việt Nam

Thứ năm, 2/4/2015 | 15:23 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 2/4/2015 | 15:23 GMT+7

Báo Mỹ viết về nạn buôn thú quý hiếm của Việt Nam

"Có cầu thì phải có cung chứ", New York Times dẫn lời một quản lý nhà hàng đặc sản thú rừng tại thành phố Hồ Chí Minh trong bài viết về nạn buôn thú hoang dã quý hiếm ở Việt Nam.
31COVER3-articleLarge_1427887541.jpg
Luc Van Ho kiểm tra một chiếc bẫy trong rừng U Minh. Ảnh: NYTimes
Luc Van Ho nhẹ nhàng xuyên qua khu rừng như một vũ công. Những mảnh tre và lá tràm khô dưới mặt đất gần như không gãy vụn dưới đôi chân trần, chỉ có mùi khói thuốc lá làm lộ ra sự hiện diện của anh ta.
Luc, thợ săn 45 tuổi, rời căn nhà lợp tre trong rừng U Minh từ khi rạng sáng để kiểm tra khoảng 6 chiếc bẫy tự chế trong bụi rậm và trên bờ kênh. Những bẫy này được đặt theo dấu vết của động vật, thường là rắn và rùa. Ông dừng lại ở một chiếc làm bằng gỗ và dây phanh xe đạp, được phủ kín bằng lá cây. Chiếc bẫy trống, không có gì bất thường.
"Trước đây, khu rừng này rất khác", ông Luc nói. "Bây giờ, động vật có quá ít nên hầu hết thợ săn đã đổi nghề".
Thế nhưng, hai tuần trước Luc đã bắt được 9 con rùa hộp Đông Nam Á và rùa ăn ốc Malaysia; 5 con rắn vòi voi; một số chim nước và hai con kền kền Himalaya hiếm. Để an toàn, ông Luc giấu kền kền ở nhà anh trai mình, nhốt chúng trong phòng ngủ cho đến khi tìm được hướng tiêu thụ.
JPVietnam2-articleLarge_1427887624.jpg
Luc Van Ho giữ hai con kền kền Himalaya tại nhà anh trai. Ảnh: NYTimes
Ông Luc trước đây thường săn được nhiều động vật quý hiếm, trong đó có tê tê. Còn được gọi là thú có vẩy ăn kiến, tê tê là một trong những động vật có vú được buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Bạn hàng của Luc thường là các thương nhân sẵn sàng mua tê tê sống với giá 60 USD/gần nửa cân.
Mặc dù chỉ bắt được hai con tê tê vào năm ngoài, cái giá hời này cũng khiến Luc tiếp tục săn lùng chúng. Ông biết nguồn lợi này là hữu hạn, "tê tê sẽ sớm bị tuyệt chủng", ông nói nhưng không hề có ý định ngừng đi săn.
Luc là một trong hàng nghìn thợ săn bất hợp pháp  tại Việt Nam, một trong những quốc gia có hệ động vật đa dạng nhất thế giới. Tê giác tại đây đã tuyệt chủng, các nhà bảo tồn ước tính Việt Nam chỉ còn vài con hổ. Ngay cả những loài ít được biết đến hơn như rùa mai mềm và cầy hương cũng đang bị săn bắt để làm thuốc, thực phẩm, vật nuôi và đồ trưng bày.
Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là một trong những "ngành" buôn lậu lớn nhất thế giới, có giá trị ước tính khoảng 19 tỷ USD một năm, chưa tính buôn bán thủy sản và gỗ bất hợp pháp. Tất cả các nước Đông Nam Á và nhiều bên khác có liên quan đến vấn nạn này và Việt Nam là một điểm nóng. Việt Nam được coi là "trạm trung chuyển lớn" để tuồn động vật hoang dã từ Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Indonesia và châu Phi sang Trung Quốc.
"Sau Trung Quốc thì Việt Nam là 'bến cảng' lớn của nạn buôn bán động vật hoang dã", Dan Challender, đồng chủ tịch nhóm chuyên gia về tê tê tại Liên đoàn Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết.
