Monday, January 12, 2015 4:57:26 PM
Nguyễn Hưng Quốc
(Blog VOA)
Trong mấy tuần vừa qua, sự kiện thu hút sự chú ý của các cư dân mạng và những người quan tâm đến sinh hoạt chính trị Việt Nam nói chung nhiều nhất có lẽ là sự xuất hiện của trang blog mang tên “Chân Dung Quyền Lực.”
Trên mạng lưới Internet, từ Facebook đến blog, ở đâu người ta cũng xôn xao bàn tán về Chân Dung Quyền Lực (CDQL). Ảnh hưởng của CDQL lớn đến độ nhà cầm quyền Việt Nam, hết người này đến người khác, phải lên tiếng cảnh cáo mọi người không được nói xấu giới lãnh đạo, gây chia rẽ trong nội bộ đảng và làm suy yếu chế độ.
Giống trang Quan Làm Báo trước đây, nội dung chính của trang CDQL là nhằm vạch trần tệ nạn tham nhũng của giới lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên, trang CDQL khác trang Quan Làm Báo ở nhiều điểm.
Thứ nhất, nó chuyên nghiệp hơn. Trang Quan Làm Báo được trình bày một cách khá nhếch nhác, cách hành văn cũng khá luộm thuộm. CDQL, ngược lại, có hình thức khá đẹp và đặc biệt, được viết với một văn phong rõ ràng mạch lạc, không khác một cán bộ tuyên huấn có tay nghề cao.
Thứ hai, về nội dung, Quan Làm Báo tập trung vào mâu thuẫn giữa chính quyền và nhóm “tài phiệt” tại Việt Nam; CDQL tập trung vào nạn tham nhũng của các thành viên trong Bộ Chính Trị, tức những người có quyền lực cao nhất nước.
Thứ ba, về sức thuyết phục, Quan Làm Báo rất ít có bằng chứng để hỗ trợ sự lên án của mình, CDQL, ngược lại, nói đến đâu trưng bằng chứng ra đến đó. Các bằng chứng ấy bao gồm: Giấy kê khai tài sản, nhà cửa với địa chỉ và hình ảnh rõ ràng, hình ảnh chụp với thân nhân hoặc bạn bè. Khó biết những bằng chứng ấy chính xác đến độ nào. Nhưng nó gợi lên ấn tượng là chúng có thật.
Thứ tư, về nguồn tin, cả Quan Làm Báo lẫn CDQL đều gợi ấn tượng là nó đến từ bên trong: Quan Làm Báo biết trước Bầu Kiên bị bắt; CDQL loan báo chính xác ngày giờ ông Nguyễn Bá Thanh được chở về Việt Nam, trong khi hầu hết giới chức tại Việt Nam, kể cả những người trong ủy ban bảo vệ sức khỏe của Trung ương cũng như giới lãnh đạo tại Đà Nẵng đều mù tịt. Sự chính xác này khiến dư luận nói chung càng tin những gì được viết trên CDQL là những lời tố cáo từ trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, phần lớn các bài viết trên CDQL đều có hình ảnh cụ thể và rõ ràng của những người được đề cập. Ngoài gia đình hoặc những giới chức có thẩm quyền lớn, ai có thể có những bức ảnh ấy?
Tất cả những đặc điểm vừa nêu đều dẫn đến một kết luận: Trang CDQL là nơi giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay dùng để tố giác và hạ uy tín của nhau trong cuộc chạy đua vào Bộ Chính Trị cũng như các chức vụ cáo nhất trong hệ thống đảng (tổng bí thư) và nhà nước (chủ tịch nước và thủ tướng).
Nhưng kết luận ấy lại dẫn đến một nghi vấn khác: Ai là người đứng sau trang CDQL?
Để trả lời câu hỏi ấy, có thể phân tích nội dung trên trang CDQL.
Về đối tượng được đề cập, tính đến Chủ Nhật, 11 tháng 1 năm 2015, trên trang CDQL có khá nhiều người được mang ra mổ xẻ. Nhiều nhất là Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc 27 bài; Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang 20 bài, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng 18 bài, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng 8 bài, Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh 7 bài (tất cả đều liên hệ đến tình trạng bệnh hoạn của ông), Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng 5 bài, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị 4 bài, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh và Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang, mỗi người 2 bài , Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng, Thường Trực Bí Thư Trung Ương Đảng Lê Hồng Anh và Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng Tô Huy Rứa mỗi người một bài.
