vrijdag 16 januari 2015

Tập Cận Bình và quyết tâm sánh tầm với Mỹ

Thứ năm, 4/12/2014 | 15:15 GMT+7

Tập Cận Bình và quyết tâm sánh tầm với Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định thời đại Mỹ là siêu cường duy nhất thế giới sắp kết thúc, Bắc Kinh quyết tâm cạnh tranh sánh tầm ảnh hưởng với Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cuối tháng 11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị công tác đối ngoại trung ương, với sự hiện diện của toàn thể thường vụ Bộ Chính trị và các quan chức ngoại giao hàng đầu của quốc gia này. Theo Xinhua, hội nghị nhằm mục đích phân tích diễn biến tình hình quốc tế, từ đó đưa ra những nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ chủ yếu của ngoại giao Trung Quốc thời gian tới.
download-7634-1417603919.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Barack Obama trên cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh hồi tháng 11. Ảnh: US News 
"Phải đánh giá đầy đủ tính phức tạp những diễn biến phát triển của cục diện thế giới, càng phải nhìn thấy xu thế không thể thay đổi của một thế giới đa cực... Phải đánh giá đầy đủ tính trường kỳ của cuộc tranh đoạt trật tự thế giới, càng phải nhìn thấy phương hướng không thể thay đổi của quá trình cải cách hệ thống thế giới", ông Tập phát biểu.
Mặc dù không đề cập trực tiếp đến Mỹ, giới phân tích đánh giá rằng phát ngôn trên của người đứng đầu Trung Quốc là nhằm tuyên bố thời đại Washington nắm giữ vị trí siêu cường duy nhất thế giới sắp kết thúc. Điều này cũng phản ánh cách nhìn của ông Tập với địa vị không ngừng nâng cao của Bắc Kinh trên trường quốc tế, đặc biệt là trong tương quan quan hệ với Mỹ.
"Tập Cận Bình đang nói với mọi người rằng Trung Quốc hiện nay là một nước lớn, vì vậy cần phải có tư thế của một nước lớn", New York Times dẫn lời ông Christopher Johnson, cố vấn cao cấp về vấn đề Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), cho biết. "Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ không theo đuổi chính sách ẩn mình chờ thời của người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình nữa".
Cũng chung nhận đinh trên, bình luận viên Chris Buckley cho rằng Tổng thống Barack Obama đang phải đối phó với một chính trị gia cứng rắn với quyết tâm phục hưng đất nước và coi Trung Quốc có địa vị ngang hàng với Mỹ. "Chưa có vị tổng thống Mỹ nào lại phải đối diện với một nhà lãnh đạo Trung Quốc như vậy", chuyên gia này nói.
Chủ tịch Tập được cho là nhà lãnh đạo tập trung nhiều quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc kể từ sau thời đại Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Cục diện này sẽ tạo ra tác động hai chiều đối với Mỹ trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại.
Một mặt, chính quyền Obama có thể yên tâm về việc nhà lãnh đạo Trung Quốc có đủ quyền lực để thực hiện những gì đã thỏa thuận. Điều này được thể hiện rõ qua việc Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận cắt giảm khí thải mang tính lịch sử trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Obama hồi tháng 11. Theo đó, Trung Quốc sẽ hạ dần mức khí thải và đến năm 2030 sẽ sử dụng các nhiên liệu xanh lên đến 20%.
Mặt khác, Tập Cận Bình cũng tỏ rõ thái độ cảnh giác trước sự can dự của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các vấn đề nội chính của Trung Quốc. "Trên một phương diện nào đó, Tập Cận Bình rất giống Putin. Ông ấy muốn bảo vệ đảng cầm quyền và lợi ích quốc gia", Giáo sư chính trị học Dương Đại Lợi thuộc Đại học Chicago, bình luận.
Trong bài phát biểu vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhắc đến việc phải thúc đẩy xây dựng mối quan hệ mới giữa các nước lớn với đối tượng chính là Mỹ, mặc dù không trực tiếp điểm mặt chỉ tên. Khái niệm này lần đầu tiên được ông nêu ra là vào tháng 6/2013 nhân cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tại California, nhằm mục đích tranh thủ sự thừa nhận của Mỹ về nhu cầu và lợi ích chiến lược cốt lõi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Washington không tỏ ra mặn mà với cách biểu đạt trên, bởi cho rằng Bắc Kinh chưa làm rõ nội hàm của lợi ích cốt lõi, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông và Hoa Đông. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố rõ nước này có lợi ích thương mại và chiến lược to lớn tại hai khu vực trên. Chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương là trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ xuyên suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.