31COVER1-master675_1427887993.jpg
Một phụ nữ mua sừng tê giác từ chợ đen với hy vọng có thể chữa khối u. Ảnh: NYTimes
Đồng thời, Việt Nam cũng là nơi tiêu thụ nhiều động vật hoang dã, đặc biệt là những loại sử dụng làm thuốc như sừng tê giác, được cho là có thể điều trị mọi chứng từ giã rượu cho đến ung thư. Thịt động vật quý hiếm được tầng lớp trung lưu muốn "khoe của" coi là "cao lương mỹ vị".
"Tê tê thường là món đắt tiền nhất trên thực đơn, nên người ta gọi món này rõ ràng là để thể hiện với bạn bè và đồng nghiệp", Tiến sĩ Challender nói. "Mọi người đều biết đây là hành vi bất hợp pháp nhưng thậm chí còn thấy điều này hấp dẫn, vì nó giúp họ 'ra oai'".
Nỗi lo ngại về vấn nạn ngày càng gia tăng, nhưng các hội nghị, chiến lược mới và biện pháp nghiền nát ngà voi vẫn chưa làm nên chuyện. Giới chức hồi tháng một chặn đứng việc vận chuyển trái phép 7.500 rùa mũi lợn được bảo vệ ở Indonesia, một con hổ đông lạnh tại Việt Nam và 190 rùa ao đen có nguy cơ bị tuyệt chủng tại Singapore. Khi động vật hoang dã biến mất tại Đông Nam Á, những kẻ săn trộm tăng cường chuyển hướng sang châu Phi.
Gần 700 kg ngà voi và hai tấn da tê tê bị chặn ở Uganda hồi tháng một. Năm ngoái chỉ riêng tại Nam Phi có 1.215 tê giác bị giết để lấy sừng. Giới chức chỉ có thể ngăn chặn 10 đến 20% số vụ này.
"Chúng ta có thể làm gián đoạn mạng lưới vi phạm, nhưng không thể triệt phá tận gốc", Scott Roberton, đại diện Việt Nam và điều phối viên khu vực của các chương trình ngăn chặn nạn buôn bán động vật thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã cho biết. "Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ", ông nói.
Ông Luc cho biết những người săn trộm như ông ít khi vướng vào rắc rối pháp lý. Họ hiếm khi bị khiển trách hay trừng phạt, nếu có thì cũng chỉ phạt nhẹ.
"Những người bị bắt vì sở hữu hổ hay sừng tê giác rất ít khi phải ngồi tù", Douglas Hendrie, trưởng cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam, cho biết.
Có thể dễ dàng mua sản phẩm từ động vật hoang dã tại thành thị Việt Nam. "Việc này phần lớn là do tham nhũng, thông đồng và thiếu ý thức", Tiến sĩ Shepherd nói. "Mọi người chỉ đơn giản là không quan tâm".
Một nhà hàng sang trọng tại thành phố Hồ Chí Minh quảng cáo tê tê, gấu, nhím, dơi và nhiều loài động vật khác trên thực đơn. Tê tê được bán với giá 150 USD cho gần nửa cân, khách hàng muốn mua phải đặt món và đăt cọc trước hai, ba giờ.
Khi khách đến, nhà hang mang tê tê sống lên bàn, sau đó cắt tiết ngay tại chỗ để chứng minh là thịt tươi sống và không bị tráo đổi.
"Tê tê được ưa chuộng vì chữa được nhiều bệnh", Quốc Trung, quản lý nhà hàng cho biết. Nhân viên của ông sẽ làm khô và đóng gói vảy tê tê còn thừa. Đây là một thành phần phổ biến trong thuốc đông y ở Việt Nam.
Vào một tối chủ nhật, các gia đình có trẻ nhỏ và một vài nhóm đàn ông trung niên vào nhà hàng. Tại một bàn, hai người đàn ông nói tiếng Pháp gọi một con rắn hổ mang, trước sự thích thú của hai phụ nữ đi cùng. Hai nhân viên phục vụ mang ra một con rắn lớn đang quằn quại ra, miệng rắn bị buộc chặt bằng dây nhựa.