Về sự đánh giá, có thể chia thành hai nhóm. Một, nhóm bị đả kích kịch liệt, chủ yếu vì tội tham nhũng hoặc bất tài, vô đức; và hai, nhóm được khen ngợi. Thật ra, cái gọi là được khen ngợi ấy không thể gọi được là nhóm bởi ở đó chỉ có một người duy nhất: Nguyễn Tấn Dũng. Nguyễn Tấn Dũng được khen là một “hình ảnh độc tôn” trên sân khấu chính trị Việt Nam, người đầy tài năng và quyền lực, hơn nữa, có triển vọng trở thành vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam thời hậu Cộng Sản.
Nhìn vào nội dung như trên, người ta dễ có ấn tượng chính Nguyễn Tấn Dũng hoặc đàn em của Nguyễn Tấn Dũng đứng đằng sau trang CDQL. Thú thực, tôi không tin lắm. Thứ nhất, Nguyễn Tấn Dũng không vụng về đến độ ra tay một cách lộ liễu để ai cũng có thể thấy được như vậy. Ở cương vị của ông, ai cũng thấy, đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Thứ hai, nếu là Nguyễn Tấn Dũng, đối tượng bị ông đả kích kịch liệt nhất sẽ là ba đối thủ nặng ký nhất trong guồng máy đảng và nhà nước: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng, những người ngang tầm và có khả năng giành giựt chiếc ghế tổng bí thư mà dư luận đồn đoán là ông sẽ nhắm tới sau khi làm thủ tướng hết hai nhiệm kỳ. Trên trang CDQL, cả ba người này đều bị phê phán gay gắt, nhưng đối tượng bị kết án nặng nề nhất lại là một người khác, hiện đang giữ chức phó thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc. Cho dù Nguyễn Tấn Dũng đang có tham vọng gì trong kỳ đại hội đảng sang năm, Nguyễn Xuân Phúc cũng không phải là đối thủ của ông. Ông không cần phải ra tay như vậy. Cái giá phải trả quá lớn trong khi kết quả lại không được gì. Thứ ba, vấn đề được phanh phui nhiều nhất trong các bài viết đả kích từ Trương Tấn Sang đến Nguyễn Sinh Hùng, Phùng Quang Thanh và Nguyễn Xuân Phúc đều là vấn đề kinh tế với những khối tài sản kếch xù của họ cũng như của anh chị em hay con cháu họ. Tôi nghĩ đây là một đề tài mà Nguyễn Tấn Dũng không dại gì xới lên bởi nó sẽ gây tác dụng ngược: Về phương diện này, có lẽ không ai trong guồng máy chính quyền Việt Nam có mức giàu có như ông và con cái của ông cả.
Vậy thì là ai?
Tôi lóe ra ý nghĩ: Nguyễn Bá Thanh (hoặc đàn em của ông) chăng? Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh mới biết rõ tình trạng bệnh hoạn của ông đến vậy. Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh mới biết rõ các chi tiết liên quan đến lịch trình chuyến về Việt Nam từ bệnh viện Mỹ của ông đến vậy. Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương với chức năng tìm kiếm dấu vết tham nhũng, mới nắm rõ hồ sơ về gia sản của các cán bộ đến như vậy. Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh mới căm ghét Nguyễn Xuân Phúc, hai người vốn là đồng hương nhưng lại là đối thủ với nhau trong một thời gian dài, đến như vậy. Và chỉ có Nguyễn Bá Thanh mới ra tay một cách khốc liệt như vậy vì, thật ra, ông không có gì để mất cả: Với tình trạng bệnh hoạn như vậy, nếu còn sống sót, sự nghiệp chính trị của ông coi như đã kết thúc, ông không hy vọng gì giữ được chiếc ghế trong Trung Ương Đảng, đừng nói gì là Bộ Chính Trị.
Dĩ nhiên, xin nhấn mạnh, đây là phỏng đoán. Chỉ là phỏng đoán.