Mặc dù kêu gọi tái xác định quan hệ với Washington, Bắc Kinh vẫn chỉ trích Washington có ý đồ can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc nhằm thách thức địa vị của đảng Cộng sản cầm quyền. Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc có hàng loạt bài bình luận cáo buộc Mỹ đứng đằng sau cuộc biểu tình tại Hong Kong, bất chấp sự phủ nhận của chính phủ Mỹ.
Lý giải cho hai lập trường mâu thuẫn trên, bà Susan Shirk, trợ lý ngoại trưởng dưới thời tổng thống Bill Clinton, cho rằng Bắc Kinh cảm thấy bất an trước tình hình phức tạp trong nước nên cần có thái độ phản ứng cứng rắn trên các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và công việc nội bộ.
Sách lược này của ông Tập hiện nhận được sự ủng hộ rất cao từ đông đảo người dân Trung Quốc đến giới tinh hoa nước này. "Chúng tôi rất khâm phục Tổng bí thư Tập, bởi thái độ cứng rắn của ông với Nhật Bản và Mỹ không khác gì thái độ với bè lũ tham quan", Financial Times dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết.
Tấn công quyến rũ
2014-11-19T064709Z-1513809045-4467-3059-
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Australia Tony Abbott sau khi phát biểu trước Quốc hội Australia hôm 19/11. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bắc Kinh đang tiến hành một đợt "tấn công quyến rũ" mới với các nước trong khu vực và đồng minh của Mỹ. Trong bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh quan điểm đối ngoại thân thiện, chân thành, bao dung, cùng có lợi với các nước láng giềng. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Australia nhân Hội nghị G20, ông Tập và Thủ tướng Tony Abbott thông báo đã hoàn tất một hiệp định tự do thương mại Trung Quốc - Australia sau 10 năm đàm phán. Thậm chí, ông còn đồng ý hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị APEC tổ chức tại Bắc Kinh.
Ngay trước APEC, Bắc Kinh cũng mới công bố thành lập ngân hàng đầu tư châu Á, chi hơn 40 tỷ USD cho dự án xây dựng Con đường Tơ lụa, nối Trung Quốc với châu Âu thông qua Trung Á.
Đây được cho là các nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, sau khi Bắc Kinh có một loạt hành động cứng rắn gây lo ngại trên vấn đề chủ quyền thời gian qua., những hành động từng tạo điều kiện cho Washington tập hợp lực lượng kiềm chế sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
"Tín hiệu mà ông ấy đang gửi đi là Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác chứ không phải là triển khai cạnh tranh", Giáo sư Trương Bạch Hội thuộc Đại học Linh Nam bình luận. "Nếu như Tập Cận Bình nhấn mạnh vấn đề lãnh thổ, sẽ khiến các quốc gia khác lo ngại và cũng khiến Mỹ có những hành động tích cực hơn".
Rory Medcalf, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Australia, nhận xét rằng Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp ngoại giao nhằm né tránh hoặc sửa chữa những thiệt hại do sự hung hăng trong tranh chấp chủ quyền mang lại.
Giới phân tích cho rằng tuyên bố trên của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nhận được sự hoan nghênh từ các quốc gia châu Á, bởi các nước hy vọng Trung Quốc rời xa chủ nghĩa dân tộc, từ bỏ những hành động mạo hiểm, không tính đến hậu quả. Điều này tạo tiền đề thuận lợi cho việc nâng cao sức mạnh mềm của Bắc Kinh trong cạnh tranh sức ảnh hưởng với Washington tại khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nền chính trị Mỹ đang có những biến động khó lường.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng họ "đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong quá trình phục hưng quốc gia, vì thế cần thực hiện một chính sách ngoại giao mang cốt cách và đặc điểm của người Trung Quốc", ông Trần Định Định Định, Phó giáo sư Đại học Hành chính công Macau, nghiên cứu về chính trị và an ninh Trung Quốc, nhận xét. "Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ và đồng minh trong khu vực châu Á sẽ phải đối phó với một Trung Quốc mạnh mẽ hơn, tham vọng hơn và tự tin hơn".
Đức Dương - Vũ Hoàng