Khi các vị khách thi nhau lấy điện thoại ra quay, một nhân viên kéo căng con rắn, người còn lại cẩn thận di chuyển tay rồi rạch mình rắn bằng một cây kéo và lôi tim ra. Nhân viên siết chặt con vật và nhỏ máu rắn vào một chiếc bát sứ rồi hòa vào rượu.
"Chính phủ không cho phép bán thịt thú quý hiếm, nhưng chúng tôi có nguồn cung và quan hệ tốt với công an", ông Quốc nói. "Có cầu thì phải có cung chứ".
31COVER2-articleLarge_1427887769_1427887
Nhân viên cắt tiết rắn tại một nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NYTimes
Do thiếu sự tham gia của cơ quan chức năng, các tổ chức bảo tồn ở Việt Nam là bên phải đứng đầu "tiền tuyến" trong cuộc chiến chống vấn nạn này. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên gần đây khảo sát các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng ở 12 quận, huyện Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ghi lại từng hành vi vi phạm về động vật hoang dã và yêu cầu chính quyền xử lý những vụ việc này.
Vài tháng sau, tổ chức tại tiến hành khảo sát và nhận thấy các sản phẩm bất hợp pháp như rượu rắn cho đến mật gấu tại các cơ sở này đã giảm gần 60% ở 8 quận huyện. "Nếu chính quyền ra tay một cách hiệu quả và nhất quán thì chúng tôi sẽ không còn phải làm việc này nữa", ông Hendrie nói. 
Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Save Vietnam’s Wildlife (SVW), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức khóa đào tạo trên toàn quốc cho kiểm lâm và cảnh sát, mở các chương trình giáo dục cộng đồng và điều hành một trong những trung tâm cứu hộ cho động vật bị tịch thu. Việt Nam hiện có rất ít trung tâm có chức năng tương tự.
Tuy nhiên, nhiều động vật hoang dã bị tịch thu lại bị chính quan chức tuồn ra chợ đen. Nguyen Van Thain, người sáng lập SVW, thường phải tức tốc đến hiện trường tịch thu để cố gắng thu hồi động vật trước khi việc này xảy ra.
"Cán bộ kiểm lâm tham nhũng muốn bán động vật ra chợ đen", ông Nguyen nói. Ngay cả khi không tiêu thụ được thì cũng có rất ít động vật được thả về tự nhiên vì thiếu cơ sở cứu hộ. Động vật không được đưa tới trung tâm cứu hộ thường "bị nhốt cho đến khi chết", Tiến sĩ Shepherd nói.
Ông Nguyen giúp giải cứu 20 con tê tê chỉ trong ba tháng qua, nhưng trung tâm của ông chỉ có sức chứa tối đa là 50 con. Với ngân sách chỉ có 90.000 USD một năm, ông có ít tiềm lực để mở rộng trung tâm và thuê thêm nhân viên.
Ông Nguyen cho rằng không thể thay đổi kịp nhận thức của người Việt để cứu động vật hoang dã. "Vấn đề bảo tồn động vật ở Việt Nam vẫn còn mới". ông nói. "Người Việt Nam cần nghiêm túc coi trọng những thứ chúng ta đang có. Chúng ta cần phải bảo vệ môi trường và động vật hoang dã nếu muốn còn tài nguyên trong tương lai".
Phương Vũ (Theo NYTimes)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/bao-my-viet-ve-nan-buon-thu-quy-hiem-cua-viet-nam-3175919.html