Điều quan trọng hơn, bất kể người nào đứng sau trang CDQL và họ nhắm đến bất cứ một mục tiêu gì, những sự phanh phui về tệ nạn tham nhũng của những cán bộ lãnh đạo cao nhất trong hệ thống đảng và nhà nước như vậy cũng là những tài liệu cực quý, lần đầu tiên dân chúng mới được biết một cách cụ thể. Trong trận đấu đá này, có người thắng kẻ bại, nhưng kẻ bại cuối cùng chắc chắn vẫn là Đảng Cộng sản: Dưới mắt dân chúng, họ hiện nguyên hình là những tên tham nhũng vơ vét tài sản của đất nước để làm giàu cho bản thân và họ hàng.
Đó mới là điều đáng để chúng ta quan tâm.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=201394&zoneid=271#.VLrn1Ok5C70
“Chân Dung Quyền Lực” lấy tin từ đâu?
Hiện nay xuất hiện một số trang mạng khác như Chân Dung Quyền Lực, ‘Dân làm báo’, ‘Quan làm báo’, ‘Biển Đông’… loan đi những thông tin được nói là ‘bí mật’ về cá nhân một số lãnh đạo như chuyện ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban Nội Chính Trung ương bị đầu độc, tin về tài sản khủng của phó phủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hoa Kỳ, cũng như khối tài sản của hai cha con bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh- Phùng Quang Hải…
Giới quan sát trong nước cho rằng chỉ những người có quyền lực cao trong đảng Cộng Sản và chính phủ mới biết rõ một cách có hệ thống những thông tin đó.
Một số quan chức Bộ Thông tin- Truyền Thông cũng như Bộ Công an lên tiếng bác bỏ và yêu cầu chặn đứng những thông tin như thế trên các trang mạng như Chân Dung Quyền lực.
Thông tin cho biết tính đến ngày hôm qua có 14 triệu lượt vào trang Chân Dung Quyền Lực để xem tin.
Nguon: Theo RFA Tieng Viet
http://www.datviet.com/chan-dung-quyen-luc-lay-tin-tu-dau/
15.1.15 Chân dung Quyền lực
Hôm nay kỷ niệm đúng 1 tháng (15/12/2014-15/01/2015) kể từ khi Chân dung Quyền lực ra mắt độc giả, bất chấp sự vu cáo của giới chức lãnh đạo, tuyên truyền của hệ thống truyền thông được gọi là “lề phải” cùng đội ngũ dư luận viên tuyên giáo hùng hậu, bất chấp sự truy tìm gắt gao và ngăn cản ác liệt của chính quyền, bằng tiếng nói sự thật và tiêu chí nhất quán, CDQL vẫn thu hút đông đảo độc giả trong và ngoài nước với trên 24 triệu lượt truy cập trên toàn mạng lưới blog liên kết:
- chandungquyenluc.blogspot.com: 13,55 triệu
- chandungquyenlucvn.blogspot.com: 2,82 triệu
- chandungquyenluc3.blogspot.com: 1,98 triệu
- chandungquyenluc0001.blogspot.com: 968 nghìn
- chandungquyenluc4.blogspot.com: 737 nghìn
- chandungquyenluc5.blogspot.com: 710 nghìn
- cdql2394.blogspot.com: 621 nghìn
- ...và rất nhiều blog khác xuất hiện liên tục để vượt qua hàng rào ngăn cản, cập nhật thông tin đến độc giả.
Với trung bình 800 nghìn lượt truy cập / ngày vào một blog được xem là “phi chính thống” mới xuất hiện có thể thấy sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước trước các vấn đề trọng đại của đất nước, đặc biệt là vạch trần những mưu đồ chính trị thấp hèn, khối tài sản tham nhũng khổng lồ ở cấp thượng tầng. Qua đó chính chúng ta, những con dân nướcViệt mới chính là những người quyết định tương lai của mình và thế hệ mai sau bằng cách chọn những người lãnh đạo đủ đức, đủ tài.