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/tap-can-binh-va-quyet-tam-sanh-tam-voi-my-3114400.html

Thứ bảy, 29/11/2014 | 11:48 GMT+7

Trung Quốc 'tấn công quyến rũ' đồng minh của Mỹ

Trung Quốc đang đưa ra nhiều đề nghị hấp dẫn, lôi kéo Australia, đồng minh thân thiết của Mỹ xích lại gần mình, để ganh đua với sức ảnh hưởng của Washington trong khu vực. 
2014-11-19T064709Z-1513809045-9148-3932-
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Australia Tony Abbott sau khi phát biểu trước Quốc hội Australia hôm 19/11. Ảnh: Reuters
Theo The Epoch Times, Trung Quốc đang hiện thực hóa mục tiêu hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Australia. Nước này đã dùng chiêu bài "tấn công quyến rũ", đi kèm những toan tính ẩn giấu là những khoản tiền đầu tư khổng lồ. Và đối tượng Trung Quốc hướng đến chính là nước chủ nhà của hội nghị này.
Theo New York Times, khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm bang Tasmania, Australia vào ngày 18/11, tờ báo địa phương viết bằng tiếng Trung đã dành cả trang nhất để đăng bài viết về ông. Ông được mời thưởng thức món cá hồi của hòn đảo, đặc sản sẽ sớm có mặt tại Trung Quốc và gặp một loài thú quý hiếm của khu vực này.
Trong khi Tổng thống Obama nhanh chóng trở lại Nhà Trắng sau một loạt hội nghị cấp cao châu Á, ông Tập dành nhiều thời gian hơn tại Australia, đồng minh thân thiết của Mỹ và đến thăm New Zealand, một đồng minh khác của Washington. Ông còn bay đến Fiji, quốc đảo nhỏ trên Thái Bình Dương. Ở khắp nơi đến, ông Tập đều mang những khoản tiền hấp dẫn, nhằm chứng minh Trung Quốc là cường quốc kinh tế tại Châu Á. 
Milos Alcalay, cựu Đại sứ Venezuela tại Liên Hợp Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo của diễn đàn 2000 tại Prague hồi tháng 10/2014, việc mở rộng của Trung Quốc không chỉ là về mặt kinh tế, mà còn để "mở rộng về địa chính trị". Khi một quốc gia trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc, lịch sử cho thấy họ sẽ nỗ lực để giữ gìn sự hỗ trợ đó.
Tại Australia, ông Tập và Thủ tướng Australia Tony Abbott thông báo đã hoàn tất một hiệp định tự do thương mại Trung Quốc - Australia sau 10 năm đàm phán. Kết quả này sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc với thịt bò Australia, các sản phẩm từ sữa và cá hồi ở bang Tasmania của nước này.
"Hai tuần qua ở châu Á cho thấy dù Trung Quốc không phải là đối tác an ninh, nước này là một đối tác kinh tế quan trọng", Wu Xinbo, giám đốc nghiên cứu của Mỹ tại Viện nghiên cứu quốc tế, Đại học Fudan cho biết. "Điều đó cho thấy Mỹ có thể nói nhiều về sự thịnh vượng trong khu vực nhưng không làm được gì nhiều, trong khi Trung Quốc tuy nói ít nhưng lại làm nhiều".
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia nhân dịp dự Hội nghị G20, ông Tập nói về sức mạnh của Trung Quốc có thể tác động đến các nước láng giềng trong khu vực. "Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với hơn 1,3 tỷ người", ông nói. "Trung Quốc giống như một anh chàng to lớn trong đám đông. Những người khác tự nhiên sẽ thắc mắc anh chàng này sẽ di chuyển và hành động như thế nào, và họ có thể lo ngại người đó có thể đẩy họ ngã, ngáng đường hoặc thậm chí là chiếm mất chỗ của họ".