Thứ bảy, 14/2/2015 | 11:14 GMT+7

Nạn bia rượu ở Việt Nam lên báo Pháp

"Uống rượu là phải say, nếu không say khác gì vứt tiền đi", AFP dẫn lời một thanh niên ở Hà Nội tuyên bố khi được hỏi về tình trạng tiêu thụ bia rượu ngày càng tăng của Việt Nam.
1.jpg
Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, đứng thứ ba châu Á và thứ nhất Đông Nam Á. Ảnh minh họa: AFP
Chỉ chưa đầy nửa đôla một cốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có giá bia rẻ nhất thế giới. Trong những năm gần đây, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam tăng nhanh vào bậc nhất thế giới.
Người Việt Nam trước kia chủ yếu thưởng thức những ly bia, chén rượu của họ tại các quán nhỏ ven đường. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển nhanh đã mang đến những lựa chọn mới cho người dân ở quốc gia không có khái niệm cụ thể về chứng nghiện rượu này, theo AFP.
Các quán bar chủ yếu vẫn là nơi người nước ngoài và một bộ phận dân cư có thu nhập cao thường lui tới. Một số câu lạc bộ bia sang trọng hơn mọc lên thời gian gần đây đang trở thành điểm đến mới cho giới trẻ.
"Uống rượu là phải say. Nếu không say thì khác gì vứt tiền đi", AFP dẫn lời anh Vo Van Bao, 21 tuổi, nói bên ngoài một quán bia khá nổi tiếng mà anh thường đến cùng bạn bè mỗi thứ năm hàng tuần.
Chủ cửa hàng khẳng định anh mở quán chỉ nhằm mục đích tạo một không gian thân thiện cho đối tượng khách hàng là các gia đình. "Tôi mong muốn mọi người, các khách hàng, đến câu lạc bộ bia của tôi, thưởng thức chút đồ ăn, uống một chút bia, vui vẻ với bạn bè rồi ra về", anh nói. Dẫu vậy, trong khu vệ sinh của quán, vẫn có hẳn một khu vực để khách hàng nôn mỗi khi say xỉn.
Việt Nam là nước tiêu thụ bia đứng đầu Đông Nam Á và xếp thứ ba ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, theo số liệu mà ngành công bố. Trong 10 năm qua, tỷ lệ người uống bia ở Việt Nam tăng 200%.
Việt Nam vẫn chưa lọt vào top 100 toàn cầu nếu xét về lượng bia rượu tiêu thụ tính theo đầu người, còn kém xa các nước như Nga, Anh và Pháp, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng ông Phuong Nam Nguyen, quan chức của WHO tại Việt Nam, thì cho rằng con số này không phản ánh đúng thực trạng bởi chỉ chưa đầy 2% phụ nữ Việt Nam uống bia rượu. Điều này có nghĩa, một phần tư nam giới đang tiêu thụ bia ở mức "gây nguy hiểm", tức là trên 6 cốc một lần, theo nghiên cứu của WHO.
"Đó là một thách thức nghiêm trọng về sức khỏe đối với Việt Nam", ông Phuong nói. "Có rất nhiều hệ lụy kèm theo, như vấn đề bệnh tật, tai nạn giao thông, hay bạo lực gia đình".
60% các vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam có liên quan đến bia rượu, theo một nghiên cứu của chính phủ. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ bia rượu quá mức còn dẫn tới sự gia tăng của các loại bệnh nguy hiểm như ung thư, xơ gan hay tiểu đường.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng ở Hà Nội, lượng bia rượu tiêu thụ trong dịp Tết đã đạt gần 200 triệu lít.
Uống bia rượu trở thành một phần văn hóa của Việt Nam. Người dân ở đây thường có câu "nam vô tửu như kỳ vô phong", ý nói đàn ông không biết uống bia rượu thì không làm được việc gì. "Tư tưởng này đã ăn sâu vào văn hóa của chúng tôi nên sẽ tốn rất nhiều thời gian để thay đổi nó", ông Phuong cho biết.
Người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng ba tỷ lít bia mỗi năm. Vì thế buôn bán, sản xuất bia rượu là một ngành kinh doanh lớn mạnh. Hầu hết các tỉnh thành lớn đều có hãng bia riêng.
Vào giờ nghỉ trưa hôm 11/2, ông Nguyen Van Thanh, kiến trúc sư xây dựng, 42 tuổi, lại tụ tập cùng bạn bè tại một quán bia. Khoảng 10 chai bia rỗng nằm la liệt quanh bàn ăn của họ. "Tôi uống mỗi ngày, hôm thì bia, hôm lại rượu mạnh. Tôi biết làm vậy không tốt cho sức khỏe nhưng khó mà từ bỏ thói quen đó được", ông chia sẻ.
"Nhiều khi tôi bắt buộc phải uống mới có thể hoàn thành công việc. Khó lòng mà từ chối khi bạn được mời tới một bữa nhậu. Chúng tôi vẫn bảo nhau rằng, không rượu thì còn gì là tiệc", ông Thanh nói.
Vũ Hoàng (theo AFP)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nan-bia-ruou-o-viet-nam-len-bao-phap-3147577.html


Geen opmerkingen:

Een reactie posten