Blog Chân dung Quyền lực |
Qua bài viết này, BBT muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến toàn thể bạn đọc đã ủng hộ CDQL trong thời gian qua. Mỗi một lượt truy cập, một lần thể hiện ý kiến, một lượt “like”, một lần “share” của độc giả là niềm hạnh phúc của chúng tôi, là động lực giúp chúng tôi có thêm năng lượng để chiến đấu.
Hôm qua, ngày 14/1/2015, tờ báo Nikkei Asian Review của một trong những hãng truyền thông hàng đầu Nhật Bản bắt đầu quan tâm đến CDQL bằng một bài viết liên quan, dẫu rằng họ chưa đủ thông tin, nhận định chưa chuẩn xác và đầy đủ nhưng chứng tỏ một điều, thế giới bắt đầu quan tâm đến cuộc chiến không khói súng này. Xin gửi đến độc giả tham khảo bài viết trên Tin tức Hàng ngày:
“Chân dung quyền lực’ gây nhiễu loạn chính trường Việt Nam?”
Một tờ báo của Nhật Bản mới đăng tải bài viết dài về sự xuất hiện của trang blog “Chân dung quyền lực”, với nhận định rằng những lời đồn thổi trên mạng có thể gây bất ổn chính trị tại Việt Nam.
Tờ Nikkei Asian Review, thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất xứ sở mặt trời mọc, nêu chi tiết về các thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trên trang blog mà họ cho là “bí ẩn”.
Tờ báo của Nhật dẫn nguồn từ “Chân dung quyền lực” nói rằng “có cáo buộc về việc Trưởng ban nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh bị một đối thủ chính trị đầu độc trong chuyến thăm Trung Quốc, và đối thủ này đã sẵn sàng cho một vị trí trong nội các sắp tới”.
Nikkei Asian Review sau đó cũng nói về việc các quan chức Việt Nam đã bác bỏ thông tin về chuyện ông Thanh bị hạ độc.
Tính tới tối 14/1, theo hệ thống đếm trên trang, tới nay, “Chân dung quyền lực” hiện đã có hơn 13 triệu người truy cập và đôi khi, cùng một thời điểm, có hàng nghìn người trên trang này.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập ở Việt Nam, nhận định rằng trang blog “đăng tải thông tin về đường tơ kẽ tóc của một số quan chức này” đang “gây bất lợi cho nội bộ chính trị Việt Nam”.
Ông nói: “Người ta đặt câu hỏi là ai đứng sau ‘Chân dung quyền lực’ để có thể có được những thông tin đắt giá và chính xác đến như thế? Trước mắt, tôi cho đó là một sự hoang mang, bối rối và sau đó đâm ra hoài nghi, dẫn tới nghi ngờ, và những nghi ngờ đó lại phủ trùm lên tất cả và liên quan tới động cơ tranh giành, tranh đấu nội bộ lẫn nhau thì đó chính là một bi kịch, mà chúng ta gọi là bi kịch của sự mất đoàn kết trong cái thống nhất trong đảng hiện nay”.
Dù chính phủ Việt Nam chưa chính thức lên tiếng bình luận về các thông tin do “Chân dung quyền lực” loan đi, nhưng báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, mới đây đã cho đăng tải bài viết trong đó ám chỉ tới trang blog này.
Bài viết trong mục “Bình luận – Phê phán” nói rằng “cứ mỗi khi Việt Nam sắp diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng là một số tổ chức, cá nhân lại ráo riết triển khai chiến dịch bịa đặt, vu cáo, tung tin thất thiệt”.
Bài báo có đoạn: “Các bài này được chế tạo như chính người trong cuộc viết, bịa đặt các chi tiết tinh vi với đủ loại âm mưu, thủ đoạn, cuộc chiến giữa các phe nhóm được dựng lên qua lập luận có vẻ có lý, kèm theo có mô tả chi tiết về thời gian, địa chỉ, các mối quan hệ, số tiền bạc, hình ảnh nhà cửa, xe cộ chụp ở đâu đó gán cho đối tượng cần bôi nhọ, kết hợp với vài ba loại giấy tờ mờ mờ ảo ảo, chữ ký loằng ngoằng không thể xác minh!”