Theo Jason Scott, cây bút của Bloomberg, ông Tập đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Australia, trong khi trấn an đối tác thương mại này rằng không có gì phải lo sợ về vai trò ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực.
Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc muốn đưa sự phát triển tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua sự thịnh vượng của chính nước này, trong “vòng tròn phát triển và an ninh đúng mực”.
Nhưng theo New York Times, ẩn dưới cam kết này là một thông điệp sắc lạnh, nhắc Australia rằng Trung Quốc sẽ cứng rắn trong việc bảo vệ "những lợi ích cốt lõi" của mình.
Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học quốc gia Australia, nhận định “ông Tập và các quan chức Trung Quốc rất nghiêm túc trong các tham vọng chiến lược. Về lâu dài, họ tin rằng lực hấp dẫn của kinh tế của Trung Quốc sẽ kéo Australia vào quỹ đạo chính trị và chiến lược của họ" và Australia khó mà thoát ra được.
Cũng về lâu dài, ông Tập dường như đang cố gắng lôi kéo Australia, một trong những đồng minh chia sẻ tình báo thân cận nhất của Mỹ, ra khỏi liên minh hơn nửa thể kỷ với Washington. "Chúng ta có mọi lý do để tiến xa hơn quan hệ đối tác thương mại, để trở thành đối tác chiến lược có tầm nhìn chung và theo đuổi mục tiêu chung", ông Tập nói.
Ông Obama dường như tính trước được bước đi của ông Tập. Hai ngày trước khi nhà lãnh đạo Trung Quốc xuất hiện trước Quốc hội Australia, Tổng thống Obama, trong một bài phát biểu với các sinh viên đại học nước này, cảnh báo đồng minh của Mỹ không nên quá thân cận với Trung Quốc.
Ông còn gián tiếp chỉ trích cách hành xử hung hăng của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược. "Một trật tự an ninh hiệu quả cho châu Á không thể dựa trên phạm vi ảnh hưởng, hoặc cưỡng ép, đe dọa, nước lớn bắt nạn nhỏ, mà phải bằng liên minh an ninh chung, luật pháp quốc tế và chuẩn mực quốc tế".
Australia hiện có vẻ thiện cảm với ông Tập. Báo giới Australia vốn là bên tích cực ủng hộ liên minh với Mỹ, giờ lại nhiệt tình chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông Obama, ngược lại, bị chỉ trích vì đã gián tiếp công kích Thủ tướng Abbott về cách tiếp cận của Australia với biến đổi khí hậu,  khi ông Abbott quyết định xóa bỏ thuế khí thải. Trong bài phát biểu tại trường đại học ở Australia, Tổng thống Obama kêu gọi giới trẻ nước này đòi hỏi chính phủ phải hành động nhiều hơn về vấn đề môi trường.
Ông Tập đã tới thăm Australia tổng cộng 5 lần. Với chuyến đi đến Tasmania sau khi phát biểu trước Quốc hội Australia, ông Tập đã chính thức đến thăm tất cả các tiểu bang của nước này. Ngay cả ông Obama cũng chưa thực hiện được điều đó, một nhà bình luận người Australia cho biết.
Những diễn biến trên làm dấy lên cuộc thảo luận rộng rãi ở Australia về việc lãnh đạo nước này sẽ sớm bị buộc phải lựa chọn "sóng vai" với Trung Quốc hay Mỹ.
Năm ngoái, Sydney Morning Herald, tờ báo lâu đời nhất của Australia viết rằng "sẽ đến lúc chúng ta phải chọn Mỹ hoặc Trung Quốc".
Phương Vũ