Khi được hỏi vì sao trang web với những thông tin bị coi là “ngoài luồng” này lại thu hút được nhiều người đọc, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên báo Thanh Niên, nói với VOA Việt Ngữ:
“Báo chí của nhà nước được đảng lãnh đạo và kiểm soát rất kỹ qua ban tư tưởng văn hóa trung ương cũng như các địa phương. Cho nên tất cả báo chí mà tôi gọi là lề đảng, thì đăng theo một chủ trương như vậy. Các thông tin này bị kiểm duyệt, và hầu như làm công tác tuyên truyền là chính. Vì thế, khi xuất hiện một trang như ‘Chân dung quyền lực’, đưa ra một số thông tin mà người ta có thể khả tin, thì nó tạo được niềm tin nơi người đọc, và vì vậy mà thu hút được số lượng người đọc rất lớn trong thời gian rất ngắn”.
Theo tờ Nikkei Asian Review, những thông tin trái chiều nhau cộng với sự im lặng của truyền thông trong nước về bệnh tình của ông Thanh trong một thời gian dài đã khiến người dân “đi tìm câu trả lời trên các trang blog bí hiểm”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn VOA mới đây, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát tình hình chính sự ở trong nước, cũng cho rằng tin tức lan truyền trên các mạng xã hội đã khiến nhiều người dân tò mò về tình trạng sức khỏe của Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Tin từ trong nước cho hay, hôm 13/1, một loạt các quan chức Việt Nam, trong đó có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trưởng ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, đã tới thăm ông Nguyễn Bá Thanh tại nơi ông được điều trị tại Đà Nẵng.
Theo nhận định của tờ báo của Nhật, “không còn nghi ngờ gì nữa, các trang mạng xã hội như Facebook và các trang blog bí hiểm sẽ được dùng làm công cụ tranh giành quyền lực trước khi một bộ chính trị mới được lựa chọn”.
“Các trang này sẽ rò rỉ các thông tin về một số cá nhân nhất định, làm sao nhãng công chúng trước các vấn đề quốc gia cấp bách khác”, Nikkei Asian Review viết.Nguồn: Tin tức Hàng ngày
BBT mong mỏi và hi vọng được đồng bào trong và ngoài nước tiếp tục ủng hộ trong chặng đường chông gai và đầy thử thách sắp tới. Hãy giúp chúng tôi chia sẻ bài viết, tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, các độc giả điều kiện hãy hỗ trợ chúng tôi biên tập, biên dịch bài viết gửi đến những cơ quan truyền thông quốc tế bằng các tiếng Anh, Pháp, Đức và cả tiếng Trung Quốc để cả thế giới thấy được cuộc đấu tranh chống tham nhũng, vì tự do thông tin, vì nền dân chủ, tiến bộ của Nhân dân Việt Nam.
Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu…
Nguồn: Thanh tra Nhân dân
http://chandungquyenluc.blogspot.nl/2015/01/chan-dung-quyen-luc-nikken-asian-review.html
Xì kết quả Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu 'lấy phiếu tín nhiệm'
Friday, January 16, 2015 6:57:03 PM
Tư Ngộ/Người Việt
HÀ NỘI (NV) - Trang Blog “Chân Dung Quyền Lực” xì ra bản kết quả cuộc bỏ phiếu “tín nhiệm” đối với các thành viên Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đảng CSVN đến nay vẫn được giữ bí mật.Hôm Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015, 'Chân Dung Quyền Lực' tiết lộ bản danh sách 20 nhân vật thuộc Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đã được các ủy viên trung ương đảng bỏ phiếu “tín nhiệm” ngày 10 tháng 1, 2014 trong đại hội Trung Ương đảng kéo dài một tuần lễ hiện đã kết thúc.
Bản kết quả “lấy phiếu tín nhiệm” các thành viên Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đảng CSVN, theo mạng “Chân Dung Quyền Lực”. (Hình: CDQL) |
Trên trang mạng của Thông Tấn Xã Việt Nam, cơ quan thông tấn chính thức của chế độ Hà Nội, cùng ngày “lấy phiếu tín nhiệm,” người ta chỉ thấy một câu viết duy nhất nói “trung ương tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm” mà không hề đề cập đến kết quả.
Ðây là lần đầu tiên có việc “lấy phiếu tín nhiệm” đối với các thành viên của Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đảng CSVN của Trung Ương đảng.
Trong bảng kết quả bỏ phiếu của 197 ủy viên Trung Ương Ðảng, người ta thấy ông Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng) được nhiều điểm “tín nhiệm cao” nhất với 152 điểm. Kế đến là ông Trương Tấn Sang (chủ tịch nước) với 149 điểm. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (phó chủ tịch Quốc Hội) xếp hạng ba với 145 điểm. Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Quốc Phòng) hạng tư với 144 điểm.
Theo thứ tự điểm nhiều tới ít hơn, từ hạng 5 trở xuống, người ta thấy tuần tự là Ngô Xuân Lịch (chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Ðội), Ngô Văn Du (chủ nhiệm Ban Kiểm Tra Trung Ương Ðảng) Trần Ðại Quang (Bộ trưởng Công An), Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư), Trần Quốc Vượng (Ban Bí Thư Trung Ương), Nguyễn Thiện Nhân (chủ tịch MTTQ), Lê Thanh Hải (bí thư Thành Ủy Sài Gòn), v.v...
Tính chính xác của bản kết quả này đến đâu, không ai biết trừ phi nó được Trung Ương Ðảng hay nhà nước Hà Nội phổ biến. Mỗi kỳ có đại hội đảng CSVN là lại có một số tin tức bị xì ra với các dấu hiệu đấu đá nội bộ, phe cánh.
Tuổi nghỉ hưu của các ủy viên Bộ Chính Trị CSVN trên nguyên tắc là 65, nhưng ở vị trí chủ chốt như tổng bí thư hay chủ tịch nước thì có ngoại lệ. Vì thế mà Nguyễn Phú Trọng leo lên ghế tổng bí thư qua cuộc đấu đá trong đại hội đảng đầu năm 2011 khi đã 67 tuổi.
Dư luận đồn đoán ông Nguyễn Tấn Dũng nhăm nhe cái ghế tổng bí thư. Cả những ông khác như Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Sinh Hùng cũng đều có vẻ nhòm ngó. Ông Nguyễn Phú Trọng, vào kỳ đại hội đảng bầu bán tháng 1, 2016, ông đã 72 tuổi nên khó lòng “trụ” lại. Cả ba ông Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang và Phùng Quang Thanh đều đã 67 tuổi vào dịp đó còn ông Nguyễn Sinh Hùng thì 70 tuổi.
Dù ông bà nào trong cái cuộc “lấy phiếu tín nhiệm” sẽ là tổng bí thư, chủ tịch nước hay thủ tướng hoặc chủ tịch Quốc Hội ở kỳ bầu bán năm 2016 của đảng CSVN, đất nước Việt Nam vẫn sẽ không có tự do, dân chủ thật sự, đại đa số dân chúng vẫn kiếm ăn chật vật hàng ngày và chỉ có một thiểu số dựa vào quyền lực mới giầu có xa hoa. Nạn tham nhũng, bè phái vẫn vậy hoặc có thể tệ hơn nữa. (TN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=201655&zoneid=1#.VLrzTOk5C70
16.1.15 Chân dung Quyền lực
Dù Hội nghị Trung ương 10 (Khóa XI) đã khép lại gần 1 tuần, nhưng việc không công khai kết quả đánh giá tín nhiệm khiến dư luận bất bình. Qua nguồn tin đáng tin cậy được tập hợp từ các Ủy viên TW, BBT xin trân trọng gửi đến quý độc giả kết quả và một số đánh giá về đợt bỏ phiếu tín nhiệm quan trọng này.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 10 (Khóa XI) diễn ra từ ngày 5-12/1/2015 |
Sáng ngày 10/1/2015, Trung ương đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 20 thành viên Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư với sự tham gia của 197 Ủy viên TW và Ủy viên TW dự khuyết, vắng mặt 3 ông, gồm: Ông Nguyễn Công Định, Ủy viên TW dự khuyết, Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre (qua đời ngày 3/7/2012); Ông Phạm Quý Ngọ, Ủy viên TW, Thứ trưởng Bộ Công an (qua đời ngày 18/2/2014) và ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên TW, Trưởng ban Nội chính TW (đang lâm bệnh nặng do nghi án Nguyễn Xuân Phúc đầu độc phóng xạ). Kết quả như sau:
Kết quả đánh giá tín nhiệm các thành viên Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư TW tại Hội nghị Trung ương 10 (Khóa XI) |
So sánh mức độ tín nhiệm của các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư |
Theo đánh giá của các Ủy viên TW, đợt bỏ phiếu tín nhiệm này thể hiện tinh thần đoàn kết trong Đảng và phản ánh khá chính xác mức độ tín nhiệm đối với một số thành viên Bộ Chính trị:
Về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông là người đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất (với 152 phiếu tín nhiệm cao, đạt 77%), điều này phản ánh đúng thực tế, thời gian qua ông đã khẳng định bản lĩnh với các quyết sách làm ổn định kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Không chỉ Trung ương mà dư luận trong quần chúng nhân dân cũng thể hiện rõ điều này.