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/trung-quoc-tan-cong-quyen-ru-dong-minh-cua-my-3113084.html

Thứ năm, 13/11/2014 | 20:55 GMT+7

Cuộc họp báo chung hiếm có của lãnh đạo Mỹ - Trung

Khi được một phóng viên Mỹ đặt câu hỏi, Chủ tịch Tập Cận Bình thay vì trả lời trực tiếp lại giải đáp thắc mắc của một nhà báo Trung Quốc, sau đó mới quay lại câu hỏi ban đầu và đối đáp bằng một phép ẩn dụ.
16320697-mmmain.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua trong buổi họp báo, tổ chức tại Đại Lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AP
Theo Washington Post, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua có buổi họp báo chung, tổ chức tại Đại Lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh. Trước khi nhận được cái gật đầu từ nhà lãnh đạo Trung Quốc, các quan chức Mỹ không tự tin rằng ông sẽ góp mặt. Để thuyết phục Chủ tịch Tập tham gia sự kiện này, họ đã phải nỗ lực hết sức nơi hậu trường.
Khi ông Tập cuối cùng cũng đồng ý trả lời với điều kiện phóng viên từ mỗi quốc gia chỉ được đặt duy nhất một câu hỏi. Ngay lập tức, các nhân viên Nhà Trắng biết chính xác ai là người nên gọi. Mark Landler từ New York Times là cái tên được chọn. Nhà báo này đặt câu hỏi liệu Tổng thống Obama có cảm thấy lo lắng về làn sóng phản đối Mỹ ở Trung Quốc không. Tiếp đó, ông đặt cho ông Tập hai câu hỏi, một về suy nghĩ của lãnh đạo Trung Quốc trước chính sách "xoay trục" sang châu Á của Mỹ và một về khả năng nới lỏng hạn chế thị thực đối với phóng viên.
Tổng thống Obama cố gắng giảm nhẹ độ gai góc của câu hỏi bằng cách nói đùa rằng mình đã quá quen với việc bị báo giới chỉ trích, dù ở Trung Quốc hay Mỹ đi chăng nữa. "Đó là một phần khi trở thành người chính phủ", Washington Post dẫn lời ông nói.
Ông Obama sau đó cố gắng liên hệ với câu hỏi mà phóng viên dành cho Chủ tịch Tập. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ  không hề có ý định kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Tổng thống cũng cho hay, ông từng nói với Chủ tịch Tập rằng dù Mỹ ủng hộ quyền tự do ngôn luận nhưng nước này không bao giờ có hành động thúc đẩy các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong.
Sự chú ý lúc này đổ dồn về phía Chủ tịch Tập. Tuy nhiên, thay vì trả lời câu hỏi của phóng viên Mỹ, ông Tập yêu cầu trợ lý gọi một phóng viên khác từ China Daily, tờ báo của chính phủ Trung Quốc. Người phóng viên này đặt câu hỏi về việc Trung Quốc nhìn nhận vai trò của mình như thế nào trên trường quốc tế.
Washington Post cho rằng ông Tập trả lời như thể đọc một đoạn văn được viết sẵn. Ông cũng được thấy chăm chú viết gì đó trên một mảnh giấy trong khi Tổng thống Obama nói với phóng viên. Kết thúc câu trả lời, ông Tập quay lại với thắc mắc của Landler quanh vấn đề tự do báo chí.
Không trực tiếp giải đáp thắc mắc của phóng viên, Chủ tịch Tập lại sử dụng một phép ẩn dụ. Ông cho biết, một chiếc xe bị hỏng trên đường thì người tài xế cần bước ra khỏi phương tiện và tự kiểm tra xem những hư hại mà mình gây ra là gì. "Ở Trung Quốc chúng tôi có một câu, đại ý rằng: ai gây ra chuyện thì phải tự mình giải quyết", Washington Post dẫn lời ông nói.
Một trợ lý khác ngay sau đó tuyên bố buổi họp báo kết thúc. Các đoàn đại biểu rời đến một hội trường rộng để dùng bữa trưa. Tại đây ông Tập đã đề nghị nâng cốc cùng với ông Obama.
Vũ Hoàng (theo Washington Post)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-hop-bao-chung-hiem-co-cua-lanh-dao-my-trung-3106710.html

Thứ tư, 5/11/2014 | 09:05 GMT+7

Kerry: Quan hệ Mỹ - Trung định hình thế kỷ 21

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ giúp định hình thế kỷ 21 và nó cần được "kiểm soát cẩn thận".
063-458384112-7881-1415145601.jpg
Ngoại trưởng John Kerry thảo luận về quan hệ Mỹ - Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao, Đại học John Hopkins hôm 4/11. Ảnh: AFP.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ "đóng góp nhiều trong việc quyết định hình dạng của thế kỷ 21", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua phát biểu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao, Đại học Johns Hopkins, ở Washington. Phát ngôn của ông được đưa ra trước khi ông bắt đầu chuyến công du châu Á Thái bình dương, trong đó có chặng dừng chân ở Trung Quốc.
Hai cường quốc "có cơ hội để thiết lập lộ trình mang tính xây dựng trên nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến thương mại toàn cầu", ông Kerry nhấn mạnh. Quan hệ hai nước cần được kiểm soát và định hướng cẩn thận "bằng một tầm nhìn chiến lược lâu dài, tích cực làm việc, ngoại giao tốt và các mối liên hệ tốt".
Theo ngoại trưởng Mỹ, chính sách về Trung Quốc của Mỹ được xây dựng trên hai trụ cột. Các mục tiêu gồm "quản lý mang tính xây dựng những khác biệt và hợp tác trên những vấn đề mà hai nước đều có lợi ích". Tuy nhiên, Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh về căng thẳng khu vực và vấn đề nhân quyền.
"Chúng tôi sẽ có quan điểm mạnh mẽ về cách theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và cách giải quyết chúng", ông Kerry nói, cho biết thêm rằng Mỹ "quan ngại sâu sắc" khi căng thẳng trong khu vực gia tăng ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Washington cũng thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề tin tặc và vi phạm sở hữu tài sản trí tuệ có liên quan đến chính phủ Trung Quốc.
Trong chuyến công du châu Á, Kerry tới Bắc Kinh dự hội nghị ngoại trưởng châu Á - Thái Bình Dương, chuẩn bị cho Tổng thống Barack Obama sang Trung Quốc dự hội nghị cấp cao APEC vào tuần tới.
Như Tâm

Geen opmerkingen:

Een reactie posten