Về các ông Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Quang Nghị đạt số phiếu tín nhiệm cao không nhiều, việc các ông xếp hạng tín nhiệm thấp nhất trong 16 Ủy viên Bộ Chính trị đã đánh giá gần đúng bản chất thực tế, nhiều Ủy viên TW cho rằng, các ông này còn quá may mắn, nếu làm rõ rồi đánh giá lại thì kết quả sẽ còn thấp nữa.
Tuy nhiên, một số vị trí các Ủy viên TW cho rằng chưa đánh giá đúng bản chất, cụ thể:
Về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Ủy viên TW và dư luận đều biết rõ năng lực của ông Trọng, ngoài bản chất giáo điều cố hữu thì ông không làm được gì cả, ngay cả nhiệm vụ chống tham nhũng với vai trò là Trưởng ban Thường trực TW về Chống tham nhũng ông cũng không để lại bất kỳ một dấu ấn nào. Nhưng vì ông là Tổng Bí thư và cũng là nhiệm kỳ cuối trước khi về hưu, để bảo vệ tính đoàn kết trong Đảng, các Ủy viên TW đều cho rằng nên đánh giá ông cao một chút, nói chung, ông Trọng thuộc dạng “vô thưởng vô phạt”.
Về Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, dù không có hành động thực tế, nhưng nhờ tài ăn nói, biết tranh thủ, vận động đúng thời điểm quan trọng nên cũng được lòng nhiều Ủy viên TW, dù dư luận cho rằng tài sản của ông và gia đình thể hiện ông không thực sự liêm khiết như ông nhiều lần đã phát ngôn.
Về Trưởng ban Tổ chức TW Tô Huy Rứa, tỷ lệ đánh giá tín nhiệm thấp quá cao (41 phiếu), nhiều Ủy viên TW tỏ ra bất bình thay cho ông nhưng điều này cũng dễ hiểu, việc ông đánh giá xác đáng về tư cách và năng lực của nhiều lãnh đạo trung ương đã làm phật lòng rất nhiều người, đặc biệt khi lập danh sách quy hoạch Bộ Chính trị, Ban bí thư. Trên thực tế, ông là người đứng mũi chịu sào, phải chịu đòn thay cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Và đặc biệt là trường hợp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, nhiều Ủy viên TW đã tỏ ra rất hối hận khi đánh giá tín nhiệm ông cao chót vót, sau đó mới tiếp cận thông tin về khối tài sản khổng lồ mà ông cướp được của Quân đội và Nhân dân bằng thủ đoạn “chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng” với các chứng cứ cụ thể khó chối cãi đi đôi với việc cha con ông được khám chữa bệnh tại bệnh viện của PLA và thái độ nhũn nhặn đến mức hèn yếu trước Trung Quốc. Họ khẳng định, nếu bỏ phiếu lại, chắc chắn vị trí của ông Phùng Quang Thanh sẽ khác rất rất nhiều.
Dù sao đây cũng là một đợt kiểm nghiệm quan trọng, đã đánh giá khá chính xác với các vị trí lãnh đạo thực sự có cống hiến vì dân, vì nước.
Nguồn: Thanh tra Nhân dân
http://chandungquyenluc.blogspot.nl/2015/01/ket-qua-bo-phieu-tin-nhiem-bo-chinh-tri.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten